Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Trời sa xuống đất giọt sầu

08:01, 19/02/2017 (GMT+7)

Trời cứ mưa mãi như thế này, kiểu gì mấy luống rau đằng sau nhà cũng bủng cả vì ngập.

Mấy hôm rồi Minh không thấy bà lụi hụi cuốc đất, tưới rau. Săm soi từng cái lá để trừ sâu, hay vun lại đám đất tối qua bị mấy con chó làm lệch luống.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cũng mấy hôm rồi không thấy bà mang rau ra chợ. Rồi biết lấy gì ăn?

Mà bà có ốm không nhỉ?

Minh vòng ra phía trước nhà, nhìn xuống mái lá nghèo của bà qua ban công. Mưa quằn đẫm, xác xơ mấy cọc hàng rào xiêu vẹo. Hàng hoa dại trước nhà cũng tơi tả, xót đau.

“Minh ơi, con đi học chưa chở mẹ sang nhà bác Tâm luôn nhé!”.

“Vânggg...”

Vừa ra khỏi nhà, chiếc áo mưa đã ướt sũng. Minh chờ cho mẹ ngồi lên rồi rồ ga chạy, thoáng nhìn về phía cánh cửa vẫn đóng kín bưng bên kia đường.

Nồi canh nấu bằng rau bà cho vẫn còn thơm mùi lá. Mùi lá xanh.

“Bà ơi, bà có nhà không?”.

Minh hỏi lại lần thứ ba, vẫn không ai trả lời. Tấm rèm cũ kỹ nhàu nhò treo hững hờ, đung đưa theo từng đợt gió.

Cả căn nhà vắng lặng đến đìu hiu.

Minh định quay về cùng hai chiếc bánh sáng nay Minh mua để dành cho bà, thì nghe có tiếng sột soạt sau lưng. Minh quay lại, chiếc nón cời ướt tèm lem, rỏ từng giọt nước xuống hốc mắt già nua của bà. Bà giũ giũ tấm choàng nilon màu trắng, cười.

“Cháu tìm bà lâu chưa?”.

“Bà... không giống vừa ra chợ về?”.

“Ừ, mấy hôm nay mưa to quá, bà không bán buôn gì”.

Khi nhìn thấy túi bánh trên tay Minh, bà lại cười rõ lớn:

“Cái thằng chó con này, mua bánh cho bà hả? Bà có đồ ăn trong nhà mà. Vào, vào ăn với bà luôn nhé!”.

Con thương bà, con thương lắm. Phần vì con không có ông bà từ nhỏ, phần vì bà chỉ ở một mình. Những lúc mưa gió thế này càng thêm quạnh hiu. Ai cũng thấy lạnh, rất nhiều những người có người thân bên cạnh vẫn thấy lạnh, bà ạ!

Thằng chó con cứ nhìn theo dáng bà suốt từ lúc ở ngoài hiên cho tới khi vào trong nhà. Cái thằng rất ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm quan sát, chẳng mấy khi thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Có vài lần bà đang tưới rau, ngước lên tầng thì thấy nó đang nhìn xuống. Thế mà vừa đụng ánh mắt nó thôi là nó đã bỏ ngay vào trong.

Vui đến mấy nó cũng chẳng cười.

“Kiểu gì mai mốt nắng cũng lên bà ạ!”.

“Tổ cha anh. Chứ không lên thì chết đói cả lũ à?”.

Bà lại móm mém cười. Những ngón tay của bà nhăn nheo hết lại vì nước mưa. Là lạnh lắm đấy! Nhưng Minh biết bà đang cố gắng tỏ ra như không có gì.

Đôi khi, con người ta lại đang chết theo một cách rất khác trong chính con người mình đấy bà ạ!

“Cháu có thể hỏi bà vừa đi đâu về không ạ?”.

Minh chuyền qua chuyền lại túi bánh trên tay mình, đến việc cho bà cũng trở thành bối rối.

“À bà đi có chút việc thôi, không ra được chợ mà ở mãi trong nhà cũng bức bối”.

“Thế bà ăn bánh cháu mua nhé!”.

Rồi Minh cũng đặt được túi bánh lên bàn. Bà nhìn Minh lẳng lặng ra về và cũng không nói gì. Mưa cứ rỉ rả hoài trên mái lá.

Vừa mở cửa ra phố phường đã ướt nhem. Trông như kiểu ông trời bị vỡ ống nước. Mưa từ sáng sớm nên càng thêm lạnh buốt. Bà lụm cụm với chiếc áo choàng nilon trắng trên lưng, lừng khừng một lát rồi lôi trong chuồng ra con gà cuối cùng. Tiếng gà kêu quang quác như tiếng con thơ khi đau ốm. Bà ôm nó vào lòng và băng qua cơn mưa dữ dội trên đầu để ra ngoài ngã tư lớn.

“Chú ơi, chú làm ơn chở tôi đến địa chỉ này”.

“Nhưng tôi chỉ có cái này thay tiền...”.

Chú gà còn chưa kịp lớn, đưa đôi mắt ướt ngơ ngác nhìn khắp nơi.

Chú làm ơn, già này chẳng còn gì. Đến thời gian cũng không còn nhiều nữa.

Người đàn ông cũng không kém kham khổ như bà. Có lẽ vì thế mà dễ cảm thương cho nhau hơn.

Ông chở bà đến một căn nhà khá sang trọng. Ông tính lẩm nhẩm rồi đưa lại cho bà ít tiền thừa. Bà cám ơn rối rít, nhét vội số tiền vào túi áo. Chiếc áo đã ngả màu mấy bận, lem nhem vài vệt nước trầu.

Bà loanh quanh mãi đằng trước cổng. Không dám gọi, mà hình như có gọi cũng không ai ra tiếp bà.

Đã bao lần rồi, bà đã bị khước từ, bị xua đuổi đã bao nhiêu lần rồi?

Dù là nắng rát hay mưa lạnh dầm dề, bà vẫn bị người ta để bơ vơ, lủi hủi đằng trước cái cổng cao chót vót ấy?

Bao nhiêu lần rồi hả bà?

“Con ơi...”.

Mãi sau mới thấy có người phụ nữ ra, nhìn bà khiên cưỡng qua những song sắt.

“Mẹ đừng đến đây nữa, không thay đổi được gì cả!”.

Bà vân vê tà chiếc áo mưa. Thân già này biết chứ. Thân già này cũng đã quá quen với việc chịu đựng những điều này. Nhưng mà mẹ vẫn muốn đến, vì những ngày tháng ngắn ngủi còn lại này, mẹ chỉ còn có con là ý nghĩa.

“Hôm nay là ngày mẹ sinh con ra đời”.

“Phải chi đừng có ngày đó...!”.

Chỉ thế thôi mà như có một mũi dao vừa đâm vào lồng ngực bà. Những giọt nước không tuôn ra được khỏi hốc mắt nhăn nheo. Mà cũng có đáng gì so với những vết thương da thịt mà con gái bà đang gánh chịu.

“Mẹ về đi. Chỉ đau xót hơn thôi mẹ...”.

Con gái bà quay ngoắt đi, mấy vết bầm trên tay vẫn còn hằn sâu. Như nhắc nhở về những vết trượt tội lỗi, găm kín vào một kiếp người.

Bà gắng nán lại một chút rồi lầm lũi quay về trong cơn mưa. Không biết ở đằng sau, có thằng chó con đang tiến đến gần ngôi nhà cao cổng ấy...

Hoàng Lan chống chọi mãi, đến khi vào tận trong nhà chị mới òa lên khóc. Bao nhiêu đau thương dồn nén, bao nhiêu uất ức vây bủa trong lòng. Ruột gan quặn đau từng khúc. Mẹ đã già lắm rồi, thời gian đã rút cạn mọi sinh lực của mẹ, đã trút lên thân mẹ bao nhiêu là cằn cỗi. Nhưng bây giờ chị còn không lo nổi cho thân mình, thì đưa mẹ về cũng chỉ làm mẹ sớm suy kiệt hơn thôi.

Mẹ cũng sẽ chết sớm thôi, nếu mỗi ngày phải chứng kiến những nhọc nhằn của chị trong căn nhà sung túc này.

Đột nhiên có tiếng chuông cửa.

Chị lau nước mắt rồi đi ra. Chị biết không phải mẹ, vì lần nào mẹ cũng chỉ dám lẩn quẩn trước nhà cho đến khi được chị trông thấy thôi.

Một cậu thanh niên đang nhìn chị chờ đợi. Cậu mặc một chiếc áo sơ-mi trắng, nước mưa như làm đôi môi cậu thêm mọng đỏ.

Cậu chắc bằng tuổi con trai chị.

“Cháu tìm Duy Phúc sao?”.

“Dạ... cháu nghĩ là cháu tìm cô. Cháu sống bên cạnh nhà bà Diệp ạ”.

Cháu là Duy Minh.

Minh thấy cô không tránh khỏi ngạc nhiên. Rồi cô cứ bối rối với chiếc dù trên tay. Những làn mưa trắng xóa tuôn đầm đìa trên thân Minh.

Trời chưa bao giờ ngưng khóc lóc.

“Cháu không hề biết là bà còn có con. Con gái...”.

