Sáng tác
Tiếng người đã rơi
Bà khó nhọc đặt chân lên bậc thứ ba của cầu thang tầng hai, lấy làm vui bởi ý nghĩ ta đã đi được nửa đường. Nhưng tới chừng đó thôi, chân hết muốn nhấc lên nữa rồi. Bà ngồi bệt xuống, ngó đoạn đường gian khổ khi chốc nữa phải leo về tầng trệt, lại có chút hối hận vì hôm nay tự ý vượt chỉ tiêu. Giờ bò xuống sợ không kịp, con Nhi mà về thể nào cũng nhăn nhó càm ràm cho coi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhi, nhớ nấu cháo hạt sen cho bà ăn nghe chưa!
Nhi, pha sữa cho bà uống nghe con!
Nhi, sao mày để bà đi chân đất thế kia?
Nhi, nhớ đổ bã trầu cho bà!
Nhi, đừng cho bà leo cầu thang đấy!
Tội nghiệp con bé, không có bà, nó sẽ rảnh rang hơn nhiều. Sự xuất hiện của bà trong căn nhà này khiến nó quýnh quáng, vất vả ngược xuôi. Thành thử, mỗi lúc con cháu bà không có nhà, nó lại lảm nhảm làm người già như bà sướng thật. Sướng chi hả con, thèm leo lên cái tầng ba đó mà không được. Sém tí nữa bà nói toạc cái dự định ấp ủ của bà.
Chiều nay lại mưa. Trời mưa làm bà nhớ xóm Đùng da diết. Ở đây mưa thế này không biết ngoài ấy có mưa, có lạnh không. Không biết ông Lãm đỡ bệnh chưa. Ông hàng xóm của bà, cũng là đồng đội với ông nhà ngày xưa. Bận trước, ông trượt chân ngã bên thành giếng rồi nằm kiệt quệ một tháng liền.
Người già sợ nhất là nằm một chỗ bắt con cháu đi đổ bô. Chẳng thà ngã cái oạch rồi nhắm mắt xuôi tay luôn cho khỏe. Ông Lãm chấm nước mắt, nằm mấy ngày là biết nó có thương mình không, nó chẳng cho ông uống nước hay ăn canh vì đi đổ bô nhiều bắt mệt.
Nên bữa mới ngồi dậy được, ông nói vu vơ với vợ chồng đứa con trai, “bây nuôi tao lời hơn nuôi heo mà”. Là cán bộ nên lương hưu hằng tháng của ông nghe đâu hơn tám triệu bạc. Nuôi ông một tháng cùng lắm chưa tới hai triệu, quá lời còn gì.
Mấy đám nhỏ nhà ông cứ bảo nhau, ông mà chết thì thật uổng. Bà ngẫm trong bụng may mắn hơn ông, con cái bà chưa đến nỗi bất hiếu vậy, bằng chứng là từ khi con bé cháu ngoại đi lấy chồng, thằng con trai không cho bà ở một mình. Nó bắt bà vào thành phố ở với vợ chồng nó cho bằng được.
- Mẹ còn khỏe, mẹ ở một mình được, các con cứ yên tâm mà làm việc.
- Rồi mẹ ngã dúi mặt đâu ngoài vườn thì ai biết hả mẹ, sao bọn con yên tâm được.
- Mẹ không ngã được đâu, có bà con chòm xóm đây với lại tao đi nhà lạnh lắm, tội ba bây.
Với cái lý do sau cùng, thằng con chấp nhận. Nó để bà sống tự do được đúng mười ngày thì lại đánh xe ra, lần này bà buộc phải khăn gói mà đi với nó.
- Con sắp được đề bạt, không thể để hình ảnh có vấn đề được. Còn mỗi mẹ già mà để bà sống lầm lũi ở quê, mẹ coi được không? Mẹ phải vì con!
Buồn cười một nỗi là từ bữa ra phố an nhàn bà lại đau khớp, ở nhà đi loanh quanh trong vườn thì chẳng sao. Chân bà đột nhiên đau nhức ê ẩm. Con Nhi xoa bóp đâu được dăm ba phút sốt ruột hỏi đỡ chưa bà, bà nhắm mắt xua tay rồi rồi để nó còn đi làm việc khác. Bởi vậy, cái việc leo lên tận tầng ba với bà, ví như người ta đi leo núi. Họ tập luyện vất vả ra sao, bà cũng tranh thủ lúc chúng nó vắng nhà mà tập từ từ như vậy.
