Sáng tác
Có đóa trà chết đêm qua
1. Chị hàng xóm mới dọn nhà đến khiến Liên nhớ ngay tới nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết “Trà hoa nữ” cô yêu thích. Chị tên Trà My, tên một loại hoa đẹp, buồn, thơm se sắt lòng. Chị làm ở quán bar Viễn Dương nổi tiếng bên sông Sài Gòn. Cả ngày ở nhà ngủ nướng, ưỡn ẹo đi mua sắm hoặc đánh tennis. Chị có hai đứa con gái, mỗi đứa có hẳn một ông bố khác nhau nhưng chị chẳng có nổi tấm chồng. Giờ làm việc của chị bắt đầu từ chập choạng tối, lúc ấy chị trang điểm lộng lẫy, bất ngờ như tia nắng xế chạy xe ra khỏi con hẻm đầy những cánh dơi đen sì bay lên. Lúc chị về là 2, 3 giờ sáng. Không ai soi mói giờ giấc của người đàn bà ấy nhưng lũ chó vô duyên lại sủa nhặng xị khiến không ai không biết.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Xuất xứ ấy khiến chị dường như không được lòng cả con hẻm vốn bình lặng từ trước tới nay. Chỉ có Liên, làm thợ may trong hẻm, vốn quen thói đon đả chào mời khách khứa nên với chị, Liên cũng luôn tươi cười. Bất đắc dĩ, chị hay qua lại niềm nở với Liên, lúc cho cô thỏi son, khi hộp phấn. Phần nhiều Liên phải từ chối vì màu sắc rực rỡ không phù hợp tính giản dị của cô. Có lần, nể quá Liên đành nhận. Khi chị về, Liên xem kỹ thì phát hiện thỏi son ấy đã hết hạn sử dụng cách đây 2 năm! Gặp những hôm có chuyện gì khó ở, bực bội, Liên cũng bất đắc dĩ phải nghe chị chửi đổng trước cửa tiệm nhà mình.
Mẹ chồng nhắc khéo Liên không nên dính vào loại đàn bà ấy làm gì, kẻo mang vạ vào thân. Chồng Liên đang ngồi xem bóng đá, quay lại cau có: “Hai mẹ con im lặng cho con theo dõi nốt trận này. Chuyện ai kệ họ. Mình không đụng người ta thì không ai đụng mình”. Nguyên tắc sống của anh là thế. Anh ở cuối hẻm nhưng ai đến đầu hẻm hỏi nhà Liên thì người ta còn biết, hỏi nhà Phi – tên anh thì không ai biết. Mẹ nhắc Liên cũng có lý do. Hàng xóm trong con hẻm, chưa ai không gặp chuyện phiền hà với chị Trà My. Mới sáng nay, một bà giáo già nhắc chị buổi tối về chịu khó dắt xe vào hẻm hoặc hạ ga nhỏ thôi; hẻm nhỏ, tiếng xe to bà không ngủ được. Chị không trả lời mà lườm nguýt rõ dài. Khi bà giáo hưu trí đã quay đi, Liên nghe chị nói với hai đứa con gái: “Con già ấy, bây giờ đòi ngủ, hai ba năm nữa ngủ luôn mới thấy tiếc sao hồi thức được lại không chịu thức”. Mẹ chồng Liên lầm rầm chửi vừa đủ nghe: “Cái con mất dạy”. Liên cố vớt vát: “Có khi chị ấy chỉ ác miệng chứ không ác tâm”. Chồng ngồi gần đó cũng tham gia lấy lệ: “Em chỉ hay nghĩ tốt cho người khác, tập nhìn thẳng vào vấn đề đi”.
Nói gì thì nói, hàng xóm như chị chuyển đến xóm này, ai cũng xem đó là vấn đề lớn. Liên cũng thấy rõ, từ khi có chị con hẻm đã ồn ào hơn. Đàn ông trong hẻm biết liếc dọc liếc ngang mắt đưa tình hơn; còn đàn bà biết ngấm nguýt, hờn ghen nhiều hơn. Liên thấy nhà mình vẫn bình thường khi mình không có tính hờn ghen mà chồng thì mặc kệ không quan tâm chuyện nhà khác. Có khi hỏi hàng xóm tên gì có khi chồng cũng chỉ nhớ ấm ớ.
