Chiếc ca-nô lướt như bay trên mặt nước. Thư nép sát dì út. Sóng xào xào, gió ràn rạt, tiếng máy u u. Thư lạnh, co ro. Cô luồn tay trong chiếc áo khoác của dì út và ghì chặt người dì. Dì tìm cây dù trong giỏ, giương lên. Thư cản: “Đừng che, dì! Lạnh nhưng thích lắm!”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thư vươn vai ngồi thẳng dậy, hít thở khí trời lồng lộng. Mặt trời trước mặt như vừa trồi lên từ nước. Thanh sạch. Lung linh. Tỏa lan. Mặt sông tràn sắc hồng. Vô số tia nước li ti bắn vào mặt vào tóc vào cổ vào ngực Thư. Môi miệng Thư ướt rượt nước sông. Cô giữ cái vị mặn mòi nơi đầu lưỡi và quay lại nói với người tài công: “Thạo ơi, làm ơn chạy chậm lại một chút!”.
Giọng nói như nài của Thư làm người tài công giảm tốc độ. Tiếng sóng, tiếng gió, tiếng máy giảm bớt. Chiếc ca-nô lướt ro ro trên mặt nước, thỉnh thoảng nhảy chồm lên, trượt theo những lượn sóng khi gặp những chiếc vỏ lãi chạy ngược chiều. Chim trời từ những vườn chim đâu đó cách không xa bờ, bay túa ra, từng đàn. Mấy lần Thư nhổm lên đưa tay muốn túm lấy mấy con chim vừa rời tổ, bay sập sận trên mặt nước. Dì út kéo Thư lại: “Con mà bắt được con nào để trên lưng dì nướng con đó!”.
Mặt trời lên tới bờ cây. Mặt sông lao xao sóng và rền rền tiếng động cơ gắn trên các loại tàu ghe. Chốc chốc lại gặp những chiếc ghe chở tôm cá và các loại trái cây rau củ. Thưa hơn là những chiếc tàu chở khách hướng về thành phố, nơi dì út đang sống, nơi Thư vài năm trở về một lần và cũng là nơi đang trở thành cái lòng chảo khổng lồ đang muốn hứng lấy tất cả, không chỉ là các món ngon dân dã từ ruộng vườn, rừng biển... Thạo giảm tốc độ mỗi khi qua mặt những chiếc ghe tàu chở khẳm. Dì út không nhìn tàu ghe trên sông mà chăm chú nhìn lên bờ. Dì kề sát tai Thư: “Con có nhớ khúc sông này không?”.
Thư nhìn bên trái rồi bên phải. Sông rộng. Hai bờ còn lãng đãng sương. Dọc theo bờ sông, lưa thưa cây mắm, cây vẹt, cây đước nhưng nhà cửa dần dần đông đúc. Nhà lá, nhà ngói, lác đác những ngôi nhà lầu kiểu dáng cầu kỳ với màu sơn rờ rỡ trong sương. Cửa chính, cửa sổ nhà nào cũng treo rèm. Những tấm rèm thêu rua còn sặc sỡ hơn màu sơn. Trên những cái sàn lản de ra bờ, cánh đàn bà con gái lúi húi giặt giũ, làm cá, rửa rau. Khói bếp đã vấn vít, lơ lửng trên những mái nhà.
Một nhánh sông hiện ra. Nhánh sông rộng không kém dòng sông mà ca-nô đang lướt đi. Không thấy chiếc cầu cong cong bắt qua sông mà chỉ thấy một hàng đáy đứng chơ vơ giữa dòng. Thư lờ mờ nhớ một ngã ba sông; một ngã sông hoang vắng, không một mái chèo, không một bóng người, chỉ có những tàu dừa nước lơ quơ chống đỡ những đợt sóng. Thư kêu lên: “Làm ơn chạy chậm một chút đi, Thạo!”. “Chạy chậm, nước cạn không vào được kênh nhỏ đâu !”. Thạo nói và hất mái tóc bồng dài tới cổ ra sau. Chiếc ca-nô tăng tốc, lao vun vút. Thư chưa kịp nhận ra dấu vết quen thuộc nào trong ký ức. Cô quay lại, nói với dì: “Con chỉ nhớ mang máng”. Mặt buồn thiu, dì nói: “Con tệ quá! Chỗ má con chết chìm đó!”.
Chiếc ca-nô dừng lại ở đầu kênh Hàm Rồng. Con kênh dẫn về xóm nhỏ, nơi người em ruột của bà ngoại Thư và con cháu họ đang sinh sống. Nước cạn. Mực nước vực xuống, phơi ra vô số cái hang lớn nhỏ: hang còng, hang ba khía, hang cá thòi lòi. Lũ còng đỏ xanh vàng tím bò lểnh nghểnh trên bãi bùn. Đám ba khía mốc mốc đen đen đeo bò lổm ngổm theo chang đước chang vẹt. Bầy cá thòi lòi nhác thấy bóng người vội trườn roèn roẹt xuống nước, quẫy đuôi, ngụp lặn. Lòng kênh thu hẹp chỉ còn đủ đường đi của một chiếc xuồng be mười. Dòng chảy đục ngầu.
