Năm nào cũng vậy, tầm cuối năm dì Phương gọi điện cho tôi nói Tây Nguyên vào mùa khô rồi, trời thì lạnh mà có nhiều nắng lắm. Sau mùa mưa, dã quỳ đã bung nở vàng rộm trên khắp triền đồi. Dì nói tôi sắp xếp lên chơi với dì.
Nhớ lần đầu tiên theo mẹ lên thăm dì, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy ở Pleiku mùa đông không có mưa, dì chở tôi đi dưới cái nắng ban trưa của cao nguyên mà vẫn không thấy bỏng rát. Núi đồi bạt ngàn bông quỳ nở, cái loài hoa dại không ai trồng, không ai chăm sóc ấy đẹp đến mê mẩn mà nắng mùa đông ở Pleiku cũng lạ lắm, cứ ươm vàng như những bông quỳ. Từ lần đó, năm nào tôi cũng xin mẹ lên thăm dì cho bằng được.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Dì Phương ở trong căn nhà gỗ nhỏ trên con đường có con dốc đứng, xung quanh vườn dì trồng cây dã quỳ làm hàng rào, và cái lối dẫn vào nhà hai bên đường dì cũng trồng toàn loại hoa ấy. Có lần tôi hỏi dì:
- Sao dì trồng có mỗi dã quỳ không vậy dì?
- Ờ, tại dì thích màu vàng ấm áp, vừa như kiêu hãnh ấy, mà bông quỳ có mùi thơm hăng nồng dễ quyến rũ người ta lắm. Ngày xưa chú Sơn rất thích vẽ bông quỳ. Nhắc tới chú Sơn, nghe giọng dì nghèn nghẹn, chừng đó cũng đủ để hình dung ra dì nhớ chú Sơn đến nhường nào. Mà không chừng, có khi những bông quỳ đã nhuộm vàng những ký ức ấy.
Dì Phương là em gái út của mẹ tôi, hồi bà ngoại mới sinh dì được tám tháng thì bà ngoại mất, hơn một năm sau ông ngoại cũng theo bà ngoại về trời. Mẹ tôi bươn chải từ nhỏ nên tính khí như đàn ông, đó là ba tôi hay nói vậy. Mọi việc trong nhà từ việc nhỏ đến việc to một tay mẹ lo, và cũng do mẹ quyết định hết. Đối với dì Phương, dì xem mẹ tôi vừa là chị gái vừa như mẹ ruột.
Trong lúc tôi chuẩn bị hành lý để lên Pleiku với dì Phương mẹ cứ dặn đi dặn lại là lên đó nhớ khuyên dì về Đà Nẵng sống, dì ở một mình trên đó không có bà con thân thích mẹ không an lòng. Mẹ muốn khi nào dì nghỉ hưu thì về sống với mẹ, nếu buồn thì phụ mẹ trông coi cửa hàng bán hàng lưu niệm cho khách tây, khách du lịch. Mẹ tôi suốt ngày bận bịu ở nhà xưởng trông coi thợ, chẳng mấy khi mẹ rời xưởng may đi đâu.
Căn nhà gỗ của dì Phương lúc nào cũng thơm mùi hương trầm quyện trong không gian tĩnh lặng, dì đặt di ảnh và bàn thờ chú Sơn ở trong phòng vẽ của chú. Những buổi sớm mùa đông, gió lạnh se sắt, dì Phương dậy sớm pha ly cà-phê đặt lên bàn thờ chú Sơn rồi đứng tần ngần ngắm bức tranh vẽ những bông hoa dã quỳ mờ ảo trong sương.
Có lúc tôi đến, đứng bên cạnh gọi dì, chắc dì đã quen ở một mình nên chỉ là tiếng gọi của tôi cũng khiến dì giật mình thảng thốt. Nhiều khi biết mình tồ lắm khi hỏi dì những câu cũ rích, hoặc những câu hỏi mà như mẹ tôi nói: hỏi để làm gì cho dì Phương thêm buồn. Nhưng hễ bắt gặp dì đứng cô độc ngắm bức ảnh của chú Sơn tôi chẳng thể nghĩ ra điều gì khác ngoài câu hỏi:
- Dì nhớ chú Sơn lắm phải không?
Không bao giờ dì đáp lại câu hỏi của tôi, chỉ có ánh mắt u buồn buốt lạnh hơn cái rét như cắt da thịt của mùa đông nhìn tôi, dì kéo tôi ngồi vào bàn, bắt tôi ăn hết những món ăn dì đã làm sẵn cho bữa sáng. Dì pha cho tôi ly cà-phê sánh đặc nhiều sữa, vừa khuấy cà-phê dì hỏi tôi:
- Bé Thy có bạn trai chưa?
Chẳng bao giờ tôi giấu giếm điều gì với dì, và cứ thế là tôi kể, kể về những mối tình đã qua của tôi. Chuyện tôi giận Hải, và những ngày lên Pleiku chơi với dì coi như là dịp để thử thách và “đọa đầy” Hải.
- Dì có biết không? Hải yêu con lắm, và chiều con nữa. Nụ hôn đầu tiên Hải dành cho con là vào ngày sinh nhật của con. Nụ hôn thơm mùi cà-phê ấy khiến con tan chảy. Chắc con sẽ lấy Hải làm chồng, nhưng khi cả hai đứa tìm được công việc ổn định đã.
Dì Phương nghe câu chuyện của tôi một cách say mê, có lúc dì cười ngặt nghẽo và tưởng như chưa từng có nỗi buồn nào đi qua cuộc đời dì vậy. Rồi đột nhiên dì sững lại, buồn xo. Biết là dì lại nghĩ đến chú Sơn. Người đàn ông bị liệt hai chân, có mái tóc xoăn dài, búi gọn gàng và có gương mặt nghệ sĩ.
Người đàn ông ấy đã chinh phục dì bằng tâm hồn thánh thiện, bằng những nét vẽ đẹp đến ám ảnh. Dì đã yêu và không bao giờ nghĩ đến những bất trắc có thể đến bất cứ lúc nào trong đời. Dì đã gạt đi những lời cay nghiệt của mẹ:
- Thế giới có hết đàn ông đâu mà mày đi lấy một người đàn ông bị liệt?
- Phụ nữ chân yếu tay mềm cần người đàn ông để chăm sóc mình, để làm chỗ dựa cho mình. Lấy nhau rồi mày sẽ biết, mọi thứ sẽ sa sút hẳn sau ngày cưới, còn chưa kể đến những bất đồng, sự nhàm chán và vô số những thứ khác khiến mày vỡ mộng đấy em ạ.
Rồi sẽ có lúc sẽ ngại xuất hiện bên nhau giữa chốn đông người. Lấy nhau rồi hàng trăm thứ vật chất, cơm áo, gạo tiền sẽ khiến mày vỡ mộng ngay thôi Phương.
Dì vẫn bất chấp tất cả những điều mẹ nói, cưới dì mẹ không lên Pleiku để dự, chỉ có những đồng nghiệp của dì đứng ra lo tổ chức cho dì bữa tiệc đơn giản ngay tại nhà. Nhưng cuộc đời nhiều khi cay nghiệt quá, lúc dì Phương mang thai được 2 tháng thì chú Sơn mất vì một tai nạn.
Khi đang dạy ở trường hay tin chú Sơn gặp nạn dì hoảng hốt chạy một mạch lên con dốc cao cố đến chỗ chú Sơn, nhưng giữa đường dì ngất lịm. Sau đám tang chú Sơn, vì quá đau buồn cái thai dì cũng không giữ được nữa.
Mẹ lên ở với dì được mấy ngày, nhìn lọ hoa héo để trên bàn khô cong cả cành lá, héo đến mức những đốm mốc trắng xuất hiện trên những bông hoa ngả sang màu nâu úa. Mẹ xót xa lắm, nhưng chẳng nỡ trách móc dì như trước nữa.
Chiều cao nguyên rớt những hạt nắng cuối cùng vội vã. Dì Phương gọi tôi để đi ra rẫy với dì. Tôi nhanh nhảu lấy chiếc mũ tai bèo treo ở kệ sách của dì rồi theo dì. Gió mùa khô thốc vào mặt từng đợt, ngồi sau xe dì thỉnh thoảng tôi phải bấu vào vai dì khi xe đi qua những đoạn đường khó.
- Dì ơi, sao dì không bán rẫy đi. Một mình dì chăm cho cái rẫy thấy cực quá.
- Bán sao được con, rẫy của má chú Sơn đó. Bà mất, chú Sơn mất để lại cho dì. Bán đi sao được?
- À, Thy này, trường con học có gần trường Đại học Nông lâm không?
- Có chuyện chi vậy dì?
- Dì có quen một người đàn ông. Một ông tiến sĩ ngành lâm sinh, ông ta đưa sinh viên về đây thực địa, họ có xin dì cho sinh viên vào rẫy cà-phê để nghiên cứu gì đấy. Dì không rõ lắm.
- Ông ta gặp dì mấy lần rồi?
- 3, 4 lần chi đó.
- Dì thích ông ta phải không?
- Bậy nà, thích chi. Chỉ là dì muốn kể cho con nghe vậy thôi.
Lần đầu tiên tôi nghe dì nhắc đến một người đàn ông khác, ngoài chú Sơn. Đó là một người trầm mặc và chỉn chu. Đôi mắt ấm nồng như những đóa quỳ vàng rộm mỗi khi nhìn dì.