Chị đẹp. Vẻ đẹp mặn mà và tràn đầy khiêu khích. Nhìn chị đi với hai đứa con tuổi mười bốn, mười lăm, người ta dễ hình dung ra nhà có ba chị em hơn là ba mẹ con. Cổ áo chị luôn rộng gấp 3, gấp 4 lần những người phụ nữ khác trong xóm, để lộ gần nửa khuôn ngực vun đầy, trắng lốp. Mỗi sáng, thấy chị vươn vai tập thể dục trước nhà lúc… 9 giờ. Ánh nắng đã lên cao chiếu thẳng vào gương mặt sắc nét của chị khiến Liên chột dạ nghĩ, mình còn nhìn chị mê mệt thế kia nữa là cánh đàn ông. Có lúc, nghĩ chị phí hoài nhan sắc khi ngày qua ngày chỉ những buổi tối sực nức phấn son, buổi ngày ngủ dậy muộn và vào ra uể oải, Liên hỏi chị, sao không kiếm một chỗ dựa. Chị thủng thẳng nói: “Sướng nhất là dựa chính mình, dựa chính mình, có ngã cũng do chính mình, không ai lại tự làm đau mình cả”. Liên cười cười: “Chị nói như nhà văn”. “Ô hay, trước đây tao từng là học sinh giỏi văn mà lại. Nhưng giá tao không biết mình đẹp, giá tao không đẹp có khi tao thành nhà văn chứ không thành con điếm ở quán bar”. Chị cười lớn, nhưng vị chua chát chạy quanh ánh mắt.
2. Dạo này chị có chồng. Một anh Tây mắt xanh, mũi lõ, đẹp như tài tử xi-nê. Anh chàng là thủy thủ, những ngày biển lặng xuôi ngược các hải trình từ nước này qua nước nọ. Những ngày biển động neo lại Việt Nam. Anh chàng yêu Sài Gòn chẳng hiểu vì lý do gì, cho đến khi gặp chị thì chị và anh đều hiểu, vì Sài Gòn có chị - chị tự tin kể. ‘”Dân Ý đấy. Dân đấy là đẹp trai nổi tiếng thế giới”, giọng chị không giấu niềm kiêu hãnh. Xong, ngại ngùng như một cô gái mới lớn, chị bảo giờ chị sẽ tránh xa cái bar ồn ào, phức tạp kia, chị chuyên tâm mở cửa hàng quần áo hoặc kiếm việc làm thêm cho vui. Anh nói chị khỏi đi làm, lương thủy thủ của anh dư sức nuôi vài ba gia đình mẹ con như chị.
Liên đoán anh chàng chắc ngoài ba mươi. Đi với ba mẹ con chị lại giống nhà có bốn chị em. Thua tuổi chị nhưng anh chàng chiều người tình hết ý. Chị trở nên bé nhỏ, hiền lành và nũng nịu bên anh chàng cao lớn. Trong khi các bà hàng xóm vất vả đi làm về phải lau nhà, quét dọn, cơm nước giặt giũ hầu chồng thì chị ngồi sơn móng tay, chải tóc, anh cung cúc làm tất cả mọi việc. Thi thoảng, chị duỗi chân tay như một cô mèo lười, nhõng nhẽo gọi: “Honey à, lấy giùm em ly nước”. Anh chàng “Ok, ok cưng!”, rồi ngưng lau nhà bê nước tới tận miệng cho vợ. Không quên để lại nụ hôn tình tứ trên mái tóc màu hạt dẻ của chị. Mấy bà hàng xóm lại lắm phen ngứa mắt, phán: “Bọn nó trông phát gớm”. Chị mặc kệ, gặp ai cũng tươi cười hỏi han như chưa hề có sỉ vả, nhiếc móc nhau khiến ai gặp cũng phải khựng lại mấy giây tự nhủ không biết chị có làm sao không. Liên tự nhủ, không biết thấy gớm thật hay các bà đang ghen với những cảnh đấy như thiên đường nơi xa lắm. Những người phụ nữ như Liên chẳng bao giờ thấy được chồng hôn lên tóc, dù chỉ trong mơ.
Anh Tây về hôm trước thì ba hôm sau chị đã đưa về nhà ngập tràn hoa lá. Mỗi sáng, anh dậy từ 6 giờ, tưới tắm hết lũ cây khi chị còn ngủ vùi. Trên bậu cửa sổ nhà chị, những đóa trà mi trắng có, hồng có, chúm chím ngậm sương. Trước hiên nhà, hoa thủy tiên tím biếc, hoa hồng đỏ tươi tắn, lại thêm bụi lài trắng tỏa hương thơm ngan ngát. Dãy nhà không ngăn cổng cách rào nên mỗi sáng mai Liên vẫn đứng ngắm những đóa hoa tinh khôi trong nắng sớm. Chỉ hoa trà và hoa lài thường nở về đêm, lúc Liên bận bịu hàng trăm thứ việc hằng ngày, chỉ nghe thoang thoảng hương thơm khao khát lạc vào nhà chứ không thể nào nhìn ngắm.
