Ông đạp xích lô từ thuở tóc xanh đến khi đầu bạc. Nghe ai hỏi nghề nghiệp, ông cười khà khà: “Chạy xe dân biểu”. Nếu người đối thoại vẫn chưa hiểu, ông chú thích thêm: “Tôi chạy xích lô, dân biểu đi đâu đi đó”. Ông nói về nghề làm ăn vất vả của mình bằng giọng hóm hỉnh, vui vui như thế. Ông vui là phải. Bởi với chiếc xích lô và gánh bánh bèo, vợ chồng ông nuôi ba con học đại học; giờ cả ba đều nghề nghiệp ổn định, gia thất đàng hoàng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sau khi hai con gái có chồng không lâu thì vợ ông qua đời; con trai mời ba về ở cùng, con gái cũng hùa theo, khuyên như thế. Lưỡng lự, quyến luyến nhưng cuối cùng ông cũng đóng cửa ngôi nhà trong hẻm của mình, ra phố lớn ở với dâu con, cháu nội. Cùng những tư trang thiết yếu, ông đánh theo chiếc xích lô về nhà con trai.
Chiếc xe tã lắm rồi, màu sơn đã bong tróc nhạt nhòa, mái che sờn rách, mấy cái lốp nhẵn thín sau bao ngày ôm mặt đường. Duy có xích líp còn tốt, đạp cứ ro ro, nghe mát cả tai, nhẹ cả chân. Phanh cũng còn chắc chắn lắm, đưa tay kéo nhẹ một phát là xe đứng sựng ngay. Chiếc xe được để gọn vào một góc sân; trên che tấm bạt, hình như chủ nhân vừa có ý bảo vệ vừa muốn giấu sự hiện diện của nó. Ông thường lúi húi tra dầu mỡ, lau chùi rồi đứng lặng nhìn chiếc xe thân thuộc, hồi tưởng. Hình ảnh vợ con và những tháng năm mưu sinh nhọc nhằn cứ thấp thoáng cùng chiếc xe kia, lắm lúc khiến ông bồi hồi.
Cũng từ những chuyến xích lô mà ông bà nên duyên chồng vợ. Hồi ấy, mỗi ngày ông hai lần đưa bà từ nhà tới chợ và ngược lại. Cả gian hàng bánh bèo của bà, với chén bát, rổ rá, xô chậu cùng nhiều đồ vụn vặt được xếp đầy lên xe. Bà co người ngồi cùng những thứ kia, lắm lúc phải ôm chúng vào lòng hoặc bị che khuất cả người. Thường thì lúc đi, cả hai đều mải lo cho một ngày mới nên chẳng chuyện trò nhưng lúc về thì chuyện kéo dài từ chợ đến nhà, nhất là hôm nào bà bán hết hàng và ông đắt khách. Bữa nào bà ế hàng, ông cho xe nép vào bóng cây đa đầu chợ, ngả lưng trên ghế và xòe tờ báo ra, chờ; chờ mỏi thì lấy mũ che mặt, chợp mắt. Vào những bữa đó, ông thường chia sẻ với bà bằng một bữa no bánh bèo.
Ông nhớ mãi dáng tất bật dọn hàng của bà vào mỗi sớm mai; nhớ nhất những lần xe chở nặng lên dốc. Những lần đó, bà thường vọt xuống xe cong lưng đẩy, ông gò lưng đạp, qua được con dốc là cả hai mồ hôi đẫm áo, chân tay rã rời, miệng mũi tranh nhau thở. Khi đã ngồi lại trên xe, bà ngước nhìn ông: “Mệt không?”. “Bình thường”; lời đáp của ông méo đi trong hơi thở gấp khiến bà nhớ mãi. Trong câu chuyện giữa hai người sau này, khi phải dùng từ ấy, bà lại giả giọng ông lúc đạp xe qua dốc “phình phường” và cười thành tiếng. Ông liếc xéo bà một cái rồi cũng cười. Cũng trên chiếc xích lô, bà buông lời xa xôi: “Sao anh không lấy vợ để có người phụ đẩy xe, chở hàng?”. Ông cười buồn: “Nghèo như tôi, ai ưng?”. Bà tiếp luôn: “Chỉ sợ anh ham giàu, chứ anh nghèo thì người khác cũng nghèo đó thôi…”. Sự mở đầu ấy đã cho họ có nhau trong đời, ông thành “tài xế” cho bà suốt ba mươi năm, cho tới khi bà lìa trần.
