Bà Hai bán chè trôi nước là người lớn tuổi nhất ở cái xóm Lở này. Xóm Lở nằm dưới chân cầu Nàng Hương. Cầu đúc xi-măng vừa được chính quyền địa phương nâng cấp làm to rộng và chịu lực hơn cái cầu cũ.
Dưới chân cầu có chừng hơn năm chục nóc nhà nằm dọc bờ sông. Bà Hai là một trong số ít người đầu tiên đến dựng nhà ở đây. Bà kể, hồi chạy loạn chiến tranh, dân buôn gánh bán bưng, dân bốc vác, dân thợ thuyền… sống chui nhũi như con trùn, con dế. Theo thời gian, nhiều người tứ xứ về ngụ cư và nhóm họp thành cái xóm Lở như ngày nay. Đây là xóm đặc biệt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nó đặc biệt, bởi người xóm Lở dù có đi làm ăn xa tận đẩu, tận đâu thì rồi họ cũng quay về. Ngộ! Dù thành công hay thất bại, họ vẫn hướng về nơi sinh ra và lớn lên hoặc là nơi rất nhiều năm đã trú ngụ, sản sinh bao nghĩa bấy tình ấy mà về.
Người xóm Lở trọng lời hứa, quý nhau và đối đãi với nhau như anh em một nhà. Cho nên nết ăn nết ở của từng người ra sao thì người trong xóm Lở ngầm hiểu biết hết. Cả xóm không ai là không biết tiếng rao của bà Hai bán chè trôi nước. Tiếng rao ngọt trong mà vang xa gợi nhớ những trưa hè lao xao trong gió có tiếng con cu gáy, con gà cục tác sau vườn, con lợn ủn ỉn đòi ăn, con cá đớp mồi dưới ao bèo…
Tiếng rao của bà Hai gieo cái nhớ quay quắt cho biết bao người đi xa thèm trở về xóm Lở. Từ bà Hai toát ra lời ca dao, hò, vè mà thuở nhỏ tôi đã nhiều lần nghe, riết rồi thuộc lúc nào cũng không biết, chỉ nhớ là không thể quên được giọng vè của bà.
Nghe vẻ nghe ve
Đây chè trôi nước
Viên nhỏ gánh trước
Viên lớn gánh sau
Ai bụng đói mau
Nếm qua chén nhỏ
Thấy lòng chưa thỏa
Chén lớn bà thêm
Phận bà chân yếu tay mềm
Giúp người no dạ (chắc) chẳng
phiền gì ai
Tôi còn nhớ hoài dáng ngồi múc chè của bà Hai. Thường thì hai chân bà quỳ, múc chè xong thì hai tay bà nâng chén đưa cho khách. Bà nói, không phải bà ra vẻ để khiến cho người ta thương hại, mà thật lòng bà luôn đội ơn những ai nếm qua món chè của bà. Đâu có lạ gì, người ta ăn chè thì cũng như họ đang giúp bà có tiền để mua gạo vậy. Gánh chè của bà gọn, sạch, có khăn đậy điệm đàng hoàng. Cái nồi chè theo năm tháng cứ bóng loáng lên dưới bàn tay cần mẫn của bà.
Chiếc áo bà ba với cái quần màu đen luôn là bạn đồng hành của bà Hai suốt bao nhiêu năm qua. Tiền bán chè bà cuộn lại, bỏ vô cái khăn mùi soa. Sau đó, bà Hai lấy cây kim tây xiên ngang túi. Tiền đã quấn lại kỹ trong từng nếp gấp của khăn mùi soa, đừng hòng rời khỏi túi.
Chị Mừng – con của bà Hai – là người chơi thân nhất với tôi lúc đó. Vậy mà, chị biểu tôi đừng có ghé nhà thường xuyên. Bởi lần nào tôi tới chơi xong rồi về thì chắc rằng chị Mừng bị má rầy. Bà Hai nói chị Mừng ham chơi quên cả việc nhà, không phụ bà nấu chè trôi nước.
Bà càu nhàu, nếu mai mốt tao chết thì sao hả? Lúc đó thì bây sao biết được rành cái chuyện nấu chè trôi nước bán cho người ta ăn ngon hả? Bây giờ không chú tâm học nghề gì ráo. Chị Mừng líu quíu dạ… dạ… rồi kiếm cớ cầm cái chổi quét nhà, lau bàn ghế cho mau để khỏi bị má nhằn nhì. Còn tôi thì thấy sao bà Hai khó chi mà khó quá vậy.
Có lần tôi hỏi bà Hai, sao không bỏ cái cối đá đi, ra chợ xay bột bằng máy hoặc mua bột gạo về nấu cũng ngon vậy. Bà lắc đầu và nói, đúng là con nít, bây mà biết cái gì. Cối đá xay bột mới nhuyễn, mới thơm, quen tay rồi bỏ sao đặng.
