Nhà tôi nằm dưới chân một ngọn núi lớn thuộc cánh cung Đông Bắc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Rừng ở đây không còn rậm rạp như xưa nhưng những loài cây gỗ thông thường như dẻ, sến, táu… thì vẫn còn khá nhiều. Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với những cánh rừng ấy, ở ngay bìa rừng vẫn còn những đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, nhiều nhất là người Thổ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ngày ấy, sau mỗi giờ học sáng, buổi chiều chúng tôi lại lội qua con suối nước trong và lạnh buốt để lên rừng lấy củi. Những loại củi yêu thích của chúng tôi khi đó là sim, dẻ, chẹo, táo xanh, táo vàng… Củi sim thì dễ kiếm và đượm lửa, chẹo thì nhẹ nên mang được nhiều, dẻ thì thân thẳng dễ bó, táo xanh tuy nặng nhưng kiếm được cây thẳng thì chẻ tươi rất róc thớ... Hồi đó nhà ai cũng nghèo nên việc trẻ con, người lớn vào rừng kiếm củi, vừa làm chất đốt sinh hoạt hằng ngày và phần củi thừa có thể mang ra chợ huyện bán lấy tiền mưu sinh là chuyện rất bình thường.
Thủ là người dân tộc Thổ, một người bạn với tôi từ thuở bé. Mỗi khi lũ trẻ con trong xóm đi lấy củi trên núi đều đi qua nhà Thủ. Nhà Thủ nằm sát chân núi, lại nằm cạnh con đường mòn nên mỗi khi đi qua đó, viện cớ là có người bạn thân học cùng lớp nên bao giờ tôi cũng vào nhà Thủ xin bát nước mát lạnh để uống rồi mới về nhà. Sau này học hết bậc trung học cơ sở, Thủ không đi học tiếp nữa mà ở nhà trồng rừng và nuôi con gà con vịt ngay trên đồi nương nhà mình. Tôi cũng đi học phổ thông ngoài trường huyện, đi học đại học, chuyển nhà đi xa và rất lâu không về thăm ngôi nhà của người bạn dưới chân núi nữa.
Một ngày họp lớp cũ, tôi mới trở về mảnh đất tuổi thơ của mình sau bao năm xa cách. Còn đường mòn vào xóm cũ đã được trải bê-tông nhưng có rất nhiều bụi và lá cây, tôi cũng biết con đường ấy dẫn đến ngôi nhà xưa của bạn mình: nhà Thủ vẫn có thể ở dưới chân núi.
Tôi lội qua con suối của ngày xưa, suối vẫn còn nguyên hình thù ngày trước nhưng nước đã không còn trong và lạnh như xưa. Một màu đùng đục u tối, vẩn những lông gà, rác rưởi và tôi đã không dám vục mặt mình xuống dòng nước ấy để rửa mặt hay uống nữa.
Tôi đi theo con đường mòn dẫn lên rừng. Trong kí ức của tôi vẫn là những cánh rừng đầy màu xanh năm xưa, nào là sầm, chẹo, dẻ, chân chim, táo xanh, táo vàng… mọc kín các khe núi và sườn đồi nhưng trước mắt tôi không phải như vậy. Vẫn là màu xanh của rừng nhưng bây giờ bao trùm là màu xanh của thông nhựa, thông mã vĩ và keo tai tượng thay thế các loài cây rừng mọc tự nhiên.
Tôi không nhìn thấy ngôi nhà của Thủ năm xưa, ngày đó nó là một ngôi nhà bằng tre gỗ tồi tàn, giờ có thể nó đã trở thành một ngôi nhà mái ngói đỏ hoặc mái bằng mà tôi không nhận ra. Tôi nhìn thấy những bé trai bé gái đang đi học về nhà, tôi hỏi một cậu bé trai có khuôn mặt sáng nhất: Cháu có biết nhà chú Thủ ở đâu không?
Đứa bé nhìn tôi không ngạc nhiên và bảo, nhà chú Thủ à? Cách đây bốn năm nhà nữa, ở sát chân đồi, cái nhà có màu vàng ấy, có cổng sắt màu xanh.
Tôi đi dọc theo hướng tay thằng bé chỉ, có thể tôi đã không nhớ chính xác ngôi nhà người bạn xưa của mình nữa hoặc nhà Thủ đã chuyển qua chỗ khác. Tôi đứng trước sân nhà người bạn cũ của mình và hồi hộp, có thể Thủ sẽ không nhận ra tôi hoặc năm tháng đã xóa nhòa kí ức, cả những hình ảnh tuổi thơ và những cánh rừng…
Nhưng Thủ vẫn nhận ra tôi, chỉ có tôi ngỡ ngàng khi thấy người bạn của mình quá khác. Thủ gầy và già đi rất nhiều, nếu không biết chắc là người bạn năm xưa, tôi đã nghĩ anh già hơn tôi đến cả chục tuổi.
Thủ mời tôi vào nhà và vẫn sẵn một bát nước mát lạnh như xưa. Tôi bảo Thủ, ở nơi này khác quá, rừng ngày xưa đâu hết rồi, giờ chỉ toàn thông và keo tai tượng thôi.
Rừng bây giờ khác rồi, Thủ bảo và dẫn tôi lên khu rừng sau nhà anh. Tất cả triền đồi đã được trồng thông nhựa và thông mã vĩ và đến ngày được khai thác. Thủ bảo trước kia rừng là của tự nhiên, không ai lo giữ, lấy gỗ, lấy củi làm rừng trơ trụi trong bao năm. Giờ rừng đã được phân cho mỗi nhà, người ta trồng thông, keo tai tượng. Keo tai tượng để lấy gỗ, thông để lấy nhựa bán cho nhà máy chế biến colophon ngoài thành phố Uông Bí chuyên làm hàng xuất khẩu sang Nhật. Thủ trở thành người giữ rừng ở dưới chân núi này cùng nhiều người khác nữa.
Tôi nhìn những giọt nhựa thông vàng óng như mật đang chảy xuống cái bát bằng gốm hứng nhựa. Mùi nhựa thông nồng và hắc, những cái phoi bào thông bị đẽo cong và vàng óng như cái bánh mỏng được trẻ con nhặt về để nhóm bếp.
Thế bây giờ còn ai đi rừng lấy củi về đun nữa không, tôi hỏi người bạn cũ của mình. Vẫn còn, nhưng ít lắm, Thủ trả lời, bây giờ người ta đun bếp điện, bếp gas gần hết rồi, củi chỉ dùng nấu cám lợn hoặc nấu bánh chưng thôi.
Tôi đứng trên đồi rừng lộng gió, những loài cây của rừng trong kí ức tuổi thơ của tôi không còn nhiều nữa nhưng màu xanh của thông và keo tai tượng đang phủ kín các quả đồi. Dù sao thì vẫn còn rừng ở vùng cánh cung Đông Bắc này và những người như Thủ sẽ giữ cho những cánh rừng hồi sinh trở lại. Rừng vừa là cuộc sống vừa là sự yên bình cho những người cho tôi và Thủ, cùng nhiều người
khác nữa…
UÔNG TRIỀU