Liên thích nhất những đóa hoa trà bên bậu cửa sổ nhà chị. Có lần đang đứng ngắm hoa, anh Tây tình cờ đi ra tưới cây nhìn thấy, bắt chuyện làm quen bằng giọng Việt lơ lớ: “Hoa này tên Trà My. Cùng tên…”, anh đưa ngón cái trỏ vào phía trong nhà, chỉ chị đang ngồi ăn sáng. Anh cười toét miệng: “Vì thế tôi thích nhất trong vườn này”. Khoảnh vườn chỉ rộng chừng 4 mét vuông loi nhoi ra trước con hẻm và trên những bậu cửa, nhưng nhìn anh Tây, Liên có cảm giác đó là cả một thế giới sắc màu thân thương. Điều cô chưa bao giờ nhận thấy ở những người đàn ông trong xóm này, ngay cả với Phi.
- Em giống Tony quá, gã ấy cũng mê hoa như điếu đổ.
- Vâng, hoa đẹp, ai không mê.
Chị khẽ nhếch môi. Hình như có phần phản đối câu nhận xét chung chung của Liên.
- Thế mà từ trước tới giờ chị không thấy em trồng hoa. Toàn trồng rau mồng tơi, rau muống làm gì không biết.
- Cho cả nhà ăn chị ạ. Bớt mua rau chợ chừng nào, hay chừng nấy. Ăn rau chợ em sợ trúng thuốc.
- Gớm, khéo lo. Sống chết có số cả rồi. Có khi ra đường mấy thằng chạy xe container mất dạy lao sầm sập vô mình thì kiểu gì cũng không tránh khỏi cái chết…
Chị im lặng khi biết lỡ lời. Liên mỉm cười chữa ngượng, kiểu như muốn nói: ‘không sao, không sao”. Bà mẹ chồng réo gọi cô vào nhà. Giọng bà hậm hực: “Nói chuyện với cái con đĩ vô duyên ấy mà làm gì”. Liên lặng lẽ thở dài. Cô không có thói quen cãi mẹ chồng hay bất cứ người nào lớn tuổi hơn mình. Dù trong thâm tâm, cô thấy mẹ thật vô lý. Chị Trà My đã thôi làm điếm từ khi có tình yêu mới. Chị cũng khát khao một mái ấm, một hạnh phúc bên chồng con như bao phụ nữ, cũng biết mua những giỏ hoa về trồng vì chồng thích thế… Đâu phải vô duyên vô ý tứ như mẹ luôn mặc định nghĩ.
Tháng ba, biển lặng. Anh Tây trở lại với những chuyến tàu lênh đênh sóng nước. Buổi sáng không ai ra tưới hoa. Liên tưới rau nhà mình xong thì tranh thủ tưới qua hoa nhà hàng xóm. Mẹ chồng phản đối: “Rỗi hơi lo việc nhà người, xóm làng người ta cười cho”. Cô chán nản buông luôn, lòng thỉnh thoảng nhoi nhót buồn khi một vài bình hoa bắt đầu rũ lá. Chỉ ba ngày sau, tất cả các bình hoa đều rũ lá. Chị ra nhìn đám hoa lả tả rơi, lá héo úa cũng không buồn lấy nước cứu chúng. Chỉ mấy bình hoa trà bên cửa sổ có tươi tắn hơn vì bàn uống nước ngay cạnh đó, chị tiện tay hắt ra. Khi thấy Liên tỏ vẻ tiếc nuối đám hoa tàn úa dần, chị bảo: “Hơi sức đâu mà chăm, mai mốt ảnh về, mua lại lứa mới đẹp hơn”. Giọng kẻ cả của những người lắm tiền.
3. Chị quay lại cuộc sống lấy đêm làm ngày những ngày anh đi biển. Lại phấn son sực nức, áo hở, quần mỏng khoe ngực tròn, đùi thon. Lại hay căng cứng mặt mày và không tiếc lời sỉ vả khi lỡ có ai vô tình đụng tới. Con người hiền lành và yêu cây cảnh biến mất hoàn toàn như chưa bao giờ từng có trong chị. Mấy bà hàng xóm và mẹ chồng Liên lại có dịp bàn tán: “Thấy chưa, mèo lại hoàn mèo”. Mấy ông chồng lại chăm ra đường ngấm nguýt nhìn, còn các bà vợ lại đá thúng đụng nia vì ghen tuông.
- Tuần tới Tony quay lại.
Chị báo với Liên. Cảm giác lạ thay, buồn nhiều hơn vui.
- Chị mua mấy chậu hoa tươi về thay đi, hoa lá trước nhà héo hết rồi, anh quay lại sẽ buồn.