Cô Hoàng Lan đẩy về phía Minh tách trà nóng. Bờ môi cô run run chực khóc.

Sao cô không nhận mẹ mình?

Sao cô xua đuổi, hắt hủi người gọi là MẸ của mình?

Sao cô nỡ để bà đứng mãi trong mưa lạnh?

Sao cô đành đoạn...?

Hoàng Lan cúi gằm mặt mà khóc. Những câu hỏi của cậu trai lạ này chỉ càng làm chị quặn thắt cõi lòng.

“Mẹ cô sống như thế nào hả cháu?”.

“Bà trồng rau, và bà rất hay biếu rau cho nhà cháu”.

Bà dậy sớm để tưới nước bắt sâu, được vài hôm rau lớn, bà hái đem ra chợ lấy tiền đong gạo. Chiều tối về bà hay ăn cơm một mình. Suốt hai năm nay, cháu chưa bao giờ thấy bà đau ốm nằm liệt giường, nhưng có phải người già như thế là khỏe mạnh, hay bà đang cố gắng chống chọi hở cô?

Vì nếu bà không tự lo cho mình, thì ai sẽ?

“Có những chuyện cháu không hiểu được đâu Duy Minh”.

“Bà lạnh lắm cô ạ! Hình như lúc nào bà cũng lạnh”.

“Nhưng cô không đủ sức để thay đổi điều gì cả”.

Cô đã tự giết chết mình từ nhiều năm trước rồi chàng trai trẻ ạ!

Cô chỉ như cái bóng vất vưởng trong ngôi nhà này, thì cô có tư cách gì để bảo vệ, chăm sóc mẹ già? Hay chỉ để mẹ nhìn cô chết dần chết mòn trong cái hạnh phúc hào nhoáng này thôi?

Minh nhìn những vết bầm tím trên cánh tay cô.

“Ở đây, cô là một người vợ, một người mẹ…”.

Hoàng Lan buồn bã lắc đầu.

Cô chỉ là một vật thế thân, là điều vớt vát cuối cùng cho lòng trắc ẩn của một kẻ đốn mạt.

Duy Phúc và cô được chấp nhận, chỉ bởi vì vợ của hắn ta không sinh được con trai!

Duy Phúc không được gần gũi mẹ, từ tấm bé. Chỉ bởi vì kẻ làm mẹ này là bị cưỡng đoạt mà nên. Chung quy lại chỉ đến từ niềm ô nhục!

Một nỗi ô nhục xảy ra trong quán bia vui vẻ. Vì cô chỉ là một tấm thân hèn mọn, hằng ngày kiếm sống bằng nghề để bao kẻ chà đạp lên.

Vì cô không thể làm một nghề nào khác.

Vì cô mang danh là một kẻ ở tù.

Cô ở tù vì tội giết cha mình.

Để bảo vệ cho người phụ nữ trót ngoại tình, mà cô gọi là mẹ, cô đã chống cự và vô tình làm chết cha.
“Cô bằng tuổi con bây giờ, Duy Minh. Tuổi trẻ của cô, tương lai của cô, lụi tàn đằng sau song sắt”.
Rồi kéo theo bao bước trượt dài nghiệt ngã cho cuộc đời cô.

Nước mắt tuôn lã chã trên gương mặt Hoàng Lan, dù chị đã cố gắng giấu kín vào trong lòng bàn tay.
Cô phải đối diện thế nào? Phải học thế nào để biết tha thứ đây?

Duy Minh tuôn đầu chạy ra khỏi nhà.

“Minh ơi, mặc áo mưa vào cháu”.

Hoàng Lan đứng ở cửa bất lực nhìn theo. Đôi vai của chàng trai hai mươi chẳng mấy mà ướt đẫm, thấu xuyên cả da thịt.

Minh cắm đầu chạy đi trong mưa gió. Nhức buốt tận tâm can.

Sao lại cay nghiệt đến thế này hở bà ơi?

“Bà ơi?”

Minh thả cho chiếc xe ngã nhào ngoài đường rồi lao vào trong nhà. Cả căn nhà vẫn vắng lạnh như mấy ngày vừa qua. Lạnh hơn cả tấm thân đang đầm đìa nước mưa của Minh lúc này.

Minh đi dần xuống bếp, những giọt nước rỏ từ trên mái tóc xuống nền gạch cũ.

Minh nhìn vào chiếc giường ngủ của bà, nhìn sang góc bếp, nhìn về lại chạn tủ. Mọi thứ sắp nguội lạnh như chính cuộc đời bà.

Minh thẫn thờ ngồi xuống chiếc giường con con, xiêu vẹo gần như sắp đổ. Tiếng chõng tre kêu cọt kẹt.
Minh chống người ngồi dậy đi gần đến chỗ góc tủ. Cậu kéo ngăn ra. Có một cuốn sổ con con, giấy đã mấy bận quăn góc, ố vàng.

“Ngày 13 tháng 9

Nếu như có ai đó hiểu cảm giác của thân già này, cảm giác biền biệt con suốt 25 năm trời mới tìm thấy.
… Nhưng con xua đuổi mẹ cũng đúng. Mẹ là một  tội đồ. Mẹ đáng bị khinh khi”.

“Ngày 17 tháng 9

Con bị chồng đánh. Ôi nỗi đau con, ôi nỗi quặn thắt của lòng già này…”.

“Ngày 27 tháng 9

Con không hề nhìn mẹ, đến một cái nhìn cũng không”.

“Ngày 4 tháng 10

Cái thằng bầu bĩnh, trắng nõn nà như củ khoai kia là cháu của mẹ. Cháu ngoại của mẹ đấy! Đáng trách thay cho kẻ làm mẹ này đã không thể ở bên con lúc con trở dạ, không chăm sóc đỡ đần được gì cho con gái những ngày con bụng mang dạ chửa”.

“Ngày 12 tháng 10

Hôm nay mẹ cố tình đến sớm để nhìn Củ Khoai của mẹ đi học. Những ngón tay ấy, nếu một lần được nâng niu trong đôi bàn tay già cỗi này…”.

Minh khẽ khàng gập cuốn sổ lại. Lòng cậu cứ chậm trĩu những nỗi buồn. Cậu buồn thay cho bà, cho con gái của bà, cho những kiếp người lỗi lầm chẳng thể có cơ hội sửa sai.

Minh để cuốn sổ vào lại ngăn kéo, bỗng phát hiện dưới mấy tờ báo có cái gì đó. Cậu giở ra và cầm lên xem. Hai bọc nilon với các loại tờ giấy bạc.

“Tiền để cưới vợ cho Củ Khoai của ngoại”, khoảng hai mươi mấy tờ mệnh giá hai mươi nghìn đồng.

Túi còn lại là một lô lốc những tờ hai nghìn, nhiều đến không đếm được. Mới có cũ có, phẳng phiu có mà nhàu nhĩ cũng đầy.

“Tiền để đi đám cưới thằng chó con của bà”.

Minh ngồi bệch xuống nền gạch lạnh, Minh khóc nức nở. Cậu ôm cứng vào lòng bọc nilon có tên cậu. Cậu nấc như một đứa trẻ con.

“Cháu sai rồi. Cháu cư xử với bà như thế này là sai rồi.

Sao cháu lại lục lọi đồ đạc của bà thế hả?”

Minh ngước lên nhìn bà. Cả người bà cũng ướt lem nhem hết rồi.

“Vì bà đã đối xử không đúng với cháu trước”.

“Bà đã…”.

“Bà đã nói dối cháu!.

Bà có con gái, bà có cháu ngoại. Bà không được tự ý sống cô độc, buồn tủi như thế!”

“Không đâu, thằng chó con của bà. Bà đã không còn là gì nữa lâu rồi. Bà không đáng được làm mẹ, làm bà. Bà chỉ là con đàn bà mang trên mình nhiều tội lỗi”.

“Bàaaaa…”.

Cái thằng chó con! Chẳng bao giờ bà thấy nó cười, thế mà hôm nay mặt nó lại còn đầm đìa nước mắt như thế. Nó còn biết cả mọi bí mật mà bấy nay bà oằn mình che giấu rồi, thế mấy hôm nữa nó muốn bà đối diện với nó ra sao đây.

“Lỗi lầm nào, rồi cũng đều được tha thứ, bà ạ!”.

Thằng chó con vẫn ngồi thu lu dưới nền lạnh, như đang bị phạt. Bà ngồi xuống giường, cười buồn.

“Mọi lỗi lầm rồi cũng đều được tha thứ, nếu người bị ta gây ra những lỗi lầm có nhiều niềm vui hơn.

Thằng chó con của bà ạ!”

Bà cười móm mém rồi ngả mình xuống chiếc chiếu lạnh. Bà bảo bà cần đi ngủ một lát. Bà mệt quá! Minh chưa kịp nói gì thêm thì đã nghe thấy tiếng thở đều đặn của bà.

Minh nhìn ra ngoài khung cửa sổ, mưa vẫn rơi từng vạt che kín cả một góc trời.

Thoáng đâu đó trong gió, có tiếng ai hát ru chầm chậm, buồn bã.

“Trời sa xuống đất giọt sầu

Không phơi mà héo miếng trầu bà tôi…”.

ĐẶNG HUYỀN LY

.