Lạ thế, dẫu bây giờ tóc đã bàng bạc khói sương, khuôn mặt hằn sâu bao vết sóng thời gian, tôi vẫn nhớ những trung thu niên thiếu. Nhớ. Mới chập tối trăng đã từ từ nhô lên phía cánh đồng, trong màn sương tháng tám mỏng tang như không có thật, một đĩa vàng vành vạnh hiện ra tỏa sáng muôn nơi. Trong bóng tre làng, thấp thoáng không gian cổ tích huyền ảo, cùng đất này cũng trời ấy mà bỗng nhiên khác lạ, khác lạ đến bâng lâng bởi lũ trẻ nhìn đâu cũng thấy tràn ngập ánh trăng rười rượi, ở đâu cũng nghe rõ tiếng ời ời của chú Cuội gọi cha và chị Hằng Nga thì thân thiết như chị Chanh, chị Bưởi nhà mình...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thực ra, trăng với lũ trẻ quê thì bao giờ cũng gần gũi lắm. Chả đợi đến rằm tháng tám, khi thấy trăng nõn nòn non rụt rè nhú ra phía trời tây, lũ trẻ đã rồng rắn đọc nghêu ngao: Mồng một lưỡi trai / Mồng hai lá lúa / Mồng ba câu liêm / Mồng bốn lưỡi liềm / Mồng năm liềm giật / Mồng sáu thật trăng... Chúng tôi không rõ lắm thế nào là trăng lưỡi trai, trăng lá lúa, trăng câu liêm, trăng lưỡi liềm... nhưng thằng bé, con bé nào cũng thấy vui, cũng thấy sướng vào những đêm có trăng. Trăng à, trăng ơi, trăng soi tỏ lối xóm nẻo quê, trăng lăng xăng theo bước chân trẻ nít, đi đâu cũng có trăng. Biết chú Cuội hay nói dối mà vẫn chơi, biết chị Hằng là nàng Tiên xinh đẹp lộng lẫy mà vẫn rất muốn gần. Bởi vì, ông bà, bố mẹ chưa bao giờ ghét chú Cuội, chị Hằng, chưa lúc nào chê bai trăng cả...
Trẻ quê thời ấy phần đông áo vá chân đất, cái ăn cái mặc đều thiếu thốn. Bù lại, chúng tôi rất hồn nhiên. Hồn nhiên bởi niềm tin trong veo chú Cuội và chị Hằng là có thật. Hồn nhiên bởi tiếng cười lấp lánh màu trăng. Và tiếng bước chân tung tăng chạy nhảy, tiếng hò reo ầm ĩ ở bãi cỏ ven làng cũng nao nức những hớn hở của trăng. Tôi thèm trở lại với những bài đồng dao lí lố đêm rằm, trở lại với trái thị thơm nức trong lòng tay, trở lại với múi bưởi tháng tám mẹ vừa bóc ra từ vằng vặc trăng thu. Trở lại với gió mát trăng thanh. Trở lại với đèn ông sao làm bằng giấy bóng xanh đỏ tím vàng, với ngài tiến sĩ xênh xang áo mũ hia giày, với chiếc trống bỏi gõ tưng tưng tưng tưng, với những mâm cỗ đơn sơ bày mấy trái cây hái từ vườn nhà hay bà hoặc mẹ mua về từ chợ làng.
Trung thu của những làng nghèo, nhà nghèo thuở ấy một chiếc bánh nướng, bánh dẻo lắm khi phải chia năm, chia bảy. Đứa trẻ lên sáu là tôi cầm trên tay một góc bánh trung thu cỏn con như cầm báu vật. Tôi đưa góc bánh hình tam giác lên mũi hít hà, hít hà, mùi thơm của bột nếp, bột đỗ, của đường và thịt mỡ cứ quấn quyện vào nhau thả lời mời mọc dỗ dành. Chiếc lưỡi chạm vào góc bánh, nhẹ nhàng đặt lên sự thơm ngon những cảm giác khoái trá rất trẻ con. Cái ngon nhớ đời do sự ít ỏi khan hiếm mang lại, miếng ngon thời nghèo thật khó quên làm sao.
Tôi đã không chỉ một lần đặt câu hỏi: trẻ em bây giờ và trẻ em thời ấy, suy cho cùng ai “sướng” hơn ai? Vô vàn cái hơn hẳn của trẻ em bây giờ nếu so với trẻ em ngày xưa. Điều ấy rõ ràng như hai cộng hai là bốn. Nhưng hình như trẻ em nhất là trẻ em thành thị hôm nay đang thiếu những cái gì đó rất cơ bản, rất chủ yếu của tuổi thơ. Có phải cuộc sống hiện đại đã lấy đi của tuổi thơ nhiều điều quá. Sự hồn nhiên. Chất cổ tích. Trí tưởng tượng Thiên nhiên bị hủy hoại đến xót xa. Khí thở còn không trong lành, nói gì đến sự vằng vặc của vầng trăng rằm tháng tám. Người lớn chồng lên những đôi vai bé nhỏ mỏng manh bao nhiêu là sách vở, đồ dùng học tập. Còn mấy đứa trẻ yêu ông Bụt, bà Tiên và tin rằng trên vầng trăng tròn ấy có chú Cuội ngồi gốc cây đa, chị Hằng Nga ở trong cung Quảng. Trên trăng ấy có cả Thỏ ngọc nữa đấy, còn mấy đứa trẻ tin như thế? Niềm tin vào điều không có thật ấy, đâu phải lúc nào cũng vô ích. Sự lãng mạn bắt đầu bằng niềm tin vào những huyền thoại lung linh. Đôi khi, sự thanh thản nhẹ nhàng của con người cũng ngăn được bạo lực hung tàn. Người ta sẽ yêu cuộc sống con người và thiên nhiên hơn khi biết rung động trước vầng trăng. Thực ra, kể chuyện cổ tích cũng là một cách hướng thiện cho con trẻ, ở hiền gặp lành là điều mong mỏi của bao đời nay.
Rằm tháng tám. Trăng tròn. Còn bao nhiêu đứa trẻ ngước đôi mắt trong trẻo lên bầu trời ngắm vầng trăng thu? Còn bao nhiêu đứa trẻ nối đuôi nhau hát đồng dao như thời xưa xửa? Còn bao nhiêu đứa trẻ í a gọi chú Cuội, chị Hằng về phá cỗ? Làng mạc, đô thị còn có mấy sân chơi rộng rãi dành cho các em đón trung thu hay là những công dân tương lai ấy chỉ biết phá cỗ trong căn hộ của mình và xem trung thu qua màn ảnh nhỏ. Trung thu trên ti-vi tưng bừng, vui nhộn còn trung thu thật thì không ít nơi còn hiu hắt làm sao.
Có lẽ, chưa bao giờ trăng rằm tháng tám cô đơn như bây giờ. Tính truyền thống trong Tết trung thu đã phai nhạt rất nhiều, phá cỗ trông trăng chỉ là cách nói ước lệ thời hiện đại. Cuộc sống thiếu đi sự lãng mạn huyền ảo thì trẻ con sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Con người càng đẩy nhanh tốc độ sống, trẻ em càng bị “lão hóa” nhanh hơn, nhiều hơn. Trong vũ trụ, trăng chỉ là vệ tinh nham nhở, lạnh giá của Trái Đất nhưng với con người thì trăng là vầng sáng dịu dàng, là cái đẹp của thi ca nhạc họa, là nguồn cội của những rung động tâm hồn... Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chọn rằm tháng tám, kỳ trăng đẹp nhất trong một năm làm Tết cho trẻ em.
Thế mà, tôi thấy xa lắm rồi vằng vặc Trung thu...
Nguyễn Hữu Quý