Hôm quay lưng ở cổng tòa án, chị bắt chuyến xe khách cuối cùng quay về Hà Nội. Lúc ngồi trên xe chị mở điện thoại sửa lại danh bạ số của chồng cũ thành “Bố của con mình”. Để những đêm đơn lạnh cơn tủi hờn dâng lên nghẹn ứ trong cổ họng, chị tính nhắn tin đay nghiến anh. Nhưng nhìn thấy dòng chữ “Bố của con mình” là chị ghìm lòng lại. Có hôm buồn quá uống rượu say, hơi men bốc lên tận đỉnh đầu. Phải gọi. Nhất định là phải xả cho hả giận. Nhưng dòng chữ ấy nhấp nháy trên màn hình điện thoại là lòng chị mềm nhũn. Anh bắt máy “alo”. Chị lặng thinh không nói được câu gì. Ngay cả khi đã ly hôn anh vẫn không phải người dưng. Dù đã có lúc chị không bao giờ muốn gặp lại anh để chuyện cũ mãi lùi vào quá khứ. Nhưng thỉnh thoảng nghe tiếng chuông reo vang, mở cửa ra đã thấy bố của con mình đứng đó. Con chị bữa ăn nào cũng nhắc đến bố như cách người ta nêm gia vị. Nên trên mâm luôn có một bát canh, để chị chan cơm cho đỡ nghẹn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Đêm qua con ngủ mơ thấy những ngón tay của bố đang tỏa hương. Mùi của những đóa cúc vạn thọ trong khu vườn cũ. Mẹ nhớ không, cứ mùa xuân đến là chúng lại nở hoa vàng rực cả lối đi? Nhưng mẹ chỉ thích ngắm hoa lan, hoa đào mua từ chợ về. Mẹ không đoái hoài gì đến chúng.
- Mẹ bị dị ứng với mùi hương hăng hắc ấy.
- Suốt mùa xuân bố cứ lúi húi chăm sóc mấy luống hoa. Nên tối ngủ những ngón tay của bố cũng có thể tỏa hương mẹ nhỉ? Có phải vì thế mà mẹ không còn muốn sống chung với bố?
Chị không biết phải trả lời con thế nào. Một đứa trẻ mười tuổi nắm giữ chiếc chìa khóa mở cửa kho ký ức. Bao nhiêu kỷ niệm chị chỉ muốn chôn vùi để thanh thản sống một cuộc đời khác. Nhưng chúng luôn tươi rói trong con. Như thể mỗi ngày đều được con tưới tắm bằng niềm hy vọng. Rằng một ngày gần nhất con sẽ được trở về sống trong ngôi nhà cũ, ngắm luống hoa cũ nở bông mùa mới. Con đâu biết rằng những ngón tay của bố không chỉ tỏa ra mùi hương vạn thọ. Mà còn lẫn đâu đó mùi nước hoa của người đàn bà lạ. Bàn tay ấy đâu chỉ biết chăm sóc những luống hoa. Mà còn biết luồn trong mớ tóc rối bù chăn chiếu những đêm đi hoang. Biết lau nước mắt cho người tình. Trong cơn say còn biết vung lên đánh vợ mình không thương xót. Con chỉ ngửi thấy mùi thơm của loài hoa vạn thọ. Nhưng con đâu biết rằng mẹ nó mỗi đêm đều ngửi thấy mùi của sự phản bội tỏa ra trên cơ thể chồng mình.
- Mẹ ơi, cô giáo con nói ai cũng có mùi hương? Vậy tại sao con không ngửi thấy mùi hương của mẹ?
- Bởi không phải mùi hương nào cũng ngửi thấy bằng mũi. Có mùi hương phải cảm nhận bằng tim.
