.

Thơ

.

Con đường thức

(Kính tặng cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số)

(Trích trường ca)

Bây giờ má ở đâu
Má Mười Rìu
Người đã vay vàng để đóng tàu không số
Người đã nợ bà con
Từng đồng tiền lẻ
Để mua lưới, mua xăng
Mua cả niềm tin vào ngày thống nhất
Ôi ngày vui gặp nhau rơi nước mắt
- Có ai trả cho má đồng nào không?
- Thế còn máu xương anh em ai trả!
Má móm mém nhai trầu
Gom nhặt từng hào từ quán nghèo tạp hóa
Tạp hóa từ cái kẹo trẻ con
Tạp hóa từ bao thuốc lá rẻ tiền
Tạp hóa từ lưỡi câu, đoạn cước
Nhưng không thể tạp hóa được niềm tin
Má chắp nhặt trả dần nợ mấy chục cây vàng
ngày trước
Người giữ trọn niềm tin
Trong ngày gian khó nhất
Người gửi cả đứa con mình yêu quý nhất
Theo con tàu như khối thuốc nổ ra đi...
Trên ngực má không một tấm huân chương
Chiến công má chỉ vài người biết đến
Và cũng có thể rồi quên:
- Còn máu xương của anh em ai trả!
Những con tàu được đóng bằng những tấm lòng
như thế
Thì con đường trên biển Đông sao có thể mòn
Sao có thể mòn
Khi thủy thủ có tên anh Hai, anh Ba, anh Tư... Giơ tay xung phong
Xin nhận là người cuối cùng ở lại
Cùng khối bộc phá ngàn cân
Châm vào dây cháy chậm
Cháy chậm cả đời mình
Nhìn cái chết đến từ từ
Thong thả quấn thuốc rê
Mồi lửa cháy sao mà khét lẹt
Và ánh chớp bùng lên
Một cột sóng dựng lên
Đời anh thành mây khói
Biển xóa đi số phận một con người
Một con tàu
Để vũ khí không lọt vào tay giặc
Nước rụng vào với nước
Mặn tan vào với mặn
Muối xót vào với muối
Sóng lại kéo liền da
Thăm thẳm đến rợn người...
 
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
Đức Phổ:
- Hãy dành hạt gạo cuối cùng
Cho thương binh đoàn tàu không số!
Mệnh lệnh của trái tim
Người con gái mảnh mai
Khe khẽ hát bản tình ca Hà Nội
Để nhớ một Hồ Gươm ngàn tuổi
Để nhớ gói ô mai tan ra...
Cuốn nhật ký chị ghi sau những trận giặc càn
Con chữ còn mét xanh màu da sốt rét
Con chữ cũng liêu xiêu cơn đói quắt người:
- Các anh phải ở lại rừng
Chữa lành vết thương
Để có sức còn leo Trường Sơn
Ra Bắc!
Các anh ra đi bằng con đường mòn ngắn nhất
Các anh trở về bằng con đường mòn dài nhất
(Đường chiến tranh chẳng ký ức nào mòn!)
Mấy chục năm sau ai ngờ
Chị là người “Đừng đốt”
Đừng đốt những cánh rừng một thời xanh
Đừng đốt những ký ức chiến tranh
Đừng đốt!
Mấy chục năm sau ai ngờ được
Chính chị từng bón cho mình thìa cháo bốc hơi
Nhưng không thể bốc hơi
Tình người trong lửa đạn
Dưới những mái lá, mái tăng che tạm
Bếp lửa bập bùng như tiếng ghi-ta
Bập bùng thao thức suốt đời ta
Biển sóng trắng vỗ vào con đường thức.

Nguyễn Ngọc Phú

Dấu lặng

Khúc tưởng niệm đồng đội

Những linh hồn khai sinh từ chớp bể mưa nguồn
Về đây trùng phùng bên đồng đội
Nghĩa trang cỏ hoa kết trái
Gói điều thâm nghiêm
Những linh hồn từng gánh cả non sông
Ai lang thang nơi đầu rừng góc núi
Một thời hướng trời Nam cuồn cuộn
Trĩu nặng trên lưng gia tài người lính
Mơ ước ngày bình yên.

