“...Tấm biển quảng cáo to đùng hết cỡ được người ta đưa đến dựng lên ven con đường tỉnh lộ, đối diện với nhà ông cụ Giáo trên cồn Văn Thánh, ngay giữa cánh đồng Yên Mã. Kể từ đấy ông cụ có mấy cô bạn nhỏ láng giềng, tức là ba cô gái xinh đẹp như mộng được vẽ trên tấm biển quảng cáo ấy, để cụ tâm tình bầu bạn. Mà mùa xuân này trông ông cụ mướt ra mày ạ! Da thịt hồng hào tóc bạc chấm vai, tưng bừng thơ phú đàn ca sáo thổi… Ái chà chà! Sức mạnh của hồng nhan vô địch… bất diệt…!”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Quyền vô quê dự đám cúng rước ông bà ngày cuối năm ở nhà ông bố vợ, vừa về tới nhà hắn đã điện thoại cho tôi thông báo cái tin mà hắn cho là “kỳ diệu, rất chi là kỳ diệu” về cụ Giáo - bố vợ hắn và mấy cô gái trong tấm biển quảng cáo.
Hễ đi đâu vắng thì thôi, chứ về đến cái chung cư này là cứ y như Quyền có chuyện trên trời dưới đất để tán để đùa vui. Đời hắn là bài ca vui vẻ hồn nhiên bất tận. Đến độ, mấy bà nhà ở trong chung cư mê tín, Tết nào cũng mời hắn xông đất đầu năm mới, họ bảo: “Bác Quyền mà đạp đất mở hàng đầu năm mới thì cả năm vui như Tết”. Hắn lại hà hà được trớn tới luôn “Thì còn gì nữa”. Nhiều lần thấy Quyền sốt sắng vô tư quá, Nguyện - vợ hắn phải can: “Chồng ơi, coi chừng xông đất nhà người ta, lỡ năm ấy họ xui xẻo chẳng may gặp điều gì thì chồng không hết điều tiếng đâu nhá”.
Nghe lời Nguyện thì nghe, nhưng rồi cái tính vô tư hồn nhiên rất mực của Quyền lại đâu vào đấy. Nguyện chỉ còn biết lắc đầu chào thua đức ông chồng quý hóa. Đôi khi tức anh ách, Nguyện đem mấy chuyện “tào lao tam đợi” ấy của Quyền qua tố khổ với nhà tôi. Những lúc như vậy, vợ tôi “cùng hội” với Nguyện lên án hắn đã đành rồi, còn tôi cũng không thể vớt vát gì cho hắn ngoài cách ừ ừ gật đầu cho qua chuyện. Còn cụ Giáo - ông bố vợ của Quyền, hễ có dịp ra phố thăm vợ chồng cô con gái, mỗi khi ghé tạt qua nhà tôi chơi, lần nào cũng bốc thằng rể lên tận mây xanh, khen nức nở: “Thằng Quyền tôi được cái tính vô tư hồn nhiên, mà đấy là một trong những đức tính quý báu của các vị… thiền sư chứ dễ gì, ăn ở cứ như thế cũng là cái phúc để lại cho con cái phải không cháu?”. Nghe ông cụ nói thế, vợ chồng tôi chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ.
Vậy đấy, tôi không ba phải cũng trở thành ba phải, ừ với cô con gái rồi vâng vâng dạ dạ với ông bố, bởi tất cả họ đều yêu quý Quyền mà ra chuyện. Cả tôi nữa, cái chung cư này mà vắng Quyền một ngày là tôi lại thấy nó trống vắng im lìm thế nào ấy.