Chị định nói với con rằng đừng tin vào mùi hương con vẫn ngửi thấy mỗi ngày. Nó có thể là mùi nước hoa đắt tiền. Mùi của sự kiêu sa, sang trọng. Mùi của đầm ấm, chỉn chu, tươm tất. Rất có thể đó chỉ là thứ mùi hương ngụy tạo để che đậy sự nghèo nàn, cô đơn, giả dối bên trong. Mùi hương là thứ dễ đánh lừa con người nhất. Nó giống như một thứ ma lực huyễn hoặc, lôi kéo con người ta trong cơn mụ mị. Giống như bố của con chị cũng bị mùi hương của người đàn bà ấy quyến rũ. Chị từng mặt đối mặt với cô ấy và nhận ra mùi hương gỗ quen thuộc. Thứ mùi hương chồng vẫn mang về nhà sau những cuộc hẹn hò vụng trộm. Quyền năng của mùi hương nằm ở chỗ nó ngụy tạo nơi này nhưng lại vạch trần chính chủ nhân mình ở một nơi khác. Người đàn bà ấy vòng vo giải thích mối quan hệ với chồng chị. Chị không nổi cơn ghen. Không một lời oán trách. Không truy sát nhau đến tận cùng bằng ngôn từ hay ánh mắt. Chị mỉm cười nhẹ nhàng bảo “đủ rồi em”. Chị đứng dậy ra về đưa đơn ly hôn cho chồng ký. Những ngón tay biết tỏa hương của chồng khấp khởi cầm bút ký.
“Bố của con mình” lấy vợ. Khi đó con gái mười ba tuổi. Ngày cưới, cô dâu dĩ nhiên không phải là người có mùi nước hoa hương gỗ. Con gái đi dự đám cưới của bố về khoe:
- Con ngửi thấy mùi của cô dâu mẹ ạ. Mùi của yêu thương.
- Vậy trước đây con có bao giờ ngửi thấy mùi hương đó hay không?
- Có một lần duy nhất, khi con bảy tuổi. Cả nhà mình ngồi ăn trưa ở hiên nhà. Không có bàn ăn. Đồ ăn không được bày biện đẹp mắt. Mỗi người một bát tô, thức ăn được trộn lẫn cơm. Cả nhà mình vừa xúc ăn vừa nói chuyện về những con sâu trên cây khế trước nhà. Mẹ nhớ không? Mẹ cười không ngớt, đầu ngả vào vai bố. Lúc ấy trên cơ thể mẹ cũng có mùi của yêu thương.
Đêm đến con rúc vào người chị mải mê kể về một bữa ăn mơ ước. Một bữa ăn không cần dọn mâm. Có thể ăn dưới gốc cây, trong phòng ngủ. Đổ khoai tây rán ra một mảnh giấy báo nào đó. Mì xào có thể đổ ra lá khoai môn. Cơm trắng nằm tròn như xôi chấm với muối vừng. Đôi khi chỉ cần ăn cơm với sấu dầm nước mắm hoặc măng ngâm. “Vài con cá khô cũng được một bữa cơm ngon đáng nhớ mẹ nhỉ? Chỉ cần chúng ta luôn vui vẻ. Mẹ cười không ngớt và có thể ngả đầu vào vai con. Mẹ đừng vất vả nấu những bữa ăn tươm tất mà không có mùi hương”. Tám năm sau ngày ly hôn chị mới lại khóc. Con gái chị đã lớn thật rồi…
“Bố của con mình” không còn bấm chuông nhà chị nữa. Con gái chị đã lớn, nó thường chủ động qua lại thăm bố và các em mình. Mỗi lần trở về con thường kể về những mùi hương mới trong căn nhà cũ. Mùi của sum vầy, nựng nịu. Mùi của hờn dỗi vu vơ. Mùi của bình yên thanh thản. Con nói rồi vùi vào giấc ngủ. Như thể mùi của bình yên len vào từng hơi thở đều đều. Con để ảnh đứa em gái cùng cha khác mẹ trên bàn học. Mắt môi ấy giống hệt con lúc nhỏ, cười ngây ngô hạnh phúc. Chị bỗng nhớ con của mười tám năm về trước. Như thể đang nhớ mình của những năm tháng vừa mới bước vào đời sống hôn nhân. Mọi thứ còn mới mẻ, yêu thương còn đong đầy. Sống vì nhau đến từng cái nheo mày, từng lời giận dỗi. Rồi những mùi hương dễ chịu trong căn nhà cũng dần biến mất. Thay vào đó là sự lặng im. Nhà trở thành sân khấu, ai cũng cố gắng diễn tròn vai trước đứa con gái vẫn còn mê cổ tích.
-Mẹ ơi. Giờ thì con đã có thể ngửi thấy mùi hương của mẹ? Mùi của sự cô đơn.
- Nó lạnh lẽo đúng không con gái?
- Muốn ấm áp có khó gì đâu mẹ. Ngả đầu vào vai con. Hoặc là ngả đầu vào vai một ai đó khác. Mẹ vẫn còn trẻ lắm. Mẹ yêu đi…
Chị cười. Ngày nào chị cũng yêu đấy chứ. Yêu cái đứa đang nằm ngay bên cạnh và xui mẹ “yêu đi”. Nhưng hình như chị đã không yêu theo cách mà con muốn. Đầy chưa chắc đã đủ. Đủ chưa chắc đã đầy. Cái con cần hình như chị chưa mang đến cho con được. Căn nhà này lạnh lẽo quá. Con rất ít khi cười mỗi lúc trở về nhà. Như thể con đã cất tiếng cười trong một ngôi nhà khác. Chị mở cửa cho tiếng chim lẻn qua rèm cửa vào nhà. Ngoài vườn những bông hoa mùa xuân đã nở. Chị ngắt từng cánh nhỏ mang vào đặt trong chiếc đĩa gốm. Mùi hoa dịu dàng như một bàn tay ấm đang nhẹ nhàng xoa bóp hai bên thái dương. Chị nằm xuống giường thiu thiu ngủ. Chị thấy lòng mình nhẹ bẫng. Tựa như những sợi bông bay lên nền trời xanh thẳm. Con gái đã đi hội trại mùa xuân ở ngoại thành. Trước khi đi con ôm cổ chị thì thầm: “Mẹ đừng mất công dọn dẹp cửa nhà nhiều. Lộn xộn chút cũng có sao đâu. Mẹ cứ dành thời gian nghỉ ngơi và dọn dẹp những nỗi buồn đã cũ”. Con nói đúng, lòng mình không tươi mới tinh tươm thì ngôi nhà có gọn gàng, sạch sẽ bao nhiêu cũng trở nên trống rỗng. Trước khi chìm vào giấc ngủ chị nghe thấy một tiếng chim lảnh lót vang lên. Để rồi trong đầu chị chỉ còn lại nền trời xanh thẳm…
Chị khóa cửa, giấu chìa khóa dưới gốc đào già rồi đi. Bao lâu nay chị cứ mải quẩn quanh ở thành phố này để rồi chỉ biết than đời chật chội. Chị muốn đi một vài nơi đã ấp ủ từ lúc còn trẻ. Để có những buổi sáng thức dậy trong miền cảm xúc mới. Để uống một ngụm trà, ăn một chiếc bánh, nhấm nháp cái se lạnh đầu xuân. Chị sẽ đi để kể cho con thêm nhiều mùi hương mới. Rằng có những mùi hương chưa từng xuất hiện trong ngôi nhà hai mẹ con chị. Nó chỉ xuất hiện trên những chặng đường thênh thang phía trước khi mà chị đã chịu mở lòng. Chị lên chuyến tàu mùa xuân, ngồi cạnh những người lao động nghèo bám mùi vôi vữa. Chị hòa vào những câu chuyện tếu táo dọc đường, cười cho mình trẻ lại. Sân ga nào cũng muốn dừng chân. Cũng tưởng như có người đang giơ tay níu. Chị ngửi thấy mùi của thanh xuân căng phồng trong lồng ngực. Tàu kéo từng hồi còi dài vang trong buổi chiều nắng vàng như hổ phách. Bầu trời, cánh đồng và đàn cò trắng sóng sánh như ướp mật. Chị nhớ con gái quá. Nhớ như thể mùi hương thanh xuân này là của con, mười tám tuổi. Trong thanh xuân của con lấp ló tuổi trẻ của chị.
Tàu chuẩn bị dừng trong một sân ga…
Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang