.
TRUYỆN NGẮN

Ngọn hải đăng không đủ 185 bậc thang

.

“Những ngọn hải đăng không bao giờ rú còi ầm ĩ, mà chỉ âm thầm rọi sáng”

Dạo này thị trường rộ lên những gói snack chứa các lá thăm trúng thưởng. Đó là phương thức chiêu thị nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng thuộc phân khúc thị trường giới trẻ bên cạnh những đứa trẻ nhỏ hay ăn quà vặt. Cô sinh viên Du An vẫn duy trì sở thích mở bung gói snack căng phồng mỗi ngày để tìm mảnh thăm nhỏ lẫn bên trong. Đôi khi, những cọng snack rơi tung tóe trên mặt sàn vì nóng vội. Có khi, cô chẳng buồn nếm thử cọng nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tờ thăm trúng thưởng được chia thành ba loại. Một là những giải lớn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Hai là trống rỗng. Ba là một câu chữ đầy tò mò và thách thức người đọc. Giải bự thì An chẳng màn đến vì trước giờ cô không phải là người có duyên với các loại giải thưởng. Loại hai chiếm tỉ lệ cao vì cô thường xuyên nhìn thấy và loại ba chỉ xuất hiện với tần suất thi thoảng. Những khi đọc được dòng chữ nào trong lá thăm tìm thấy, cô cảm thấy như hôm đó trúng số độc đắc. Ngược lại, những khi tờ thăm trống không, buồn và hụt hẫng là chuyện đương nhiên.

Hầu như tất cả các “thông điệp” ghi trên lá thăm đều có cùng một cấu trúc và đều mở đầu bằng: “Không thể…”. Có khi, An tìm đọc lá thăm ở tiệm tạp hóa ngay khi mở gói snack:

“Không thể đếm được số bậc thang gỗ tại hải đăng Kì Hà”.

Có khi lại là…

“Không thể dạo quanh thành phố Königsberg (Nga) mà phải đi qua hết 7 cây cầu, mỗi cây cầu chỉ được đi qua một lần”.

Và cũng có thể là…

“Không thể lấp đầy vào cái hố bằng số cát mà mình đã tự đào lên ở Torremolonos”.

Phải công nhận, cấu trúc mà các nhà marketing đưa ra đầy hứa hẹn, đầy thách thức và gây tò mò ghê gớm. Nó khiến người ta muốn đi đến tận nơi kiểm chứng thực hư ngay lập tức để dập tắt trí tò mò. Có chăng là họ đang đùa cợt với khách hàng của họ? Vì khi đọc bất cứ câu nào lên đều nghe rất vô lí. An nghĩ những việc đó dễ, đâu đến mức phải phán chắc nịch bằng từ “không thể”. An chưa đến nơi nào được nhắc đến trong bộ sưu tập lá thăm ấy nhưng cô tự hứa với bản thân: “Sẽ có một ngày…”.

An đặt chân đến hòn đảo hình trứng khi trời vừa hửng sáng. Hòn đảo nhỏ xinh xắn chỉ cách đất liền hai mươi phút đi tàu thủy. Trên đường đến đây, An bị say sóng nhưng quang cảnh mới tinh của buổi sớm mai và khí trời của miền đất lạ làm cô bừng tỉnh. Trước khi xuống tàu, cô không quên cảm ơn anh lính hải quân bằng một giọng thân tình và cái cười mỉm cố tình che đi hàm răng đang trong giai đoạn đeo niềng. Chính anh đã giúp cô đi tàu mà không cần phải trả phí. Anh không nhiệt thành đến mức trả luôn phần cho một cô gái mới quen. Đơn giản, chủ tàu có họ hàng gần với anh. Sau chuyến nghỉ phép một tuần, anh lại trở lại đảo để tiếp tục nghĩa vụ cao cả mà từ lâu đã trở thành một phần máu thịt.

Hơn hai mươi phút đứng cạnh nhau trên tàu, cô không khai thác được thông tin gì về anh. Cả anh cũng vậy. Cô chỉ biết tên anh là tên của một hoài chim biển – Âu. Hàng tên được thêu chỉ đỏ nổi bật trên nền áo trắng. Và hẳn, ai cũng có thể biết anh là ai khi nhìn qua bộ quân phục anh đang mặc. Trở lại đảo, anh mang theo một chiếc ba lô màu xanh rêu nhẹ hẫng như chẳng chứa thứ gì bên trong. Đôi bàn tay thô thô, rám nắng lúc nào cũng bấu chặt dây đeo ba lô ở lưng, không tự nhiên.