Mà nó cũng là kỷ niệm từ xưa, cái thời mà tao với ông Hai vui ngày ngày bên cối đá cùng nhau xây bột. Ổng theo Tổng khởi nghĩa Mậu Thân rồi đi mãi. Giờ thì chỉ còn di ảnh của ông Hai nằm chơ vơ trên cái tủ thờ. Ai nỡ chối từ cái dĩ vãng đó chứ, con.
Mà chuyện nấu chè thì mỗi người một cách con à, nhưng con ăn chè của bà thì thấy có giống chè trôi nước đã ăn ở chợ huyện hay là của dì Sáu ở xóm trên hôn? Tôi biết chắc một điều là không ai nấu chè trôi nước ngon hơn bà Hai, nhưng vẫn cứ gãi đầu giả bộ ngó lơ và lí nhí nói, con chỉ ghiền lời rao của bà mà thôi. Bà Hai cười mắng yêu, tổ cha bây!
Hèn gì, tôi thấy cái lược gỗ của bà Hai bị mẻ hai cái răng, vậy mà xưa giờ bà vẫn chải đầu bằng cái lược đó. Thì ra đó là kỷ niệm giữa bà với ông Hai. Chị Mừng kể, tôi mới biết. Hồi đó, ông bà yêu nhau sâu đậm quá. Tình yêu ngày trước họ vẫn đeo mang tới giờ. Đẹp thật!
Bà Hai kể cũng lạ, có hôm tôi đang nắn viên chè tiếp với chị Mừng, còn làm cái nhưn thì tôi thua. Tôi tò mò hỏi chị việc đó. Chị Mừng nói, chắc bây giờ học nghề để sau này nối nghiệp. Bà Hai nghe, liền quát, ngu vừa thôi, ai đời lại không mơ làm ông này bà kia, bác sĩ hay cô giáo thì nghe còn ưng, đằng này nó đòi theo cái nghề cực nhọc buôn gánh bán bưng nè. Đúng là đồ con nít.
Nghe ba tiếng “đồ con nít” khiến tôi và chị Mừng càng thích. Vì bọn tôi biết thế nào lát nữa bà cũng múc cho chị em tôi hai chén chè thơm lừng bốc khói. Những lần như vậy chúng tôi thường không vội ăn mà hè nhau vỗ tay lặp lại lời rao của bà.
Nghe vẻ nghe ve
Đây chè trôi nước
…
Bỗng một ngày xóm Lở vắng giọng rao chè của bà Hai. Thay vào đó là lời rao của chị Mừng. Tôi nghe có người nói, con nhỏ đó bán chè chỉ rao trong họng thì ai mà nghe được. Ế cũng phải.
Về nhà, chị Mừng than thở, thấy lời rao đơn giản vậy mà không phải ai cũng rao được đâu. Lời rao nghe thu hút khách thì phải có hơi dài, luyến láy nữa. Mà phải có chất giọng trong và nhất là phải rao đúng nơi đúng lúc.
Đi ngang qua đám tang hay lúc gia đình ai đó có chuyện cãi vả thì không nên cất lời rao. Người ta đang ngủ trưa bị đánh thức bởi lời rao thì đó cũng là điều nên tránh. Dù biết vậy, chị Mừng vẫn thấy khó mà làm được.
Bà Hai chỉ còn biết thở dài. Thực tế là chị Mừng vì ngại miệng nên không thể rao giống bà Hai kiểu vè. Mà chị có đọc bài vè để rao thì thời buổi này ai nghe. Người ta như đang chú ý đến hiện tượng ca sĩ bán kẹo kéo nhiều hơn. Bây giờ các hãng bánh, hãng kem đều có nhạc hiệu riêng dành cho người đi bán lẻ. Mà giọng rao họ cũng thu sẵn trong máy cassette, nào là bán keo dính chuột, bán đĩa băng phim, nhạc và cả mua bán đồ phế liệu cũng thu âm sẵn. Giọng đâu mà rao hoài ngày này tháng nọ, khản giọng, mệt người – Chị Mừng tâm sự.
Người ta lại thấy bà Hai tiếp tục gánh chè trôi nước và rao bán giữa trưa nắng gắt gao, mà giọng vẫn ngọt thanh trong veo. Lần này chiếc đòn gánh của bà ít oằn hơn trước đây, nhưng bù lại viên chè cũng nắn nhỏ lại. Bà Hai chép miệng, không phải làm vậy để kiếm lời thêm mà chẳng qua là cho dễ bán hơn. Đứa con nít nghèo nhất cũng có thể mua chè ăn được mà không sợ bị chê là bán mắc.
Tôi thấy lạ một điều là bà Hai bây giờ bán chè mà không có rao như đã từng rao. Bà Hai nói với tôi rằng, nghe bài vè có người nói bà hoài cổ đến mức dở hơi, có người còn vạ miệng nói bà bị điên nữa chứ. Kệ, bà đành rao mỗi câu: “Ai ăn chè trôi nước… hôn…”, cho giống với tiếng rao của những người bán hàng rong. Nhưng tôi và một số người lại thấy thiêu thiếu một cái gì trong lời rao của bà Hai.
Những buổi trưa ngột ngạt nắng xiên qua cơn ngái ngủ, ai đó dậy muộn. Đâu đó lại có những cái đầu thò ra ngoài cửa và tay vẫy gánh chè. Chỉ có tụi con nít là không thích ngủ trưa. Được ít tiền, chúng chờ bà Hai tới và tụm lại ngồi ăn chè rồi khen ngon sau những trò chơi trận giả mệt nhừ người.
Cuối cùng thì tôi và chị Mừng cùng thi đậu vào đại học. Ở quê mà, đâu phải ai cũng học theo đúng tuổi. Chị Mừng tuy cùng sự học hành nhưng chị lớn hơn tôi ba tuổi.
Gánh chè của bà Hai thêm oằn vai và lúc trở trời thì cơn ho kéo dài theo gió của bà cứ nhói buốt trong đêm, nhưng bà giấu, cố giấu cho niềm vui của con gái được trọn vẹn.
Chị Mừng thi vào ngành Sư phạm như bà Hai hằng mong ước. Còn tôi thi ngành Y. Cái ước mơ xa xôi vậy mà giờ đây đã thành hiện thực.
Bây giờ bên cạnh gánh chè trôi nước của bà Hai còn có thêm xấp vé số kiến thiết. Bước đi xấp xải trong nắng, bà vào nhiều hẻm, qua nhiều xóm hơn. Chợ huyện lao xao, chợ đời nhốn nháo. Bà nuôi con ăn học từ gánh chè. Ngày cứ thản trôi.
Nhớ hôm tôi với chị Mừng chuẩn bị lên Sài Gòn học, bà Hai lại đãi món chè trôi nước. Bà vừa múc chè vừa rao nhỏ đủ để hai chị em tôi nghe. Chị Mừng rớm lệ mà nói không nên lời. Còn tôi cứ tấm tắc khen hoài bà Hai nấu chè ăn ngon, đi xa lại nhớ, hỏng biết chừng nào được về ăn nữa đây.
Làm sao có thể quên được cái vị ngọt của đường mía, vị béo của nước cốt dừa, vị cay của gừng, nhất là cái vị dẻo thơm của bột gạo, bột đậu. Những hương vị gọi là quê mùa này bà đã rao bán mấy chục năm. Tiếng rao xé gió bay thơm trên những cái đầu khét nắng của tụi con nít chúng tôi ở cái xóm Lở này. Phải chăng đó là hương vị của quê hương, nỗi nhớ đằm sâu theo năm tháng.
Nghỉ hè, tôi với chị Mừng cùng về quê. Mọi thứ vẫn không thay đổi mấy. Bà Hai đã thôi không bán chè mà chuyển sang bán bánh ngoài bến xe. Chị Mừng thấy má bán bánh ngoài bến xe ngạc nhiên, cố tình ngó lơ. Bà Hai nhìn ngang đã biết con gái nghĩ gì. Bà bước vội mời khách ở bến xe. Nắng trũng hõm mắt người đàn bà ngót nghét sáu mươi ấy. Tôi nghe lạc giọng một lời rao từ đâu đó dội về. Tôi bỗng ghét chị Mừng. Tôi bỗng nghe có gió muối xát mắt mình. Sóng mũi xè cay.
Gia đình tôi khá giả nhứt nhì ở xóm Lở, nhưng khi ra chốn thành thị học tôi vẫn cố làm thuê để tìm hiểu thêm giá trị cuộc sống. Biết sâu hơn về giá trị đồng tiền mà nơi quê nghèo mẹ cha tôi ngày ngày vẫn ôm hơn chục công đất làm ruộng. Nơi đó còn có cả mảnh vườn cây trái sau nhà, quanh năm lúc lỉu trái.
Còn chị Mừng thì cắm đầu học, ngày ngày bám mình bên đống sách của thư viện trường. Chữ thánh hiền có lẽ đã rơi rớt lại trên quãng đường từ Sài Gòn về xóm Lở rồi. Cái lặng im của chị làm tôi phát sợ trong lúc này.
Về quê lần này, tôi năn nỉ bà Hai cho tôi thu âm lại lời rao bán chè trôi nước của bà ngày xưa . Bà thở dài, có còn bán chè trôi nước nữa đâu mà rao con ơi! Mà thôi, quên đi…
Chị Mừng còn ở lại nhà tuần sau mới lên trường. Hôm tôi đi, cũng ở bến xe có khá nhiều người giúi vào tận mặt mời mua bánh, kẹo, nem, chả… Bà Hai tay cũng nem, chả, bánh mì, kẹo, xấp vé số mời khách trên xe. Bà cũng hỏi tôi có mua thứ nào ăn dọc đường. Tôi ậm ừ mua hai tờ vé số cho bà vui. Tôi lại nghĩ về gánh chè trôi nước năm nào của bà Hai.
Rồi mai mốt đây có còn ai rao bán chè trôi nước nữa không ta?!
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG