Nhà anh, hồi đầu ở bên kia đường. Cheo chéo một chút. Ở chợ Xổm. Rồi dời qua bên đây khi chỗ này biến thành chợ. Cái chợ dựa vô bên hông nhà xác của bệnh viện đa khoa tỉnh. Chắc vậy nên ăn theo và kêu luôn. Kêu là chợ Nhà Xác. Gia đình anh vốn sống theo chợ từ hồi giờ. Cũng chỉ là những thứ chợ tạm bợ và nho nhỏ nhưng có tên kỳ cục như vậy thì đây, mới là lần đầu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thật ra, tôi không cần lắt léo đường quanh ngõ quẹo để đến chỗ làm mà chi. Tôi có thể ung dung phóng xe qua nhiều con phố rộng rãi thênh thang. Nhưng tôi không thích đường xá phẳng êm, sạch sẽ. Đi ngang qua những ngôi nhà to rộng, những cửa hiệu đẹp đẽ, tôi thấy người mình lằng lặng, bình thường. Không chút chênh vênh nên sao nhạt nhẽo. Đi vòng vèo vui sướng hơn, dù là, đường tắt ngang tắt dọc: tức rực và hỗn tạp. Tôi cũng có cái thú là vừa đi vừa dòm ngó, để cho con mắt có thể tiếp xúc thỏa thuê với mọi cảnh tượng. Nào là khung cảnh nhếch nhác, bán mua nhốn nháo. Chưa đủ bởi đôi tai còn được căng rộng, để cùng lúc, tiếp nhận vô vàn âm thanh: tiếng trả treo, cười giỡn, kình cãi…
Cái chợ có tên chợ Nhà Xác này, không có lều quán hoặc sạp lô gì hết. Mặt hàng chủ yếu là cá và tất cả những gì liên quan tới cá. Bởi ở đó mọi người đều phải bán mua theo tư thế ngồi. Người bán ngồi bệt trên đất không nói làm gì mà người mua cũng phải ngồi chồm hổm để “thử” mặt hàng cho được tỏ tường. Cá, nhìn sơ không biết tươi, ươn, ngon, dở gì đâu. Phải nhìn cái mang, thân cá, con mắt cá rồi phải dùng cả tay để mà sờ nữa kìa! Nếu như mềm èo ngoại trừ cá khoai thì chắc chắn là không tươi nổi rồi. Nhưng cứng cáp cái màu không thật thì coi chừng ướp đá. Và, ướp đá còn đỡ chứ đừng bày ướp ba cái thứ hóa chất độc hại, ăn bịnh chết luôn.
Má tôi dạy vậy và mỗi lần, tôi mua phải đồ thiu thối (má tôi hay nói quá lên vậy đó) là bị chửi quá chừng chừng và chẳng mấy khi sót được câu này: “Sao không nhờ cái thằng ở chợ bệt, chợ Xổm nó bày biểu cho. Nó dân biển giã nên rành cá mắm biết mấy! Rồi theo nó về bưng từng lít mắm đi bán. Bưng từng rổ mực đi rao. Mày cũng là một thứ cá thôi con. Thứ cá ươn…”. Má bỏ lửng câu nói rồi đọc làu làu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư…”.
