“Những chiếc mặt nạ” là tiểu thuyết mới “ra lò” của nhà văn Đỗ Kim Cuông. Đây là cuốn sách thứ 22 của anh. 30 năm cầm bút (kể từ cuốn sách đầu tay “Người đàn bà đi trong mưa” - 1986), xuất bản chừng đó tác phẩm cùng với 3 tập sách đã hoàn thành, chứng tỏ một sức sáng tạo dồi dào và lao động bền bỉ. Chính vốn sống những năm chiến tranh ở miền Trung đã giúp anh hoàn thành nhiều cuốn tiểu thuyết trong những năm gần đây.
Tiểu thuyết có 6 phần và “Đoạn kết”, nói theo ngôn ngữ sân khấu thì đây là một vở kịch có 7 màn. Trang đầu tiểu thuyết là cảnh Tư Sẹo - một thương binh cụt chân và khuôn mặt bị biến dạng - bên ngôi mộ trên vùng đồi một thành phố ven biển… Tác giả không “đánh đố” bạn đọc, tiết lộ ngay Tư Sẹo là Nguyễn Hoàng Hiệp thắp nhang trước mộ cô Hồng ở cuối “màn” 1; và từ đầu “màn” 2 là hồi tưởng cuộc đời trần ai của Hiệp qua mấy chục năm, bắt đầu bên ao cá quê Hồng (Nam Định), nơi có trường “Ba Mươi” nuôi dưỡng học sinh miền Nam sau Hiệp định Genève 1954. Hiệp và Duy về học ở đây, trong một lần đi câu cá trộm của hợp tác xã bị Hồng phát giác… Cuộc gặp bên ao cá này có thể gọi là “duyên kỳ ngộ”, vì sau đó, ba số phận đã “cuốn” vào nhau với biết bao nỗi đoạn trường…
Gấp trang cuối cuốn tiểu thuyết dày trên 300 trang, trước cái chết bất ngờ của Hồng và sự “biến dạng” của Hiệp và của Duy mấy chục năm sau cuộc chiến, một câu hỏi cứ khiến tôi thao thức: Vì sao nên nỗi…?
Điều dễ thấy là do thế cuộc xô đẩy - một cuộc chiến ác liệt và dai dẳng mà dân tộc Việt Nam vừa buộc phải gánh chịu, có thể cuốn tất cả vào guồng quay khủng khiếp nhiều khi tưởng như “vô tình” của nó. Một sinh viên miền Nam, xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng như Hiệp, sẵn sàng rời giảng đường và chia tay người yêu (Hồng) trở về quê hương chiến đấu là không có gì khó hiểu. Trong buổi chia tay, khi nghe Hồng thốt lên: “Em sẽ chờ anh!”, Hiệp bảo: “Không nên vậy. Em đừng hứa…”. Anh như đã linh cảm một kết cuộc đau lòng… Quả nhiên, với “truyền thống” gia đình, với trách nhiệm người chỉ huy gương mẫu của một đại đội đặc công, giữa trận đánh sinh tử vào Tết Mậu Thân 1968, anh đã chọn “chỗ đứng” nguy hiểm nhất lúc quân ta phải rút lui, để rồi cam chịu làm tù binh khi cơ thể anh như một cái xác không còn hình hài con người!
Duy lại ở trong một hoàn cảnh khác, cũng là học sinh miền Nam tập kết, nhưng anh thuộc loại “con ông cháu cha”; ngày Hiệp lên đường đến nơi bom rơi đạn nổ thì Duy đang du học ở Trung Quốc và bố anh vừa lên chức thứ trưởng. Cậu “quý tử” này có thể tránh xa hoặc tìm nơi ẩn núp để không bị cái guồng quay chiến tranh khốc liệt cuốn vào; vậy mà thật bất ngờ, sau hàng tháng trời vượt Trường Sơn, Duy đã gặp Hiệp khi chiến dịch Tết Mậu Thân sắp mở màn!
Trong một số tác phẩm văn học trước đây, chúng ta đã chứng kiến những cuộc “gặp gỡ” thật cảm động: bố là tướng lĩnh, bất ngờ gặp con trai giữa nơi nước sôi lửa bỏng. Họ thật sự là những anh hùng, vì ra mặt trận để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng lúc lâm nguy. Thật là buồn khi Thứ trưởng Hưng lại có tính toán khác trong việc “cài cắm” Duy vào một đoàn cán bộ chính trị chi viện cho chiến trường. Ông tin theo “chỉ thị” của “cấp trên” nào đó, nghĩ rằng đây là trận chiến cuối cùng để giải phóng quê hương và con trai ông, với bằng cấp tu nghiệp nước ngoài, cộng thêm… “bằng” vượt Trường Sơn vào tham gia cuộc chiến, chắc chắn sẽ chiếm một vị trí “ngon lành” ở vùng giải phóng! Duy “ra trận” với lực đẩy của sự tính toán vì lợi ích riêng tư. “Nước cờ” ông bố tính quá sớm, đã suýt giết chết người con trai yêu quý. Thật may là Duy kịp tháo chạy khỏi mặt trận với “chiến lợi phẩm” có giá là mấy vật kỷ niệm của Hiệp nhờ anh trao lại cho Hồng, lúc đó đã là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội.
Trở lại miền Bắc, nhờ có tài “ăn nói”, Duy trở thành một “báo cáo viên” thời sự chiến tranh được nhiều nơi hâm mộ với những câu chuyện bi hùng mà chính anh đã chứng kiến, tất nhiên là phải “biến hóa” ít nhiều… Duy đã gặp lại cô gái bên ao cá năm xưa, trao kỷ vật cuối cùng của người bạn đã hy sinh trong tư thế đó. Anh chưa bị lột “mặt nạ”, Hồng thì không thể buồn khóc mãi về một mối tình chưa có chi ràng buộc, nên dần dà, cô đã chấp thuận lời cầu hôn của Duy…
Còn bất ngờ hơn cả việc Duy xuất hiện tại chiến trường Nam Trung Bộ vào thời điểm ác liệt nhất, Hiệp đã tìm trở lại gặp Hồng với “gương mặt quỷ chứ không phải mặt người” dù đã mang kính râm to gọng, giọng nói cũng méo mó, nên cô không thể nhận ra. Biết Hồng đã làm mẹ, là vợ của Duy, Hiệp xưng là Tư Sẹo, bạn của Hiệp trong nhà tù Phú Quốc, mang cho cô chút quà của người bạn tù trước khi chết: chiếc lược đồi mồi, cái nhẫn, kẹp tóc làm bằng ốc biển… Nhưng rồi cũng từ đây, cái “mặt nạ” hào nhoáng bấy lâu của Duy lần đầu bị xé toạc, cùng lúc mặt thật của Tư Sẹo - dù bị che lấp bởi những “vết sẹo kinh khủng, dúm dó...” - được Hồng nhận ra, khi anh nhấc chiếc túi vải đứng lên định rời đi, khiến cô phải vội nắm hai bàn tay như đang co giật của người thương binh và thốt kêu lên đau đớn: “Trời ơi! Anh Hiệp!”.
Từ sau cuộc tái ngộ muộn mằn này, đến lượt Hồng phải mang “mặt nạ” ngày đêm, khi vẫn chung sống với người đàn ông mà cô khinh ghét trong ngôi biệt thự có đến 8 phòng giữa Sài Gòn. Còn với Hiệp, cho dù cuộc chiến khốc liệt buộc anh mang “mặt quỷ”, thì anh vẫn là người anh hùng của nhân dân…
“Cũng đã đến lúc, Hồng không thể lừa dối mãi chính mình, lừa dối Duy để chịu đựng tấn bi hài kịch đau lòng, khi cánh màn nhung đã hạ”. Phải! Mặc dù trước phản ứng hung dữ của Duy, Hồng đã nói: “Tôi cũng nói để anh yên tâm, vợ anh không đưa việc dối trá của anh ra tòa đâu”, nhưng cô đã lột trần “nửa sự thật” mà bao năm Duy che giấu và “giảng” cho Duy biết “trong cuộc sống của chúng ta hiện thời… khối kẻ phạm pháp mà luật pháp chưa xử lý được… Nhưng… những kẻ dối trá, tội lỗi luôn bị giam hãm, tù đày trong chính cái vỏ bọc của mình. Một cái án chung thân…”.
NGUYỄN KHẮC PHÊ