.
TRUYỆN NGẮN

Tàu đêm Nha Trang

.

Chuyến tàu đưa tôi vào Nha Trang thuộc loại khiêm cung bậc “sao” trong các chuyến tàu chạy trên đường sắt Bắc - Nam. Nó chỉ thua các chuyến tàu chở đá. Gặp đoàn tàu nào nó cũng dừng lại chào, tránh cho tàu bạn vượt qua mới tiếp tục hành trình. Khách trên tàu dù sốt ruột một tí nhưng học được hạnh kiên nhẫn, điều đã làm nhiều người thành công trên đường đời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong khoang sáu giường đã chật khách, tôi leo lên tầng 3 nơi không ai quấy rầy nằm im. Con tàu chậm rãi đi vào đêm. Ở các giường dưới có tiếng nói chuyện thì thầm, càng khuya nghe càng rõ. Giọng miền ngoài trẻ trung của hai cô gái đang rất hào hứng tranh cãi với nhau về Nha Trang và Đà Nẵng. Qua chuyện biết ngay mỗi cô là fan của một thành phố. Giọng nói và cách lập luận cho tôi biết hai cô gái này họ không là người Nha Trang hay người Đà Nẵng. Cô này nói Nha Trang đẹp nhờ vịnh, cô kia đáp trả bằng việc kể chuyện các bãi tắm Đà Nẵng. Cô kia kể về các đảo Hòn Tre, Hòn Tằm của Nha Trang, cô này lại nói về dòng Hàn Giang vắt qua Đà Nẵng. Rồi giá cả, an ninh, lòng mến khách của hai thành phố này được các cô đưa ra để chọi nhau, nghe hay hơn ở các cuộc hội thảo. Tranh luận của họ sẽ theo tôi suốt đêm nếu như sự mệt mỏi đường xa không đưa tôi vào giấc ngủ.

Tàu dừng ở ga nào đó, có người lên làm tôi thức giấc. Khi tàu chạy một lúc, tôi lại nghe được hai cô gái vẫn đàm đạo. Họ nói nhỏ lại như muốn không làm phiền ai, nhưng trong đêm tiếng nói dù thì thầm của họ vẫn nghe rõ. Họ không tranh luận về Đà Nẵng và Nha Trang nữa mà nói sang chủ đề khác.

- Bà Vân chỗ mày nghe nói dễ chịu lắm à?

- Cũng chẳng phải vậy đâu. Nhưng mà bà ấy quan tâm đến công nhân mà lại làm việc bài bản. Người mới gặp tưởng bà dễ dàng nhưng khi vào việc là nguyên tắc lắm. Cũng đúng thôi, lo cho cả ngàn con người ở hai nhà máy đâu phải đơn giản.

- Ông Phi bên tao thì khác. Người nhỏ mà có võ. Nghe nói ông học hành đàng hoàng lắm, đi Tây đi Tàu nhiều. Các sếp nhỏ sợ ông một phép. Nhà máy làm ăn khấm khá phần lớn là công của ông ấy.

- Nghe nói bà Vân có ông chồng làm nhà báo lớn lắm, mà lại giỏi nấu nướng giúp vợ, chỉ nấu rặt món Bắc thôi.

- Mày chẳng biết đâu, bận bịu vậy nhưng việc nhà bà ấy, chu đáo lắm.

- Bên mày phát lương có đúng kỳ không?

Tàu đang chạy nhanh, tiếng các cô gái lẫn vào tiếng bánh xe kít trên đường ray. Câu chuyện của họ lúc này tôi nghe không rõ nữa. Ánh đèn trên những ga xép tàu không dừng lại quét qua cửa sổ nhấp nhóa. Con tàu có vẻ bơ vơ trong đêm. Tôi không ngủ lại được vì cái cảm giác mình cũng đang bơ vơ với đoàn tàu. Tiếng trò chuyện của hai cô gái lại rõ dần:

- Mày được đi ra Hòn Nội bao giờ chưa?

- Hai lần rồi, đều do nhà máy tổ chức để công nhân được biết về nơi thờ Tổ nghề yến sào. Bữa ấy biển động sóng hơi lớn nên tao say sóng, nôn ra mật xanh mật vàng.

- Tao cũng ra Hòn Nội vài lần rồi, lần nào cũng vào ngày 5 tháng 10 năm ta, ngày giỗ Đảo chủ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trân. Đến giờ tao cũng không hiểu vì sao mà nghề yến sào lại liên quan đến một người đàn bà, mà đảo yến thì cách trở, sóng to gió lớn. Bà ấy phải là người quái kiệt lắm, phải không mày?  

Tàu lại dừng lại một ga xép để tránh một đoàn tàu ngược chiều. Việc dừng đỗ rồi lại chậm rãi bò đi không làm ai quan tâm nữa. Hai cô gái vẫn tiếp tục câu chuyện của họ.

- Nghe nói nghề lấy tổ yến có từ đời nhà Trần. Thời ấy vùng Khánh Hòa đâu phải của đất Việt?

- Mày nhiêu khê. Có một ông đô đốc thủy quân nhà Trần gặp bão lớn thuyền tấp vào Hòn Tre. Phải chờ gió nam mới về được Đại Việt nên ông lang thang các đảo, tìm thấy các tổ yến rồi thành tiên tổ của nghề yến sào Việt Nam.