Ở thành phố đúng ba tháng tám ngày mà cảm giác như hơn ba năm không bằng. Mấy bữa đầu tiên bà không thể chợp mắt ngủ vì tiếng xe cộ ồn ào. Anh con trai cười, mẹ tưởng tượng thôi chứ nhà mình dùng cửa cách âm gì đó, đại loại là hiện đại lắm, không âm thanh nào lọt vô được đâu. Nó chắc như đinh đóng cột. Thế mà bà vẫn cảm giác nghe được tiếng xe nẹt pô từ đầu phố, tiếng còi ô-tô, còi xe máy inh ỏi cả tai, nghe được cả tiếng tru tréo khó chịu của con chó ngoại trước cửa nhà.
Cái giống chó nước ngoài ấy đến tiếng kêu nghe chừng cũng não nề réo rắt tợn. Nó được đứa cháu gái đi du học rồi đem từ bên ấy về. Bà há hốc mồm khi nghe con Nhi kể con chó đi mất nửa vé máy bay, về đây còn phải đi làm giấy tờ chứng minh mang họ của con trai bà. Mấy bữa nó còn nhỏ xíu, chúng không cho bà lại gần sợ bà cho nó ăn tầm bậy. Giống này phải ăn thịt bò tươi, cái miếng thịt bò một bữa nó ăn dễ chừng bằng ở quê ăn cả tháng. Bà tiếc hùi hụi khi thấy con chó thè cái lưỡi dài, ngoạm miếng thịt rồi nhai ngấu nghiến.
Cháu gái dặn bà:
- Nội đừng lại gần nó nhé!
- Nội đừng cho nó ăn lung tung!
Ờ, cái gì nội cũng phải cẩn thận. Ăn trầu đừng nhổ bã, nhổ nước lung tung. Con Nhi có nhiệm vụ canh chừng, bà mà ăn trầu thì ngồi yên một chỗ cho con nhờ. Con dâu thỉnh thoảng đi vén những rèm cửa, ngó xuống vách tủ, dõi mắt vào bờ tường xem bà có vấy bẩn mấy góc đó bằng nước trầu đỏ quạch hay không. Con dâu chắc mẩm bà đang lẩn thẩn bởi cứ hay lẩm bẩm một mình. Bà không lẫn, chỉ là thèm nói chuyện mà chúng nó toàn làm thinh nên bà nói một mình với trời đất vậy thôi.
Có lần bà hình dung chúng nó sống trong xã hội mà người với người chẳng buồn đối mặt, chỉ giao thiệp với nhau qua những màn hình cứng đơ lạnh ngắt, trao đổi cho xong chuyện chứ chả cần cảm giác hay tình cảm. Bởi nhà này đâu ai nói với nhau quá ba câu, người nói đến câu thứ tư chỉ có con bé Nhi.
Nhưng nó nói chỉ ưa nói chứ không nghe, đợi nó nói xong đã đời tới khi bà chuyện trò đáp lại thì nó xua tay con bận việc, bà đi nghỉ đi. Bà có làm chi đâu mà chúng nó cứ bảo bà nghỉ cho khỏe. Buồn tay buồn chân, bà lôi cái này cái kia ra sắp xếp, con Nhi kêu trời, mấy đồ đó cô vứt rồi bà lấy ra làm chi. Chân bà chỉ hơi đau nhức thôi chứ tay bà còn khỏe, trí bà còn minh mẫn vậy mà chúng chẳng cho bà đụng tay vào việc gì.
Cô cháu gái thức khuya và dậy trưa. Hơn mười giờ sáng, nó mới lò dò tỉnh dậy rồi ăn luôn cho hai bữa. Vợ chồng con trai bữa trưa không về, thằng cháu đích tôn cũng vậy. Thành ra, bữa cơm trưa, cơm tối chỉ một mình bà. Nhiều bữa buồn quá, bà gọi con Nhi lên ngồi ăn cùng.
Cảm giác ăn cơm một mình ở ngôi nhà rộng thênh này khác với ngôi nhà nhỏ ở quê. Ở đó, bà cũng ăn một mình nhưng không buồn như bây giờ. Nhi vừa ăn vừa cầm điện thoại cười khúc khích, chẳng biết trong đó có gì vui mà cứ hở ra lại thấy nó cắm cúi nhìn vào. Cả cái thế hệ này cứ chúi mắt chúi mũi nhìn vào những màn hình tối tăm như thế hèn chi tụi nó ít nhìn vào mắt nhau.
Mấy bữa đầu bà buồn não ruột khi đứa cháu gái đi thì thôi, về nhà lại vào phòng đóng cửa kín mít. Thằng cháu trai cũng vậy, bà cháu mà xa cách quá, tổ cha bây. Bà càm ràm đứng ở chân cầu thang chửi chúng nó khi gọi vào phòng bà mà chẳng đứa nào chịu vô.
Cô cháu gái chun mũi, tại phòng nội có mùi, mùi của người già. Không thấy bà thì thôi, cứ thấy là nó lại nhắc nội tắm chưa đấy, nội thay đồ chưa. Thằng cháu đi cả ngày không thấy mặt, tối về cũng chẳng chào hỏi ai, leo lên phòng đóng cửa đánh rầm. Con Nhi bảo thằng cu nhà này nghiện trò chơi trên máy tính nên chẳng quan tâm đến thế giới bên ngoài đâu.
Bà thấy mình đang chết chìm trong mớ mắc nghẹn và thèm được nghe. Bữa ở nhà, có ông Lãm nghe bà nói rồi đổi ngược lại ông nói bà nghe. Có khi cô cháu ngoại ngồi chống cằm nghe cả ông bà nói chuyện. Con bé đó ngoan lắm, nó khác xa với những đứa cháu nội này.
Phòng vợ chồng con trai cạnh phòng bà. Vợ chồng chúng nó đi làm xa nên sáng đi tối mịt mới về. Cô con dâu về tới nhà đã than mệt, nó tạt qua chào bà một tiếng rồi đi ngủ. Chẳng nhẽ bà sang gõ cửa, gọi nó dậy nói chuyện bởi mẹ thèm.
Anh con trai về khuya lắc, bữa say bữa tỉnh. Bao giờ nghe tiếng xe nó về, bà cũng lụm đụm dậy, xỏ dép ra đứng ngó nó ngất ngưởng vào nhà, người ướp đầy rượu.
- Anh Tân giờ mới về đấy à?
- Dạ, mẹ chưa ngủ à? Đi ngủ sớm đi mẹ.
- Ờ, mẹ chờ anh về. Mẹ…
Bà nói chưa xong, nó đã nằm gục trong phòng chẳng buồn thay quần áo. Vợ nó vùng dậy, vừa thay đồ vừa càm ràm liếc xéo bảo mẹ về phòng ngủ đi. Niềm hy vọng được nói chuyện với anh con trai cứ lần lữa bữa này đến bữa khác.
Thời đại gì thế này, sao chẳng ai nói với ai một câu. Miết, cứ không nói thế này có khi nào mất cả chức năng nói không vậy. Nhà cửa lạnh ngắt. Tiếng người đã rơi rớt đâu rồi, trên đường chúng đi làm, nơi chúng làm việc, nơi chúng vui chơi hay chỉ rớt khi vừa đặt chân ngoài cửa.
Bà rón rén đi tìm, tìm trong vô thức. Lại lẩm bẩm sao chẳng thấy vợ chồng con cái chúng mày ăn cơm cùng nhau, sao không thấy con chào cha mẹ, cha mẹ hỏi han con cái chi trơn. Con Nhi làm vẻ hiểu biết, ở phố là vậy bà ơi, ai làm việc của người nấy.
Có bữa, bà thèm nói chuyện đến tức tưởi, kiểu như người ta khát nước đến khô cổ tìm thấy vũng nước đó mà chưa biết làm cách nào để uống. Nên con Nhi tay chân loay hoay vẫn nghe bà hỏi nam hỏi bắc đến phát bực. Rau ni bó mấy con? Trời đắt dữ rứa bây. Rau ni ở nhà bà có trồng đó. Tự nhiên nhắc rồi ngồi thèm, thèm ra lụm đụm với vườn, lụm đụm với khoảnh đất trước sân.
