.

Bụi tre góc vườn

.

Lần nghỉ phép, tôi bảo mẹ phá bụi tre đi cho quang vườn, mẹ chợt xa xăm, buồn buồn nói: “Nhà không có bụi tre, sẽ chống cha chống chếnh. Làng xóm không có lũy tre, cứ thông thống như người chả mặc quần áo”. Và thế là bụi tre được mẹ “cứu mạng sống”, “yên tâm” sống góc vườn, gai ken gai, cây ken cây ong óng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng lạ, bụi tre chẳng rì rào như trước, dường như nó biết thân phận, cứ lặng im góc vườn, lan sang cả mấy bụi chuối, cây xoan. Nhà tôi đất rộng, các con toàn đi công tác lập nghiệp nơi xa nên không phải suy nghĩ chuyện tách hộ, bán chác, sang nhượng. Không như trong xóm, đa số các nhà, con cái trưởng thành không biết đi đâu khỏi lũy tre làng. Cứ quy luật - lấy vợ, tách hộ, làm nhà, trên mảnh đất của bố mẹ. Mười năm, hai mươi năm… đất không biết đẻ, hẹp dần để những mái nhà cao lên.

Bụi tre nhà tôi trở nên quý hiếm, quy tụ niềm ngưỡng vọng của cả xóm. Buổi trưa, các ông bà già hay đến chơi, chuyện cái ngày xưa xưa.

… Lần ấy lũ về, đúng là giặc nước, chảy phăng phăng, hoa cả mắt… Những ngôi nhà chỉ còn thấy mái, nguy cơ bị cuốn… ra biển là rõ ràng. Tất cả bất lực, phó mặc cho số phận, nghĩ đến nay mai… không biết ăn ở sinh sống thế nào. Nhưng, nước vẫn băng băng mà nhà không việc gì. Những người đàn ông trên thuyền ngạc nhiên, không hiểu. Đang chưa dám mừng hết thì một người kêu lên - Ôi, nhìn bụi tre kìa. Bụi tre ưỡn ngực, rung bần bật, nó đang gồng mình cản dòng nước. Phía sau nhấp nhô những mái nhà, nem nép. Đúng là anh hùng tre. Không cần học cũng thấy tre giữ nhà, giữ làng, giữ xóm.

Hết lũ, chỉ vài nhà xiêu vẹo. “Nhất thủy nhì hỏa”,  như thế là mừng quá, nhìn tre thấy ơn trời biển.

Rồi nước rút, nửa tháng dọn dẹp bùn rác, cuộc sống mọi nhà ổn định lại. Người cần cái cột chuồng trâu, chuồng lợn, cần làm giàn bầu giàn mướp, cán cuốc hay chiếc cần câu… cứ “ra bụi tre mà lấy”.

Vậy mà bây giờ ngõ nào cũng cao vút, hun hút những tường gạch, nhà tầng. Đây là làng hay phố? Không rành mạch được vậy… chỉ cảm giác lành lạnh, hoang vắng, nhớ thương.

Lâu lắm rồi, bụi tre nhà tôi cũng bị “người thừa”: Bố mẹ không cần cái roi nữa, giàn mướp đã nhiều nhà làm bằng sắt, dân đi câu ai cũng sắm cần máy, đến cái tăm cũng có người đến tận nhà mời mua…

Mẹ tôi không muốn phá bụi tre vì biết ơn nó, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn no đói cùng nó. Bụi tre vẫn đứng im góc vườn, dưới bóng nó là lá. Lá rơi như nước mắt, lá rụng xuống đất, dày lên bao niềm nỗi.
Bụi tre nhà tôi, bụi tre cuối cùng của làng vẫn lặng sống. Tôi ngửa mặt cho bóng tre trùm mình trong tiếng máy trộn bê-tông đang ầm ĩ.

DU AN

;
.
.
.
.
.