.

Tên vận vào đời

.

Má nó hận gia đình bên nội, hận thấu tâm can, vậy nên trong những ngày tháng nóng giận, bà nghe theo lời người chị ruột, đặt tên nó là Trần Hoài Hận. Từ đó, cái tên theo nó suốt cả chặng đường đời, ám ảnh, trói buộc nó với những vết hận thù của quá khứ, cuộc đời nó cứ trầm trầy trầm trật, chật vật mãi cho đến khi có vợ có con vẫn không ngóc đầu lên được. Nó thầm oán than cái tên vận vào đời nó, cái tên mạt vận đeo bám suốt hàng chục năm khiến nó không mở mặt được với đời. Hơn 30 tuổi đầu, làm đủ nghề để kiếm sống, từ bốc vác, chạy xe ôm, làm thuê làm mướn, cày cuốc mãi mà cuộc sống khốn khó vẫn hoàn khốn khó, nghĩ rủi chứ bản thân hay vợ con có chuyện gì, nó không biết bấu víu vào đâu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc nhỏ chưa biết chuyện nên cái tên “Hoài Hận” cũng chẳng có gì đáng để nó chú ý ngoài những câu chuyện lội ruộng bắt cá, chơi bắn bi, đánh nhau giành kẹo với lũ trẻ hàng xóm cũng thuộc gia cảnh “chân lấm tay bùn” như nhà nó. Lớn lên khi đã hiểu chút ít chuyện đời, nó nghe bà dì kể lại gốc tích cái tên rất chi là đặc biệt ấy, cái tên mà lũ bạn vẫn hay đem ra đàm tiếu trên đoạn đường đất lúc cả bọn đi bộ thong dong tới trường.

Dì Hai nói gia đình bên nội nó có của ăn của để, sở hữu đất đai hàng nghìn mét vuông ở huyện nhưng lại coi khinh gia cảnh bên nhà sui gia, xem thường mẹ đẻ của nó, đến nỗi lúc bà mang thai, gia đình nội xúi cha ruột nó đánh cho bà sảy thai, không thèm nhận dâu, nhận cháu. Chẳng những vậy, từ ngày má nó về làm dâu, nhà nội không trợ giúp gì về kinh tế đã đành còn hắt hủi, chẳng cho cha nó mảnh đất cắm dùi, vợ chồng trẻ đành phải sống trong căn nhà nhỏ lợp bằng lá dừa ở khoảnh ruộng nhà ngoại, nương nhờ sự đùm bọc của các dì, các cậu. May mà cha nó thương vợ, thương con, nhất quyết quay lưng với gia đình chứ không chịu xa rời vợ, hại tới con, ông quanh năm “đầu tắt mặt tối” làm lụng để nuôi mấy miệng ăn trong nhà, không thèm cậy nhờ sự giàu có của đấng sinh thành.

Tuổi thơ của nó gắn liền với ruộng lúa bùn lầy, với những bữa cơm gạo mốc lắm khi chỉ toàn rau, với những đêm nước lụt lên đến tận giường ngủ, cả nhà chen nhau trên chiếc giường tre mà mắt má nó đỏ hoe, không ngừng thút thít. Anh chị em nó học chưa hết cấp 1 đều nghỉ ở nhà để phụ giúp cha mẹ, làm thuê làm mướn, được đồng nào hay đồng đó. Anh lớn rồi cũng thoát ly ruộng vườn, ra thành phố chạy xe ôm kiếm sống, chị ba nó cũng học người ta tập tành may vá, dù không kiếm được nhiều nhưng đủ sống qua ngày.

Tiếp bước anh hai, tuổi hai mươi của nó cũng gắn chặt với những cuốc xe ôm ngày qua ngày, lúc rãnh thì ai thuê gì làm nấy, chẳng ngại việc chi. Chỉ tội lúc má mang thai nó, vì thiếu ăn, làm lụng khổ cực nên sinh nó ra thiếu tháng, suy dinh dưỡng, lớn lên cứ đau yếu, gầy ốm, làm việc nặng một hồi là không kham nổi. Rồi nó cũng lấy vợ, có con và theo anh hai lên thành phố, chạy xe ôm “công nghệ” - nói theo thời buổi giờ là “grabbike”. Thành phố đông đúc, nhu cầu đi lại của người dân cũng nhiều nên chỉ cần chiếc xe máy cà tàng và cái điện thoại thông minh loại trung bình là đã có thể kiếm sống.

Nó tâm nguyện nghèo thì nghèo rồi nên làm nghề gì cũng phải có tâm chứ không làm ăn theo kiểu chụp giựt như một số người nó quen biết. Tiếp xúc với đủ các loại người, lắm khi nó gặp những chuyện chẳng đâu vào đâu, có lúc tức anh ách vì gặp phải bà thím trông thì sang trọng nhưng đi hết chuyến xe thì giở giọng khinh khỉnh, trả tiền không thèm nhìn người chở, không có lấy lời cảm ơn. Cũng có khi nó ra tay nghĩa hiệp, giúp đưa người già đau ốm về tận nhà mà không lấy đồng nào. Nó bao giờ cũng nhẹ nhàng, lễ phép với khách, bất kể là người già, người trẻ vì theo nó, tử tế với người ta thì mình cũng nhận lại điều tương tự.

Mà rốt cuộc rồi trời cũng thương gia đình nó bởi mảnh đất cả nhà ở bấy lâu nay ngày càng tăng giá khi quá trình đô thị hóa áp sát về đến vùng đất bùn lầy. Cha mẹ nó tính bán hết đất đai bên ngoại để lại, chia cho ba anh em để có vốn làm ăn, đỡ bớt cảnh chạy cơm từng bữa. Nó cũng khấp khởi mừng thầm vì nhẩm tính với số tiền sẽ có, nó có thể mua căn nhà nhỏ trên phố, mở tiệm làm tóc cho vợ, chăm lo cho đứa con mới một tuổi, rồi nó sẽ đi học thêm một nghề nào đó ổn định để kiếm sống, không phải chạy xe ôm hít khói bụi mỗi ngày như bây giờ. Với nó, viễn cảnh phía trước đầy lạc quan, chỉ còn mỗi một điều nó lấn cấn mãi là làm sao đổi được cái tên “mạt vận”, thoát khỏi cái tên này cũng là thoát khỏi những nỗi đau, nỗi hận từ quá khứ vốn đeo bám mãi cuộc đời nó. Sắp tới, nó định sẽ về huyện đổi tên với hy vọng “thay tên, đổi vận”, đời nó sẽ không còn lận đận như bấy lâu nay.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.