.

Sách mới, sách hay

.

1. Phố (NXB Văn học, 10-2017) là tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai viết về cuộc sống của những người Hà Nội giai đoạn đầu Đổi mới (đầu những năm 1990). Tác giả dựa trên truyện ngắn “Phố nhà binh” viết năm 1991 để viết tiểu thuyết Phố một năm sau đó. Phố được coi là một trong những tác phẩm đặc sắc của Chu Lai viết về cuộc sống của những người bộ đội thời hậu chiến. Bối cảnh của Phố là cuộc sống của những cựu chiến binh sống trên phố Lý Nam Đế, con phố tập trung các cơ quan và khu tập thể của quân đội ở Hà Nội, giai đoạn đầu những năm Đổi mới. Đó là giai đoạn mà hoàn cảnh kinh tế khó khăn buộc những người bộ đội mới bước ra khỏi cuộc chiến hoặc chỉ làm việc và sống trong môi trường quân ngũ phải làm quen với việc kiếm tiền để lo cho cuộc sống đời thường. Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Pháp với tên Rue des soldats và được chuyển thể thành bộ phim truyền hình được yêu thích “Người Hà Nội”.

2. Ngày tháng thênh thang (NXB Văn học, 10-2017) là tập hợp những bài viết ngắn của tác giả Bửu Ý đã in rải rác từ 1963 đến nay trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố văn, Tia sáng, Mốt Việt Nam, Liễu quán, Văn hóa Phật giáo, Sông Hương, Thanh niên, Tuổi trẻ, Hồn Việt, Văn nghệ, Đại học Huế,... Đó là hành trình chiêm nghiệm của tác giả trên tất cả các lĩnh vực đời sống từ hoa trái, chim muông, hội họa, thơ, văn, nhạc… Đặc biệt, bạn đọc lâu nay vốn quen với một Bửu Ý - dịch giả sẽ được đọc trọn vẹn 5 truyện ngắn của ông và một mảng khác rất ít người biết: Một Bửu Ý - kịch tác gia. Nhà văn, nhà giáo Bửu Ý, tên đầy đủ Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Thừa Thiên Huế. Bửu Ý tham gia nhiều lĩnh vực xã hội, dạy học, nghiên cứu nghệ thuật, là người luôn tự nhận mình là tín đồ của ca Huế. Ở miền Nam trước năm 1975, Bửu Ý là cây bút có uy tín được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Ông là tác giả của những bản dịch rung động hồn người bao thế hệ như: “Nhật ký Anne Frank”; “Hoàng tử bé”; “Con Lừa và tôi”…

Hải Âu

;
.
.
.
.
.