Trên mạng, thấy bạn cũ khoe hình rổ chanh vàng ươm, kèm theo một câu rằng, tới mùa chanh chín rồi, lại có việc làm đây. Lẩn thẩn nghĩ, hẳn là bạn sẽ chuẩn bị rất nhiều keo, lọ thủy tinh, tỉ mẩn muối từng hũ chanh, để dành. Y như má ngày xưa vậy.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hồi đó, bên hông nhà có một cây chanh trĩu trịt. Không cao lớn dềnh dàng, nhưng lại xum xuê lòa xòa cả một góc vườn. Lá chanh của phương nam chẳng thơm nồng như chanh bắc, hay cũng bởi người trong đây không thường có thói quen “thịt gà lá chanh” thì phải. Cả hoa chanh cũng không mấy được trọng dụng. Gai chanh thì dùng để lể ốc. Riêng có trái chanh tươi là không “ế” bao giờ. Dọn cơm, ra hái quả chanh vào làm nước mắm. Trời nắng nóng, pha một ca chanh đường rất to, cho cả gia đình. Cái sở thích ăn chua của tôi, có lẽ cũng bắt nguồn từ việc, nhà có sẵn một cây chanh đấy thôi.
Cây chanh đó, đơn giản là trong nhà có ai quăng hột ra nên tự mọc lên. Be bé, tầm thường. Rồi thành cao hơn đầu người. Âm thầm tẻ nhánh đâm cành. Đất miền Nam màu mỡ ngọt lành, vun đắp thành một cây chanh cao lớn, gắn bó với gia đình như một người bạn thân. Bếp nhà ai mà chẳng có lúc cần dùng chanh cơ thứ. Thứ gia vị quen thuộc ấy, tưởng tầm thường, mà chẳng thể thiếu được trong vô số món ăn của mâm cơm lẫn cuộc sống người Việt mình…
Nhà có cây chanh sai trái, tất nhiên chẳng thể nào ăn cho hết. Những sớm mai thức dậy, bước ra vườn, nhìn thấy chanh chín rụng đầy dưới gốc, văng xa tứ tán cả xung quanh đấy. Trái nào cũng to, chín đều, căng mọng, vỏ mỏng dính, nhìn thôi đã thấy ngon lành. Tiếc nuối lấy rổ ra gom lại, nhiều khi cả hơn ký chanh chín. Rồi vin cành, lựa hái những trái chanh tươi ngon nhất mang biếu bà con, hàng xóm.
Giữa mùa chanh, má tôi nhất định sẽ làm chanh muối. Có vẻ như, ngay cả món chanh muối dân dã ấy cũng có nhiều cách thực hiện, phổ biến nhất là chà vỏ từng quả chanh tươi cho bớt the đi, rồi mới ngâm muối. Nhưng má tôi có một bí kíp riêng, đơn giản và lợi hại hơn. Đấy là cứ hũ và chanh đều rửa sạch, đợi ráo nước thì sắp vào từng keo từng keo. Xen kẽ lớp chanh lớp muối hột. Đậy kín nắp lại. Sân nhà tôi lũ lượt mấy hàng toàn hũ là hũ, toàn chanh là chanh. Sau vài buổi nắng tốt, là màu muối trắng tinh phai dần, tan chảy thành thứ nước chỉ cần nhìn thôi là đủ biết đậm đà, óng ả tựa mật…
Thứ tinh hoa vừa chua vừa mặn ấy, được dùng để pha nước giải khát. Để nuốt một muỗng khi ăn chẳng tiêu, đầy bụng, cực kỳ hiệu nghiệm. Để chế biến món gà vịt nấu chanh muối thần thánh mà mấy chị em tôi đứa nào cũng mê. Để đám con của má có dần lớn lên, rời khỏi quê nhà, bôn ba chỗ này chỗ nọ, thì lòng vẫn chưa từng bao giờ thôi nhớ về hũ chanh muối nằm yên bình trước sân, về cây chanh quen thuộc trong vườn của ngôi nhà thuở ấu thơ…
Cây chanh ra trái dường như không biết mỏi mệt, cứ liên tục, liên tục. Ngay cả khi mùa chanh đã qua rồi, giá chanh ở chợ đã mắc mỏ tới mức khó tin, thì cây chanh nhà tôi vẫn cần mẫn dành tặng cho người những quả chanh thơm thảo. Nhiều năm trôi qua lắm, tới mức dường như không ai nỡ nghĩ rằng, chanh cũng như đời người, có lúc già cỗi đi, cố gắng tận hiến, rồi cũng không qua được quy luật thời gian. Điện thoại về nhà, trong những câu chuyện hỏi han, đã nghe má nhắc tới cây chanh với ít nhiều lo lắng tiếc nuối. Rằng nó già rồi, năm nay ít trái hẳn. Rồi thì, cây chanh năm nay lá rụng xác xơ, chẳng biết còn sống nổi qua mấy mùa khô xứ mình.
Rồi dịp về thăm nhà, thấy lạ lẫm một góc vườn. Chỗ cây chanh của thời bé dại, đã vắng vẻ trống trải đến hụt hẫng. Hỏi má lý do, dù thừa hiểu, cây chanh đã làm trọn sứ mệnh của nó, là bầu bạn với chúng tôi trong rất nhiều năm tháng êm đềm… Lòng bỗng chợt như được an ủi, khi thấy vài cây chanh con đang mọc lên, như một sự tiếp nối không ngừng nghỉ.
Hôm nay, ngạc nhiên khi nhận túi chanh đào của một người quen từ miền ngoài gởi tặng, sau lớp vỏ xanh mỏng lại rực lên màu hồng tươi. Loại chanh này thuở ấu thơ chưa từng thấy bao giờ. Cắt từng lát mỏng ra để dành ngâm đường phèn, nghe vị chua ứa ra từng chân răng. Hương tinh dầu thoang thoảng, dễ chịu. Tự dưng lại quay quắt nhớ những mùa chanh quê nhà.
Hoàng My