.
TRUYỆN NGẮN

Người đàn bà vẽ phố

.

phố cũ góc nào cũng ra tranh
người vẽ hồn mình
như vẽ phố

Phước, bạn ở phố cổ,  lâu ngày không gặp đã mời tôi về chơi. Cũng khá lâu tôi mới có dịp trở lại. Hắn vốn là một kiến trúc sư, sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Có thời gian Phước bỏ đi, bỏ hẳn luôn ra mua nhà ngoài thành phố, có việc làm ổn định, bỗng dưng không hiểu sao được một thời gian, hắn bán nhà, bỏ hết trở lại nơi chốn cũ. Mỗi lần tôi về tới Phố là Phước đón, thường đưa tôi đi thăm mấy công trình kiến trúc đặc trưng tại địa phương để viết bài, có nhiều đêm ngủ lại nhà bạn. Phước cũng là người góp ý cho tôi một số bài về kiến trúc, đặc biệt lĩnh vực kiến trúc môi trường, kiến trúc xanh. Lĩnh vực này, thế giới thì người ta làm từ lâu rồi nhưng với Việt Nam lại trở thành thời thượng vài chục năm trở lại đây. Lần ấy dẫn tôi đến một ngôi nhà của một kiến trúc sư người Nhật bên sông Nhụy. Ngôi nhà được xây dựng và thiết kế theo lối kiến trúc xanh với những tiêu chí không tác động tiêu cực đến môi trường, sử dụng vật liệu sẵn có của địa phương (tranh tre, gỗ gạch ngói sản xuất tại chỗ, tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời, tái tạo nước sạch...) nói chung là tôi rất thích. Vị kiến trúc sư Nhật còn có một thói quen gây ngạc nhiên cho mọi người. Sáng sáng bà chèo thuyền ra sông để vớt rác, đều đặn hằng ngày như thế, hầu như mưa nắng không vắng buổi nào. Hành động của bà bắt người mình phải tự thấy hổ thẹn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi về lại phố cổ, Phước không ở trong phố cổ nữa mà mua đất làm nhà ở bên hữu ngạn sông Nhụy. Hắn còn đóng thêm hai, ba chiếc du thuyền loại mini vừa để chơi vừa để “cho tụi Tây thuê, bọn Tây thích kiểu lạ”. Phước nói, rồi kéo tôi lên thuyền, chỉ một chai rượu Tây và một ít đồ nhắm: Lâu quá không gặp, bữa ni chơi trên thuyền luôn ông hí. Vâng. Xong ngay. Kêu thêm một người nữa cho vui. Gọi Huyền đi, tôi tiếp lời. Hắn vừa chuyển đồ lên thuyền vừa nói: Chị ấy đi rồi ông. Đi biệt…

Nghe nói bỗng dưng lòng tôi thắt lại. Quá khứ như ùa về, tắc nghẹn…

Từ hơn 20 năm  trước tôi từng gắn bó thân thiết với phố cổ. Tôi yêu Phố theo cách từng chút, từng chút vừa khám phá, vừa trải nghiệm, mặt khác tình cảm được nhân lên bởi những anh em văn nghệ tại địa phương, đặc biệt là Huyền. Ngày ấy những khi buồn tôi hay vào phố cổ, ngủ lại chơi đến khi chán thì đi. Thích nhất khi cùng bè bạn rảo loanh quanh mấy con ngõ nhỏ, lúc về khuya, phố yên ắng trong bóng đêm, lúc ấy đã chếnh choáng hơi men từ những cuộc nhậu ngắt quãng ở vỉa hè kiểu “bạ đâu ngồi đó”. Huyền hay hát, thảng hoặc nói về Phố mê đắm như người say, người đồng bóng.

Huyền vẫn thường cùng chúng tôi đó đây qua những góc phố nhỏ suốt thời gian chúng tôi có mặt. Thân thiết đến nỗi. Cứ đến là alô. Bạn bỏ hết việc mà lao vào cuộc phiếm du tào lao chẳng có mục đích gì rõ rệt cả. Nhiều khi thấy thương cho bạn cứ phải chịu đựng bạn bè với những cuộc vui chơi ta bà. Từng gặp rất nhiều người, họ yêu sâu nặng với Phố nhưng có lẽ không người nào giống Huyền như kiểu Phố với cô là tất cả, là điều gì quý giá nhất trên đời. Cô kể lại, về một vị kiến trúc sư người nước ngoài mà cô rất biết ơn, nếu ông ta chỉ xuất hiện chậm đi vài năm thì phố cổ của cô sẽ mất hết. Cuộc sống khó khăn, đất nước thời đóng cửa, không ai còn tâm trí chi để giữ gìn nhà cổ, đình chùa miếu mạo, di tích văn hóa và vì sinh kế người dân sẽ dần dần bỏ đi thử hỏi Phố còn gì để trở thành di sản... Và cũng từ cái mốc đó, cái thời điểm quyết định cho thương hiệu một thành phố du lịch hấp dẫn sau này, quan trọng nhất là đã đánh thức được niềm tự hào về giá trị của chính mình để từ đó trở thành ý thức vô cùng mạnh mẽ trong việc gìn giữ những gì tốt đẹp mà Phố đang sở hữu. Người Phố vốn là đất của thương cảng nhận ra rằng gìn giữ những giá trị nội tại của Phố chính là tạo cuộc sống tương lai bền vững cho mình…

Tôi nghe Huyền nói như diễn thuyết không bằng… Nói chuyện khác đi.