Những lúc bị má la, tôi cúi đầu nín nhịn nhưng cũng đâu biết vâng lời. Thằng em tôi còn tệ hơn. Cái mặt câng câng dễ ghét. Ba luôn làm thinh với thái độ bình thản những lúc như vậy. Má là một phụ nữ rất tốt. Giỏi chuyện nhà, lanh chuyện kinh doanh nên kiếm được nhiều tiền nhưng nói như nội tôi, là: “Má tụi bay ỷ thế dữ quá. Nên đâu chịu nghe ai chiều ai”. Trúng ba tôi y hình như dư dả chuyện lệ thuộc. Cứ mặc nhiên để cho má tự quyết định mọi chuyện trong gia đình. Hồi trước ba đi dạy và khi ấy, ngó ba hoạt bát lắm kìa! Nhưng rồi nghe má xúi bẩy sao đó ba xin nghỉ ở nhà phụ má mua bán. Ba ra cửa hàng được đúng một tuần thì ở lì luôn trên lầu mặc cho má nói móc mỉa, khích bác. Mặc cho má đá thúng đụng nia, chửi chó mắng mèo…
Chỉ một lần duy nhất sau cả tháng trời như vậy, ba hét lên giữa khuya: “Im”. Tiếng hét như kết tụ bao nỗi bất mãn, uất ức, day dứt, ân hận… chỉ được thoát ra khỏi ba được đúng một lần. Một lần rồi thôi. Để rồi ba luôn luôn là như vậy. Bên má và trong chính gia đình mình. Cứ như một cái bóng. Niềm vui của ba là vườn cây cảnh ở phía sau nhà. Nội hay ra đó, ngồi trên cái ghế xích đu đong đưa. Miệng nhai trầu bỏm bẻm, mắt hấp háy cười nhìn ba chăm chú tỉa từng đọt lá, thích thú với từng nụ hoa… Nội nói: “Bay không kiếm chỗ mắc cho tao cái võng”. Ba: “Dà, dạ…” rồi quên hoài. Ba quên hoài và nội nhắc hoài. Cứ như nhắc cho có và nói cho có ấy mà. Và cái kiểu đó. Cái kiểu của hai người mới thương làm sao!
Nội với ba cũng thường hay nói với nhau mấy công chuyện ở quê, làm như ngoài đó là ở tận đâu xa vậy. Hay ít nhất cũng cách thành phố này cả trăm cây số. Nội nói ước gì còn răng ăn một lần cả chục miếng chả gắp cho đã. Mà sao giờ không thấy ai làm thứ này và có, chắc cũng dở òm. Thịt heo không nói gì nhưng con tôm, cái bánh tráng cuốn chả phải ở tại đó. Ở ngay quê. Ở Gò Bồi mới đúng kiểu. Mới ngon được và bỗng cất cao giọng: “… Hé, bay”. Em trai tôi nói, nội nói “hé bay” hay nhất khu vực miền Trung và tôi nói, nội kho mắm cua ngon nhất tỉnh này. Rồi chị em bắt chước nội cao giọng: “Hé, nội”. Nội chửi cha bay và hấp háy mắt. Coi bộ ưa hung. Thằng em tôi mới mười lăm tuổi, cao tồng ngồng và ma giáo hết biết. Thường, đưa nội lên mây trong những lời khen mộc mạc chân quê và vô cùng dân dã để rồi sau đó, xin nội ít đồng. Nội tằng hằng: “Chi?” nhưng rồi cũng rờ túi áo bà ba, mở kim băng và tháo lần, tháo lần mấy lớp mùi xoa. Tiền được nội giấu kỹ như vậy đó! Ba cười tủm tỉm, đưa mắt ngó bà cháu trững giỡn không quên nhắc chừng: “Cho nó lần này thôi! Cho hoài quen xin miết. Hư…”. Câu nhắc hiểu cho nội cũng phải hiểu cho em trai tôi cũng không sai. Ba thường có cái cách đó, hồi giờ.
Má nói, nội già cả rồi không nói gì còn ba và mấy đứa cũng chịu khó năng động một chút cho má nhờ. Hàng quán kho bãi không người coi ngó quản lý, một mình má chịu hết xiết mà cha con cứ túm tụm miết ở vườn sau, lo ba cái chuyện hổng hình đâu không. Người ta nói có chồng đặng nhờ có con đặng cậy. Đây nhờ dữ, cậy dữ há! Và trừng mắt với chỉ riêng mình tôi rồi quay quảy bỏ đi. Mấy nhà quanh đây con gái với mẹ rất gần gũi thân nhau. Còn má con tôi sao tức cười. Không khác gì mặt trời, mặt trăng. Rất khác biệt và sự khác biệt lớn nhất lại nằm ngay ở tình cảm của tôi dành cho một người ở ngay chợ Nhà Xác.
