Sáng tác

Tản văn

Mảnh vườn tuổi thơ

11:04, 17/10/2015 (GMT+7)

Tôi luôn nhớ mảnh vườn tuổi nhỏ của mình.

Ba tôi, giống như bao người ở quê khác, rất thích trồng cây. Trong kệ sách của ba, ngoài sách về lịch sử, văn học và sách Đông y, còn rất nhiều cuốn dạy trồng và chăm sóc cây. Dưới bàn tay của ba, chẳng mấy chốc, khu đất hoang sau nhà đã là nơi hội ngộ của rất nhiều loài cây ăn trái. Và, may mắn thay, trọn vẹn tuổi thơ tôi gắn bó với chốn thần tiên đó. Tôi là đứa con duy nhất trong nhà không phải rời xa mảnh vườn ắp đầy kỷ niệm trước khi vào đại học. Trong khi anh Hai tôi mười hai tuổi đã phải xa nhà, vì năm anh lên lớp tám, quê tôi vẫn chưa có trường cấp hai, muốn học tiếp, phải xuống trung tâm xã cách nhà mười cây số, anh lại nhỏ người, hay đau ốm nên ba mẹ quyết định xin cho anh ở nhà mấy dì để đi học cho… gần. Em gái tôi, con bé Nhỏ, lên lớp mười cũng lên thị trấn trọ học, cũng vì lý do gần như với anh Hai. Còn em trai út của tôi, thì mãi mãi xa mảnh vườn năm em tròn mười hai tuổi, giữa một buổi sáng mùa xuân đất còn ẩm hơi sương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mảnh vườn nhỏ của tôi, thực ra không nhỏ lắm. Đủ để người ở đầu này gọi thì người ở đầu kia chỉ nghe thấy tiếng gọi mà không biết người đó đang gọi gì. Bờ rào, ba tôi cắm vào đó những cây chè xen với một vài loại cây dại khác. Chè cứ thế lên nhanh, hái uống không hết, nội tôi gọi cô Ba Lang sang cho bớt. Cô không hái chè chỉ để uống, cô hái bán. Từ ngày nội mất, nhà tôi không còn ai mê nước chè, những cây chè như thuộc hẳn về cô. Chỉ những ngày giỗ nội, mẹ tôi lại ra vườn lựa những lá chè xanh nhất vào nấu. Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy nội mỉm cười.

Mảnh vườn của tôi, biết kể về nó từ đâu?

Về những cây ổi sẻ hết mùa hoa nở trắng cành là đến mùa trái chín vàng ươm, chỉ nhìn thôi đã thấy ngọt lịm, giòn tan rồi. Đến bây giờ, tôi vẫn thích ăn ổi nhất, chỉ tiếc không biết tìm ở đâu những chùm ổi chín vàng, thơm ngát của ngày xưa nữa. Cái ngày xưa ấy, cũng thật xưa rồi, tôi hay tót lên rồi ngồi vắt vẻo trên cành cao, hái ổi cho vào mồm luôn. Ăn no rồi, bỗng thấy mình giống Tôn Ngộ Không đại náo vườn đào tiên, tôi nhắm mắt lại chờ… hồn bay đi chơi chỗ khác. Có một lần, tôi đang ngồi trên cành gần cao nhất gặm một trái ổi mới vừa chín tới thì nghe rắc rắc rắc, và tôi, mấy giây sau đã nằm chẹp bẹp dưới đất, và bất tỉnh. Cả nhà hôm đó không ai ở nhà, nên tôi bất tỉnh rồi… tự tỉnh, lồm cồm bò dậy, tự phát hiện mình bị tức ngực và tắt tiếng, nói không ra hơi mãi đến chiều.

Ăn không hết, tôi mang ổi ra chợ bày ở một góc ngồi bán. Nhiều hôm đắt như tôm tươi, cũng có khi phải đội ổi ế về giữa trưa nắng, đến chiều gọi mấy đứa hàng xóm qua vật ra ăn hết, với một điều kiện: Không được hái trộm ổi nữa. Gió từ vườn thổi vào, mát rượi, hương ổi đưa nhè nhẹ, lành lành.