Cái cồn Văn Thánh, hay còn gọi là làng Văn Thánh là một cồn đất nổi lên như cái đảo xanh um rợp bóng cây vườn giữa cánh đồng Yên Mã. Thời trước, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, người ta đưa máy ủi đến san ủi cái cồn để mở rộng cánh đồng Yên Mã. Dân trong làng được quy hoạch vào ở trong làng Mới nằm bên kia con đường tỉnh lộ. Những cụ già trong làng, nhất là cụ Giáo đã nhiều lần lên tiếng đề nghị giới chức địa phương nên dừng công việc san ủi cải tạo cánh đồng ấy lại. Cái lý cụ Giáo nêu ra là, chỉ cần lịch sử để lại cái tên làng Văn Thánh cũng đủ lý do cần phải nghiên cứu những giá trị văn hóa của làng, chứ không thể cày ủi xóa sạch hết mọi dấu vết như thế. Nhưng vào thời đó, cái lý của một ông giáo làng xưa đã không thuyết phục được ai mà lại còn bị dè bỉu là phong kiến, là tư duy kiểu mấy ông hương, ông lý. Cụ Giáo thất vọng đứng nhìn những chiếc máy ủi gầm rú đào xới tung bụi bay mù mịt một góc trời.
Ngày ấy, Nguyện chuẩn bị thi vào đại học. Nguyện là đứa con gái độc nhất của cụ Giáo, từ ngày vợ qua đời vì bạo bệnh, cụ Giáo dốc sức gà trống nuôi con quyết cho Nguyện ăn học đến nơi đến chốn. Vậy rồi nghe đâu, vì cụ Giáo không đồng tình với chủ trương của địa phương về việc san ủi cồn Văn Thánh, nên người ta tính đến việc xét lại lý lịch của Nguyện. Cụ Giáo thức trắng nhiều đêm không ngủ được, cuối cùng cụ thắp hương tạ lỗi ông bà tổ tiên, quyết định chọn ngày tháo dỡ nhà vào ở làng Mới cho yên chuyện. Giữa lúc lồng ngực cụ cứ đau đáu phập phồng không một phút bình yên ấy, thì bất ngờ trên một tờ báo xuất hiện một bài báo viết về khu đất cồn Văn Thánh.
Trên khoảng sân cao rộng trước nhà rợp bóng mát cây vườn của cụ Giáo, chiều chiều những cụ già gặp nhau bên bát nước chè xanh nóng hổi nói chuyện thời sự của… làng. Thời sự nhất trong mọi thời sự đó là bài báo kia. Các cụ cứ tấm tắc hỏi nhau tác giả là ai mà cứ y như là người thời xưa của làng này. Từng chi tiết lịch sử xa xưa mấy ai trong làng được biết, thế mà người viết bài báo đã xâu chuỗi các sự kiện, dẫn chứng các hoạt động cụ thể của từng thời kỳ lịch sử có liên quan đến làng Văn Thánh, và dẫn tới kết luận: Văn Thánh quả thực là chiếc nôi hội tụ các tầng vỉa văn hóa, lịch sử mà tiền nhân qua các thời kỳ mở đất và chống ngoại xâm còn lưu dấu lại. Từ tác động tích cực của bài báo đó, cấp trên đã ra lệnh cho ngừng việc san ủi cồn Văn Thánh, giữ lại hiện trạng đang còn. Không những thế, người ta còn cho xây dựng một ngôi đền nhỏ ngay tại trung tâm khu đất còn lại. Nghe đâu tại vị trí đắp nền ngôi đền, người ta còn phát hiện một tấm bia đá đã vỡ vùi sâu trong lòng đất.
Lần đầu tiên làng Văn Thánh tổ chức lễ hội Mùa xuân, cũng là dịp khánh thành ngôi đền làng, Quyền được ban tổ chức mời tham dự với tư cách là tác giả bài báo. Tôi “tháp tùng” theo Quyền đi dự lễ hội, cũng là để xem “trái quả” mùa màng đầu tiên Quyền đã gieo vãi kể từ ngày hắn ra trường. Quyền nói với tôi: “Mày cứ mà lãng mạn với văn nghệ văn gừng của mày đi, để việc làng việc xóm tao làm”.
Ôi chao, thấy hắn đi giữa làng Văn Thánh mà tôi cứ hình dung đến mấy “quan trạng” ngày xưa về làng. Chẳng phải cờ giong trống rước gì mà là tình yêu đưa đón, một thứ tình trong veo như nước đầu nguồn. Không biết tự tiền kiếp nào mà người ta thân thiết với hắn, người ta chào hỏi hắn, gọi tên hắn như gọi tên sông tên suối quê nhà.
Nhưng có một thứ “trái quả” thơm tho ngọt ngào hơn mọi trái quả, ấy là Nguyện - hoa khôi của cái làng Văn Thánh. Từ sau cái ngày lễ hội khánh thành ngôi đền làng ấy, tôi phát hiện ra Quyền, hóa ra dưới lớp bề mặt cái dáng vẻ hồn nhiên, nói năng ồ ồ như phơi gan ruột ra ngoài là cái phần bên trong chứa đầy mật ngọt dễ làm xiêu lòng bao cô gái. Nguyện - cô con gái cưng, con gái rượu của cụ Giáo là người “ăn” phải thứ mật ngọt đó. Họ yêu nhau, chuyện cũng bình thường như bao lứa đôi khác, chỉ có điều xem ra cụ Giáo còn “ mê” hắn hơn cô con gái của mình. Có vẻ như họ là những người bạn vong niên ý hợp tâm đầu mới tìm ra được nhau. Ở vào lớp tuổi của cụ Giáo thì cái triết lý: Thấy nguyệt tròn thì tính tháng. Thấy hoa nở mới hay xuân (1), như người xưa kết bạn với thiên nhiên để di dưỡng tâm hồn, thì chẳng có gì làm lạ. Vậy mà trai tráng như Quyền, sữa còn thơm lộ trên da mặt như Quyền, hắn cũng ngồi rung đùi mà: hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình... Có lần tôi hỏi hắn: “Hay là mày lấy điểm với cụ Giáo?”. Hắn cười hà hà nói giọng hiền triết ca bài ca thiên nhiên: “Tao thích Lão Tử, vắt sữa bò ra chén bưng uống hơn là sữa bò đóng trong lon, trong hộp, thiên nhiên lúc nào cũng trong lành tinh khiết hơn mày ạ!”.
Từ đấy, Quyền cứ đều đặn hằng tuần chạy xe máy về quê Văn Thánh, thậm chí có khi hắn đi lại hằng ngày. Nói là về quê, nhưng làng Văn Thánh nằm kề với vùng ngoại ô thành phố, đi về chỉ non vài chục cây số là tới. Nhưng mà khi yêu, núi non sông hồ người ta còn vượt, sá gì một quãng đường như thế mà đếm với tính đường xa đường gần. Làng Văn Thánh đã trả “ nhuận bút” cho Quyền một tình yêu, lại còn ban tặng cho hắn một vị thầy thiên nhiên giàu có Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc (2) như cụ Giáo, Quyền có trả mười đời cũng không hết ơn nghĩa của đất đai ấy đã hào phóng ban phát.
Cất công đi lại gần năm năm như thế, một ngày Quyền thông báo cho tôi, rằng tình yêu của hắn và Nguyện đã đến giai đoạn chuyển vùng. Trong lúc tôi lơ ngơ chả hiểu hắn nói gì thì hắn chìa ra phong bao thiệp mời đám cưới của hắn, rồi lại ngon lành phân công luôn công việc cho tôi gọn lỏn kiểu như sếp sai bảo lính: “Mày làm phụ rể luôn nghe chưa.”. “Trời đất!”, tôi kêu thầm, nhưng rồi cũng chẳng có lý do nào tôi phải chối từ, như đã từng không biết bao lần ngoan ngoãn theo hắn về làng Văn Thánh để được chia phần cái dư hương bát ngát: Nước dưỡng cho thanh trì dưỡng nguyệt (3), từ cái tâm hồn đẹp mông mênh của cụ Giáo cất lên ngâm tràn vào những đêm trăng vằng vặc trong veo không hằn một dấu bụi nào.
Y hẹn với Quyền, buổi sớm mai đầu năm tôi khởi hành chuyến du xuân về làng Văn Thánh, sau khi đã tròn vai đưa vợ con đi lễ chùa hái lộc đầu năm. Trên đường vào nhà cụ Giáo, tôi tạt vào đền làng luôn một thể để thắp hương đảnh lễ. Mới đấy mà đã hai mươi năm, rêu xanh lấm tấm mịn màng phơi đầy trên mái ngói. Không hiểu sao thường ở các đền đài miếu mạo, giống loài rêu có vẻ như tươi tốt hơn những nơi khác. Dường như nhìn vào rêu xanh ấy, con người ta có thể nghe được tiếng nói câm lặng, tịch ngôn diễn dịch ra ý nghĩa của thời gian, rằng đấy là kho tàng của ký ức, nhưng đồng thời có khi là dấu tích của sự quên lãng, sự tàn phai. Cây cỏ kia còn đa đoan như thế huống là người.
Giữa lúc tôi đang thắp hương trên các bệ thờ thì nghe tiếng của Quyền gọi ơi ới ngoài cổng, quay nhìn ra đã thấy cụ Giáo dẫn đầu cả nhà bước vào tới sân đền. Vợ chồng Quyền và cô con gái rượu của hắn đều ăn mặc rất đẹp và lịch sự. Tôi bước ra sân chào cả nhà, cầm tay cụ Giáo mà nhớ tới lời thằng Quyền nói chiều hôm qua. Đúng là trông cụ đẹp lão như hắn mô tả. Da thịt hồng hào, tóc bạc chấm vai, áo dài khăn đóng bước đi phong thái ung dung.
Bất chợt tôi ngước nhìn lên tấm biển quảng cáo to tướng sừng sững phía trên mái ngói sau đền. Ba cô gái đẹp như bay lên từ biển xanh tung tóe nước, trên tay cô nào cũng cầm chai nước giải khát nghiêng trút vào đôi bờ môi mọng đỏ xinh xắn. Hình ảnh này cùng với cái lời hát chát chúa khê nồng “…nóng trong người… uống trà” gì gì đó, tôi đã nhìn đã nghe phát ngán trên ti-vi, vậy mà thằng Quyền còn ba hoa chích chòe “tay họa sĩ có tay nghề phù thủy”. Cụ Giáo thấy tôi có vẻ say sưa nhìn tấm biển quảng cáo, ông vỗ vỗ vào vai tôi rồi bảo: “Nhìn gì ba cái thứ ba xạo đó cháu, hôm qua cúng rước ông bà, sẵn nước giải khát thằng Quyền mang về cả thùng để uống tết, bác làm một chai xong đau bụng thấu trời. Đấy đấy, cái thứ nước nó quảng cáo um sùm “chống nóng trong người” nó giải nhiệt như thế đấy. Bác thì cứ quanh năm chè xanh hái trong vườn vô mà nấu uống, thiên nhiên trong lành và tinh khiết lắm cháu ạ!”.
Chu choa! Tôi kêu lí nhí trong mồm - Sao mà cái bài ca thiên nhiên bố con cụ Giáo thuộc lòng đến không sai một chữ nào, người chè xanh, kẻ sữa tươi nguyên chất, thiên nhiên trong lành và tinh khiết vô cùng. Dường như trong căn nhà cụ Giáo, mỗi khi có dịp về thăm, là tôi lại được nghe vọng vang cung bậc người mẹ thiên nhiên cất lên tiếng ru thường hằng. Rời ngôi đền làng, tất cả chúng tôi kéo về nhà cụ Giáo. Hai mẹ con Nguyện đi sau cùng, chả biết họ nói với nhau những gì mà cứ rúc rích cười. Tôi quay lại nhìn hai mẹ con, đứa con gái đã cao lớn quá đầu mẹ nó. Trái quả nhà cụ Giáo mùa xuân này lại sắp chín rồi đây. Chỉ có điều bói đâu ra một thằng Quyền con để mà đồng ca bài ca cổ điển hoa hoa nguyệt nguyệt…, nhưng mà cụ Giáo đã nói rồi, ăn ở vô tư hồn nhiên tích đức như hắn thì quả chín ắt có ngày thu hoạch!
NGUYỄN NHÃ TIÊN
(1)(2)(3): Thơ Nguyễn Trãi