Anh về!
Làng trên xóm dưới háo hức, tưng bừng hỏi thăm nhau tin đó có thật không ta?
Tôi xa nhà đâu có biết.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cũng nhờ mẹ gọi điện từ quê vào thành phố, nơi tôi đang sống, mới rõ chuyện gì đang xảy ra ở quê nhà. Mẹ hỏi, lần này Anh về quê, ở lâu dài xây dựng làng, dựng xóm con có biết không?
Rõ khổ, bà ngoại của cháu cứ nghĩ ở thành phố chuyện chi cũng biết?
Tôi chưa biết trả lời mẹ ra sao, chuyện Anh về hay không, đầu cua tai nheo người ở làng còn chưa tỏ nói gì đến tôi. Đang băn khoăn suy nghĩ, lại có thêm cú điện thoại nữa của bác trưởng họ hỏi, nhằm xác minh lại thông tin.
Nói lên một điều, cả làng đang háo hức chờ đợi Anh về!
Rối loạn thông tin thật rồi!
Tôi xin mẹ số điện thoại của Anh, gọi, hỏi Anh từ nơi xa tít mù khơi. Anh trả lời vội vàng, ừ, em đó à, anh sẽ về, nhưng chưa định ngày. Mọi chuyện Anh về sẽ nói chuyện sau.
Tôi bỏ máy, bần thần suy nghĩ.
Tôi với Anh là con cô, con cậu. Anh ít hơn tôi ba tuổi, thân nhau từ ngày nhỏ. Học xong phổ thông, tôi học tiếp đại học, còn Anh bỏ, cũng vì gia đình không nuôi nổi, Anh xa quê đi tìm việc sinh sống, biền biệt từ ngày ấy!
Hơn hai mươi năm rồi chưa gặp lại, cũng không rõ Anh có học hành bằng cấp nghề nghiệp gì không?
ừng ấy thời gian với một đời người là quá dài!
Hình ảnh, tình cảm Anh trong tôi không mất đi, nhưng lẫn lộn với tình quê hương, làng xóm, ký ức mù mờ như sương như khói theo thời gian!
Cách đây mấy năm, về quê, nghe tin Anh là giám đốc của một công ty rau, củ, quả tận nơi xa xôi tít tắp. Con rể của một đại gia ở vùng đất mới khai phá rừng thiêng, nước độc.
Chuyện Anh bay ra thủ đô, nước ngoài thường xuyên như người đi chợ.
Điện thoại Anh dùng có bọc vàng đến mấy trăm triệu.
Người làng gặp nhau háo hức nói chuyện về Anh, đầy hy vọng.
Xóm nghèo, đói rách quanh năm, trở thành căn bệnh mãn tính, nghe nói ở đâu kiếm sống được là dắt díu đèo bòng nhau đi. Nhiều người lần hồi tìm địa chỉ đến Anh đều được nhận vào làm công nhân, có thu nhập.
Ngày lễ, ngày Tết, ngày giỗ họ, công nhân người làng làm cầu nối với quê hương, Anh gửi lễ, gửi quà về đóng góp xây dựng nhà thờ, hỏi thăm người già, trẻ nhỏ trong họ hàng chu đáo.
Hành động, thái độ, tình cảm của Anh làm cả xóm, cả làng náo nức hóng tin, bàn tán về Anh. Anh trở thành niềm tin, hy vọng trông đợi của người làng.
Thời buổi a còng, mấy ai quan tâm, thương ai? Đã có luật bất thành văn nơi cửa miệng “có đi có lại”, “không ai cho không ai cái gì”.
Nhưng cách cư xử của Anh, không giống ai. Anh cho là cho, không nghĩ sẽ được trả lại cái gì.
Người già trong làng kể ngày xưa Anh gầy nhom cóc cáy vì bùn nơi đồng ruộng, nơi bờ kênh, vì gai cào nơi rừng rú khi đi chăn bò, hái củi. Anh siêng năng tốt bụng, học giỏi, thương các em, thương người già, và giờ cũng vậy. Bằng chứng ràng ràng thế kia, người làng ốm đau nặng, bao giờ Anh cũng ủng hộ kinh phí đi về ở các bệnh viện. Bà già khen Anh có duyên khi cười, mắt lấp láy, mũi hơi to, nhưng “mũi to không lo chết đói”. Ai cũng mong được như Anh.
