.

Về đi, phía ngào ngạt trầm thơm

.

Lê Thái Sơn (1949-2013), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là nhà thơ có không ít những bài thơ, câu thơ nghiêng xuống những mảnh đời bất hạnh, đi bên lề cuộc đời. Đó là những thân phận làm thuê đội cát, “tự dầm thân xuống bùn sâu”.

Đó là người anh, giã từ chiến trường, về hưu nhận ruộng khoán, rồi một ngày bỗng nhận ra, đứa con trai độc nhất không phải con mình, thêm bi kịch: “Anh tôi, một lần nữa trắng tay”. Đó là người phu đào huyệt: “Hay chi cái kiếp đi đào huyệt thuê”. Đó là người bạn đạp xích lô, sống với đủ hạng người, cuối cùng vẫn mong: “Cúi xin Đức Phật từ tâm/ Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe”.

Đó là thân phận cửu vạn vùng biên : “Sống nhờ, vác mướn, gánh thuê xứ người”. Những thân phận đó, ngày xuân, Tết đến:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giao thừa trời đất thơm hương
Nẻo quê thăm thẳm trên đường một tôi...

Trong văn mạch ấy, có một bài thơ xúc động lòng người, bài Ga xép chiều cuối năm:  

Đã cuộc gọi thứ mười, không lời đáp
Cuộc gọi thứ mười lăm: lặng im
Chiều cuối năm ga xép lạnh và mưa
Em run run trên ghế ẩm phòng chờ
Có gã xe ôm mặt rượu đỏ lừ
Nửa hù dọa nửa bông lơn ve vãn
Có ả hàng rong gườm gườm kề sát
Mời mọc rồi thề độc quay lưng
Đã phảng phất đâu đây mùi trầm
Mùi hương của đoàn viên, thánh thiện
Mùi hương có từ nơi em chưa từng đến
Không, từ nơi em nông nổi chối từ
Càng về chiều, mưa càng nặng hạt thêm
Em nhắm mắt bấm liều vài số nữa
Chuông vẫn đổ mà không lời đáp trả
Tiếng còi tàu hú gọi xa xa
Một chút nữa thôi đã là giao thừa
Một chút nữa thôi đã là năm mới
Em trượt tiếp trên đường ray lầm lỗi
Hay quay về phía ngào ngạt trầm thơm.

LÊ THÁI SƠN

Câu chuyện diễn ra tại một nhà ga xép trong buổi chiều cuối năm, lạnh và mưa. Không khí hắt hiu. Chỉ vài ba nhân vật, cũng buồn như ga xép. Cuối năm là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Thời khắc ấy, đối với mỗi con người, trong tâm thức, thường hướng về cội nguồn, về gia đình, có những chờ mong và đón đợi, những ước mơ và hy vọng, những gửi trao và tin tưởng. Nhân vật chính trong bài thơ là cô gái không rõ nhân thân, không rõ nghề nghiệp. Qua những việc cô làm, chắc đây là một “gái gọi”, nói theo ngôn ngữ hiện đại.

Lê Thái Sơn chọn điểm rơi rất điển hình, đó là “chiều cuối năm” tại một “ga xép”, “lạnh và mưa”. Cô gái đó, khi tờ lịch cũ đã rơi xuống, không có một quê hương để trở về, không có một mái ấm gia đình để sum vầy, đoàn viên, không có những người thân đang đón đợi. Phía xa ấy, không có ngọn lửa hồng!

Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ là một nỗi lòng. Chúng ta biết, ga xép vốn dĩ buồn, quạnh quẽ, lại vào cuối năm, càng vắng vẻ hơn, chỉ có những phận người nổi trôi, bèo bọt.

Bài thơ bắt đầu bằng những “cuộc gọi”:

Đã cuộc gọi thứ mười, không lời đáp
Cuộc gọi thứ mười lăm: lặng im
Chiều cuối năm ga xép lạnh và mưa
Em run run trên ghế ẩm phòng chờ.

Ở những phút giây của năm cùng tháng tận, công việc bộn bề, không ai còn nghĩ đến cuộc vui, cuộc hẹn, vì thế, đã đến “cuộc gọi thứ mười”, phía bên kia vẫn “không lời đáp”. Niềm hy vọng chưa tắt. “Cuộc gọi thứ mười lăm”, vẫn “lặng im”. Hai mươi lăm cuộc gọi chìm đi trong vô vọng, cô đơn. Giữa những điều không mong đợi đó, Lê Thái Sơn có một câu thơ thật nao lòng:

Em run run trên ghế ẩm phòng chờ.

Cứ tưởng tượng cảnh một chiều cuối năm, mưa lạnh, ghế ẩm, phòng chờ, không một người thân thích, đơn côi giữa đất khách quê người, cái lạnh bên ngoài và cái lạnh tâm hồn cũng làm trái tim mỗi chúng ta “run run” theo nỗi niềm cô gái. Những hình ảnh trong các câu thơ như xếp chồng lên nhau, xô lệch những cảm giác đầy xao xuyến, tái tê, đọc lên vô cùng xúc động.

