.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Mẹ con người lấy nước cơm

.

Tôi làm nhà và dọn về con phố nhỏ này ở đã hơn 10 năm. Không biết từ lúc nào, tôi thường thấy trước cổng nhà phía bên kia đường, cứ mỗi chiều có một chiếc xe đạp cũ kỹ, đằng sau có hai thùng nhựa đựng nước cơm to kềnh càng nhưng được cột chằng khá vững chãi.

Một bé gái khoảng 15, 16 tuổi, gần như lúc nào tôi cũng thấy cháu mặc một bộ quần áo giống nhau, ngày nào cũng như ngày nào: một cái áo phông có cổ, màu xanh da trời đậm và một cái quần thể thao có hai sọc dài như kiểu trang phục của các vận động viên. Mùa đông, tôi thấy cháu khoác thêm một cái áo “gió”.

Cháu gái nhanh nhẹn dựa chiếc xe vào bậc thềm vỉa hè, sau đó tong tả đi tới các địa chỉ quen thuộc, nhà thì mặt phố, nhà thì trong ngõ, tay xách xô nước cơm ra đổ vào hai thùng nhựa. Chỉ có vậy. Cứ đều đều như thế. Nhìn chiếc xe đạp của cháu có thể biết ngay nhà cháu có nuôi heo, và các gia đình bên kia đường là nơi cung cấp nước cơm thường xuyên để gia đình cháu làm cái công việc lương thiện ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thời gian cứ thế trôi đi, tôi bị cuốn vào công việc của mình, và chắc là cháu gái vẫn đều đặn làm nhiệm vụ của cháu. Dù sao tôi vẫn muốn có một chút gì đó nhỏ nhoi góp thêm cho cháu. Một lần, vào ngày nghỉ, tôi quyết định chờ.

Thấp thoáng từ xa, chiếc xe đạp kềnh càng hai chiếc thùng nhựa cũ ấy đang đi tới. Nhưng lần này người ngồi sau ghi-đông không phải là cháu gái tôi đã quen mặt quen dáng người, mà là một phụ nữ đứng tuổi, tôi đoán là mẹ cháu. Chiếc xe đạp với hai cái thùng nhựa to tướng đã lại cập vào lề đường trước cổng nhà đối diện như mọi ngày.

Tôi định băng qua đường, nhưng chị thoáng trông thấy tôi với túi nhựa trên tay, chị vội chạy sang chỗ tôi, nhận túi nước cơm như đã quen như thế lâu ngày, và tôi như là một “đối tác” thường xuyên của cái “tập đoàn” nuôi heo của chị. Tôi vội hỏi thăm chị về cháu gái vẫn thường đi lấy nước cơm ấy ở đâu rồi, cháu đã có việc làm rồi hay cháu đi lấy chồng xa.

Chị hồ hởi khoe, cháu vừa mới tốt nghiệp ngành sư phạm, may có người giới thiệu giúp đỡ nên được nhận việc ngay. Bây giờ cháu đã đi dạy nên chị không cho cháu đi lấy nước cơm nữa. Chị tự hào một cách hồn nhiên: Em chịu khó nuôi heo lấy tiền nuôi cả 4 đứa con em học cao đẳng, đại học cả. Bây giờ thành phố không cho nuôi heo trong các khu dân cư nội thành nữa.

Em thấy trên ti-vi, bác Bá Thanh với mấy ông lãnh đạo thường nhắc nhở như thế. Biết là mình gặp khó khăn đây, nhưng đó là chủ trương đúng nên gia đình em cũng phải theo. Em đang tính sẽ chuyển đổi nghề để tiếp tục lo cho các cháu. Rồi chị nói hàng lô chuyện về chủ trương chính sách của thành phố như một cán bộ tuyên huấn ở phường vậy. Nói xong, chị lại quày quả trở về bên chiếc xe đạp để lại đi tiếp đến những khu nhà khác.

Câu chuyện của người phụ nữ mới quen - rất tiếc tôi sơ tâm không kịp hỏi tên chị, cho đến bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn áy náy là không biết tên cụ thể của người phụ nữ ấy - mấy câu đối thoại thoáng qua của chị lại khiến tôi nghĩ ngợi miên man. Bỗng liên tưởng đến những người tự cho mình giác ngộ sâu sắc chủ trương đường lối nhưng nhiều khi giành nhau từng thước đất công.

Trong phân phối hàng nhu yếu phẩm thì luôn tìm cách giành phần hơn về mình. Trong khi gia đình chị vẫn chăm chỉ làm cái công việc mà không phải ai cũng gánh vác ấy. Chị nói sẽ lo chuyển đổi nghề, nhưng đâu có dễ, nhất là ở cái tuổi trung niên như chị.