Chiến tranh thổi dọc đời các anh
Mịt mù súng trận
Nhì nhằng chớp rạch
Hóa thân vào đất giữa đại ngàn
Không di ảnh lẫn vào rừng vào gió
Hàng chục năm có thêm tuổi nào đâu
Thèm ngồi lưng trâu, mơ một cánh diều
Dưới tuyền đài lặng lẽ
Cho hạnh phúc tái sinh
Người thiếu phụ qua miền bão dông
Vội xuống đò chiều…

Gió ơi xin đừng thổi
Ve ơi, bớt chút nao lòng
Sông ơi, thì thầm nói hộ
Đồng đội rưng rức gọi anh.

Đỗ Như Thuần

Trở về

Ngày hòa bình đầu tiên
Từ địa đạo chúng tôi về mặt đất
Đất làng hóa thành đồi trọc
Đất đỏ loét trộn rễ cây khô
Chồi non chưa kịp mọc
Người già không bờ tre hóng mát
Trẻ con không chạy chơi dưới những tán bàng...

Bỗng bật dậy thành làng
Sức mạnh của tám năm trụ trong lòng đất
Tám năm...
Khẩu đội 57 ly quần nhau với giặc
Vẫn những đoàn thuyền đi khơi đêm đêm...

Trở về làng cũ
Đất lạ đi nhưng không ai ngỡ ngàng
Dẫu đất héo khô vì bom
Mồ hôi đất mồ hôi người vẫn chung vị mặn
Đất chảy máu chở che người chiến thắng
Lại cùng người thấm đẫm mồ hôi

Da người hồng lên dưới mặt trời
Da đất rờn xanh dưới bàn tay người...

Bùi Công Minh

Ký ức Mỏ Cày

Nơi em đến chính là nơi anh sống
Tháng năm xưa bạc phếch áo giang hồ
Ngày bầu bạn cùng cây bần, cây đước
Đêm bất an nên ẩn trú vào thơ…

Bom đạn vô tình đâu biết ước mơ
Chàng trai trẻ thèm lời ru của mẹ
Thèm nụ tình khi lội sình thất thế
Mắt môi ai ngọt mật đấy không ngờ!

Bốn mươi năm một giấc mơ dài
Trái tim nhân văn vẫn còn vô lượng
Con cá, con tôm nuôi người khôn lớn
Khí phách ngang tàng vẫn chảy cùng sông…

Nơi em đến chiều chầm chậm cong cong
Hết chiến tranh sông Mỏ Cày trẻ lại
Nụ cười em vói trời xanh thơm ngái
Nắng Mỏ Cày không ngược lối thương mong.

Trần Dzạ Lữ

Sau chiến tranh

Vào miền Nam anh không về
chị dâu ở vậy một bề nuôi con
hết trăng già lại trăng non
thời gian cứ đến giũa mòn tuổi xuân

Giữa làng quê sống âm thầm
ví mình như giậu cúc tần bìm leo
bấy lâu chị vẫn sống nghèo
con thơ một nách gieo neo trăm đường

Ngày chai gót chạy miếng cơm
đêm về sùi sụt khóc thuơng cuộc đời
chồng nằm ở chốn xa xôi
nắm xuơng cỏ phủ biết nơi nào tìm

Mắt quầng đen rạn chân chim
nỗi đau nhức buốt khuất chìm ai hay
nuốt vào dạ nỗi đắng cay
nuôi con chẳng ngại vai gầy tóc khô
đời sang sông một lần đò
một lần đò có ai ngờ lẻ đôi

Đoạn trường lá thắm bạc vôi
nắng mưa năm tháng lần hồi tưởng qua
mỗi chiều suơng trắng ngõ nhà
chị dâu tôi vẫn trông ra nẻo trời

Ngân Vịnh

;
.
.
.
.
.