Mặc dù không hiểu vì sao An lại chọn một nơi ít tiếng tăm như thế này làm địa điểm du lịch, anh lính trẻ vẫn hoan nghênh, niềm nở chào đón cô đến với vùng đất này.

- Nếu cô cần người trợ giúp. Cứ đến tìm tôi. Tôi thường trực ở hải đăng Kì Hà.

- Ngạc nhiên quá. Đó là nơi tôi rất thích.

- Chính nó đấy!

Anh vừa nói vừa trỏ tay về phía đông. Ngọn hải đăng hình dáng thon dài hiện lên trong tầm mắt cô. Sóng một bên đang xì xào, đánh bọt trắng xóa khi chạm bờ. Cát dưới chân cũng có gì đấy rất khác, mềm và tơi xốp hơn, An cảm nhận thế. Dường như khi đặt chân đến một miền đất mới, lòng người ta như có gì đấy đổi khác. Một ngọn hải đăng, một người lạ, thậm chí một đám cát dưới chân cũng khiến cho tâm hồn rộn rạo.

An tạm chia tay anh lính trẻ ân cần, làm một số thủ tục cần thiết để tìm nơi trú trọ. Cô bước đi trên đám cát lầy thật vất vả vì chiếc ba lô đè nặng đôi vai nhỏ nhắn. Còn Âu, anh nhìn cô một hồi lâu và trở lại tàu phụ giúp ông bác cho một chuyến đi mới rồi mới có ý định lên đảo.

Ngày đầu tiên trôi qua tại đảo không như An kì vọng. Trước khi đến nơi này, cô luôn háo hức sẽ được nằm sóng soài trên bãi cát ngập tràn ánh nắng, tận hưởng gió biển mặn chát ướp trên làn da bánh mật rắn rỏi hoặc tự tay lột vỏ những con tôm tươi rói to bằng bắp tay. Nhưng điều thú vị duy nhất là nước biển ở đây trong hơn, đến nổi có thể nhìn thấy màu sơn móng chân qua làn nước dày hơn nửa thân người. Còn về vị mặn, độ mát, nơi nào cũng giống nhau cả thôi – cô nghĩ thế.

Khi không thể nghĩ ra điều gì có thể thú vị hơn, trong đầu cô chợt lóe lên ý định muốn gặp Âu. Cô nhắm hướng và lần đường tìm đến ngọn hải đăng trẻ trung. Cô nhìn thấy Âu ngay khi còn cách ngọn hải đăng chừng vài chục mét.

- Chuyến đi thú vị chứ cô gái? – Âu mở lời chào.

- Thú vị… nhưng không như mong đợi.

- Không muốn làm cô buồn nhưng tôi phải nói, cái nơi khỉ ho cò gáy này không phải là một điểm đến du lịch đúng nghĩa.

- Ý anh…?

- Cô nghe làm gì những lời tiếp thị, quảng cáo của mấy công ty du lịch. Toàn là nới rộng khoảng cách giữa trạng thái lí tưởng và trạng thái thực tế để người ta thấy thèm muốn. Cô cứ nghĩ về những thước phim quảng cáo trên tivi xem. Bột giặt hay dầu gội đầu chẳng hạn. Có cái áo nào mà sau một lần giặt, màu nâu đất đã chuyển sang trắng tuyết đâu. Có mái tóc nào mà sau vài lần gội, hàng ngàn sợi tóc đều xếp song song tuyệt đối với nhau đâu…

Anh định nói nhiều nữa nhưng thấy mắt cô thoáng buồn, nên anh đành im lời.

- Xin lỗi cô.

- Vì chuyện gì?

- Đáng lẽ không nên làm cô thất vọng như thế.

- Sự thật vậy. Người khôn ngoan là biết chấp nhận hiện thực – giọng An ráo hoảnh và không biểu lộ cảm xúc.

- Thôi! Bỏ qua đi. Giờ tôi dẫn cô lên tháp hải đăng tham quan.

Những tiếng hắng giọng bật ra khe khẽ rồi họ cùng tiến đến ngọn hải đăng cao tương đương một tòa nhà 15 tầng. An dò dẫm bước theo Âu hệt như một con cún nhỏ theo chân chủ. Một đằng cô nôn nóng muốn khám phá bên trong, một mặt lại sợ sệt điều gì đó sẽ làm mình thất vọng.

