.

Thơ

.

Trương Thị Bách Mỵ

Sinh năm 1983, tại Đại Lộc, Quảng Nam
Hiện đang sống tại Đà Nẵng.
Thơ đã xuất bản: Đêm chảy dài trên tóc - NXB Hội nhà văn, 2017.

Tiếng thơ của người đàn bà không chỉ chứa chan tình yêu mà còn tràn ngập nỗi buồn trong bộn bề lo toan giữa cuộc đời này. Thơ Trương Thị Bách Mỵ đằm thắm, chứa chan niềm đau về phận người, về nỗi lòng trắc ẩn với tình yêu, về tuổi thơ một thời trong ngôi làng nhỏ thân yêu bên dòng sông Vu Gia xanh mát; là một trong những tiếng thơ tươi trẻ đầy triển vọng, vừa mới lại vừa lạ và quan trọng hơn hết đó là một người đàn bà làm thơ hồn nhiên đắm đuối với thơ ca như duyên phận sắp bày.

(Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

Đêm chảy dài trên tóc

Ngồi mơ trên những tia nắng vớt vát phía
chân trời
chưa đêm mà đã cạn ngày
lưng chừng tiếng thở
thôi hắt một cái cho đám phù du liệt cánh
hay ỉm vào mây
để mặc gió trăng cười...
một giọng hò cứa ngang vệt trăng soi
À ơi ngó bên tê Hàn phố xá nghênh ngang...(*)
mắc con mèo bấu gấu chân
đêm chảy dài trên tóc...
ngày tràn rồi chỗ nào đựng nữa đêm?
một tay vẽ khói lên mái nhà
một tay vò nhàu tiếng hát
đêm xanh màu lở dở
tàu hú nhổ neo
đêm bàng bạc
đêm nhìn...
lại nắng lên rồi
nắng cũ một bình minh...

(*) ca dao

Giới hạn của mùa xuân

Những cơn gió gợi màu non tơ thổi ngoài những mùa xuân
Thổi ngoài một chiếc cốc đựng tràn tóc xanh
Đôi bàn tay bưng bầu mắt mỏi
Giới hạn của mùa xuân quẩn quanh cơn gió
Con đường chúng ta đi qua nắng mọc dài những sợi y hệt
mưa nhiều đêm
thay bằng ánh sáng
mềm của trăng
 
Mỗi lần em nhắm mắt lại nơi ấy lại trổ ra một bông hoa
Mùi hương buồn đến nỗi em nghĩ mình vừa lại nắm tay
nhau lần cuối
Nỗi buồn thường tình như mắt em
 
Những chiếc cốc thủy tinh đựng tràn tóc xanh
Bàn tay chạm vào say khướt đường gân xanh
Những bước dài như ánh mắt
Mùa xuân vẫy em bên kia cánh đồng!
 
Gió lại tạt vào hàng biểu ngữ đôi lông mày
Một cô bé, một cô gái, một mụ đàn bà. Một.
Đôi tay quờ vào ánh sáng, chiếc cốc, đường gân say khướt
Thi thoảng lối này, lối kia mùa đan nhau lẫn lộn,
những bông hoa bung ra toả ngát
Không có thời điểm thích hợp nào để nói với bàn tay
về giới hạn của mùa xuân
Và cơn gió thổi ngoài những chiếc cốc đựng tràn tóc xanh.

1.9.8.3

Mùa đông nắng lên từ đôi bầu vú mẹ
Sữa trào ra ngoài cái rét, cả làng ăn sắn độn
1.9.8.3 sữa nhiều cũng làm chúng con khó chịu
Chúng con đã nhằn đầu vú ấy để lớn lên
Nhằn tất thảy lời ru đầy đặn
Gửi lại nóc nhà, gầm giường những chiếc răng tay mẹ rứt
Vào đời.
Tên em là 1.9.8.3
Mùa đông rắn rồng canh buồng ở cữ
Em hiền như nước mưa thấm vào mái rạ
Và thẳm sâu đôi mắt mẹ sau sinh
Như bao trẻ em nhằn vú mẹ
Sữa trào ra ngoài cơn đói của làng
Mẹ cầu xin cơn mưa chừa mái tóc
Chừa khoảng không con huơ hoác ánh nhìn
Chừa đôi gót chân son mừng nhẵn chiếu
Khi mẹ ầu ơ nắng lọt qua mành
Vậy là em cũng lớn lên
Những lọn tóc tơ mẹ cắt gửi dưới bóng râm vườn chuối
Nơi chôn nhau nơi giữ một nguyện cầu
Những tàu lá lành chìa ra mát rượi giấc mơ đầu đời
1.9.8.3 mùa xuân mùa hoa xoan
Mẹ đứng bồng con, những cành cây khẳng khiu nở đầy
hoa trắng
Đọc lá thư cha
Pleiku - xuân lạnh
Những chiếc áo trấn thủ thơm lừng bông vạn thọ
Gió từ phương em hương đáp xuống ngực ngày
1.9.8.3 là ngày hôm qua
Mẹ vừa hân hoan buổi đầu làm mẹ
Mẹ vừa biết khóc thay vì cười khi hạnh phúc
Vừa biết nhớ thương tiếng nước động mái chèo
1.9.8.3 ông bà nằm quay đầu về núi
Bông trang nở đầy giấc mơ con trẻ
Ngày đưa nôi qua bóng lá trăng mờ
1983 là ngày hôm nay
Con về đứng lại những Tuổi xuân của mẹ
Mẹ đã ước con mãi cười nhưng giờ đây con khóc
Xin mẹ hãy vui, âm sắc của con đường
Xin mẹ lắng nghe âm sắc một nụ cười
Một vạt áo chặm lên ngày khôn lớn
Xin cài lên ngực trái một bông hồng!

1983

Trương Thị Bách Mỵ

;
.
.
.
.
.