.
TRUYỆN NGẮN

Mười hai tầng trời

.

Ba phát súng đã nổ hồi chiều. Khói và mùi khét xộc thẳng vào mắt mũi nàng. Thực sự nàng không muốn gặp những việc như sắp phải làm của cả bản trong mấy ngày tới. Nhà Thăn mang lễ sang nhờ bố đi làm đám rồi. Bố lặng lẽ đi sắp hương, bày lễ lên bàn thờ thầy rồi bảo Thăn đứng sau để xin đi giúp. Nàng lại biết việc của mình là chuẩn bị áo và mũ cho bố.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Áo, mũ và cái kiếm bố đặt trong tay nải. Bố đi trước, Thăn đi sau và nàng đi sau cùng. Sự đau đớn không hề hiện trên mặt đứa cháu nội của nhà họ Phùng. Cụ Phùng Thị Nụm đi gặp tổ tiên ở tuổi tám mươi bảy. Là tuổi tự già tự chết, con cháu vui vì cụ tự động đi chứ chẳng phiền đến đứa nào phải giúp. Việc cuối cùng của cả bản là làm đám thật to để giúp cụ càng nhanh lên với tổ tiên càng tốt.

Nàng đến chỗ đám đàn bà giúp việc làm bếp. Lợn, gà, trâu đã đem về đủ. Nhưng chưa cúng, chưa được mổ nên đám đàn bà đang rỗi việc ngồi tán đủ thứ chuyện. Hai ngày hai đêm việc của thầy cúng là chính, còn người bản, người họ chỉ mỗi việc ăn và khóc. Thực sự nàng không muốn ngồi đây, nhưng cũng không thể đi đâu, mỗi nhà phải một người giúp đám. Nàng là người ấy cho đám này. Bố thì không thể tính là người giúp, mà là thầy cả. Em trai cũng đã từ Lùng Tao về giúp với việc là thầy ba. Em đang là người học việc cúng từ bố, nên không thể đến cùng bố. Em đi giúp đám trên Lùng Tao, gần một ngày sau mới về đến đám này.

- Này, góp củi chưa? - Cái Pháy nhếch mép hỏi nàng.

Nàng không muốn trả lời, nhưng vẫn phải trả lời, cốt để cho tất cả mọi người nghe thấy, rằng nhà nàng, tuy có hẳn hai thầy cúng nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ bản đã quy định chứ không phải quỵt gì đồ linh thiêng ấy. Và ở đám này, người mang góp cũng chính là nàng, phải tội nàng chỉ được phép mang đến lối rẽ sang bãi hỏa táng, rồi gặp ai sẽ nhờ vác đến chỗ thiêu. Cái việc vinh quang này nàng cũng không được làm nên đành ngậm ngùi rằng: “Nhờ nhà Phủ đưa về rồi”. Nỗi đau của nàng không ai hiểu, không ai cần cảm thông, vì từ xưa đến giờ mới chỉ có mình nàng rơi vào tình cảnh này.

Vào tuổi mười lăm, nàng đã bung nở như một bông hoa phéc đèng trên đỉnh Lùng Vài. Hai má nàng đỏ hơn bắp bi chuối rừng trên nền trời trắng xốp. Một đứa con gái mười lăm đẹp rực rỡ một cách bất thường đã làm cho cả bản phải để mắt tới và là chuyện đáng quan tâm nhất ở đầu nương, cuối suối.

Nhà họ Triệu tự nhiên lại mang lễ sang hỏi nàng cho thằng Tếnh. Thằng Tếnh dở dở điên điên, sao sánh được với một bông hoa chuối rừng chớm nở. Mà nhà nó ở bên kia biên giới, đâu có cùng quốc gia với bản bên này. Và nhà nàng cũng chẳng phải hèn mọn gì. Từ đời ông nội đã làm thầy, mấy bản trong vùng đều kính trọng. Vậy thì hà cớ gì nhà ấy lại hỏi nàng cho một thằng con trai dở người?

Bố nàng không đồng ý. Ông mối nhà họ Triệu cứ đặt nguyên lễ vật trên sàn mà về. Gọi thế nào cũng không quay lại, bởi đã cố tình rồi. Nhưng bố cũng không thể hiểu được tại sao nhà ấy đi dạm hỏi không được mà lại không mang lễ về. Bố chỉ dặn cả nhà không nói với ai, sợ nhỡ mọi người biết thì nhà ấy lại xấu hổ.