Huyền không để ý, giọng đầy hứng khởi: Lâu rồi, khi nhắc đến Phố, ai cũng phải công nhận trước áp lực của đô thị hóa, phố cổ đã giữ vững được một cách hiên ngang những giá trị phẩm giá của mình mà không phải nơi nào cũng có… Tôi đùa, này cô họa sĩ ơi, tui đến đây không phải nghe diễn thuyết đâu nhé… Eo ơi sao em yêu Phố đến vậy hè. Yêu đến chết không thôi, anh à… Chuyển qua tông khác,  giọng trầm xuống,  Huyền kể. Em mê vẽ về nơi em sống lắm, có năm mê vẽ quá chiều 30 người ta sửa soạn về nhà cúng bái cuối năm, rứa mà mình còn đứng vẽ tranh như mụ điên… Không cực đoan mô. Ở Phố đứng ở đâu cũng nhìn ra tranh, góc nào cũng vẽ ra tranh đẹp. Cô rất tâm đắc với câu nói đó. Dạo ấy, Huyền vẽ như điên cuồng về phố cổ. Đến nỗi về phố cổ không cần hỏi, loanh quanh trên đường là nhận ra cô đang say sưa đứng vẽ bên một góc phố nào đó.

Rứa đó. Yêu cho lắm vào để chừ bỏ đi tiệt chẳng thèm nói với ai một lời.

Phước đã lên thuyền, bắt đầu nổ máy. Thuyền chạy ra được một khúc, nắng đã tắt từ lâu. Tôi nhìn về bên kia sông: Bà kiến trúc sư Nhật còn vớt rác không? - Vẫn còn mà cũng rứa thôi, Phước lấp lửng - cũng như ông già trong cổ tích đào núi làm đường vào nhà biết khi nào cho xong, cô vớt rác chặp cũng nản vớt hoài vớt mãi khi mô cho hết…

Phước rót rượu mời tôi uống, vẫn cái giọng chậm rãi như mọi khi: Ông biết không. Phố chỉ cỡ chừng 2 cây số vuông mà bây giờ nhà hàng, khách sạn, resort… mở dày đặc vây lấy phố, rồi lượng khách du lịch đổ xô về như rươi, thì thu gom rác thải làm mấy cho xuể.

Nhưng răng mà Huyền bỏ đi, tôi nóng ruột nghe câu trả lời. Phước vẫn từ tốn đến sốt ruột… Nhiều chủ những căn nhà cổ trong Phố đến lúc già cả dần dà rồi mất, con cái liền bán đi để chia nhau gia sản. Các đại gia, Việt kiều đổ xô về Phố để mua nhà. Thời buổi người có tiền họ đẩy giá nhà lên cao, tiền không biết chỗ mô ra mà nhiều rứa, giá mấy cũng mua. Dân cầm lòng không đậu cũng phải bán. Trước đây đa số là người dân xứ khác đến xây resort, hotel, homestay, restaurant… đủ các loại hình nghỉ dưỡng ăn uống mới chỉ tập trung quanh phố cổ. Còn giờ thì, ngay trong lòng Phố, người chỗ khác đến sang nhượng mua bán không ít. Phong cách sống, cách làm ăn nó đã lai tạp đi nhiều lắm, cái nề nếp gia phong phẩm hạnh hiền hòa trong cách làm ăn của người Phố cũng phải mai một chứ làm sao mà giữ chặt mãi cho được.

Mình nghĩ với một người yêu Phố như rứa, đó không phải là cái cớ để Huyền bỏ đi, tôi bộc bạch. - Như tui đây, giọng Phước có vẻ mạnh mẽ hơn, đi mô cũng về còn chị Huyền thì khác, chị yêu Phố yêu cái hồn xưa cũ, yêu lắm như đối với ký ức đẹp của đời chị. Nhiều lúc tui nghĩ, giả như người mà mình yêu thương nhứt nhứt trong đời phụ mình, bỏ mình, giờ nói là biến nó thành tình bạn, xem nhau như bạn. Khó lắm. Chị Huyền là thế không có chi khác cả. Quá yêu. Quá mê muội mà ra thôi anh…

Giờ này mặt sông rất phẳng lặng. Mấy ngọn đèn trên những chiếc lưới cất hổng trên không rải xuống  ánh vàng loang ra trên mặt nước. Tài công đã cho thuyền dừng lại. Phước chỉ im lặng chút chíp chén rượu. Tôi lại nghĩ đến cái tên của Phố. Phố Rêu. Và những thảm rêu xanh miên man tươi mới trên những mái ngói tiếp nối trên dãy phố. Một vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng, xưa cũ từng ám ảnh Huyền và rất nhiều người khác. Giờ ngói rêu vẫn còn nhưng đã ít đi vì đã xuất hiện nhiều ngói mới, màu rêu trên phố cũng phôi phai. Chợt Phước ngước mắt lên hỏi:

Anh đang nghĩ chi vậy

Đang nghĩ đến màu rêu trong tranh của Huyền…

Ừ thì tranh rêu của chị… chẳng biết giờ nằm ở đâu nữa…

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.