Phan Khôi (1887-1959) là một học giả nổi tiếng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Tác phẩm của Phan Khôi rất đa dạng, ở đây, chỉ xin bàn đến cuốn sách vừa được xuất bản nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông:“Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta”(*). Tôi có “duyên” được Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ tặng cuốn sách này lúc cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đến thăm NXB trong một dịp ra Hà Nội.
Đúng như lời giới thiệu của người biên soạn, cuốn sách rất phong phú, không chỉ giúp bạn đọc thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc khoảng đầu thế kỷ 20 mà còn “gợi ý” nhiều điều bổ ích về cách ứng xử và cả việc hoạch định chính sách liên quan đến phụ nữ và xã hội hiện nay; mặt khác, qua những tác phẩm báo chí và văn chương được chọn in trong tập này, chúng ta hiểu thêm phong cách làm báo và nhân cách của một người con xứ Quảng cương trực, đầy nhiệt huyết trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người dân, vì tiến bộ xã hội.
Mặc dù những bài viết của Phan Khôi xuất hiện từ gần một thế kỷ trước và xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua, nhưng như Phan Khôi đã chỉ rõ trong nhiều tác phẩm của cụ - “nước ta lâu nay các nhà vua đều lấy nho giáo trị nước. Phải biết rằng non 10 thế kỷ nay, Tống Nho chiếm cái thế lực trong nho giáo hơn là Khổng Mạnh… phụ nữ ta cũng đã bị ngược đãi mà chịu thiệt nhiều bề, không phải là ít…” - và chúng ta đều biết những chuẩn mực văn hóa, đạo đức khi đã nhiễm sâu cả chục thế kỷ thì không dễ cải sửa, nên nhiều vấn đề cụ nêu lên vẫn gần gũi với cuộc sống hôm nay.
Bàn đến phụ nữ, chữ “trinh” là rất quan trọng, nhất là ở một xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, do dó, Phan Khôi đã viết liền mấy bài dài đăng trên Phụ nữ tân văn từ năm 1929 -1931. Trong bài đăng ngày 19-9-1929, với nhan đề: “Chữ trinh: Cái tiết với cái nết” Phan Khôi đã nêu một quan niệm độc đáo và tiến bộ. Phan Khôi cho rằng “chuộng cái tiết là vì mình nên không cao thượng bằng chuộng cái nết là vì người”. Đoạn cuối bài, Phan Khôi viết: “Ông Nguyễn Du nói “Chữ trinh có ba bảy đường”; nhưng tôi nói: chữ trinh có hai đường, là nết và tiết. Nết thì hay mà tiết dở. Chuộng nết thì có ích mà chuộng tiết thì có hại…”
Về đề tài chữ “trinh” và chuyện “cải giá”, để thêm sức thuyết phục, Phan Khôi còn kể cả chuyện về bà cố của mình đã bị đối xử bất công, khi qua đời không được an táng vào đất công, do đã cải giá, mặc dù “từ bà cố tôi, các ông mới bắt đầu có tiền, có tri thức, có danh giá và địa vị trong xã hội…” . Nhân đó, Phan Khôi mới nói đến ông nội đậu cử nhân thời Thiệu Trị, làm quan đến chức Án sát tỉnh Khánh Hòa; hơn thế, “bà cố tôi tuy là một bà góa mà hào hiệp có tiếng… năm Tự Đức thứ 5… bà cố tôi quyên ra một ngàn quan tiền để chẩn cấp cho kẻ nghèo, được vua ban cho cái biển bốn chữ “Lạc quyên nghĩa môn”…”
Mặt khác, Phan Khôi lại tỏ lòng kính trọng người phụ nữ có “nết trinh” nên trong mục “Việt Nam phụ nữ liệt truyện”, gồm 7 nhân vật, ngay sau truyện “Gái anh hùng Trưng Nữ Vương”, Phan Khôi đã thuật chuyện “Mẹ ông Nguyễn Cao”. Một câu chuyện đặc biệt, có thể nhiều người chưa biết, xin tóm lược cùng bạn đọc: Ông Nguyễn Cao làm quan đời Tự Đức đến chức Bố chánh (tương tự như Phó Tỉnh trưởng), khi Triều đình Huế hòa với Pháp, ông giải chức về nhà, có người tố cáo ông toan khởi nghĩa, quan Tây triệu đến, pha rượu mời, nhưng ông vớ ly rượu đập bể, lấy mảnh mổ ruột mình; thầy thuốc Tây đến cứu, nhưng ông cắn lưỡi tự tử! Còn mẹ ông, tuổi mới ngoài đôi mươi thì chồng mất; tên lý trưởng “toan dùng sức mạnh bẻ hoa / Đón đường bóp vú, giăng ca ngỏ lời…”; bà kiếm cớ chờ mãn tang, đến lúc ông Cao lên mười, bà làm lễ tế chồng trước dân chúng làng trên xã dưới, rồi chỉ mặt tên lý trưởng “Nó là thằng ỷ thế hành hung” và “cầm dao cắt vú liệng tung giữa nhà /… Chết oanh, chết liệt, chết làm cho kinh / Làm cho khiếp mấy anh nam tử…” Dân gian đã tụng ca bà với một bài vè như thế. Thật là “Mẹ nào con nấy”!...
Mấy trích dẫn ở trên, chứng tỏ Phan Khôi với vốn văn hóa sâu rộng (không kể quốc ngữ và chữ Hán, cụ còn thông thạo tiếng Pháp) và tính cách cương trực, đã “tả xung hữu đột” trên nhiều mảng đề tài và việc gì cũng theo tinh thần truy đến “tận gốc”. Chỉ riêng trên báo Tràng An (Huế - 1935), riêng 2 “vụ” mà Phan Khôi “tham chiến” với tư cách chủ bút - “Việc người đàn bà bị bỏ đỉa vào tai” và “Vụ kiện của vợ chồng Tham Ân”, cuốn sách đã giới thiệu 11 bài trên 11 số báo! Mặc dù sự việc có thể không lớn - như vụ “bỏ đỉa vào tai” chỉ để xác minh thông tin mâu thuẫn giữa bác sĩ bệnh viện Huế và đương sự, có thật đỉa chui từ trong đầu bà Trần Thị Quyến ra không; còn vụ kia là bà Phan Thị Viện (Quảng Điền) kiện Tham Ân theo bồ trẻ đòi bỏ vợ - nhưng Phan Khôi truy “tận gốc” để bênh vực người yếu thế và quan trọng hơn là để chỉ ra sự vô cảm, vô trách nhiệm của quan chức và tòa án thời đó…
Cuốn sách dày 630 trang khổ lớn, chia làm 6 phần với trên 70 “tiết mục”, trong đó có 1 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn, nên chỉ có thể trích dẫn một vài để bạn đọc tìm xem. Được biết, cuốn sách do “Nhà nước đặt hàng” để đưa đến tận các thư viện cấp tỉnh, huyện trong cả nước, nên bạn đọc mọi miền có thể dễ dàng tìm xem…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(*) Đọc Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta - Lại Nguyên Ân giới thiệu và biên soạn, NXB Phụ nữ, 2017.