Và rồi, trong bối cảnh đó, xét cho cùng, cũng đáng thương cảm, lẽ ra, vào giờ khắc này, mọi người đều trở về với gia đình, tiên tổ, vậy mà, “gã xe ôm” và “ả hàng rong” vẫn còn bươn chải, vật lộn với cuộc sống vất vả. Mỗi cuộc đời là mỗi bức tranh:

Có gã xe ôm mặt rượu đỏ lừ
Nửa hù dọa nửa bông lơn ve vãn
Có ả hàng rong gườm gườm kề sát
Mời mọc rồi thề độc quay lưng

Ba cuộc đời, ba số phận, chưa có chỗ gặp nhau. Phải chăng, khi mô tả thái độ, lời nói của “gã xe ôm” và của “ả hàng rong”, tác giả như muốn tô đậm, làm rõ thêm nỗi niềm và tâm trạng của em. Từ “gã”, “ả” có hàm ý chê trách nhưng sau câu chữ vẫn là sự đắng lòng của người viết.

Giữa khung cảnh nhuốm buồn, nhà thơ phả vào đấy mùi hương trầm, bay phảng phất và lẫn khuất đâu đây. Khổ thơ có đến ba lần nói đến “mùi trầm”, “mùi hương”, rồi nói đến “đoàn viên”, “thánh thiện”, tạo thành thế đối lập với cảnh ngộ trên:

Đã phảng phất đâu đây mùi trầm
Mùi hương của đoàn viên, thánh thiện
Mùi hương có từ nơi em chưa từng đến
Không, từ nơi em nông nổi chối từ...

Mùi hương trầm đã xua đi cái lạnh lẽo chiều đông, xua đi cái cảm giác cô đơn, khốn khổ của phận người. Chú ý sẽ thấy tấm lòng của nhà thơ kịp ghìm lại khi nói về cô gái. Tác giả đã muốn giữ lại sự thánh thiện và viết: Mùi hương có từ nơi em chưa từng đến/ Không, từ nơi em nông nổi chối từ.

Chính chữ “không” đặt ở đầu câu, giọng khẳng định, với suy nghĩ về cái “nông nổi chối từ” của em, một cô gái không phải hư hỏng, đã trở thành ngọn lửa của niềm tin, tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống. Nghệ sĩ có quyền mô tả cái xấu, song, sâu thẳm của lương tri vẫn là ánh đuốc nhân văn, thắp lên để soi đường cho con người đi về nẻo thiện. Lê Thái Sơn đã nghĩ như vậy!

Phía xa xa, tiếng còi tàu hú gọi. Chuyến tàu sang trang, chuẩn bị lên đường, kết thúc một hành trình. Mưa chiều đang đổ nhanh và nặng hạt. Chuông vẫn vang lên nhưng không có lời đáp trả. Những hình ảnh vừa có tính hiện thực vừa có tính ẩn dụ nhằm nói lên ý nghĩa của tình huống.

Tác giả đã cho nhân vật đi đến chặng cuối của con đường. Cả khổ thứ tư như một hồi chuông rung lên, báo động sự tột cùng của cô đơn và tột cùng của đớn đau, vò xé. Ngôn ngữ không thể nói gì hơn trong  cảnh ngộ này.
Khổ thơ cuối cùng, khổ thơ chia thành hai biên giới: “lầm lỗi” và “thánh thiện” diễn ra trong “một chút nữa thôi”:

Một chút nữa thôi đã là giao thừa
Một chút nữa thôi đã là năm mới
Em trượt tiếp trên đường ray lầm lỗi
Hay quay về phía ngào ngạt trầm thơm.

“Một chút nữa thôi”, nói như Thạch Lam là “sợi tóc”. Bên này là “đường ray lầm lỗi”, bên kia là “ngào ngạt trầm thơm”. Trong phút giây lựa chọn, lằn ranh quá mong manh, không dễ dàng quyết định, hoặc bước qua (trượt tiếp) hoặc dừng lại (quay về), nhà thơ đã đốt lên mùi trầm, một thứ hương thơm tinh khiết và thiêng liêng, đang ngào ngạt bay, có sức mạnh để giữ lại tâm hồn và nhân cách cô gái. Đây chính là chủ nghĩa nhân bản của Lê Thái Sơn, đúng như Lê Hoài Nguyên, bạn của nhà thơ, nhận xét: Lê Thái Sơn - Chàng thi sĩ của người nghèo khó.

Với Ga xép chiều cuối năm, Lê Thái Sơn đã gửi một tiếng nói nhân đạo vào thơ ca hiện đại Việt Nam. “Bài thơ găm vào lòng bạn đọc, những đắng cay xa xót, những vẻ đẹp trần ai… Đấy không chỉ là nỗi đau, là tấm lòng thi sĩ mà còn là chí hướng cải cách của thi nhân trước xã hội” (Lê Hoài Nguyên).

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.