.

Phiên chợ Mường tháng Chạp

.

Tháng Chạp một sáng ngày cạn mùa, gió chợt nồng nã hơn khi lùa qua vách sàn, trời cũng phai sắc màu bàng bạc để len lén những ánh vàng âm ấm giao mùa. Cây mận cuối vườn nhu nhú nụ căng ngần, như chỉ đợi một cơn mưa phùn thôi sẽ bung trắng gọi Giêng về. Đầu đường, cuối dốc đã nghe rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ í ới gọi hẹn của trai gái đợi nhau xuống chợ. Từ gầm sàn, mẹ tất bật gánh lưng nếp nương cùng vài đon lá dong, lạt giang vội vã cho kịp đoàn người. Tết ở Mường bắt đầu vào một ngày như thế trong tháng Chạp.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là phiên chợ ngày hai lăm Tết, phiên chợ lớn nhất trong năm đối với người ở vùng Mường tôi. Chợ có từ bao giờ không rõ nữa, chỉ nhớ rằng, khi lớn lên, tôi đã biết đến phiên chợ này như một lễ hội đặc biệt, báo hiệu cho Tết và Xuân về. Sáng ngày hôm ấy, trẻ già, gái trai sẽ diện cho mình bộ quần áo đẹp nhất, hẹn hò từ chiều ngày hôm trước, đợi đến sáng thì xếp thành từng đoàn rồi thư thả ra phố huyện. Người ta đi chợ, ngoài việc mua bán vài thứ gì đó còn là cái cớ đi tìm một thú vui, hương vị cho ngày Tết.  

Thời đó, trẻ con mong phiên chợ Tết để được mặc quần áo đẹp, để được ra chợ xuống phố xem bày bán những thứ lạ mắt, thật đẹp, rồi ăn vài thứ bánh kẹo lạ mà cả năm chẳng mấy khi được thấy, rồi được mua một vài quả bóng bay xanh đỏ khoe với nhau. Từng ấy thứ thôi mà xa xỉ đến độ, cứ trở đi trở lại trong giấc mơ cả bao ngày tháng dài.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, nôn nao, rạo rực của những đêm ngày chợ phiên. Bọn trẻ chúng tôi hầu như không ngủ được, bị người lớn ép đi ngủ nhưng lòng cứ thao thao mong trời sáng. Nằm như đếm được từng canh gà thức ngày và trở dậy khi ngoài cửa voóng vừa có chút ánh sáng len qua.

Quần áo mới từ đêm hôm trước được gấp sẵn để ngay cạnh chiếu ngủ, tỉnh dậy là quờ vội thay ngay vào người. Tháng Chạp trời lạnh lắm, quần áo mới đẹp nhưng mỏng manh. Ngày Tết mẹ không thể sắm cả quần áo ấm cho tất thảy, nên mỗi đứa chỉ được một bộ mong mỏng.

Chúng tôi ngày đó không có nhiều đồ mặc ấm, một chiếc áo khoác hay áo len mặc đến độ vàng nâu lấm cặn, giặt bữa nào thì hong vội bếp lửa cho kịp khô bữa ấy nhưng ngày chợ Tết sẽ chỉ mặc quần áo mới thôi, trời lạnh bao nhiêu cũng chịu được.

Hôm ấy, mẹ trở dậy sớm hơn mọi khi, nhóm bếp lửa cho chúng tôi ngồi đợi sáng. Cả nhà cũng thức theo vì tiếng nói cười ồn ã. Chỉ đợi nhìn rõ mặt đường, sương còn đặc trĩu trên cỏ trên lá, ngoài ngõ, đầu bản đã ríu rít ồn ã tiếng trẻ con cười nói, gọi nhau. Con đường làng như một luống hoa rực rỡ màu xanh xanh, đỏ đỏ của quần áo mới, môi lũ chúng tôi đứa nào cũng thâm tái nhưng nụ cười thì không ngưng tắt bao giờ…

Phiên chợ ngày hai lăm tháng Chạp ấy, người già cũng rủ nhau đi chơi, họ muốn nhìn phố xá, hàng quán nhộn nhịp, xem thiên hạ vui chơi thế nào. Hơn cả, xuống chợ phiên họ cũng mong được gặp gỡ lại những người quen, bạn già cũ.

