.

Trăm năm với đá

.

Ngày tôi đi lũ đá khóc sau đồi, tôi không hẹn đá lần trở lại...

Nhà tôi nằm ở sát chân núi Tày Vày, đó là ngọn núi cao nhất vùng Mường Tạ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Tôi sinh ra nơi ấy, lớn lên nơi ấy, nên núi đá ấy là một phần trong cuộc đời tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đá có từ bao giờ chẳng rõ, đá đã ăn ở với bao kiếp người tôi cũng không hay. Chỉ biết lớn lên đã thấy đá hiền hòa, bền bỉ nơi đó, như thể kiếp mệnh sinh ra mà bầu bạn với người. Ngọn Tày Vày hùng vĩ, sừng sững, dựng cao ngất, chạy dài từ đầu làng đến cuối bản, rồi tít tắp nối xa sang làng khác. Nó như một bức tường thành khổng lồ bao bọc, chở che cho cả làng. Sống trong lòng đá, người Mường tôi ai cũng nghe, cũng hiểu được tiếng đá. Đá biết vui, vách đá vọng ngân nhịp cồng chiêng hát ngày mùa, lễ hội. Đá biết đau, vách đá khóc sầu thương theo tiếng chiêng ma đưa tiễn người về trời…

Sống với đá, hồn người thấm vào đá, đời đá làm một phần đời người. Đá có lúc là chiếc giường chiếc nôi, ru trẻ thơ những giấc yên bình. Đá có lúc làm đứa bé bầu bạn với lũ nhóc con, chơi đủ trò tuổi thơ trên lưng mình. Đá có lúc là tri kỷ, lặng lẽ nghe hết mọi lời thở than, lặng lẽ thấm hết bao nhiêu nước mắt mặn đắng cho người. Đá, có lúc là nơi kết duyên trăm năm đôi lứa, là nơi cho người nông phu ngồi khoe với nhau những vụ mùa ấm no. Đá biết sinh giấc mơ. Trẻ con Mường tôi được đi học, nhưng một buổi đến lớp, một buổi vẫn phải lên đồi chăn trâu, hái củi, phụ nương rẫy. Lén đem theo cuốn sách, trang vở tranh thủ lúc nghỉ ngơi trải lên đá mà thắp ước mơ. Bao nhiêu người ở nơi này, trong đó có tôi, cũng đã bay theo được giấc mơ sinh từ đá. Rồi những hang đá, hẻm đá như ngôi nhà của trời, che nắng, che mưa, nghỉ ngơi, trú ngụ những lúc nhọc nhằn, mỏi mệt. Chẳng ít những đứa trẻ đã được sinh ra ở hang đá, khi mẹ đi nương không kịp về trước cơn trở dạ, đá đã cưu mang, che chở lúc nguy khốn. Tôi nhớ mãi, ám ảnh mãi, mà cũng yêu thương đá nhất từ câu chuyện của cô “Bích dở” bản tôi với đá. Đúng như cái tên người ta hay gọi, cô Bích là một người đàn bà điên điên, dở dở. Người cô lúc nào cũng nhếch nhác, hôi hám, bẩn thỉu, dở dại nên cả đời không ai gần gũi, bầu bạn, chỉ chơi với đá, ăn trên đá, ngủ trên đá, hát cười với đá. Thế mà, bỗng một ngày chừng tuổi đôi mươi gì đó, cô “Bích dở” có mang. Cả bản cả mường xôn xao đoán định, gạn hỏi về người làm nên cái thai, nhưng mãi vẫn chẳng ai biết được gì. Cô thì luôn cười, chỉ tay lên núi mỗi khi ai đó gặng hỏi. Và người ta đành nói với nhau rằng, cô có thai với đá.

Đứa trẻ sinh ra trong hang đá vào một ngày gió lạ. Lần nữa người ta lại chờ đợi đứa bé lớn từng ngày, soi mói kỹ từng nét mặt, dáng hình, những mong thỏa cơn tò mò về người đàn ông nào đó. Nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải lắc đầu nói với nhau, nó là con của đá. Chẳng biết có ai tin thế thật hay không, nhưng tôi tin điều đó từ ngày còn chưa hiểu sự, cho đến khi lớn lên tôi vẫn muốn giữ niềm tin đó. Cha đứa bé là ai thì nghĩa lý gì không với một người đàn bà điên dại? Tôi thấy lòng ấm áp, như thể biết ơn, trân quý đá hơn khi nghĩ rằng, ở một hang đá nào đó, trên một phiến đá nào đó, người đàn bà kia đã được biết đến một cuộc đời đàn bà đủ nghĩa. Người làng bảo, từ khi sinh đứa bé cô mới thật điên, vì cô hay ôm con lên hang đá trên đồi, ngồi suốt ngày dài như ngóng đợi, rồi có lúc ôm đá mà cười, có lúc úp mặt vào đá mà gào khóc. Không, tôi thì tin, từ đá người điên đó đã biết hạnh phúc, biết khổ đau tròn một cuộc người...

Tôi lớn lên và đi xa theo giấc mơ, như con chim păng póc bỏ rừng tìm vùng trời rộng. Nhưng kí ức vẫn đầy những đá, hằn từng mặt đá xanh rêu méo xù, gồ ghề nhọn hoắt, nhớ từng phiến đá trơn lẵn dấu vết hạnh phúc, khổ đau của bao nhiêu kiếp người, trong đó có tôi.

Rồi một chiều trở về thăm núi sau dặm dài biền biệt. Tôi sững sờ nghe đá khóc. Trăm nghìn kiếp, đá không phụ người mà người đem lòng phụ đá. Đói khổ chi nên nỗi, hay tham vọng đời vô tận mà đem bán đá để ăn, để mưu cầu. Lòng tôi vỡ tan như những mảnh đá vụn nát sau nhát búa, vết mìn trên những cánh nương cũ. Núi bây giờ tan hoang, lởm chởm, xơ xác, trắng bạc, xác cây xác đá. Khắp chân đồi ồn ã tiếng máy khoan, mìn, búa.. Câm bặt rồi tiếng chiêng vang vọng trên thành vách Tày Vày. Khắp nơi khét lẹt mùi thuốc mìn, mùi bụi đá. Những nóc nhà, những lùm cây, những mặt người phủ mốc, lấm láp bụi đá trắng bạc, lạnh buồn như đá. Bán hết đá rồi, người có sống cuộc đời no đủ hơn xưa?

Tôi đi, nghe sau lưng vách núi Tày Vày gào thét tiếng máy, tiếng mìn xé trời, nghe bầy đá vụn vỡ va vào nhau khóc trên mỗi bước chân qua ngậm ngùi, thương tiếc.

TÚ ANH

;
.
.
.
.
.