Chị nhếch môi phớt lờ. Khóe mắt chị chấp chới một nỗi niềm khó hiểu. Nửa như mong ngóng chờ đợi, nửa như chẳng đặng đừng. Liên thấy thật khó hiểu, mỗi khi chồng đi công tác dăm ba ngày, Liên nhớ như người mất hồn, thấy nhà cửa vắng te, lạnh lẽo. Khi chồng sắp về, Liên vui vẻ hát ca. Khác hẳn chị, chồng đi ba tháng về lại không có cảm xúc gì cụ thể.
- Loại đàn bà ấy có chồng cũng như không. Trăm thằng chứ có phải một thằng đâu – Mẹ chồng Liên buông lời khắc nghiệt. Chẳng trách mẹ Liên ghét chị, bố chồng chết năm mẹ 28 tuổi, đầy xuân xanh vẫn ở vậy nuôi hai thằng con trai. Một đời bà không tơ tưởng tới ai ngoài người chồng đã mất.
Hôm Tony về, chẳng biết buồn không mà cứ đứng tần ngần nhìn những bụi cây tàn héo, khô gầy như mọc trên sa mạc nào đó. Trên bậu cửa sổ, những đóa hoa trà cuối cùng vừa chết đêm qua. Chị không mua lại những khóm hoa mới. Tony lủi thủi tự mình ra phố mua hoa.
Chị không ngọt ngào: “Honey à, Honey ơi…” như dạo trước. Giữa họ có một khoảng lặng. Không chịu nổi khoảng lặng ấy, anh Tây bỏ đi. Hàng xóm lại được phen bất ngờ, đoán già đoán non. Người bảo: “Chắc thằng Tây hết tiền bao nó, nó ghét đuổi đi”. Người cãi: “Chắc thằng Tây hiểu bộ mặt thật của nó nên ghét, bỏ đi”. Hôm Tony đi, Liên thấy chị đứng sau tấm rèm nhà, khóc nấc người, vai rung lên từng chập.
Tony đi được hơn một tháng, những khóm hoa mới lại bắt đầu úa màu, nhàu nhĩ. Liên thi thoảng có tưới nước cho chúng nhưng không hiểu sao chúng vẫn tàn lụi, không có sức sống. Sáng nay hình như có chuyện xảy ra trong gia đình chị. Nhà chung tường nên Liên nghe rõ từng tiếng hờn than trách móc vọng qua. Khi thấy Liên, chị ráng ngồi thẳng thớm lên chiếc ghế sofa nhưng không gượng được, lại ngã qua một bên như một tàu lá héo rũ. “Liên à, Tony chết rồi”.
Liên sững người. Mỗi sáng, khi nhìn về những khóm hoa thi thoảng Liên vẫn hình dung anh Tây ra tưới hoa. Đôi mắt xanh thẳm màu đại dương, nụ cười rạng ngời như nắng sớm. Vậy mà…
- Tony tìm chị mỗi đêm ở vũ trường. Anh ngồi một mình chờ chị. Chị đã thôi không đến đó từ khi anh quay lại. Đám bạn báo, anh chết vì tai biến. Đi nhanh quá không kịp nói gì…
“Sao chị không giữ anh ở lại?” - Liên tiếc nuối. “Ừ, chị ngu quá. Sao không giữ anh lại. Mặc kệ tất cả chứ, tới ngày nào hay ngày nấy chứ”. Chị như điên dại, móc trong túi mình cuốn sổ khám bệnh. Bệnh viện Ung bướu chỉ nhìn liếc qua, Liên thoáng rùng mình.
Chị sợ anh trông thấy tóc chị sẽ rụng từng mớ, từng mớ. Mặt chị sẽ già nua nhàu nhĩ vì bệnh tật. Chị sợ đến mức có thể dối mình, đuổi anh ra khỏi nhà với lý do bố lũ trẻ sắp quay lại, mẹ con chị sẽ ở chung với bố chúng, căn nhà này sẽ bán. Em thấy chị ngu không? Ngu không?
Chẳng có đáp án nào chung cho những câu chuyện tình, cho những lý lẽ của trái tim người đàn bà đang yêu. Liên biết vậy nhưng vẫn thổn thức những hình dung “giá như, giá như”.
Giá như tối qua đóa hoa trà my không chết. Giá như anh Tây đừng ra đi, anh vẫn mỗi ngày tưới cây, chị mỗi ngày nựng nịu “Honey à, Honey ơi, lấy cho em cái này cái kia”… Liên tin, anh ấy vẫn yêu chị, kể cả khi tóc chị rụng, da chị sạm màu. Mà chắc chẳng riêng Liên tin vào điều đó. Khi Liên thấy chị gục đầu rất lâu ngăn nỗi đau đang quặn lên là chị cũng đang tiếc nuối.
VÕ THU HƯƠNG