Người già xuống chợ vào giờ muộn hơn. Đợi trời tan sương, đường vãn trẻ nhỏ, họ mới bắt đầu chống gây, đeo dón ra đường, họ cũng hẹn hò nhau, đợi nhau ở góc làng, đầu bản. Cụ nào có bộ váy, áo mới nhất đẹp nhất cũng đem ra diện. Trong nhà dành dụm được đồng nào từ tiền bán măng, bán lá, bán củi cũng đem hết để đi chơi, có khi chẳng mua gì nhưng gọi là có tiền đi chợ. Con đường từ các thôn bản đến chợ huyện rộn rã tiếng hỏi han cười đùa. Người già đôi khi chào hỏi nhau bằng những đoạn Đang, đoạn Xường đối đáp, nên chợ phiên ấy chỉ thiếu tiếng cồng chiêng nữa là thành một lễ hội Mường đặc biệt.

 Trai làng, gái bản thì đi chợ như đến một lễ hội duyên, để mong được gặp gỡ, hội ngộ bạn bè khắp Mường quen Mường lạ, để mong tìm lại người cũ nào đó đã thất lạc từ lần vừa kịp biết tên ở chợ phiên trước, hay để mong tìm được người tri kỉ, bạn trăm năm trong một ngày rong chơi.

Có khi họ chẳng kịp bước chân vào chợ để xem quán hàng hay mua gì đó, mà chỉ tụm năm, tụm bảy để hàn huyên, hẹn hò, làm quen với nhau cho đến khi vãn chiều rồi bịn rịn chia tay. Nhiều cuộc hò hẹn đã được bắt đầu từ một buổi chợ như thế và biết bao nhiêu cuộc duyên đã thành đôi lứa từ những lần chợ phiên này.

Đàn ông có gia đình thì thường đi chợ để mua rượu, có khi họ xách theo chai rượu ngô, rượu củ dành dụm lâu nay để xuống chợ, gặp hẹn bạn bè anh em ở đâu là say đến cạn ngày. Chỉ có các mẹ, các cô bận bịu với những gánh hàng đơn sơ, đủ mua quà bánh cho lũ nhỏ.

Bây giờ người ở Mường có thể một tháng vài lần ra phố, phố chợ không còn quá lạ lẫm và thiếu thốn. Người đi chợ Tết không còn giữ được những nét đẹp như trước kia, thế nhưng phiên chợ Tết cuối tháng Chạp vẫn là phiên chợ được người ở Mường mong mỏi, hào hứng nhất trong cả một năm dài. Chỉ bởi đó là một nơi để rong chơi, cho lòng mình thanh thản, nguôi vơi, tạm quên đi những lo toan nhọc nhằn suốt bốn mùa nương núi.

Cũng bắt đầu từ ngày chợ phiên ấy trở đi, người trong Mường gác hết việc ruộng rẫy để lo chuẩn bị cho Tết nhất. Tôi thích những buổi trưa ngồi ở cửa voóng hướng mắt theo phía âm thanh ồn ã, nhộn nhịp bên con đường dưới chân núi sau nhà, nhìn đoàn người trong bản theo nhau vào đồi hái lá dong, kiếm củi, chặt giang tước lạt bánh, tiếng cười đùa hân hoan, háo hức cho đến khi hút bóng phía thung rộng.

Tôi thích những lưng chiều tất bật bên bờ suối, cùng các chị các cô đánh rửa nồi niêu, bát đĩa, rộn ràng, hoặc ngồi trên bếp nghe tiếng người ta chia chác nhau những phần thịt lợn dưới sân lớn. Chẳng biết nhiều ít ra sao, nhưng giọng nói câu cười nào cũng ấm áp vui tươi.

Đêm ba mươi thiêng liêng chầm chậm trôi trong tiếng khấn lởi của cha bên bàn thờ gia tiên và ngồi dưới bếp bên nồi bánh chưng của mẹ nghe những giai âm tâm linh thấy ấm áp và thanh tịnh đến lạ. Cha khấn xong, mâm cơm cúng đó sẽ được dọn xuống để cả gia đình cùng quây quần hưởng lộc.

Xong bữa cơm tất niên, cha đốt đóm, xách cồng ra nhà văn hóa thôn vui đêm múa hát pồn pông đón giao thừa cùng đoàn thanh niên và bà con. Tôi ở lại bên bếp lửa cùng mẹ. Bếp lửa lặng lẽ cháy, nồi bánh đều đều lục bục sôi, mẹ rủ rỉ kể tôi nghe chuyện nương núi bốn mùa gió nắng. Tháng Chạp đi qua nhè nhẹ trong tiếng mưa xuân rích rắc chái thềm lẫn vào tiếng chiêng đêm vọng lại từ đâu đó.

THY SƯƠNG

;
.
.
.
.
.