- Cháu nghĩ dì thích ông Tiến sĩ lâm sinh rồi đó!
- Không! Chú Sơn mất hơn 10 năm rồi, chừng đó năm dì thấy lòng mình trống trải lắm, dì không biết dì còn yêu chú Sơn không nữa, nhưng những gì thuộc về chú còn thân thuộc với dì quá.
Cả mẹ và tôi đều mong ước dì sẽ thiết tha hơn với những mối quan hệ trong đời, ước chi sự cô đơn ấy có biên giới để dì vượt qua, để cái giường dì nằm mỗi đêm đỡ rộng và mùa đông có rét buốt thế nào thì dì cũng không còn thấy buốt giá tâm can.
Sự xuất hiện của ông tiến sĩ lâm sinh dường như làm xáo động cuộc đời dì, bữa dì đang đi dạy ở trường thấy mấy đứa sinh viên chạy tới báo với dì người đàn ông đó bị rắn cắn trong rẫy cà-phê nhà dì. Sau buổi dạy, dì lên viện thăm người đàn ông ấy.
Dì bảo, nhìn thấy ông Dũng tiều tụy trong bộ áo rộng thùng thình của bệnh viện, từ tận đáy lòng dì trào lên một nỗi thương cảm. Rồi dì thay mấy đứa sinh viên chăm sóc cho chú Dũng mấy ngày ở viện khi biết chú ấy cũng đơn độc một mình vì chú đã ly hôn, hiện vợ và con gái đang ở nước ngoài.
Người ta nói chẳng sai, rồi thời gian sẽ hàn gắn những vết thương và chiếc chìa khóa tình yêu đã mở cửa cho cuộc đời của dì tự lúc nào mà dì chẳng hay. Chỉ biết ánh mắt của dì ngời sáng hạnh phúc khi nhắc đến chú Dũng, người đàn ông có đôi bàn tay ấm áp và mềm mại đã nắm tay dì hôm dì mang cơm đến viện. Người đàn ông đã khiến tim dì rung lên như lục lạc, thấy khuôn ngực nóng lên như bị lên cơn nóng sốt.
Tôi trở lại Sài Gòn, nhịp sống sôi động của thành phố ấy cứ cuốn tôi đi. Năm cuối đại học càng thêm bận bịu, chuyện tình yêu với Hải tôi cũng không giữ được sau những giận hờn, ghen tuông và trách móc. Ra trường, tôi cuống cuồng tìm việc, quãng thời gian ấy tôi như người không quen đi biển, cứ say sóng mãi. Bỗng một ngày mùa đông, nhận được điện thoại của dì Phương.
- Thy à, cháu sắp xếp lên Tây Nguyên với dì, 2 tuần nữa dì sẽ cưới.
- Dì lấy ai? Có phải chú Dũng không?
- Ừ, là chú Dũng.
Dì tắt máy, lòng tôi vui sướng và cởi mở, tôi thấy những bon chen, lo lắng về cơm áo gạo tiền của tôi chẳng còn là gì cả, chẳng là gì với niềm vui mà tôi vừa nghe. Dì Phương của tôi, người đàn bà đã chịu cô đơn chừng ấy năm như thế đã đủ rồi, người đàn bà có ánh mắt đẹp u buồn hơn mùa đông nay đã ánh lên những sắc vàng óng của cánh quỳ mỏng tang như đang lay trong gió.
Rồi dì sẽ được làm vợ, làm mẹ, dì sẽ tận tâm với chồng con. Như lời dì đã nói với tôi hôm tôi khóc khi chia tay Hải. Đàn bà chúng mình nếu biết đủ là đủ.
Ngày cưới dì, nắng sớm lên thật nhanh, tia nắng cuối đông còn e ấp, những cánh quỳ vàng xôn xao trong gió. Dì làm mâm cơm nhỏ mời họ hàng, bạn bè đồng nghiệp đến dự. Mẹ tôi bật khóc thành tiếng khi ôm gọn bờ vai dì. Sau cưới, dì chuyển vào Sài Gòn sống với chú Dũng, căn nhà gỗ và rẫy cà-phê dì nhờ người em họ của chú Sơn coi sóc.
Vào Sài Gòn, thỉnh thoảng dì rủ tôi về lại Tây Nguyên vào ngày giỗ của chú Sơn. Những lần như thế dì nói với tôi rằng: Giữa đời này, mình được gặp và gắn bó với một ai đó cũng là cái duyên trong đời. Cuộc sống dẫu dài nhưng cuộc đời mỗi người là hữu hạn. Dì sẽ không bao giờ quên những sắc vàng xôn xao của dã quỳ trên cao nguyên mê mải.
BÌNH CHI