Bên trong cái bụng của khối trụ khổng lồ, màu sơn trắng đục dễ khiến người ta lạnh và sợ hãi. An không để ý Âu đi trước, cô nín thinh, cẩn trọng nhẩm trong đầu xem có hết thẩy bao nhiêu bậc tam cấp. Những bậc thang bằng gỗ đã xỉn màu nhưng không gợi cảm giác cũ kĩ. Ngược lại, sự vững chắc càng tăng theo thời gian. Không ai nói năng gì, lặng lẽ đi vòng quanh theo đường xoắn ốc. Chỉ tiếng bước chân nện xuống bậc gỗ rồi dội quanh các góc tường, lạnh tanh như một căn phòng mới.

Đi hết bậc thang cuối cùng, cô và Âu tạt qua một ban-công nhỏ được gắn sơ sài phía bên ngoài. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn hết quang cảnh của hòn đảo và tận phía biển xa. Trời trong xanh, thoáng đãng nên tầm mắt được mở rộng đến vô cùng.

- Có tất cả 182 bậc thang hết thẩy. Mà sao lá thăm trong gói snack lại bảo là không thể đếm được? – An hỏi.

Anh phì cười vì có biết trò này qua lũ trẻ trên đảo. Những nếp nhăn nơi thái dương xếp lại thật duyên.

- Ối giời. Cô lại tin ba trò nhảm nhí đó sao?

- Vì nó mà tôi quyết định đến đây để kiểm chứng.

- Nhiều hành khách đã lên xuống mấy lượt, đếm đi đếm lại và khăng khăng là có tổng thể 182 bậc thang. Nhưng đó không phải là số bậc thang thực của ngọn hải đăng này. Và cô là nạn nhân kế tiếp. Xin chia buồn.

- Vậy lí do vì sao?

Âu do dự một lúc rồi nói:

- Dù tôi biết rất rõ lí do vì sao nhưng muốn để lại trong du khách những hoài nghi nên tôi không nói với ai bao giờ.

- Còn tôi thì sao?

Anh nghĩ ngợi gì đó, ví như muốn ra với cô điều kiện nào đó. Cuối cùng anh thẳng lời.

- Con số thực mà cô quan tâm phải là 185. Cách đây ba năm, ngọn hải đăng đã xuống cấp trầm trọng và cần được tu sửa. Mặt nền bên trong bị bong tróc và thấp hơn so với bên ngoài nên người ta đã quyết định nâng mặt nền lên khoảng 3 bậc thang. Tức là cho đến giờ, ba bậc thang ấy vẫn còn bị chôn vùi dưới lớp gạch và xi-măng dày. Đó là lí do vì sao cửa chui vào bên dưới chỉ vừa khớp một người có chiều cao trung bình.

- Vậy những gì lá thăm nói là có lí.

Câu nói với nhịp điệu đi xuống ở cuối câu, tỏ vẻ thất vọng và buông xuôi.

- Thế anh có biết vì sao các du khách không thể dạo quanh thành phố Königsberg với điều kiện phải đi qua 7 cây cầu mà mỗi cây cầu chỉ được đi qua một lần? (*) Chỉ cần sải bước và đi thôi mà.

- Không đơn giản vậy. Cái này thì phải vận dụng một chút kiến thức toán học.

- Tôi thì không giỏi toán chút nào.

Anh lại tận tình giải thích cho cô, còn cô vênh tai lắng nghe, cái đầu lúc lắc như một chú chó xù nhỏ. Thành phố này được bao phủ hoàn toàn bởi sông và để đi lại với các thành phố khác, người ta đã xây dựng tất cả 7 cây cầu xung quanh. Giả thiết mà lá thăm đưa ra không đơn giản như cô nghĩ. Nó giống với trò chơi đố vui nối các đoạn thẳng chỉ bằng một lần đặt bút và không đoạn nào được vẽ lặp lại. Trong trường hợp này, các đoạn thẳng được thay bằng các cây cầu. Để thực hiện được điều ghi trong lá thăm, các đoạn thẳng phải thỏa mãn các điều kiện của “đường đi Euler” gồm nhiều ràng buộc và quy tắc khác nhau…

Thấy An có vẻ dửng dưng, anh biết mình đã đi quá sâu xa. Cái này dễ hiểu thôi nhưng có lẽ không minh họa bằng hình vẽ nên sẽ khó theo kịp. Anh không nói nữa, để bảo toàn năng lượng. Dù không hiểu ngọn ngành những gì Âu nói nhưng cô không còn bướng bỉnh muốn đón máy bay đến Nga để kiểm chứng cái việc dám chắc là thất bại 100%.

Cô hỏi Âu rất nhiều câu hỏi còn vướng mắc trong các lá thăm nhưng anh một mực không trả lời. Anh nói sẽ nói cho cô hiểu nếu cô quay trở lại nơi đây một lần nữa. Mặc dù không thể hiện ra nhưng trong thẳm sâu, cô mong muốn một lần được quay trở lại hòn đảo xinh đẹp này, không với vai trò một người khách lạ. Bởi thế mà người ta nói: đi đâu không quan trọng; đi với ai và đi đến với ai mới là quan trọng.

Một khoảng im lặng chết chóc dần choán lấy không gian. Bây giờ, An mới có cơ hội nhìn kỹ khuôn mặt Âu: xương xẩu, góc cạnh nhưng nhìn hiền và dễ gây thiện cảm. Đôi mắt u buồn như tố cáo anh là một người đa tình, trọng nghĩa – An nghĩ vậy. Còn An, so với những cô gái cùng lứa, cô là một tuýp người có cá tính mạnh. Tâm hồn hướng ngoại, ăn nói linh hoạt và biết dẫn dắt câu chuyện giúp cô kết giao được với nhiều người.

Ngay trên ban-công lộng gió, cô kể cho Âu nghe về chuyện một con chim suốt ngày bay lượn giữa bầu trời rộng lớn. Bỗng một ngày, con chim chợt thấy bầu trời của mình trở nên bé nhỏ và nó khao khát được khám phá những nơi mà mình chưa hề đặt chân đến. Nó bèn tìm đến một khu dân cư xa lạ. Con chim tìm đến một hốc nhỏ trên bức tường loang lổ rong rêu, tọ mọ đáp cánh rồi sợ sệt bay đi. Ngày hôm sau, nó lại đến và dồn hết can đảm chui đầu vào để khám phá điều gì đang xảy ra bên trong. Nhưng nó mãi bị kẹt trong cái hốc nhỏ hơn cơ thể của mình. Con chim chết, xác nó vẫn nằm im nơi hốc gạch, dậy mùi hôi. Rồi cô chốt: “Tội nghiệp chim nhỏ. Dù đã có bao la thế giới nhưng vẫn khao khát khám phá ổ chuột của loài người. Bí mật bên kia bức tường được đánh đổi bằng chính mạng sống của nó”. Cô tự nhận mình giống như loài chim ấy, muốn được tự do sải cánh, tự do làm mọi điều mình thích.

Lúc đó, Âu vẫn còn đang thọc tay vào túi quần, nghĩ ngợi. Như thể, mọi lời nói đều bị lẫn vào trong làn tóc bị gió đánh rối. Cả hai cùng đứng đấy cho đến lúc trời đã buông một cơn chạng vạng. Gió biển thổi lạnh đôi bàn tay chắp trước ngực An. Có điều gì đó lấp lánh trong những đôi mắt đang nhìn về phía biển.

Ngày hôm sau, anh lính trẻ gửi cô cho bác chủ tàu gửi trả về với đất liền. Tất nhiên là cô không phải tốn khoản phí đi lại. An chủ động ôm Âu một cái ôm tiễn biệt đầy thân thiết. Sóng vỗ vào mạn thuyền làm nắng vỡ ra lấp lóa. Tàu nổ máy. Âu đứng cố định còn An bị kéo về đất liền bằng một sợi dây đàn hồi vô hình. An sẽ lại bắt đầu cuộc sống bình thường như mọi ngày. Còn Âu ở lại đây, làm người đứng gác cho ngọn đèn trời mãi sáng.

Âu đứng trên cát nóng cho đến khi bóng chiếc tàu khuất vào nền xanh vô tận. An đưa mắt nhìn ngọn hải đăng lần cuối, chợt nhớ về quầng sáng tĩnh lặng trên nền đen sâu thẳm vào đêm hôm trước. Giờ đây, trong giây phút sắp phải chia xa, cô muốn nói với An một câu cuối nhưng mọi âm thanh đều rớt xuống thành những lời thì thầm và nghẹn ứ trong lồng ngực.

Có một con hải âu vừa bay ngang qua quãng trời mềm yếu và bâng khuâng.

An nghĩ thầm: “Mình sẽ chôn những lá thăm xuống một hố sâu trong vườn nhà và từ bỏ thói quen mua snack”.

NGUYỄN QUỐC VIỆT


(*) Đây là một ví dụ minh họa nổi tiếng không thỏa mãn bài toán “đường đi Euler” của nhà toán học Euler.
 

;
.
.
.
.
.