.

Nhà ba gian

.

Mẹ gọi điện báo “Nhà trên sửa xong rồi. Hết hơn nửa tỷ”. Tưởng hoành tráng lắm, hóa ra về vẫn thấy chỉ là căn nhà ba gian truyền thống. Chỉ khác biệt nhỏ là có căn buồng nhỏ ở gian lồi dành cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng buồng ít khi khép cửa. Nhà tắm và khu vệ sinh được xây cách biệt bên ngoài, nhìn thôi đã thấy bất tiện rồi. Thời buổi người ta lên lầu, chia phòng, vệ sinh khép kín, bố mẹ vẫn thủy chung với căn nhà ba gian lạc hậu, nhìn quanh chẳng thấy chút không gian riêng nào cho gia đình bốn con người lưu trú thường xuyên, mấy con người thi thoảng trở về và một thành viên sắp sửa ra đời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà trên sửa xong rồi, nhưng bố mẹ vẫn ngủ ở nhà dưới. Ở đó có chiếc giường cưới nhỏ tin hin hơn 30 năm tuổi. Mẹ vẫn có thói quen cất giữ những gì quý giá nhất quanh giường. Ngày xưa là khoai sắn trữ dưới chân giường, cuốn sổ tiết kiệm và chìa khóa tủ ở hộc cuối giường, những lá thư xa của các con dém dưới gối chiếu. Còn bây giờ, là đôi giày đẹp chỉ đi những dịp cưới hỏi, chiếc cân điện tử mua sẵn định theo dõi cân nặng thằng cháu đích tôn sắp chào đời. Và tất nhiên, cả chiếc két sắt đặt ở đầu giường mà chủ yếu để cất đặt những vật dụng, giấy tờ liên quan đến gia đình như chìa khóa xe máy dự phòng, sổ hộ khẩu, bằng tốt nghiệp đại học của các con, mấy bức ảnh ngày xưa.

Hầu hết mọi sinh hoạt gia đình như ăn cơm, chuyện trò, xem truyền hình vẫn diễn ra ở nhà dưới dù nhà trên có ti-vi to, có bàn ghế mới tinh. Chẳng phải ai hắt hủi căn nhà ba gian mới sửa trên nền căn nhà cũ. Chỉ có điều, thấy tiện. Cái gì cũ cũng gợi cho người ta sự quen thân, tạo cảm giác an toàn, không cảnh vẽ. Nhà cũ nền tráng xi-măng nên đi vào chẳng cần bỏ dép, nhiều cây xanh che chở trên mái nhà nên trong nhà luôn mát rượi.

Nhà mới dành hẳn gian giữa đặt bàn thờ. Dưới bàn thờ vẫn là chiếc tủ ly gỗ lim nằm ngang, trong lồng kính để một bình hoa giả, hai bộ cốc thủy tinh, hộp thuốc nam, mấy chai dầu gió, mấy chiếc khung ảnh, trên mặt tủ thêm một bộ chén trà, chiếc cát-sét cũ, đôi phích nước. Hai gian còn lại ngăn cách với gian giữa bằng hai tấm rèm vừa đủ che đầu giường và bộ bàn ghế tiếp khách. Những khi có công việc, mâm cỗ có những yếu nhân quan trọng sẽ được đặt ngay trên chiếc chiếu trải dưới khoảng không gian dưới bàn thờ. Trật tự sắp xếp trong nhà vẫn như cũ.

Nhớ thời học cấp hai, tới chơi nhà bạn, vẫn chỉ là nhà ba gian thôi, nhưng bạn được bố mẹ ngăn cho một căn phòng riêng. Ao ước lắm. Hòa đồng tới đâu thì có lúc cũng cần không gian riêng chứ. Ở đó ta được thỏa thích làm những điều mình thích, chẳng cần lo ai để ý. Lớn lên chút nữa thì thích nhà có tầng lầu. Thích cảm giác được đứng cao hơn để nhìn ra thế giới quanh mình. Lớn rồi, nghe nói bố mẹ sửa nhà vẫn sướng rơn. Té ra vẫn kiểu nhà ba gian từ xưa xửa xừa xưa.

Rồi cả nhà cũng quen với căn nhà mới. Nhà ba gian thông thống, nhỡ có tức bực với nhau cũng chẳng có phòng riêng mà đóng cửa khẩu chiến. Khách tới nhà cũng không thể cứ nằm ườn ra hay náu mặt đi. Có muốn ngủ cố, ngủ nướng cũng không được vì ánh sáng. Bé con ra đời, làm quen ngay với không khí rộng mở của căn nhà. Bé tập bò, tập đi, khóc cười váng khắp nhà. Phiền hà ít hơn niềm vui.

Nhà ba gian thông thống, cơm nước xong, chẳng ai sập cửa nhốt mình trong phòng riêng, luẩn quẩn với những thú vui của riêng mình. Nhà ba gian, không gian là của chung, nắng gió cứ vô tư vào nhà, chẳng bao giờ có cảm giác bí bức, chật chội. Nhà ba gian, làm gì thì làm, cũng phải ngăn nắp, ý tứ, trật tự, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung. Chẳng cần sắm thêm ti-vi, cũng không cần mua thêm vật dụng tủ, gường như nhà nhiều phòng.

Rồi đến một ngày, cũng có cho mình căn nhà có phòng riêng, nhà có tầng lầu như hình dung ngày nào. Nhưng thật lạ, chẳng ở đâu thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản khi trở về thả mình trong căn nhà ba gian.

MỘC ANH

;
.
.
.
.
.