Chuyện về Anh không bao giờ hết được!
Anh giờ là người giàu sang, cái giàu, tiền bạc khiến người làng sẵn sàng bỏ qua bao chuyện không hay cho Anh ngày nhỏ. Chuyện Anh trộm trứng gà, nhổ trộm lạc, hái rau, bứt ổi ngày xưa, hầu như không còn ai nhắc.
Khi trở thành người giàu, tư duy của con người thường nghĩ về Anh đồng nghĩa theo từ: người tốt!
Xóm nhỏ hãnh diện về Anh.
Và rồi Anh về thật, vào một buổi sáng. Anh trở thành nhân vật quan trọng cho cả làng, cả xã.
Anh gọi điện cho tôi, về quê lần này đi em, Anh muốn gặp.
Tôi về.
Không khí xóm nhỏ, nơi anh ra đời, xôn xao chờ đợi, hong hóng tin, muốn nhìn thấy Anh. Trạm trưởng Y tế xã nhà là bạn học phổ thông ngày xưa, khóa phòng trực của Trạm sớm, sẵn có ô-tô riêng, tình nguyện đi đón Anh. Mặc dù Trạm trưởng nổi tiếng keo kiệt từ thời xưa, muốn đích thân ra sân bay sớm, cách làng gần một trăm cây số để đón Anh. Sống phải có tình có nghĩa, có trước, có sau, bạn học quan trọng lắm, nhờ bạn học mới nên người. Trạm trưởng nói vậy.
Bác trưởng họ nói, con cháu ăn nên làm ra, nhờ ông bà tổ tiên phù hộ, Anh về, người trong họ phải đi đón, việc đầu tiên về nhà là phải ra nhà thờ họ thắp hương trả ơn tổ tiên.
Lãnh đạo chính quyền quê hương cũng đã từng tìm đến nơi Anh sinh sống kêu gọi, xin hỗ trợ cho công tác từ thiện ở quê nhà. Anh đã ủng hộ ít nhiều. Bởi thế, sáng Anh về, vị đại diện chính quyền cho nghỉ buổi họp giữa chừng để đi đón Anh. Ban đầu, cũng đã định làm biểu ngữ: “Nhiệt liệt chào mừng Anh về thăm xóm nhỏ”. Nhưng viết như thế thì biết bao người từ xóm ra đi, quay về quê sao không “chào mừng”, mà chỉ dành riêng cho Anh. Anh giàu hơn người khác, đương nhiên, nhưng chưa hứa hẹn, chưa hợp đồng làm công trình gì cho làng cho xóm đã vội vàng chào mừng! Biết đâu trong chuyến về quê lần này, Anh không hứa hẹn gì, chỉ thăm, rồi ra đi, hóa ra chính quyền bị tẽn à!
Thôi thì dừng lại việc treo biểu ngữ chào mừng, dành cho những lần sau, có thể. Đi đón Anh tùy theo tình cảm của cá nhân, nên chắc cũng không đông. Ông chính quyền nghĩ vậy.
Nhưng không phải vậy, ông chính quyền nhầm to.
Người đi đón Anh rất đông.
Xe ô-tô của ông Trạm trưởng y tế.
Xe taxi do ông Địa chính thuê, cũng là bạn học của Anh.
Taxi thuê riêng của người trong họ.
Tất cả ô-tô đi đón Anh, người ngồi chật ních.
Anh xuống máy bay, có người ở công ty đi cùng, xách va ly theo. Người Anh to, mập mạp, da xạm, ánh mắt mệt mỏi, đội mũ lưỡi trai, nom khác đi nhiều. Hơn hai mươi năm xa cách chứ có ít ỏi gì mà không khác! Anh cười, vẫy tay chào mọi người, tự thuê xe taxi về làng. Đoàn xe theo sau họ tống rầm rộ. Vui như Tết.
Anh về làng, đi đến đâu, tiếng chào hỏi ồn ào đến đó, nhà nhà mở rộng cửa chờ sẵn mời anh vào chơi. Anh hiểu nụ cười hy vọng của người nghèo đang cần gì. Cả tệp tiền năm trăm ngàn Anh bỏ túi, đi một vòng quanh làng, hết veo.
Tưởng Anh về quê lâu, nhưng chỉ có hai ngày. Mọi người hẫng hụt, họ kỳ vọng vào Anh nhiều cho chuyến hồi hương.
Ông chính quyền thất vọng không cần giấu giếm trên nét mặt.
Chiều tối, ngày đầu tiên Anh ở lại xóm nhỏ ven sông, sau vài chục năm xa quê.
Anh từ chối lời mời cơm của bạn học, chính quyền. Anh ở nhà bác họ, cũng là nơi thờ cúng tổ tiên. Anh gọi, tôi đến, Anh nhìn, nói, em chững chạc, điềm đạm, khỏe hơn ngày xưa. Anh muốn được như em, thanh thản. Sao Anh nói thế, Anh giờ lại đại gia, giàu, sang trọng, còn em đi làm Nhà nước, may ra đủ sống thôi Anh à. Tôi nói.
Anh không nói gì thêm, không bàn luận gì nữa về cuộc sống của mỗi người. Anh cất chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp trên đầu xuống. Một vết mổ kéo dài sát chân tóc trên vầng trán Anh. Tôi ngạc nhiên hỏi, sao thế Anh. Anh mổ em à, bị u não ác tính. Đó cũng là lý do vì sao năm nay Anh bay ra thủ đô, sang Singapore nhiều lần để chữa bệnh, rồi lại gọi em về gấp, cho em biết mọi chuyện.
Tôi bất ngờ, hẫng hụt, rồi sốc khi chứng kiến bệnh hiểm nghèo của Anh. Hơn vài chục năm trời xa nhau, gặp lại chỉ để biết tin này hay sao? Tôi hỏi, cũng chỉ theo phản xạ: Em có làm được gì không mà Anh gọi em về?
Anh nói, bệnh như thế, số phận rồi, không ai cứu vãn được nữa. Anh mới mổ hơn tháng nay, phục hồi sức khỏe nhanh, còn đi lại được. Sắp tới Anh sẽ phải tia xạ, yếu hẳn đi, chắc khó gặp lại em. Nên Anh về, gặp bà con làng xóm, bạn bè ngày xưa, muốn kể em nghe chuyện vay nợ ở đời. Không ai dễ gì mau giàu mà không có món nợ đeo bám theo luật đời vay- trả. Chắc em sẽ hỏi vì sao Anh có bệnh như thế, nội tộc ta chưa có ai bệnh u ác tính do di truyền. Nên em cũng hiểu, bệnh hiểm nghèo bây giờ thường do thực phẩm, sinh hoạt, môi trường. Nhất là môi trường cuộc sống, kinh lắm em à. Anh cũng là nạn nhân của môi trường, chạy trời không thoát nắng. Nguyên nhân cũng do nghèo, muốn đổi đời nông nổi…
Anh kể về vùng đất đang sinh sống, phát triển rau, củ, quả nổi tiếng cả nước. Ngày xa quê, Anh tìm đến vùng đất hoang hóa. Đất phì nhiêu, hiền lành, cỏ mọc um tùm nguyên sinh, đang có con chồn, con cáo sinh sống rình rập bắt trộm gà, vịt của người nuôi. Con cò, con quốc xuất hiện khi mùa đông về. Mảnh đất tràn đầy sức sống theo quy trình sinh thái của thiên nhiên.
Đất hào phóng, người nghèo tứ xứ đổ về kiếm sống. Đất mở rộng tấm lòng giàu dinh dưỡng nuôi cây. Người yêu đất, chăm sóc và bảo vệ, đất không phụ lòng người. Các loại giống rau, củ, quả chỉ cần cắm, thả giống xuống đất, cây phát triển nhanh, chưa cần phải bổ sung nhiều các loại phân hóa học. Thành phẩm nông nghiệp những năm ấy, chuyển về thành phố tiêu thụ hết, cuộc sống khởi sắc trông thấy. Tiền thu về như nước!
Bước vào thời đại hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước bị cuốn vào trào lưu cả thế giới, muốn đi tắt, đón đầu, tăng năng suất cây trồng. Các nước ngoài đang phát triển, việc ứng dụng công nghệ dễ dàng, bởi họ có một nền tảng khoa học bền vững. Còn chúng ta, khoa học, quản lý, kỹ thuật, đang ở mức thấp, nên việc ứng dụng công nghệ nghe ra vất vả và chưa ổn! Anh nói.
Biết thế, nhưng nước mình đang ở trong trào lưu công nghệ của cả hành tinh, lại đang nghèo, muốn thoát nghèo, người kéo về vùng đất sinh sống đông dần lên. Có sự cạnh tranh, giành giật, nên ào ào đua nhau áp dụng công nghệ, tăng tốc sinh trưởng cho cây trồng mà không tính đến mai sau.
Hàng trăm loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cứ vậy đổ xuống đất một cách áp đảo sinh lực đất, tăng năng suất nhảy vọt cho cây trồng. Con giun, con dế chết tiệt. Đất khô cứng, cằn cỗi. Trên đồng ruộng nồng nặc mùi phân hóa học, thuốc trừ sâu…
Công nghệ đã và đang giết chết đất, dần dà, mức độc hại của công nghệ đang từ từ quay lại hủy hoại cả sự sống của con người. Em coi, nhìn thần sắc, da mặt Anh như thế này là biết bệnh rồi, mặc dù nom Anh to béo.
Anh nghẹn lời.
Những điều Anh kể, bao năm qua tôi có biết, bởi công nghệ áp dụng cho cây trồng đã hiện rõ ràng trên báo chí, trên mạng về độc hại của thuốc trừ sâu, của phân hóa học. Khổ thay, hôm nay không ngờ đó lại là chuyện liên quan đến người thân trong họ nhà mình.
Khi đang đói nghèo, bất chấp tất cả để lo cho cái bụng, Anh nói. Giờ nghĩ lại, còn kinh. Có một thời, Anh và nhiều người nữa, đi phun thuốc trừ sâu cho rau, không bảo hộ, đến khẩu trang có lúc cũng chẳng dùng, ăn cơm bốc ngay trên đồng ruộng, làm chết bỏ luôn, miễn là có nhiều tiền. Cạnh tranh khốc liệt mà.
Nhờ đất, Anh nổi tiếng về sự giàu có, nhưng cũng vào thời điểm ấy, Anh phát hiện sức khỏe bản thân không bình thường. Và còn bao nhiêu con người khác nữa đang sinh sống trong môi trường ấy, có phát bệnh như Anh? Những đứa trẻ được sinh ra ở đó, tương lai ra sao?
Đất hiện giờ không còn con giun, con dế làm “máy cày” cần mẫn đào xới cho cây như ngày xưa. Cây sống vẫn đang tồn tại, nhưng nhờ vào công nghệ.
Công nghệ sẽ quay lại phụ người?
Đất đang chết?
Đất đang đòi nợ! Sinh thái thiên nhiên mất cân bằng, đạo đức con người cũng đang mất cân bằng!
Anh im lặng, không nói thêm gì nữa.
Cuộc sống no đủ, nhìn lại, có hiểu biết, nhưng… không lẽ làm lại cái gì cũng đã là quá muộn?
Ước mơ nhỏ nhoi nhất của Anh, giờ muốn được sống trong môi trường lành mạnh như ngày xưa, cho dù nghèo, nhưng không thể!
Cái gì cũng phải trả giá. Nhưng cái gì cũng từ nghèo mà ra!
Anh không có dự án xây dựng công trình gì cho xóm, cho quê hương. Anh đang cần nhiều tiền chữa bệnh!
Điều này, đêm đó ở quê nhà, Anh đã nói cho mình tôi biết.
Ngày mai Anh đi.
Không khí lặng xuống.
Đại diện chính quyền, Trạm trưởng y tế, ông địa chính đều… bận. Một mình tôi tiễn Anh ra sân bay.
Từ ấy về sau, mỗi lần đi qua các cánh đồng, tôi sợ phải nhìn thấy những con người đang phun thuốc trừ sâu!
ĐÀM QUỲNH NGỌC