Đợt này con trai đi công tác, cháu gái đi du lịch, thằng cháu đích tôn có ở nhà cũng như không. Con dâu bận bịu từ sớm đến tối mịt. Lẩn quẩn bên con Nhi thì nó khó chịu vì chẳng làm được gì. Bà buồn quá nên lặng lẽ đặt chân lên cầu thang.
- Mẹ lại làm gì vậy? Trời ơi, mẹ ở yên dưới này cho con nhờ. Lên trên ngã thì sao?
Bà tính nói muốn lên thắp hương cho ba tụi bây, lau dọn bàn thờ cho ông. Bà định nói nhiều nữa, cơ hội tốt mà nhưng cô con dâu ngắt lời “con đi làm mệt chết rồi, mẹ đừng bày việc cho con nữa, mấy việc đó đã có con Nhi, mẹ không phải bận tâm”.
Thả bà ngồi chỏng chơ trên chiếc ghế, nó phóng ào ra cửa rồi lại đi tới tối mịt. Vẫn chưa kịp nói với bà đến câu thứ tư, chưa nghe bà nói xong một buổi chuyện trò đúng nghĩa. Con Nhi mỉm cười, “nhà chỉ còn đôi ta thôi bà ạ”. Nó bảo muốn đi xem ca nhạc, có ca sĩ của nó về hát mà bà thế này làm sao đi. Bà xua tay, mày đi đâu cứ đi, bà tự lo được.
Bữa đó một mình bà leo lên được tầng ba. Tay run rẩy bợ lấy tay vịn, bà kéo từng bước chân ì ạch lên tầng hai rồi từng bậc một của cầu thang tầng ba. Đi qua khoảng trống mà con Nhi bảo đấy là giếng trời, nắng xiên vào lớp da thịt nhăn nhúm của bà thấy rõ cả đường gân chằng chịt. Mồ hôi vã lấm tấm, bà ngồi rạp xuống thở dốc, ngó lên vẫn còn nửa chặng đường nữa.
Nhưng không thể bỏ cuộc giữa chừng được, dễ gì bà đặt chân lên tới đây. Một chân dường như mất cảm giác, chân kia nặng như đeo đá, bà vỗ vỗ xoa xoa tự động viên mình rồi phấn chấn vui vẻ hẳn lên vì chẳng hiểu sao bò lên được tận trên này. Bà đã thấy ông, chắc ông định khen bà giỏi quá. Nhưng bà nghe không rõ, tại lâu ngày không nghe thấy tiếng ai nên tai điếc đác rồi cũng nên.
Mở mắt ra sau giấc ngủ dài, bà thấy mình nằm trong bệnh viện. Chân chẳng còn cảm giác, người nặng nề, nhấc cánh tay lên chẳng nổi. Anh con trai mắt trũng sâu, bác sĩ nói gì đó mà cả nhà chúng nó rầu rĩ thế kia. Đứa cháu gái rớt nước mắt, nó cầm tay bà lay lay gọi, nội ơi, nội. Cô con dâu cũng gọi tha thiết, nước mắt ướt cả khuôn mặt đẹp xinh trẻ mãi của nó.
Bà mừng quá, rốt cuộc chúng nó ở xung quanh đây và gọi bà kìa. Bà đảo mắt nhìn quanh gia đình thân thuộc, thằng cháu đích tôn rớm nước mắt nhìn bà nội. Tổ cha nó, con trai mà mít ướt. Bà mỉm cười, định trả lời ừ nội đây, mẹ đây nhưng gắng mãi mà không thốt ra được lời nào. Cổ họng như bị đá chèn nên đau buốt và cứng đơ, cố lắm cũng chỉ phát ra những tiếng ú ớ bất lực. Bà càng cố càng mệt, đến tiếng ê a cũng không thể nào thoát ra.
Tiếng của bà vậy là cũng rớt luôn rồi. Không biết lúc rơi nó phát ra tiếng leng keng như cái đồng xu cũ. Cũng có thể nó kêu tiếng ồn ào lắm. Mà không đâu, chắc là rớt im lìm không tiếng động, nếu có tiếng hẳn tụi nhỏ biết mà lượm lại rồi chớ.
Lúc mắt nhắm từ từ bà hình dung nơi chôn tiếng mình chắc là ở tầng ba cao ngất.
DIỆU ÁI