Nàng cũng chẳng để tâm tới việc đó. Nàng còn bận với việc lấy củi, lấy cỏ, thêu thùa váy áo và cày cấy trên những mảnh ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Chiều nào nàng cũng vừa đi chăn trâu, vừa miệt mài với từng đường thêu nhỏ tí. Thế mà ập một cái, nàng lăn tròn trên đồi. Tối tăm mặt mũi trong vòng tay một thằng nào đấy. Nàng còn nghĩ được rằng nếu cứ lăn thế này thì đến tối mới chạm chân núi. Mà chỗ ấy thì ở mãi tít dưới bản Nà Vài. Thế mà thằng nào nghịch dại thế. Biết là lăn thế này sẽ đau, mà sao nó còn nghịch. Nhưng cái điều nàng nghĩ lại chẳng như thế. Nó ôm nàng quặt ngang xuống khe giữa hai tràn ruộng. Dừng uỵch một phát, đập vào gờ ruộng, một mảnh vải chàm buộc kín mắt làm nàng tối tăm mặt mũi. Nó tuột quần rồi thúc ngay vào trong nàng. Đau thấu tim gan từ ngoài vào trong giờ lại nhói óc từ trong ra ngoài. Nàng gào tướng lên vì không hiểu thế này là thế nào. Tiếng gào của nàng đúng là to thật, lúc giật được dải vải chàm ra thì đám người vây quanh nàng dễ đến gần nửa bản. Thế mà nằm bên cạnh lại là thằng Tếnh dở người. Nàng nhận thấy cái quần đã bay đâu mất, cả thằng Tếnh cũng không mặc quần. Nó cười hềnh hệch như thằng trẻ con đần độn được cho bánh gù ngày Tết. Đám con trai bu quanh hai đứa cũng cười man dại hệt lũ mèo động đực đêm đông. Nàng sợ hãi chạy biến vào sau gờ ruộng phía dưới. Nỗi sợ chỉ là sợ bị bắt nạt, sợ xấu hổ, sợ bị bố đánh mà khóc chứ chưa thể ý thức được nàng vừa bị lấy mất cả cuộc đời. Nàng cứ cởi truồng ngồi lỳ đến khi bố tìm được và đưa quần cho mặc rồi bảo về. Nàng cũng không nhớ lúc ấy nét mặt, giọng nói bố thế nào nữa.

Từ buổi chiều ấy, bố không nói gì nữa. Căn nhà sàn đã rộng lại thêm vắng như thể nàng ở một mình. Kể từ buổi chiều ấy nàng cũng không thấy ai nói chuyện với nàng nữa. Nỗi buồn không diễn tả được của một đứa gái hơn mười lăm tuổi cứ âm ỉ lớn dần. Chỉ có điều nàng thắc mắc, mùi của thằng ôm nàng lăn xuống đồi, là của thằng làm nàng đau từ trong đau ra chứ không phải mùi của thằng Tếnh. Vậy thì tại sao khi nhìn thấy ánh sáng, thấy người thì lại là thằng Tếnh nằm bên cạnh. Rồi về sau nữa, không một ai hỏi đến nàng, cứ để nàng miệt mài với từng đường kim trên không biết bao nhiêu tấm vải lớn tấm vải nhỏ theo người khác đi xa. Chỉ còn lại người làm ra những thứ đẹp đẽ ấy ở nguyên một chỗ.

Bố dẫn đầu đoàn thầy đã làm đến những việc cuối cùng cho bà cụ Nụm. Tiếng khóc những phút cuối của đám con cháu xối vào óc đau điếng gợi nàng nhớ đến chiều nào trên đồi vắng. Hai ngày nay cứ gọi là vui vẻ để tiễn cụ về với tổ tiên. Nhưng dẫu sao đến phút cuối cùng vẫn muốn níu giữ lại người đã sống đủ cõi người. Đàn con cháu ken kín sàn nhà, cả bản gần như đều là con cháu cụ, có cả những người bên kia biên giới cũng là họ hàng. Tiếng khóc cuối muốn phá tung các vách nhà sàn chứ chả riêng gì vách phụ để đưa áo quan xuống. Đúng lúc này thì thằng Tếnh xông vào phá.

Đám đưa ra bãi thiêu không có con gái, không có con cháu trong dòng tộc của cụ. Và nàng lại luôn đứng trên ngọn đồi năm xưa nhìn đám thiêu. Không phải lần này nàng mới đứng đây mà nhìn. Cũng không nhớ là từ khi nào, chắc là từ khi nàng biết nghĩ đến âm mưu thâm độc của nhà họ Triệu đã hại nàng trong buổi chiều ấy. Nỗi khắc khoải càng được nàng dồn cho cao hơn bởi mỗi lần đứng đây và nhìn theo từng đụn lửa cuồn cuộn lên trời.

Lạ thay, giờ thiêu nào cũng vào đêm nên đám thiêu bao giờ cũng nổi rõ trên nền trời đen theo từng quầng lửa. Nàng có thể nhìn rõ từng ngọn lửa liếm vào thân thể người chết và tưởng rằng hồn người ấy đang ở đâu. Bố nàng đã làm phép để hồn cụ tách hẳn ra và nương nhờ ở bàn thờ thầy cúng nhà nàng rồi. Còn cái xác, cụ sẽ nghĩ đây chỉ là con lợn, con bò nhà ai mà thôi. Nhưng cái quan tài đã úp xuống để khỏi nhìn thấy thân thể người bị lửa ăn, thế mà nó gặp lửa lại vỡ bung ra để cho nàng nhìn thấy hết. Một đời người, để đạt được sự thỏa nguyện phải cố gắng không một ngày nghỉ và cũng không cho con cháu nghỉ, để đến cuối cùng nằm trên một đống lửa để tan thành tro rồi về với đất. Nhưng trước khi đứng đây để nhìn thấu cái mà tất cả mọi người đều nghĩ có đúng không thì nàng luôn rình nghe trộm cuộc bàn bạc xem người này người kia được thiêu bằng mấy tầng củi.

Những người được họp bàn chỉ có các thầy cúng. Ở gian buồng của chủ nhà, đằng sau bàn thờ, các thầy ngồi suy xét về việc người ấy thế nào. Nàng là người chẳng ai để mắt đến từ lâu nên đã trốn việc bếp dưới gầm sàn. Giờ thì đang nằm trong đống chăn của gian buồng bên cạnh và nghe:

- Cụ Nụm thì theo thầy cả được bao nhiêu tầng?

- Sống được đến tám mươi bảy tuổi là đáng mặt người rồi. Con cháu cũng hoàn thiện rồi. Vì là đàn bà nên không tính chức sắc trong làng.

- Nhưng còn thằng Tếnh đấy thôi.

- Nó chỉ là cháu đằng ngoại, lại bị dở người và ở xa xôi.

- Tôi thấy vẫn không đạt đến mười hai tầng củi được. Mười hai tầng trời không phải dễ dàng chạm tới được đâu. Đã rất lâu, kể từ khi bố của thầy cả mất đến giờ chưa ai đạt được niềm vinh hạnh ấy.

- Vậy thì chúng ta thống nhất tiễn cụ bằng chín tầng củi nhé!

Bố đã chốt như vậy là không muốn bàn đi bàn lại nữa. Ai cũng sẽ hiểu, bố muốn tạo điều kiện cho nhà Thăn có thêm uy tín trong bản. Bởi đã rất lâu rồi, những người trong bản ra đi đều mới chỉ được tiễn bằng bảy tầng củi. Niềm vinh hạnh của đời một người được tính bằng số tầng củi xếp khi hỏa táng. Số luật tục chặt chẽ đã khiến nàng phải đứng trên đỉnh đồi để dán mắt vào đám hỏa táng mà đoán định xem điều này có đúng không. Nhưng làm thế nào để thấy được những điều đó thì bố nàng, em trai nàng đều không nói rõ rành được.

Khi bố và em trai về đến nhà thì đã quá ngọ. Nàng nằm trong buồng riêng. Hai người thầy ấy không biết nàng thường vi phạm luật tục của bản cấm đàn bà con gái nhìn đám thiêu. Nếu người bản biết thì bố và em sẽ không bao giờ được mời đi cúng nữa. Vì nàng không ai để mắt đến từ nhiều năm nên cũng không ai biết được bí mật này.