Thạo đưa mắt nhìn trước ngó sau, không tìm được một gốc cây ưng ý để buộc dây, neo chiếc ca-nô. Cậu ta cho ca-nô chạy lùi lại một đoạn, tấp vào cái quán nước kiêm trạm thu mua tôm cá, nằm cách đầu kênh nhỏ chừng một cây số. Người chủ quán lăng xăng tìm bàn kéo ghế và lẹ làng đập mớ đá cho vào mấy ly cà-phê pha sẵn. Chị ta đon đả bảo khách thư thả ngồi uống nước chờ chừng một tiếng sau mới có chuyến xe Honda ôm. Dì út nhìn ra con đường đất đá lổn nhổn trước mặt, bồn chồn: “Mấy giờ rồi Thư, kiểu này vô tới chắc trễ giờ cúng cố quá !”.
Y như lời dì. Chờ có chuyến xe ôm, đi vòng vèo thận trọng trên những con đường mới mở vừa hẹp vừa gồ ghề, chạy qua nhiều cái đập, nhiều vuông rừng, nhiều mẫu đất nuôi tôm đến nơi đã muộn.
Trên lư hương bàn thờ bà cố, nhang cúng đã tàn. Đàn bà con gái tập trung ở nhà sau dọn rửa lau chùi. Đàn ông con trai chia làm hai cánh. Một đứng ngồi lố nhố quanh một chiếc chiếu trải rộng trên nền nhà, họ uống rượu và đánh tú-lơ-khơ. Một ngồi đắm đuối gật gù trên bộ ván ngựa, họ đàn ca.
Thấy dì út vào, ông cậu mừng ra mặt. Đợi cho người thanh niên ca hết câu vọng cổ và tiếng vỗ tay lốp bốp nổi lên, ông mới rời bộ ngựa. ông nắm tay, vỗ vai dì và nhìn Thư, hỏi: “Đứa nào vậy bây?”. Dì đẩy Thư tới trước mặt ông cậu: “Cậu nhìn kỹ, coi nó giống ai?”. Ông cậu gỡ cặp kính, kéo vạt áo lau lau, đeo vào, nhìn Thư từ đầu đến chân, rồi nhìn từ chân lên mũi, lên mắt Thư. Mắt ông chợt bừng sáng. Miệng ông lắp bắp: “Có… có… phải con của con Ba không?”. Dì xác nhận bằng câu hỏi: “Cậu có thấy nó giống hệt chị Ba con?”. Ông cậu nhìn Thư lần nữa, gật gật: “Giống, giống lắm, nhứt là cái trán vồ và con mắt có đuôi”. Nói xong, ông kéo tay Thư đến trước bàn thờ bà cố. Dì bước theo. Ông rút hai nén nhang trầm đưa cho Thư và dì. Ông lùi lại nửa bước, chấp tay trước ngực, nói thành tiếng với bức chân dung ố vàng, mờ mờ nhang khói: “Má ơi, bữa nay có con của con Ba về đây!”.
“Con của con Ba về?!”, thông báo đó được loan đi. Đàn bà con gái từ nhà sau kéo lên. Người đàn bà gầy gầy, da ngăm ngăm, tóc búi cao xăng xái đi trước. Dì út bấm vào tay Thư : “Con chào bà mợ đi!”. Bà mợ vồ vập kéo Thư lại gần mình. Cũng như chồng, bà nhìn Thư, ngỡ ngàng, sung sướng như tìm thấy một thứ báu vật. Bà nắm chặt bàn tay Thư, giục giặc: “Sao tới giờ con mới dìa hả con ?”. Rồi bà quay sang tốp người ngồi trên bộ ngựa, gọi: “Mẫn, nghỉ đờn lại đây má biểu!”. Người đàn ông gân guốc, da rám nắng đang rải những nốt nhạc trên chiếc ghi-ta phím lõm, gật đầu nhưng vẫn tiếp tục đàn. Đợi người bạn ca dứt câu “… nước mắt mẹ cạn dần thương con còn thơ dại, khô héo thân cò qua đồng xa xóm vắng” thì anh ta buông đàn, bước tới bên mẹ. Bà mẹ kéo anh con trai đến trước mặt Thư : “Đây là con gái của chị Ba con!”. Rồi bà mợ nắm chặt tay Thư: “Không nhờ mẹ con thì ông cậu bà mợ chắc không còn cậu Mẫn con đây!”.
Thư được tưng tiu. Người này lột cho con tôm, người kia gắp cho đùm trứng cá, người nọ gỡ thịt càng cua… Thư ăn hết món này đến món kia mà chén thức ăn không vơi, cứ đầy thêm lên. Cô thấy mình giống như một đứa trẻ, chớ không phải là người đàn bà từng trải ngọt bùi cay đắng, đang trong vòng vây trìu mến của những người chịu ơn mẹ cô, yêu thương mẹ cô và tôn thờ mẹ cô.
Trong ký ức những người ở xứ sở này, mẹ Thư không chỉ là một “bà đỡ” mát tay hay một ân nhân, mà còn là một người đàn bà của sông nước và trở thành một vị thần của sông nước. Chẳng mấy chốc, hình ảnh “cô Ba”, “dì Ba”, “chị Ba”, “con Ba” sống lại. Người biết mẹ Thư, kể. Người chỉ được nghe, được nhắc, cũng kể.
Giọng ông cậu còn khỏe, ồm ồm. Lột bỏ cặp kính, đôi mắt sáng quắc, chòm râu bạc rung rung, ông nói như đinh đóng cột rằng, từ khi mẹ Thư chìm mất xác, chỗ ngã ba sông mỗi khi gió to vẫn còn nổi lên lớp lớp sóng lưỡi búa nhưng không còn chiếc xuồng, chiếc ghe nào bị chìm. Người dân sống ven bờ sông thỉnh thoảng thấy con nược hụp hưởi ghé vai nâng những chiếc xuồng, chiếc tàu chở khẳm. Những lúc gió lặng, sóng yên, con nược xé nước trườn rào rào trên mặt sông, bọt tung trắng xoá. Cũng có những lúc con nược dựng nửa người trên mặt nước, đầu ngửa lên trời xanh, phơi bộ ngực trần giữa thanh thiên bạch nhật. Cặp vú con nược tròn căng như đôi vú người đàn bà đang nuôi con nhỏ. Người đàn ông ngồi sát vách, tuổi tác xem ra em em ông cậu một chút, hục hặc ho mấy cái rồi lên tiếng. ông bảo chính tai ông còn nghe con nược hát. “Hát hay kêu ông Chín ?” - Cánh trẻ ngờ ngợ, cắt ngang lời ông. ông Chín dằn mạnh cái ly uống trà lên mặt bộ ngựa một cái: “Tiếng hát mà lộn với tiếng kêu thì chắc lỗ tai tụi bây đóng đầy cứt ráy rồi, về nhà chịu khó móc cho sạch đi con !”. Ông Chín còn nói, khi chài lưới trên sông vào những đêm trăng sáng, tiếng hát con nược nỉ non chẳng khác tiếng đờn kìm, nghe buồn muốn thúi ruột. Mặt trăng đang sáng rỡ bỗng mờ mờ như nhòe lệ. Tôm cá cũng đờ đẫn trồi lên mặt nước, mê mẩn lắng nghe. Những lúc như vậy, người chài lưới trúng to. Rồi bên những chiếc cần xé đầy ắp cá tôm, người ta thắp nhang van vái và thả tất cả lễ vật trôi theo dòng nước. Bà mợ Thư nãy giờ ngồi im, mắt rân rấn nước. Bà nói, bà nghe tiếng hát con nược đến hai lần, lúc bà chèo xuồng cho chồng quăng chài; tiếng hát con nược không chỉ buồn mà còn rờn rợn, giống như tiếng gào tuyệt vọng của người mẹ ôm cái xác chết chìm của đứa con duy nhất.
Thư, dì út và những người có mặt đều mơ hồ thấy sợi dây liên hệ nào đó giữa con cá nược có bầu vú căng sữa với mẹ Thư. Chợt, từ ngoài cửa, một người đàn bà mập mạp, tóc bạc cài xước ra sau, xăm xăm bước vào. Theo sau bà ta là một người phụ nữ trông trẻ hơn Thư, người thon thả, tóc dài nửa lưng. Bà ta lên tiếng khi vừa đặt chân qua ngạch cửa: “Đâu, con cô Ba đâu?”. Chưa ai trả lời, bà ta đã nhào tới ôm chầm lấy Thư, miệng lúng búng một hồi mới nói thành lời: “Trời ơi, y như cô Ba còn sống vậy!”. Nói đến đó bà ta mếu máo khóc. Vừa khóc bà ta vừa quay lại nói với người phụ nữ dịu dàng nhan sắc đứng khép nép sau lưng mình: “Mai ơi, cả đời mẹ, đời con rồi đời cháu con con nữa cũng không làm sao đền đáp được công ơn của cô Ba!”. Bà ta lom lom nhìn Thư qua màn nước mắt: “Con cũng giống mẹ con cái cổ cao ba ngấn. Con Mai dì cũng vậy, cũng có cái cổ giống cổ mẹ con. Hồi lọt lòng, nó bị nhau quấn mấy vòng ở cổ, mẹ con mà tới trễ một chút thì…”.
Mẹ cũng có cái cần cổ cao ba ngấn… Nghe người đàn bà xa lạ nói, Thư có cảm giác cổ mình đang bị những sợi dây mơ hồ nào đó quấn chặt. Cô như không còn thở nổi trong cái dưỡng khí đầy ắp hình bóng và linh hồn của mẹ.
BÍCH NGÂN