Câu chuyện ngắn ngủi nhưng rành mạch của chị đã thực sự thu hút tôi, khiến tôi vốn là kẻ xa lạ với chuyện heo gà chuồng trại, bỗng thấy mình phải đi tìm hiểu câu chuyện nuôi heo trong thành phố ra sao, và nếu không được nuôi heo trong khu dân cư thì những người như chị sẽ xoay xở thế nào cho cuộc sống gia đình thường nhật.

Tôi nhẩn nha nhớ lại cái thời những năm 80 thế kỷ trước, đã 40-50 năm mà như mới hôm qua, về chuyện “nhà nhà chăn nuôi”, “nhà nhà đêm đêm lo việc nước” (với nghĩa đen là hứng nước tích trữ cho ngày mai, vì vòi nước công cộng quá yếu), “cả nước ngày ngày lo việc nhà” (đến công sở mà đầu óc cứ lo nhà dột, lo xếp hàng mua cá, mua thịt, mua rau “cho hôm nay, cho ngày mai, cho năm ngày sau” - nhại theo lời một bài hát)...

Ngày ấy, mới 4 giờ sáng cha con đã kêu nhau dậy mang bao tải đi xếp hàng mua cám heo, cám gà theo “giá mậu dịch”. Cán bộ, công chức và dân nghèo thành thị ai cũng trở thành “người giỏi chăn nuôi”, đều là những “bàn tay vàng” chăm sóc “đàn lợn béo”. Ngày ấy không ai quan tâm đến môi trường ô nhiễm bởi các mùi hôi bốc lên từ các “chuồng trại mi-ni” của các gia đình trong các khu tập thể, bởi hầu như tất cả đều chung cảnh ngộ như vậy.

Dần dần đời sống khá giả hơn lên. Các chuồng trại chăn nuôi tự phát theo kiểu “du kích” cũng dần biến mất. Việc nuôi heo trở nên chuyên nghiệp hơn, chỉ còn những hộ chăn nuôi có đăng ký, có kỹ thuật, quy mô tập trung, chăm sóc thú y bài bản hơn.

Nhưng điều gay cấn là nhiều hộ chăn nuôi ấy vẫn nằm ngay trong các khu dân cư nội thành. Đúng là, bài toán phát triển luôn đặt ra cho các đô thị những ẩn số hóc búa. Một mặt, làm sao cho đô thị thật hiện đại, thật văn minh; nhưng mặt khác, lại phải tôn trọng những nghề nghiệp có tính truyền thống của dân cư đang sinh sống trong đô thị đó để bảo đảm niêu cơm hằng ngày của bà con.

20 năm, Đà Nẵng làm bao nhiêu việc có thể nói là “động trời”. Có người nói là một “cuộc đại phẫu thuật”, chấp nhận cái đau đớn để có được một cơ thể phát triển lành mạnh. 120.000 hộ dân trên tổng dân số 800.000 dân cơ hữu liên quan đến giải tỏa nhà cửa, đất đai, vườn tược. Bao nhiêu vấn đề về quyền lợi bị động chạm, cả vấn đề tín ngưỡng, tâm linh.

Những khu đất vườn nhà rộng rãi từ ông cha để lại, nay do yêu cầu quy hoạch phát triển, xây dựng những công trình công cộng, phải thu nhỏ, trở nên chật hẹp. Những thửa ruộng vốn canh tác lâu đời, nay bị thu hồi để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy, khu công nghiệp tập trung.

Hoặc, chỉ nói riêng những chiếc cầu bắc qua một đoạn sông không dài chảy qua thành phố là niềm tự hào về một “thành phố của những cây cầu”, mà mỗi cây cầu có những đặc điểm kỹ thuật, mỹ thuật riêng, gợi tò mò cho những du khách, nhưng trong cái vui chung lại có nỗi lo của những người lái đò ngang mất việc.

Rồi nữa, những xóm nhà chồ bên bờ đông, trước đây quen gọi là Quận Ba, được “khai phóng”, khiến cho bao nhiêu cuộc đời lam lũ hằng ngày vốn sinh sống bằng nghề sông nước đâm ra lúng túng không biết xoay trở ra sao. Bây giờ lại thêm câu chuyện “thành phố môi trường”, chất thải công nghiệp, chất thải dân sinh.

Nói dông dài như thế để rồi trở lại câu chuyện di dời các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm ra khỏi thành phố, làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề này, trong đó có người phụ nữ mà tôi vừa quen biết. Mà cũng phải thôi.

Đề án “Thành phố môi trường” đã đề ra 24 tiêu chí và 3 mốc lộ trình thực hiện đến năm 2020, mà một trong những mục tiêu hàng đầu của đề án là tạo nên một môi trường an toàn về sức khỏe, không bị ô nhiễm cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.

Hằng ngày, trên thành phố chúng ta, môi trường ô nhiễm không chỉ khói nhà máy, công nghiệp, các công trình xây dựng lớn nhỏ mà còn có cả chất thải từ các khu dân cư. Một báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết mỗi ngày thành phố Đà Nẵng thải ra khoảng 1.200 tấn chất thải rắn, trong đó, chất thải sinh hoạt chiếm phần lớn. Mặc dù công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác được đầu tư khá đồng bộ và năng lực thu gom, vận chuyển rác thải được đánh giá cao so với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng những nỗ lực ấy cũng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 80%, còn lại được thải vào các ao, hồ, sông trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, ngay từ năm 2006, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm sống trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và một số phường thuộc các  quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Trừ một số người chưa nhận thức đúng và chưa sẵn sàng thực hiện, còn thì hầu hết các hộ và các cá nhân liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật đều hưởng ứng, chấp hành chủ trương của thành phố.  

Cái hay là thành phố không chỉ ra lệnh “cấm”, mà luôn có giải pháp có tính cách mở đường, bảo đảm cho người dân có thể sinh sống bằng nghề truyền thống của mình, phục vụ nhu cầu chung của người tiêu dùng, vừa bảo đảm môi trường không bị ảnh hưởng. Thử hình dung, người dân thành phố sẽ như thế nào nếu một ngày không có một lượng thịt nhất định để tiêu thụ.

Theo số liệu sơ bộ mà người viết được biết, mỗi ngày Đà Nẵng tiêu thụ trên dưới 100 tấn thịt heo, trong đó 70% thuộc năng - lực - cung của thành phố, còn 30% phải nhập bên ngoài. Mỗi ngày các lò tập trung giết mổ khoảng 1.200 con heo.

Đó là nhu cầu thường ngày, không thể không đáp ứng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân có thể sinh sống bằng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, nhiều công văn hướng dẫn, chỉ dẫn những địa chỉ cụ thể để bà con có thể được tiếp tục chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hộ gia đình nhưng phải  bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và không gây phiền hà cho các hộ dân xung quanh.

Tôi bỗng nhớ lại hình ảnh mẹ con người phụ nữ không quen biết hằng ngày vẫn đi lấy nước cơm ở các khu dân cư. Hẳn bây giờ gia đình chị đã có một cơ sở chăn nuôi tại một phường nào đó đã được thành phố quy định cho phép hoạt động. Những người làm ăn chân chính, năng động thường không bao giờ chịu bó tay trước khó khăn, mà chính trong khó khăn họ lại càng tỏ rõ bản lĩnh của mình.

Vì thế, tôi hiểu được nụ cười vui vẻ và thái độ tự giác chấp hành chủ trương chung của người phụ nữ hằng ngày đi lấy nước cơm mà tôi mới được làm quen, hiểu được sự tham gia đóng góp của những người dân bình thường trong việc bảo vệ môi trường thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp trong những năm qua. Như có ai đó đã nhận định: Ngoài những công việc của chính quyền nhằm quản lý, kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường thì chính từng người dân thành phố sẽ là mỗi “chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ môi trường” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày.

Đôi khi trên con phố nhỏ, tôi vẫn thấy bóng dáng người phụ nữ ấy. Chiếc xe đạp cũ chòng chành với hai bên hai thùng nước cơm nặng nề khiến có lúc chiếc xe chao đảo. Nhưng tôi tin là chị đang đi rất đúng hướng, rất vững vàng trên con đường mà chị đang đi của một người cả đời nuôi heo để vừa tìm cách mưu sinh, lo học hành cho con cái vừa góp phần giữ vững thương hiệu “Thành phố môi trường” cho mảnh đất mà gia đình chị đang sinh sống.

Một bút ký giàu chất văn tự sự từ tốn, đằm thắm tình người dẫn đến suy nghiệm sâu sắc cái đạo “làm quan” muôn thuở đặt trong bối cảnh cụ thể là quá trình chuyển động đô thị hóa tại thành phố Đà Nẵng. Từ hình ảnh quen thuộc mỗi ngày của một “nghề” đặc trưng dưới đáy xã hội, từ lời thoại chất phác gửi gắm bao nỗi vui lo của người dân nghèo khu phố, tác giả Bùi Công Minh không nhằm đưa chúng ta trở lại bức ảnh ký ức đen trắng một thời quá khứ, mà qua thủ pháp nghệ thuật “giọt nước bầu trời”, ông mở ra vấn đề thời sự:

“Cái được” lớn nhất của chính quyền Đà Nẵng trong 20 năm qua là gì? Mẩu chuyện đơn giản của ông là câu trả lời sinh động: Hết lòng tính toán giảm nhẹ tối đa thiệt hại nếu có cho người dân trong khi thực hiện các quyết sách xây dựng Đà Nẵng trở thành một “thành phố đáng sống”. Nói thời sự, bởi giai đoạn nào của phát triển Đà Nẵng, dù thuận lợi hơn 20 năm trước rất nhiều, các quyết sách của người lãnh đạo thành phố này vẫn cần được người dân thấu hiểu và chia sẻ mới thành công thật sự và lâu bền.

Nhà báo VĨNH QUYỀN

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.