Hai thầy nhà nàng đều say ngà ngà, nhưng vẫn ngồi uống nước chè nói chuyện.

- Bố, tối qua, bố không làm phép đốt tim? Sao vậy?

- Chắc là quên thôi.

- Con biết bố không quên mà. Một người đàn bà, lâu lắm rồi mới được chín tầng củi, đấy là quá lệ. Bố không thể quên những việc cần làm. Không ai để ý nhưng con biết.

- Con để ý quá kỹ không tốt đâu.

- Con rồi cũng sẽ thay việc của bố nên phải để ý chứ.

- Nhìn ra việc làm không phải làm, thế là sắp đứng chủ đám được rồi đấy.

- Nhưng còn nhiều cái bố chưa bày cho con. Con sẽ học dần, nhưng trong đám này con thấy tâm trạng bố không được tốt, là sao ạ?

Bố trầm ngâm, em nàng sốt ruột nhưng không thể giục, nếu nói bố khắc nói. Nàng nằm im thin thít, không dám thở mạnh vì sợ bố và em biết nàng còn thức thì sẽ không nói nữa.

- Có phải bà Nụm là họ hàng nhà thằng Tếnh không?

- Một phần thôi. Mà là... người làm hại chị gái con chính là con trai bà ta.

- Hả? Sao bố biết? Biết từ bao giờ? Sao không họp bản phạt? Bố là thầy cả cơ mà?

- Để giúp thằng Tếnh lấy vợ. Để phá vinh hạnh của dòng họ nhà mình không được thiêu trên mười hai tầng củi, không được lên mười hai tầng trời.

- Sao bố biết?

- Lúc bệnh viện trả về, nó đã thú nhận.

- Nhưng sao bố còn cúng cho nó?

- Là tự nó xin tha thứ, xin được đích thân bố làm thầy cả. Có thế mới về được chỗ tổ tiên.

- Âm mưu này là của bố thằng Tếnh đúng không?

- Đúng, nhưng người thực hiện lại là thằng Dềnh. Biết làm sao được!

- Phá vinh hạnh của một dòng họ to lớn hơn cuộc đời một đứa con gái sao? Nhà họ Triệu từ bên kia biên giới mua chuộc thằng Dềnh đúng không bố?

Em nàng hỏi thế, còn bố thì chỉ biết ngồi im thôi. Nàng thì không thể vùng dậy mà gào lên với câu hỏi của em nữa rồi. Tại sao nàng phải gánh nỗi niềm này chứ? Nàng có tội gì đâu mà người ta lại hại cả họ nhà nàng? Người ta lợi dụng phong tục tập quán để hại nàng, để bố nàng dù là thầy cúng cao tay nhất trong vùng, được cấp mười hai sắc cũng không được lên mười hai tầng trời. Cả em trai nàng nữa, còn nàng cùng thế hệ không được “trọn vẹn” thì cũng không lên được mười hai tầng trời. Nếu một dòng họ ba đời được lên mười hai tầng trời thì sẽ làm vua thống trị trên trời và dưới đất. Nhưng mà, nhà nó ở bên kia thì cứ ở đi, sao phải ghen ghét với bên này chứ...

Cuộc đời nàng đã bị định đoạt vì những điều không thể nhìn thấy thì nàng còn biết làm gì nữa. Để đến bây giờ, chiều nào cũng vậy, nàng giúp bố thêu áo cúng. Từng đường kim tỉ mẩn, nàng muốn tấm áo của bố toàn mỹ từ sợi chỉ nhỏ nhất. Vì nó sẽ là tấm áo thiêng liêng nhất của thầy cúng trong các buổi cúng. Sau nữa là cái mũ đầy uy quyền của một thầy cả trong đám. Trang phục này, lúc nào bố mặc vào cũng thấy mình là sợi dây thần diệu nhất nối giữa trời và người. Đứa con gái này, luôn luôn là niềm tự hào từ trong tâm khảm bố. Chỉ có một điều bố không giúp nàng được và nàng cũng không thể giúp bố nữa. Mãi đến khi hết đời nàng thì dòng họ này lại phải làm lại từ đầu để đến khi ai đó được thiêu bằng mười hai tầng củi mới được coi là toàn mỹ.

CHU THỊ MINH HUỆ

;
.
.
.
.
.