.

Con đường bà tôi đi

.

Cây gạo cổ thụ phía sau nhà có từ bao giờ thì tôi không biết, chỉ biết rằng từ những ngày tôi còn nhỏ, cây gạo đã to, cao lắm rồi. To đến mức chúng tôi có năm đứa: Tôi, cái Chắt, thằng Tý, thằng Ồ, cái Hoa “còi” đều nắm tay nhau, dang hết cỡ để ôm gốc gạo, vậy mà vẫn không kín hết vòng. Hoa “còi” ngơ ngác ngửa cổ nhìn lên những tán lá to, rộng cao vút của cây gạo và cứ hỏi:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Cây gạo đã bao nhiêu tuổi?

Ai mà biết được, những đứa trẻ trong xóm đều lắc đầu khi được hỏi về tuổi tác của cây gạo, vẫn cái Hoa “còi” nói:

- Bây giờ chỉ có cách hạ cây gạo nằm xuống, đếm các vòng tròn quanh thớ gỗ thì biết được bao nhiêu tuổi.

Nói như­ cái Hoa thì nói làm gì? Sẽ biết tuổi tác của cây gạo đấy, nhưng chúng tôi sẽ mất toi cây gạo, mất toi nơi chơi vào những buổi tr­ưa hè. Cây gạo ngày một to, cao hơn, gốc bành ra, tán lá to rộng như­ là sự che chở cho đám cây thị ở bên dưới vào những ngày mư­a bão. Bên cạnh cây gạo còn đám phi lao cùng mấy bụi tre xanh m­ướt cứ kêu kẽo kẹt vào buổi trư­a hè khi có cơn gió nồm từ biển thổi vào.

Không phải chỉ có chúng tôi ra chơi nơi gốc gạo, mà còn có bà Thông. Bà Thông bao nhiêu tuổi, tôi cũng không biết. Bà thường đi còm và chống gậy. Bà là mẹ của chú Tháo. Nhà chú Tháo rất giàu, chú ấy làm giám đốc ở một cơ quan nào đó ở thành phố. Vài ba tháng chú về một lần, có xe ô-tô đưa đón. Cả làng tôi ai cũng tấm tắc và ư­ớc ao được nh­ư bà Thông. Vậy mà bà cứ buồn, nhất là những hôm chú Tháo về thăm nhà, tổ chức ăn uống linh đình, bà thường không ở nhà, mà ra gốc gạo chơi với chúng tôi. Đôi ba lần tôi có hỏi: Tại sao bà không ở nhà? Chú Tháo về có nhiều quần áo đẹp, bánh kẹo cơ mà? Bà không trả lời mà buồn thiu. Bà thích chơi với chúng tôi. Trò chơi nào bà cũng biết, nh­ư đánh sẻ, chơi ô, chơi cờ gánh. Nhất là khoản đánh cờ gánh, bà biết quân nào đi trước, đi sau sẽ thắng. Chúng tôi hay đánh lừa bà vì bà mắt kém. Thế mà bà cũng cười khi thua chúng tôi, còn nói: “Thì cũng trông các cháu hơn bà”. Có hôm bà không đánh cờ mà kể chuyện. Thằng Tý về nhà chú Tháo mang chõng, chiếu ra gốc gạo cho bà nằm, còn lũ trẻ nằm, ngồi ngổn ngang, há hốc miệng nghe. Chuyện của bà thật mê ly hấp dẫn, bà kể: Bọn Pháp ngày x­ưa thi thoảng cũng kéo về làng khá đông. Đứa nào cũng cao to, mũi nhọn, mắt xanh, tóc vàng, da trắng, suốt ngày đi lùng sục để tìm bắt du kích hoặc là những người nấu rượu lậu. Có lần chúng đã tập trung rất đông ở gốc cây gạo này để xem bà ăn trầu.

- Thế ngày xưa đã có gốc gạo này hở bà? - Thằng Tý hỏi.

- Có chứ.

- Bà cũng hay ra gốc gạo này ngồi rồi à?

- Cây gạo ở đầu làng, bà ngồi đây để may vá, trông chú Tháo bây giờ, lúc nào bọn Pháp kéo về thì báo cho những người làng biết để chuẩn bị.

- Chuẩn bị những gì, bà?

- Có người đang nấu rượu thì dừng lại, có người đi báo cáo với các cô chú du kích để rút vào bí mật.
Bà dừng lại lấy trầu ra ăn, rồi kể tiếp:

- Hôm đó trời lạnh buốt da, buốt thịt, bà vẫn ngồi ở gốc gạo này đây, mạng lại chiếc áo bông cho chú Tháo mặc. Chú Tháo chỉ có hai chiếc áo vải, nên da cứ tím tái. Bà cũng rét quá nên luôn nhai trầu. Các cháu chư­a ăn trầu, chưa biết đó thôi, ấm lắm. Mải miết làm, bà không biết ba ông Pháp đến từ lúc nào, cứ nhìn bà chằm chằm. Bà hoảng hồn ra hiệu họ cần gì, cả ba ông đều chìa tay. Tư­ởng họ xin tiền, bà lộn hết túi áo cho họ biết là không có. Họ lắc đầu, rồi một ông chỉ tay vào mồm, tay kia chỉ vào bọc trầu: À, hiểu rồi, họ cũng rét, muốn ăn trầu. Bà đưa trầu cho cả ba ông, họ nhai ngồm ngoàm, nhăn mặt, rồi nhổ nước. Một ông chỉ bãi nước trầu hỏi bà lơ lớ: “Mau... mau...”. Bà cười nói: “Không phải máu đâu, nước trầu đấy”… Cả ba ông cũng cười và nói “Méc-xi, méc-xi” (cảm ơn), rồi kéo nhau đi. Bà chẳng hiểu họ nói gì, nom điệu bộ có vẻ vui. Từ đấy về sau, mỗi lần về làng, họ đều dừng chân ăn trầu với bà rồi mới đi, cũng có lần còn xin trầu mang đi theo nữa.

- Bọn Pháp ấy có ác không bà? - Hoa “còi” hỏi.

- Ở làng khác thì bà không biết, chứ ở làng mình ch­ưa thấy họ giết người bao giờ, chủ yếu là đi bắt nấu rượu lậu thôi. Có lần họ ngồi ăn trầu với bà cả buổi, cũng buồn lắm.

- Buồn như thế nào ạ? - Thằng Tý tớp leo.

- Bà không biết họ nói với nhau những gì, chỉ nghe xì xồ, rồi có người chảy nước mắt, buồn r­ười rư­ợi. Bà nghĩ chắc là họ nhớ nhà. Con người ai cũng nhớ nhà cả thôi.

Bà chợt im lặng, rồi buồn. Chúng tôi không hiểu vì sao bà buồn. Nhà bà ngay đấy thôi. Chú Tháo đang ở nhà vui vẻ, quần áo, giày dép, đường sữa của bà không thiếu, hà cớ gì mà phải buồn. Có hôm bà còn bàn với chúng tôi bắc ba hòn đá làm bếp, còn bà mang nồi niêu, gạo ở nhà ra gốc cây gạo để nấu cơm ăn với cà, dư­a muối, và mớ tép chúng tôi vừa cất được ở ngoài ruộng lúa. Lần ấy đứa nào cũng xanh mắt vì chú Tháo. Chú Tháo đi tìm bà, thấy chúng tôi đang quét lá để đun nấu nơi gốc gạo, chú đá đám lá tung tóe rồi bắt bà phải về nhà. Những bộ quần áo, váy, vá chằng, vá đụp của bà bị chú đưa ra kênh vứt bỏ không thương tiếc. Bà phải mặc bộ quần áo bằng lụa xanh biếc, phải ăn cơm với quan khách chú Tháo mời về. Thế là bà khóc hu hu, không ra khỏi nhà vì xấu hổ - Sau này cùng ngồi nơi gốc gạo với chúng tôi, bà nói như thế.

- Nhưng còn lần này, chú Tháo có đưa khách về đâu, mà bà cũng không về, cứ chơi mãi với chúng cháu

- Tôi hỏi.

- Bà sợ phải ăn cơm với các món xào rán, phải nằm giường do chú Tháo đưa về.
Giường chú Tháo đưa về đợt trước, chúng tôi biết, lần ấy chú Tháo vừa đi, chúng tôi cả năm đứa kéo đến khi cả nhà đi vắng, chỉ còn mỗi bà. Đứa nào cũng tranh nhau lên giường nằm. Giường đệm thật ấm, mềm, bọc bằng ga lụa đỏ. Bà còn chê nỗi gì? Bà bảo:

- Nằm đau người lắm cháu à. Bà quen nằm chõng rồi.

- Bà nằm chõng cứng queo thì bảo là người khỏe, không đau. Nằm giường đệm thì lại kêu đau người. Thật chẳng hiểu ra làm sao - Tôi nói.

- Có lẽ dùng vật gì cũng do thói quen và tình cảm nữa mới thoải mái được cháu ạ - Bà lại nói.

- Trời ơi, nói như­ bà thì dùng vật gì cũng phải có tình cảm như­ con người mới được sao? Chõng thì chỉ là những nan tre, làm sao có tình cảm được - Thằng Tý chen vào.
Tôi gạt đi:

- Thôi, kệ bà, đây là tình cảm của bà với cái chõng, chứ không phải cái chõng đối với bà, thằng hâm ạ.
Chúng tôi cứ cãi nhau, còn bà nằm giường chú Tháo đưa về có một đêm. Những đêm sau, bà vẫn nằm ở chõng, ban ngày, bà kêu chúng tôi khiêng ra gốc gạo để nằm. Có hôm, vào đêm hè nóng nực, bà cũng không muốn về, ở luôn ngoài gốc gạo. Những đêm như thế, nằm nghe tiếng gió vi vu của rặng phi lao, tiếng kêu cọt kẹt của bụi tre, bà thường hay nói chuyện:

- Cây cối nào sống lâu cũng hóa tinh cả đấy các cháu ạ.

- Tinh là gì hả bà?

- Là tình cảm thiêng liêng của các loài cây với nhau, và với con người.

- Thế cây gạo này có hóa tinh không bà?

- Có chứ, tinh của cây gạo này là đã biết cách quyến rũ, che chở cho con người. Bà cháu ta kéo nhau ra với cây gạo đấy thôi, do đã hóa tinh mà cây làm được đấy…

Một tuần sau cái đêm nằm ngoài gốc gạo với chúng tôi, bà lăn ra ốm. Vì bệnh gì, chúng tôi không biết, cả năm đứa kéo đến thăm bà hằng ngày. Đứa mang ổi, mang bư­ởi, thằng Tý mang cho bà mớ tép mới cất được, tanh ngòm, vợ chú Tháo quát ầm ĩ, chúng tôi bỏ chạy đứt cả dây chun quần.

Rồi chú Tháo về, chú quyết định đưa bà đi bệnh viện Trung ­ương. Bà năn nỉ không muốn đi, chỉ ở nhà thôi, có khi còn mau khỏe hơn. Nhưng chú Tháo đã quyết. Chúng tôi buồn rầu đưa tiễn bà ra xe, bà khóc. Đứa nào cũng rơm rớm nắm tay bà, và chạy theo một đoạn khi xe chuyển bánh.

Những ngày bà đi, chúng tôi thấy trong lòng hẫng hụt, trư­a, chiều đứa nào cũng ra gốc gạo nói chuyện và trông bà về. Gốc gạo luôn được quét dọn sạch nh­ư lau, như­ ly, không ai bảo ai, đứa nào cũng nhìn về phía xa xa, nơi ấy thường xuất hiện chiếc xe của chú Tháo mỗi lần về nhà.

Và chúng tôi được tin bà đã về. Buổi sáng hôm ấy đứa nào cũng đang học. Trưa về đói bụng, nên không ai đoán ra bà về. Chỉ có cái Hoa “còi” là biết, vì nó phát hiện nhà chú Tháo rất đông người. Cả lũ muốn chạy ào vào để hỏi thăm bà thì bị chú Tháo trợn mắt, quát. Chúng tôi thui thủi đi ra ngoài, chỉ ngó bà qua khe cửa. Bà gầy hơn hôm đi, da xanh mét, người xẹp lép. Bà chỉ nằm, không đi lại được. Chú Tháo lại đặt bà nằm trên giường đệm, lút hẳn người, bà khó chịu cựa quậy yếu ớt. Chúng tôi nhìn nét mặt người lớn, ai cũng trang nghiêm. Có chuyện gì sẽ xảy ra với bà?

Tôi mạnh dạn nói với chú Tháo:

- Bà không muốn nằm giường đệm, bà muốn nằm chõng cơ chú ạ.

Chú Tháo hỏi:

- Vì sao cháu biết?

- Cháu hay chơi với bà.

Lần đầu tiên chú Tháo nghe chúng tôi, chú trải vải lên chõng và bế bà xuống. Nét mặt bà rạng rỡ hơn, bà nhìn tôi hơi mỉm cười. Chú Tháo lại hỏi:

- Cháu biết bà thích ăn gì? Ở bệnh viện chỉ truyền huyết thanh thôi, bà không ăn được cơm cháo, đường sữa của chú.

Thằng Tý lau bau:

- Bà thích ăn cơm với dư­a, cà muối và tép rang do chúng cháu cất được.

Tôi nói:

- Bà đang ốm, không ăn cơm được. Có lần bà nói với cháu là thích ăn cháo trắng nấu từ gạo lúa mới, có rắc vừng đen.

Một lần nữa, chú Tháo nghe theo. Quả thực, buổi chiều hôm ấy bà đã ăn được một bát cháo đấy. Nét mặt chú Tháo t­ươi tỉnh, cứ tư­ởng rằng bà sẽ khỏe dần lên. Ai ngờ, nửa đêm hôm ấy, bà đã “đi” trong lúc chúng tôi đang ngủ say tít thò lò.

Đám tang bà rất đông người, trẻ con trong làng đi không sót đứa nào. Chú Tháo còn hỏi tôi lần nữa:

- Bà thích đi con đường nào?

- Bà thích con đường đi qua cây gạo - Tôi nói.

Đi qua cây gạo, đám tang bà dừng giây lát, những lá gạo rơi rụng xào xạc, tiếng phi lao vi vu, tiếng tre kẽo kẹt như­ tiễn đưa. Đứa trẻ con nào cũng khóc. Đến lúc hạ huyệt, chú Tháo khóc to hơn, và cứ nói đi nói lại:

- Con có lỗi với mẹ, con có lỗi với mẹ.

Bà con trong làng, ai cũng nói chú Tháo không có lỗi gì, bà là điều mơ ước của nhiều người, muốn có đứa con nh­ư chú. Chỉ có chúng tôi có lỗi với bà, tất cả đã ngủ say trong lúc bà “đi” mà không đứa nào biết được.

Đàm Quỳnh Ngọc


 

;
.
.
.
.
.