Hồi nhỏ, tôi rất thích cây mận. Đất quê nhiều cây ăn quả; thứ nào cũng ngon, cũng khiến con nít thấy ham; vậy nhưng, với tôi, cây mận luôn là nhất; me, xoài, ổi, khế… đều không sánh bằng! Nhà tôi vườn rộng nên hầu như có đủ các loại cây ăn trái thông dụng; chỉ mỗi cây mận là không. Nhà thằng bạn cùng xóm có cây mận.
Mùa tới, trái lúc nhúc sai rật, chín ngả đỏ au nhìn rất mê. Lâu lâu được bạn nổi cơn hào phóng rứt cho vài trái cũng rất mê. Không chát ngầm hoặc chua đến… té đái như các loại ổi, xoài, me (lúc còn non); vị mận luôn là một thứ vị nhẹ nhàng; có chát chua cũng chỉ chát chua ở mức độ… vừa vừa, ngay cả khi non cũng có thể ăn chơi.
Còn chín thì khỏi nói: ngọt, mát, mềm, lại bụ nước; cứ rồn rột mà nhai, nhai hoài không ngán, đến no! Mẹ, mẹ ơi, hay nhà mình trồng thêm cây mận… Dẹp, mận mung gì! Sâu lắm con… Năm lần bảy lượt nài nỉ mẹ - đến gãy lưỡi - mẹ cũng nhất định không với cái lý do: cây mận sinh sâu. Sâu gì sâu! Cây nào mà chẳng sâu?
Mẹ thật vô lý; không thương, không muốn chiều mình nên kiếm cớ nói khó khăn đây! Và thật; trong những giấc mơ tôi, tôi thấy mấy cây xoài cây ổi nhà mình lúc nhúc đầy sâu; còn cây mận nhà thằng bạn không sâu bọ gì hết trơn, trái lúc nào cũng lúc lỉu đỏ au, căng bóng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ngày vợ chồng tôi lẻ mẹ, ra cất nhà riêng, việc đầu tiên tôi làm là xin ngay cây mận con về trồng. Xới đất, bón phân, cắm cây, tưới nước hằng bữa; tôi dồn hết nỗi khao khát ấu thơ thèm một cây mận của riêng mình vào công sức đổ ra chăm sóc cho cây lớn nhanh, thật nhanh.
Quả không phụ người; chỉ năm trước năm sau, cây đã ra hoa, bói quả. Rồi cũng tới ngày mận chín đỏ. Chấm muối, đưa lên miệng những trái mận đầu tiên, thật tình cảm giác của tôi chắc… không khác là bao so với anh chàng Nhikolai Ivanưts trong câu chuyện “Khóm phúc bồn tử” của nhà văn Nga Anton Chekhov; nghĩa là ngon; rất ngon…
Những mùa mưa nắng qua đi. Cây mận ngày càng vươn cao, xòe “chiếc ô lá” sum suê. Những mùa mận ra hoa, đậu quả nối tiếp nhau. Hoa ngày càng dày, quả ngày càng sai; và cơn thèm mận của ông chủ (là tôi) cũng ngày càng lùi xa; xa lắc xa lơ - đến mức chỉ còn le lói như một vệt hồi quang mong manh những lần hiếm hoi ông-chủ-tôi có chút rảnh rang để ngược dòng ký ức! Có điều, giờ thì câu nói của mẹ tôi xưa đang bắt đầu ứng nghiệm.
Giờ thì tôi tin là ngày xưa mẹ không phải không thương tôi, không phải bịa chuyện sâu bọ để “hù” tôi. Cây mận quả dễ sinh sâu; và, hơn nữa, sinh rất nhiều sâu. Liệu có phải cái hiền lành, bụ bẫm, ngọt ngào mơn mởn của lá, của hoa, của trái (những thứ làm tôi yêu cây mận) quyến rũ, gọi mời họ hàng nhà sâu hơn các loại cây ăn trái anh em?
Không rõ; nhưng - mùa cây đơm hoa, đậu quả, sâu bò hàng đàn, lổm ngổm trên cành, đu trên thân, rớt xuống gốc, còn bò cả vào sân, vào nhà. Vợ tôi vốn hãi sâu; ra vô, hễ gặp sâu là hét váng, chạy thục mạng. Còn chuyện mon men ra gốc mận để quét dọn thì… thôi, khỏi tính, không-bao-giờ! Phun thuốc mấy lần sâu không hết, còn sợ ô nhiễm môi sinh (do cây mận đứng gần nhà), tôi đành phải đi tới cái quyết định khá buồn, đoạn-tuyệt-cùng-khát-vọng-tuổi-thơ: kêu người chặt bỏ!
Ngày cây mận bị đẽo gốc bằng rìu, kêu răng rắc xé ruột rồi đổ ào xuống, lòng tôi cũng dường đang có cái gì đổ vỡ. Vợ tôi vẻ vừa mừng vừa buồn; còn thằng con trai thì thút thít. Tôi ôm con, dỗ, ngoan, mai mốt ba trồng cho con cây khác… Hông! Con thích cây mận hà… Nhìn con, bất giác tôi thấy lại hình bóng tôi xưa; và tai tôi chợt văng vẳng câu nói ngày nào của mẹ: Mận mung gì! Sâu lắm con…
Mẹ ư? Mẹ giờ đã xa, rất xa…
Y NGUYÊN