Mảnh vườn của tôi. Tôi nhớ những bụi thơm nhiều gai ở góc hàng rào, thỉnh thoảng lại lặng im tặng tôi món quà bất ngờ. Chỉ là đi quơ củi khô vào nhóm bếp, lại phát hiện ra màu vàng rực rỡ của trái thơm chín ửng. Ba tôi thường kể sự tích trái thơm cho tôi và bé Nhỏ nghe. Rằng ngày xưa có một cô gái làm biếng, mẹ sai lấy thứ gì cũng giả vờ hỏi “ở đâu, con không thấy”, bị mẹ rầy mà biến thành trái thơm có nhiều mắt. Tôi cũng có hơi sợ phải biến thành trái thơm, nhưng con nít chẳng lo nghĩ lâu được, vẫn làm biếng như thường. Nhà tôi có một con vịt, cứ sống lầm lũi, sáng nào cũng đẻ một quả trứng cạnh bụi thơm sát tường nhà. Con vịt ấy từng bị xe tông gãy cổ, lại sống rất lâu, đến năm nó sáu hay bảy tuổi, mẹ tôi thấy nó đã quá già, lại chẳng có ai bầu bạn đành hóa kiếp cho nó. Con vịt ấy, là một phần của tuổi thơ tôi, cũng là một phần của mảnh vườn. Vì, còn hơn tôi, nó dành hết cả đời để chui rúc không thiếu chỗ nào trong mảnh vườn ấy, và đẻ không biết bao nhiêu là trứng, cho tôi.

Ba tôi trồng nhiều loại cây ăn trái khắp vườn. Nhưng có một loại cây, chỉ mình nhà tôi có vào thời ấy là loại bơ sáp. Tôi nhớ cây bơ phía đầu hè, có cành to và thấp. Những buổi trưa, tôi trèo lên, nằm gác cẳng mơ màng. Tôi còn trốn mẹ đem cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” ra nằm đọc say sưa, vì mẹ cấm tôi đọc cuốn này. Dở người nhất là những lần tôi móc hai cẳng chân vào cành cây rồi chốc ngược đầu xuống đất, lè lưỡi, rồi cười nắc nẻ. Mẹ tôi bắt được, quát: “Có xuống ngay không?”. Còn cây bơ ở phía vườn sau lại cao ngất, tôi hay trèo, chẳng nhớ để làm gì, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần hình ảnh cây bơ đó hiện lên, tôi lại nhớ đến truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” của chú Nguyễn Nhật Ánh.

Hồi ấy, quê tôi không có bơ nên cũng không ai biết ăn bơ. Mẹ tôi thì biết. Những mùa bơ đầu tiên, quả rất to, ba quả bơ đã nặng hơn một ký lô, có khi hai quả đã đầy một ký. Mẹ bảo tôi mang sang biếu cho mấy nhà hàng xóm. Nhưng hình như chúng đều bị vứt đi. Sau này, khi người quê tôi biết ăn bơ rồi thì những cây bơ nhà tôi cũng chết cả. Không chỉ bơ, vườn ổi, rồi vườn chanh, cả những cây mận trĩu trái, cây mãng cầu mà anh Hai tôi thường treo trên cành nó những chiếc lồng chim, cũng chẳng sống được mãi. Vì dưới lớp đất mịn màng kia là lớp đá dày, khi rễ cây đâm sâu vào lòng đất, sẽ chẳng hút được dưỡng chất nữa. Nên đến những năm tôi lên cấp ba, vườn hầu như chẳng còn cây ăn trái thân gỗ nào ngoài loài mít gan lì.

Mảnh vườn của tôi. Giờ ba mẹ đã trồng thay vào đó một vườn keo lá tràm, loài này không sợ đá, mà cũng chẳng cần phải chăm sóc gì. Ba mẹ đi thăm con cháu lâu ngày về cũng không sợ bị trẻ con lẻn vào hái trộm. Chứ ngày xưa, chỉ cần đi coi ti-vi ở xóm trong vài tiếng về là chanh bị vặt sạch, mấy tên trộm chẳng chừa cả trái non.

Tôi thật may mắn vì mảnh vườn còn đó, dẫu không vẹn nguyên mảnh vườn tuổi nhỏ thì nó vẫn còn. Để mỗi lần dắt con trai về thăm ngoại, tôi hay đứng bần thần bên những cây bời lời mọc ở góc rào để nhìn những chùm quả nhỏ. Mà ao ước một lần nào đó, đi chặt trảy về làm súng, hái bời lời làm đạn bắn vào bụi chuối chơi (chứ giờ sao còn can đảm bắn súng bời lời vào ai nữa). Rồi chẳng ngại ngần cầm rựa, leo lên đứng trên một cành to vạc vỏ cây, vạc dần xuống gốc mà bán lấy tiền mua cà rem đá cầm hai tay hai cây mút lấy mút để.

Tôi chỉ cho con trai chỗ ngày xưa cậu Hai nó ngồi chặt hột xoài làm cối xay cho tôi, chỗ dì nó bị trượt chân ngã khi mang guốc của bà ngoại chông chênh ra gốc quýt, phải may mấy mũi mà không kêu một tiếng. Tôi kể cho con trai về con sóc nâu đuôi dài thỉnh thoảng vẫn ôm trái xoài chín chạy ngang qua chỗ tôi đang đọc oang oang bài tập đọc.

Tôi cũng sẽ nói với con trai, chính nơi đây chứ không phải bất kỳ thắng cảnh nào, là nơi tôi muốn được trở lại nhiều lần nhất trong đời.

NGÔ THỊ THỤC TRANG

.