- Mày nghe chuyện này ở đâu?

- Thì cứ đến ngày truyền thống là các ông trên công ty xuống nói. Nghe riết rồi nhớ, chứ công nhân mình chỉ lo là đủ ngày công, kiếm lương nuôi thân, có dư đôi chút gởi về cho bà già ở quê, chứ ai biết được những chuyện này.

Có tiếng đàn ông từ giường nằm tầng hai vọng lên:

- Các cô có biết cái nghề lục lọi chuyện cũ rồi biên ra giấy là nghề gì không?

- Chúng cháu sao biết được.

- Người ta gọi là nghề Dương Trung Quốc đấy.

- Chúng cháu không nói chuyện Tàu, chỉ nói chuyện yến sào thôi.

Có tiếng cười khúc khích trong khoang.

- Nghe chuyện biết hai cô đang làm chỗ công ty yến sào Khánh Hòa phải không?

- Đúng đó bác ạ, nhưng hai đứa cháu làm ở hai nơi khác nhau. Cháu ở nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào của giám đốc Phi ở xã Suối Hiệp, Diên Khánh còn con này ở nhà máy nước yến của bà Vân ở Cam Thịnh tận trong Cam Ranh. Hai đứa cùng quê nhưng cả năm mới may gặp nhau một lần. Năm nay tự nhiên hai đứa lại cùng trả phép một ngày.

- Các cô ở đó chắc ăn thịt yến nhiều hả?

Hai cô gái cười rộ lên, cả vài phút mới dứt được cơn.

- Vậy là bác chẳng biết gì về nghề của chúng em rồi. Ngay cả ra tận Hòn Nội, nơi có nhiều tổ yến chắc gì đã nhìn thấy yến. Mà chẳng có ai nỡ ăn thịt yến đâu. Bác đúng là dân nhà “phố”. Ông Tổng giám đốc Hoàng, có dự án giăng lưới dưới các tổ yến để chim con không rơi xuống biển.

- Có Hòn Nội chắc phải có Hòn Ngoại chứ?

- Câu này bác mới là người thông thái. Đó là hai đảo mà các thầy tổ nghề yến đặt chân đến đầu tiên. Hòn Nội giờ là thắng tích, có đền thờ các tổ nghề, là nơi đón khách du lịch, còn Hòn Ngoại là đảo nhiều tổ yến nhất. Trên các nhãn hàng của chúng cháu có hình Hòn Ngoại với năm con chim yến bay. Bác đã dùng hàng của công ty yến sào Khánh Hòa bao giờ chưa?

- Chưa cô ơi. Nghe nói đắt lắm, chỉ vua chúa với các đại gia mới có tiền xài thứ hàng của các cô thôi.

- Nhiều loại hàng lắm. Có thứ cũng không đắt lắm đâu. Thế bác có xuống Nha Trang không?

- Xuống chứ, mà sao?

- Thì bác ghé nơi giới thiệu sản phẩm của chúng cháu, thế nào bác chẳng mua vài thứ.

Tàu đột ngột dừng lại, qua cửa sổ tôi biết đây không phải là nhà ga. Chắc là có sự cố trên đường. Mấy năm nay tai nạn đường sắt thường xuyên hơn, đủ thứ kiểu, ô-tô vượt đường kẹp trên đường ray, người đi bộ băng đường không nhìn sau trước, một con bò ngơ ngác đứng giữa hai thanh ray, hay hy hữu hơn có người còn ngủ quên trên tà-vẹt. Tàu phanh gấp chắc lại gặp một trong các tình huống này chăng?

Năm phút sau tàu chuyển bánh. Chẳng ai nói cho biết lý do dừng tàu, cũng chẳng có ai đi qua để hỏi. Có vẻ về đêm người ta cũng ít quan tâm đến những điều xảy ra xung quanh.

Giấc ngủ đến với tôi dù trong khoang vẫn còn tiếng nói thì thầm của hai cô gái và người đàn ông. Khi tôi thức lại không gian đã hoàn toàn yên tĩnh, tiếng bánh sắt lăn trên ray cũng yên hơn. Tôi cảm thấy trống vắng khi trong khoang tàu không còn tiếng người.

Tàu đến Nha Trang lúc trời đã sáng hẳn. Tôi loay hoay lấy hành lý để xuống tàu thì hai cô gái đã ra cửa. Chắc chắn một cô bắt xe để về nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào ở Suối Hiệp, Diên Khánh, còn một cô phải về nhà máy nước yến ở tận xã cuối của Cam Ranh giáp với tỉnh Ninh Thuận, cách Nha Trang đến 75 cây số. Vậy là tôi không kịp gặp họ, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng nói.

Nhưng người đàn ông mà tôi nghĩ là đã đàm đạo với hai cô gái trong đêm cũng đang xuống tàu. Người này trán hói, tóc bạc trắng, mắt sáng, có cái răng khểnh trông giống học giả nổi tiếng Đào Hùng, nhưng không hiểu vì sao tôi lại không dám bắt chuyện.  

THÁI BÁ LỢI

;
.
.
.
.
.