Nhà tôi gần kề đồi cọ, gần tới mức mỗi lần mưa nằm trong nhà cũng nghe tiếng rào rạo của từng hạt mưa tung tẩy trên lá. Cha bảo, đồi cọ là gia tài lớn nhất mà ông bà chia phần khi cha và mẹ ra ở riêng. Người ở quê tôi nhà nào cũng có một vườn cọ trước nhà, sau nhà, hoặc một đám cọ trên đồi, hay chí ít là dăm bảy cây trồng rải rác ven bờ nương, bờ ruộng, bờ ao. Ít nhiều gì thì cũng phải có, thiếu cọ sao được. Lá cọ dùng lợp nhà sàn, lợp chòi nương, lợp chuồng trâu, chuồng lợn.
Lá cọ dùng che nắng ngoài nương, che mưa đi chợ, làm ô theo trẻ đến trường. Lá cọ làm mâm bày bữa cơm ngày đám cho lũ con nít cả bản cả làng xúm xít tranh chia miếng thịt mỡ, thìa cơm trắng. Lá cọ làm chiếu ngả lưng những trưa mùa màng trên nương. Lá cọ làm quạt gọi gió cho bà ru cháu ngủ những trưa hè vắng mẹ... Cây cọ cần như cần cơm để ăn, cần như áo để mặc, cần như bạn để chơi... Cha tôi từng bảo thế.
Sáng nay nhà tôi lợp lại mái. Từng viên ngói đỏ ươm xếp lên nhau tươi rói như gương mặt hạnh phúc của mẹ. Hẳn khao khát cả một đời bây giờ vỡ òa. Nhìn những tấm lá cọ cũ rơi ngổn ngang dưới sân, chỗ cùn cụt, mục rũ, chỗ đen bóng bền bỉ, chỗ bàng bạc mà vẫn lành lặn, lòng tôi xốn xang, thương nhớ, tiếc nuối như vừa mất gì đó...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi thích cảm giác khi trời đổ mưa rào, nằm trên sàn kéo chăn lút đầu để nghe tiếng ào ào phía đồi cọ, tiếng rào rạo trên mái. Từng hạt, từng hạt như rõ ràng riêng biệt, lại như hòa lẫn vào nhau, va vào mái cọ, êm nhẹ tạo thành bản hòa ca của mái lá. Thứ âm thanh chẳng giống lẫn với điều gì, đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, và hẳn cả nhiều người nơi đây cũng thế. Từ lúc lọt lòng mẹ đến khi nhắm mắt lìa đời, thứ âm thanh nghe cả trăm nghìn lần, nghe hết một kiếp người vẫn thấy trong lòng bâng khuâng, xao xuyến bao xúc cảm thương nhớ mênh mang.
Tiếng mưa êm êm, tiếng mưa hiền hiền, tiếng mưa như biết tâm tình, thủ thỉ, nhắm mắt lại mà hình dung được bao thứ, kỷ niệm, ước mơ, những điều đã qua và cả những điều chưa bao giờ đến. Thứ gì nghĩ đến trong lúc nghe tiếng mưa trên mái cọ cũng thấy dịu dàng, bình yên đẹp đẽ và thoang thoáng chút mênh mang, vời vợi giống buồn mà không phải buồn...
Tiếng mưa làm đứa trẻ đang khóc khát sữa, nhớ mẹ đi nương cũng ngoan ngoãn thiếp đi lúc nào không biết trên võng tre. Ai có người thương nằm nghe mưa trên mái lá thì nhớ nhau đến muốn trổ mưa mà tìm. Con gái theo chồng đêm nằm nghe mưa trên mái cọ nhà người thì úp mặt vào lưng chồng rưng rức khóc, tiếng mưa như tiếng mẹ gọi phía bên kia đồi gần lắm, rõ lắm mà xa xôi.
Nhìn lên mái thấy những lá cọ cũ kỹ nằm gối nhau lặng lẽ qua tháng qua ngày, bụng lá đen xì vì bồ hóng của khói, đuôi lá cùn cụt vì mưa nắng dãi dầu, nhưng lưng vẫn lành nguyên, kín ráo để che nắng che mưa cho ngôi nhà. Có những mái nhà bền bỉ hơn chục năm mới phải thay lợp lại một lần. Tại sao chỉ là thân lá, cũng mỏng manh mà có thể chịu được mưa nắng hết năm này qua năm khác? Phải chăng lá cọ được sinh ra với thiên xứ của loài lá che chở cho con người? Chẳng ai đi tìm sự lý giải, con người chỉ cần tin như thế mà ăn đời ở kiếp với lá cọ.
Cả một rừng cọ bao nhiêu lá nhưng chẳng có lá nào thừa. Lá to lợp nhà, lá nhỏ lợp chòi nương. Lá già lá rách xấu thì đem chắp đan tấm lợp chuồng trâu chuồng lợn, chuồng gà. Lá lành quây vách gió ngày đông, làm ô che lúc mưa lúc nắng. Thời tôi còn bé, cả bản chẳng biết đến cái ô hay cái áo mưa là gì. Quanh năm bốn mùa nắng mưa nhờ lá cọ che chở.
Những ngày nắng, trên nương, ngoài đồng, chỗ nào có bóng cây nhờ bóng cây, chỗ nào trống trơ thì phải cắm lá cọ lên để làm bóng mát. Đám nương, đám ruộng nào cũng phất phơ xanh biếc, tròn xoe vài lá cọ tung tẩy trong gió. Trời mưa lá cọ làm ô. Lũ trẻ con chúng tôi đi học được cha mẹ sắm cho mỗi đứa một tàu lá cọ.
Đứa nào to khỏe thì cầm lá to, đứa nào bé bé thì cầm lá nhỏ, nối nhau đi thành hàng dài như những mặt trời xanh bé xinh xếp hàng đến lớp. Con đường làng những ngày như thế nhìn xa người ta còn ngỡ đám lá cọ rủ nhau chạy trốn khỏi đồi. Đi nương ngày mùa những trưa không về, lá cọ thay chiếu trải trên đất để nghỉ ngơi, cái cảm giác mát rượi khi lưng chạm lá cọ thật sảng khoái và dễ chịu, làm cơn nhọc nhằn cũng chóng vơi nguôi.
Bây giờ ở mường tôi những ngôi nhà sàn còn ít lắm, những mái ngói mái tôn xanh đỏ đẹp đẽ vững chãi đã mọc lên thay mái cọ. Những rừng cọ, vườn cọ thưa dần vì bị phá đi để trồng những thứ cây khác. Cuộc sống biết bao đổi thay, đủ đầy no ấm hiển hiện trên từng viên ngói, từng chiếc ô, tấm áo nilon đẹp đẽ. Vui lắm, mừng lắm, ấy vậy mà tôi vẫn thấy tiếc nuối, nhớ thương những tán xòe bé bỏng cần mẫn che bóng người bao đời. Vẫn thèm lắm những đêm mưa nằm nghe mái lá ru mình yên ả, nhọc nhằn, bão táp bao nhiêu nghe mưa thầm thì vỗ về cũng dịu êm mà đi vào giấc mộng. Có một thời như thế, lá cọ cần như cơm để ăn, như áo để mặc, như bạn để chơi...
TÚ ANH