.
Giới thiệu sách

Giấc mơ từ ngôi nhà yêu thương

.

Tập tùy bút Đêm nay con có mơ không? do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành và ra mắt bạn đọc ở Đường Sách TP. Hồ Chí Minh tháng 8-2017 là tác phẩm thứ hai của Trương Gia Hòa sau tập thơ Sóng sánh mẹ và anh từ 12 năm trước. Đó là những tản văn giàu chất trữ tình xung quanh ngôi nhà ký ức tuổi thơ, ngôi nhà hiện tại của chị và cũng là ngôi nhà mà mỗi người chúng ta có thể nhìn thấy mình trong đó…

Nhà thơ - nhà báo Trương Gia Hòa và tập tùy bút Đêm nay con có mơ không?
Nhà thơ - nhà báo Trương Gia Hòa và tập tùy bút Đêm nay con có mơ không?

Tốt nghiệp đại học, sau một thời gian làm xuất bản, Trương Gia Hòa đã chuyển sang làm báo và trở thành cây bút viết tản văn rất có duyên. Vài năm nay bất ngờ gặp phải bệnh tật nan y,  nhưng sau những cơn đau đớn tột cùng chị vẫn cố gắng viết, để thấy mình vẫn tồn tại và cũng là sự giải tỏa nỗi lòng. Viết trong tâm thế ấy song diễn ngôn của Trương Gia Hòa vẫn tự nhiên, mạch lạc, quyến rũ, trữ tình, không bợn chút đau buồn, mà đôi lúc còn hóm hỉnh, lạc quan về tình người tình đời.

Tập sách Đêm nay con có mơ không? của Trương Gia Hòa gồm 45 bài chọn lọc từ gần cả trăm tạp bút của chị. Quan sát tinh tế, chiêm nghiệm sâu sắc những câu chuyện bình dị diễn ra từ chính ngôi nhà thân thuộc của mình và xung quanh, chị đã tái hiện thành những bài học đời sống thấm thía mà lắm lúc khiến chúng ta ngẩn ngơ hay giật thót và tự soi rọi lại lòng mình.

Tạp văn của Trương Gia Hòa đầy chất thơ, như trong bài Những chiếc lá thơm tho chị hồi tưởng về kỷ niệm bà nội dạy cho cách xếp lá chơi lá bằng hình thù các con vật như chim sẻ, cào cào, rắn rết quen thuộc: “Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ. Và, thơm dịu dàng cho cả ngày mai. Những chiếc lá của bà, còn thơm ở hành trình thiên thu khác, hành trình ông tôi trở về cát bụi”.

Đáng ngạc nhiên hơn là viết về nỗi buồn chia lìa, về cái chết mà Trương Gia Hòa vẫn thể hiện một cách thi vị, mang tính triết lý nhưng rồi… đau: “Khi người thân của mình mất đi, thì thế giới bên kia ấy, đã không còn có gì đáng sợ nữa. Vì giống như người thân của mình đang làm một chuyến… tiền trạm vậy. Cái thế giới còn lại, thế giới hiện thực của người sống, mới là một nơi đáng sợ hơn cả. Sống mà hồn luôn hướng về người chết và thế giới sương khói của họ. Sống mà chỉ thấy cô đơn lạc lối, làm cái gì cũng thấy vô vị. Ngắm một cánh hoa, thấy một cánh chim trời bay qua cũng nghe lòng tan nát. Sống với nỗi nhớ là nhấp một ngụm trà, nghe thương yêu dường như ngấm vào mạch máu” (Và ông bà sẽ lại bắt đầu…, cùng nhau).

 “Không “đao to búa lớn” để làm nên sự vĩ đại, từng mẩu chuyện nhỏ mà Trương Gia Hòa mang đến cho bạn đọc đôi khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ công chức “bỉm sữa” yêu con, vừa đi làm, vừa vén khéo chuyện nhà; là nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình lớn, cội rễ để mình đâm chồi, nảy lộc; là những băn khoăn của một thị dân trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại... Tất cả, phác thảo nên một Trương Gia Hòa nhiều ưu tư, nhiều trăn trở nhưng vẫn hết sức hồn nhiên, tin yêu”. Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý, người bạn thân của Trương Gia Hòa trong lời giới thiệu sách Đêm nay con có mơ không? đã chia sẻ.

Nói về ngôi nhà làm tôi nhớ tới bài thơ Căn phòng của chị, mà trong đó được trang hoàng lộng lẫy nhưng thiếu sự đồng cảm đồng điệu nên: “Anh mệt nhoài sau mỗi chuyến đi xa/ Tôi chán chường sau một ngày ở nhà/ Giấc mơ tôi và anh mỗi ngày mỗi khác”. Có lẽ từ trải nghiệm ấy mà chị đúc kết: “Không gian thư giãn thực chất là không gian tình yêu. Nếu đủ tình yêu để nấu nướng cho người mình yêu thì gian bếp củi cũng là nơi thư giãn. Một phòng ngủ khăm khẳm mùi nước đái trẻ con cũng là không gian thư giãn nếu đó thực sự có một gia đình nhỏ với trọn vẹn yêu thương” (Không gian thư giãn). Với mạch nguồn cảm xúc rất phụ nữ, Trương Gia Hòa còn nhận ra rằng Giường đâu chỉ để mơ: “Một cái giường vật chất không khó để sở hữu, những gì đã diễn ra trên giường mới là thứ khiến người ta đau đớn hay hân hoan. Chiếc giường không chỉ để ngủ. Tôi vẫn nghĩ một cái giường giá trị, ấy là khi nó mang trên mình những vết thương sâu, những lấm tấm bụi vàng hạnh phúc để mỗi khi nghĩ về nó, lòng người được bình an lại, rồi bay lên, nhẹ nhàng như mây, như ngủ”.

Không chỉ không gian thư giãn, cái giường hoặc ngọn lửa ấm lan tỏa từ bếp, mà cả ngọn đèn dầu sinh thời ông nội thích “chơi”, những chiếc lá thơm tho kỳ diệu của bà, cho đến khoảng sân mỗi sáng tinh mơ trước nhà dành “riêng” cho cha mẹ, những cái cây trong vườn đã trở thành “bầy con câm nín” của mẹ, cái giường của vợ chồng, giấc mơ của con trai… qua sự thể hiện tinh tế của Trương Gia Hòa đều toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn, giản dị mà thiêng liêng của văn hóa tâm thức Việt mà giữa bộn bề đời sống hiện đại đôi lúc chúng ta đã lãng quên. Và tôi biết đối với Trương Gia Hòa, tập sách này cũng là món quà cho chính đứa con trai duy nhất đang tuổi mới lớn của mình, với thông điệp yêu thương từ nỗi lòng bao dung của người mẹ trẻ trong bài Viết cho con trước giờ giao thừa: “Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát. Giận hờn, ghen tức, tranh chấp hơn thua sẽ khiến cuộc sống chúng ta nặng nề mà thôi. Và quan trọng nhất con hãy học cách tha thứ. Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình. Mỗi ngày được sống là một món quà, nếu con vui tức là con đang có lãi”.

PHAN HUỲNH

;
.
.
.
.
.