Giờ thì ông đành xa chiếc xe từng gắn bó như hình với bóng một thuở. Thực tâm, ông vẫn muốn cùng xe dọc ngang trên những nẻo đường quen thuộc nhưng con trai không cho, lý do: “Ba già yếu rồi nên nghỉ ngơi; vả lại, giao thông bây giờ láo nháo, bất an lắm”. Ông chẳng chịu: “Không, ba còn khỏe. Người ta đi lại rần rần, mình mắc mớ chi ngại!”. Như để minh chứng cho lời nói, ông đẩy xe ra cổng, phóc lên yên, nhìn con cháu tươi cười, giơ tay vẫy vẫy rồi đạp lòng vòng quanh nhà. Con trai phải xuống nước năn nỉ ba bằng cách ghé tai nói nhỏ: “Con làm sếp mà để ba đạp xích lô, thiên hạ cười cho. Ba thương con thì thôi đi”. Ông tròn mắt nhìn con như nhìn một kẻ lạ, mồm há hốc; toan cãi lại nhưng rồi chỉ “xì” một tiếng rõ dài và quay đi, chẳng thèm ngó mặt con.
Chắc ông sẽ buồn lắm nếu biết rằng, càng thành đạt, con trai càng muốn giấu quá khứ cơ cực của mình. Trong những buổi họp lớp cũ, nếu có ai nhắc lại kỷ niệm thuở nhỏ anh hay ăn chực nhà bạn hoặc đến trường vẫn mặc quần rách, “khoe” cả “bộ ba” khiến anh khó chịu. Chẳng hiểu từ khi nào, ai đó hỏi nghề nghiệp cha mẹ, anh thường tìm cách lảng sang chuyện khác; cứ như cái ngày xưa nghèo đói sẽ làm hạ giá sự cao sang của anh bây giờ nên phải đoạn tuyệt.
Ông chờ mãi rồi cũng có dịp được cưỡi lại chiếc xe thân quen, bon bon trên đường. Ấy là khi con cháu cùng dẫn nhau đi du lịch châu Âu, ông một mình với ngôi nhà trống vắng. Thế là ông dẫn chiếc xích lô ra, sau khi lau chùi, đạp quanh phố. Ngang qua chợ Cũ, ông dừng lại đúng chỗ khi xưa vợ chồng từng tất bật đưa hàng lên xe xuống xe mỗi ngày. Thoáng thấy người quen, mấy bà trong chợ vẫy gọi rối rít, phá tan hoài niệm rưng rưng trong ông. Tưởng ông “tái xuất” nghề xưa, khách cứ thản nhiên vọt lên xe, bảo đi. “Thì đi”, ông cười hỉ hả. Lâu mới lại đạp xe, hai bắp chân căng cứng, mỏi nhừ nhưng ông háo hức với hai ngày được quay về nghề cũ.
Chẳng rõ từ đâu, đi du lịch về, con biết cha lại đạp xích lô. Anh hỏi thẳng ông để biết chắc rồi im lặng bỏ đi, vẻ bực tức. Nếu con nặng lời, chắc cha đã “nổ” rồi nhưng con nín nhịn nên ông lảng đi, chẳng chấp. Không muốn cha quay về nghề xưa, dù chỉ “để đỡ nhớ” nên con ác cảm luôn với chiếc xe ở góc sân. Có lần anh chỉ chiếc xe và nói: “Ba nên bán phế liệu đi”. Thấy cha im, con nói thêm: “Để đó, ai thấy chướng lắm; vả lại, để làm gì nữa!?”. Ông tròn mắt nhìn con, lặng trong cay đắng với độc thoại không lời: “Để làm gì ư?”. Nếu nghe ông nói, chiếc xe rách nát ấy gợi bao thương nhớ, không chừng con lại cho cha già rồi nên đâm ra lẩn thẩn nhớ nhung.
Giận con, càng khiến ông nhớ ngày xưa vất vả với xích lô, bánh bèo. Ngày ấy, ông sợ nhất trời mưa. Mưa khiến các bà ưa ăn hàng cũng thường lót dạ bằng cơm nguội hay mì gói thay vì đội mưa đến gánh bánh bèo của bà ở chợ. Khách của ông thì ngày nắng thích ngất nghểu trên xích lô để thỏa sức ngắm đất trời với bốn phương lộng gió nhưng mùa mưa thường ngại cảnh mưa hắt gió lùa trên xích lô. Thế là ế dài. Gặp lại nhau sau mỗi buổi, cứ nhìn mặt là vợ chồng biết việc làm ăn trong ngày. Lắm hôm bà ế hàng, cả nhà ăn bánh bèo trừ bữa, ngon đấy nhưng lo cho ngày hôm sau. Lúc còn bé, ba đứa con lấy làm khó hiểu trước sự “hạ cấp” đột ngột; mới hôm qua được ăn bánh nhưng hôm nay đã phải gân cổ nuốt khoai sắn. Thế là chúng đồng tâm “khởi nghĩa”, tẩy chay cơm độn, không thèm ăn. Thằng lớn tỏ thái độ bằng cách ngồi bất động như ông địa, mặt mũi bí sị, cứ như sẵn sàng khóc bất cứ lúc nào. Hai con gái, nước mắt nước mũi ròng ròng, miệng méo xẹo. Thế là cha mẹ phải dỗ, với đủ các “luận điệu” xoa dịu, nào là ăn khoai sắn chắc xương, rau có nhiều chất bổ cho sức khỏe… Lắm bữa dỗ con không được, mẹ khóc theo; chúng ngơ ngác nhìn rồi nín bặt… “Những chuyện như thế chắc nay con đã quên?” - Ông bâng khuâng tự hỏi.
Về ở với con, ông thấy mất tự do khi nó muốn cha thay đổi cách mang mặc sao cho đẹp, trong khi ông chẳng trọng quần áo. Ngoài những khi tiệc tùng lễ lạc, ông thường mặc giản dị. Ông bảo, như thế vừa cảm giác dễ chịu vừa thuận tiện mỗi khi làm việc gì đó. Nhưng con không muốn thế; từ ngày ba về ở cùng, anh may cho ông toàn quần áo mới. Thế là ngày ngày ông đóng bộ thật đẹp ngồi như tượng nơi phòng khách nhưng chẳng vui. Trái lại, con thấy thế làm mừng: “Ba mặc vậy có phải đẹp không; áo quần cứ lùi xùi, có ai đến, họ cười cho”. Nhưng mặc thế gò bó, ông không quen nên vẫn quay về lối mang mặc tùy thích của mình. Khi nhà có khách, nhất là thuộc cấp của con, ông liền nhanh chân bước vội vào phòng riêng, đóng cửa lại. Hôm nào đó, khách đến đột ngột, ông không kịp tránh đi; khi khách vừa về, liền bị con quở bằng giọng dè bỉu: “Ngó ba mặc kìa?!”.
Ông quắc mắt nhìn con rồi lẳng lặng thu xếp tư trang bỏ lên chiếc xích lô, định đạp về ngôi nhà trong hẻm của mình. Con hốt hoảng, ngăn lại; ông nhìn thẳng mặt, quát lớn: “Tránh ra! Con sợ sự hiện diện của ba và chiếc xe cũ kỹ này làm lộ nguồn gốc nghèo khổ của mình. Bởi điều đó làm con xấu hổ, đúng không?”. Ông không thể nói tiếp, giọng nghẹn lại, mắt rơm rớm. Người con đứng sững, há hốc hồi lâu rồi cúi đầu lặng lẽ.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT