Người nông dân sống nhờ hạt lúa và lớn lên từ những hạt lúa mùa vàng. Ai đã từng chập chững những bước chân trần trên làng quê sẽ hiểu một cách đơn giản nhất về cái quy luật ấy. Trong sâu thẳm tiềm thức của kẻ lớn lên từ quê, cái cảm giác can trường vượt qua mọi gian nan, thử thách đầy khắc nghiệt của thiên nhiên dường như chỉ là một sự thiệt thòi nho nhỏ để được bù đắp bởi đầy đặn mùa màng, thơm nức mùi hương gạo mới!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cha tôi tỉ mẩn đóng lại thân chiếc cày đã cũ. Cặm cụi gác lên chái hiên nhà một cách cẩn trọng. Đôi mắt ông hướng về phía cánh đồng xa, nơi tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đã chạm tới đầu làng, thủng thẳng: “Bây chừ cày cuốc, gặt hái chi cũng dùng đến máy!”. Tôi thấy trong dáng vẻ đăm chiêu của cha, thấp thoáng bóng lũ trẻ nhảy chân sáo chăn bò trên cánh đồng làng. Tôi đồ rằng cha nuối tiếc những tháng năm tuổi trẻ. Kể cả việc phải lưng trần, chân đất ra đồng từ hai, ba giờ sáng đánh vật với đất đai. Thời chưa có thủy lợi, mỗi năm hai vụ mùa cực nhọc. Đất thiếu nước cứ vo cục lại đặc quánh như viên táp-lô. Muốn cây lúa lên mầm người nông dân phải trần mình dùng đùi vồ nện cồm cộp cho đất vỡ ra. Sức kéo của những đôi bò sẽ giúp làm đất mịn thêm phần nào. Mỗi vụ mùa, hạt lúa thu về không đáng là bao nhưng lũ trẻ chúng tôi háo hức lắm. Mấy chữ “Cúng cơm gạo mới” cứ nhảy nhót suốt ngày dài khi nghe mạ vừa nói vừa giã chày cồm cộp vào mớ lúa mới đổ trong cối đá… Bữa cơm gạo mới lúc nào cũng được chuẩn bị chu đáo dù đạm bạc. Lũ chúng tôi hít hà mùi hương phả ra từ bát cơm được mạ đơm đầy đặn. Vào mỗi lúc ấy nụ cười luôn nở trên môi cha mạ. Vui như Tết!
Người nông dân sống với nhau rất tình. Chỉ cần ra đồng vào độ giữa ngày mùa là đủ chứng minh. Người ta sẵn sàng san sẻ cho nhau bát nước mát giữa cái nắng chói chang. Ai thu hoạch xong sớm thì sẵn sàng nán lại vài mươi phút giúp hàng xóm. Vào mỗi vụ mùa, cả đồng quê đều ngan ngát hương lúa mới, bóng nón trắng tăm tắp trên cánh đồng vàng đẹp như tranh vẽ. Con đường làng lúc ấy không còn sự ngự trị nghiêm ngặt của luật giao thông. Bà con khéo kéo chia nhau từng khoảnh để phơi phóng, miễn sao chừa lại đủ lối đi cho người đi đường. Người qua đường cũng ý tứ, niềm nở nhường đường cho nhau, đôi khi họ còn nán lại chia sẻ niềm vui được mùa. Nghe tiếng ầm cơn giông đâu đó lẫn trong đám mây đen, nhà không phơi lúa vội vàng vác trang sang nhà hàng xóm, san sẻ sự hối hả cào lúa chạy mưa.
Trong hương nồng ngan ngát của hạt ngọc mùa vàng, của đất bùn quyện rạ rơm, gương mặt những người nông dân như giãn ra sung sướng với thành quả thu về sau bao giọt mồ hôi thấm lưng áo, nhỏ xuống đất đai, quần quật một nắng hai sương… Ngày đó những đứa trẻ như chúng tôi cũng lớn lên bằng những cốc nước cơm pha đường cát thay sữa. Con đường công danh của những đứa con lớn lên từ gốc rạ cõng theo câu chuyện mỗi vụ mùa cha mạ gán lúa non cho con đóng học phí. Nên hạt lúa mùa vàng đối với người nông dân là cả một cuộc đời!
Tôi hình dung ra niềm nuối tiếc của cha, nhưng thực tại kéo tôi trở về với mùi xăng máy gặt rộn rã trên cánh đồng. Những chú bò bây giờ không được thả theo đàn ăn cỏ mà phải mang theo chiếc dây dài ngoẵng buộc vào cổ, đương nhiên đầu dây kia được buộc chặt vào chiếc cọc đóng sâu trong đất. Lũ trẻ đầu trần phơi nắng hay lăn lộn trên rạ rơm hôm xưa giờ đang chân giày, chân dép và miệt mài đâu đó trên trang vở hay chiếc máy điện thoại chứa đầy ứng dụng trò chơi. Những buổi trải nghiệm ruộng đồng chỉ là tiết học vài chục phút thoáng qua, đôi chân vừa kịp chạm bùn đã vội vàng đưa vào vòi nước máy dội sạch hoặc giả chỉ là những bữa cô giáo phát cho mỗi đứa một cái cốc nhựa và dăm ba hạt giống, rồi các em tự gieo, cũng bằng nước máy.
Hẳn nhiên không vì thế mà có cái nhìn cực đoan về đời sống mới và cũng không phải là một sự buông xuôi của đời người. Vượt qua ngoài câu chuyện ấm no đủ đầy năm ấy, người nông dân bây giờ rôm rả hơn với chuyện con cái học hành đỗ đạt, thành danh nơi xứ người. Công bằng mà nói, với người nông dân bây giờ, cảm xúc đón những hạt lúa mùa vàng căng mẫy vẫn vẹn nguyên, dù dấu ấn công nghiệp hóa đã về tận làng quê, đi từng ngõ, gõ từng nhà. Chẳng thế mà đâu đó giữa chốn thị thành phồn hoa, có không ít những niềm ước mơ nho nhỏ về một mái nhà nơi miền quê tĩnh lặng- Nơi có vườn cây rợp bóng mát, nơi có cánh đồng lúa ngát hương trải dài tít tắp, nơi mỗi sớm mai đón không khí trong lành ngát nồng hương mùi bùn đất, để được chạm đôi chân trần lên bùn đất như sự trở về với ấu thơ, với tinh khôi một thuở… Chỉ ngần ấy thôi, đã đủ để hiểu rằng, những bờ xôi ruộng mật, những hạt lúa căng mẩy mùa vàng không chỉ là cảm xúc của riêng cha, riêng tôi, riêng người nông dân hai sương một nắng mà còn của rất nhiều ước mơ khác. Những vụ mùa luôn chở niềm vui!
THIÊN LAM