Sao không phải, một ai đó có địa chỉ nhà là một tên đường nghe rất rổn rảng và một số nhà, nghe rất loong coong. Để dễ giới thiệu để được nghe rất nhiều lời trầm trồ: Gốc gác ngon chứ bộ! Thì ngon chứ! Và ngay lập tức hình dung ra một thằng con trai trắng trẻo, sực nức mùi thơm tỏa ra từ keo xịt tóc, cây lăn nách, sữa rửa mặt, nước hoa… Một thằng con trai thích đổi xe gắn máy, điện thoại, đi thì chớ về nhốt mình nơi phòng riêng và chúi đầu vô máy tính tối ngày. Chưa đủ bởi tự đó lập tức hình dung thêm một khung cảnh gia đình rất trật tự, gọn ghẽ, đẹp xinh… Một không gian nhà như vậy, tôi cũng có thích nhưng lại không chịu được mấy chàng trai kiểu đó. Mới thiệt kỳ! Mới rất khó à nghe!
Con đường tôi chọn phải băng ngang phía sau nhà anh. Mà phía sau nhà anh lại là phía trước của cái chợ Nhà Xác này. Phía sau nhà anh rất rộng nhưng bừa bộn quá chừng. Vì là nơi ở, chỗ bán buôn và làm nghề của trên hai chục con người. Ngôi nhà - như anh vậy, cứ bừa bộn cả lên. Ở chuyện học hành, lối ăn mặc, nếp sinh hoạt, những ý tưởng, cảm xúc… Anh theo đại học cũng có mà trung cấp cũng có. Nhưng theo đó, bỏ đó. Rồi đi làm. Làm lung tung. Rốt lại cũng bỏ. Chỉ có công việc này là anh luôn muốn được theo đuổi. Bởi bỏ, rồi ai làm? Bỏ, rồi ai theo? Bỏ rồi sao có thể thỏa thuê được cái sự ưa thích, đắm đuối của chính mình? Phía nội anh có nghề làm mắm. Ba anh không thích cảnh tù túng, suốt ngày giam mình trong những thạp, lu nên theo bạn ra khơi. Ở biển về thì ngồi vô chiếu nhậu. Tuổi thơ anh sặc sụa mùi rượu nồng nặc của ba, mỗi khi ông ở nhà. Cũng tanh tưởi mùi cá các loại của má, của chị mỗi khi họ ở chợ về.
Anh ghiền mùi mắm. Ghiền lạ lùng. Con mắm hồi mới muối có cái thơm khác, hồi mới ngấu: khác, hồi rã hết: khác. Hồi nước trong và có thể nhỉ: khác. Nghe anh nói không cũng đủ chảy nước miếng. Thèm tô bún chan mắm cá cơm còn nguyên con. Thèm đĩa bánh xèo vỏ chấm mắm đục xé ớt xanh cay xè. Thèm cơm nóng hổi và chén mắm trong thơm lừng và vàng sánh. Thèm cái bánh tráng nướng vàng ươm, bẻ từng miếng nhỏ để tai reo vui những âm rôm rốp, rôm rốp và cái lưỡi quắn se lại khi chấm vô chén mắm nhỉ và đưa lên môi. Anh không bao giờ dùng bánh, bún hay cơm để thử mắm. Chỉ nguyên vẹn cặp mũi để ngửi một ngón tay nhúng vô chén và quẹt nhanh qua lưỡi.
Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao mà anh lại chọn nghề này, sau bao công việc thơm tho và nhàn nhã trước đó. Vì sao một thanh niên giữa thời buổi bây giờ lại không cà-phê, quán bar. Không đàn đúm bạn bè. Không công nghệ thông tin, không áo quần láng lẩy. Suốt ngày tất bật với mắm muối, cá mú. Với những cần xé cơm, nục cao ngút mắt tới hàng dãy dài thùng chứa, thạp lu. Anh nói cái lưỡi mình tinh bén nhờ thường xuyên được nếm thử mắm. Như anh luôn khẳng định có một từ anh yêu thích nhất: Mắm. Có một từ luôn tơ tưởng trong anh trằn trọc trong anh ám ảnh mãi anh: Mắm. Có một từ khiến anh bay bổng thăng hoa: Mắm. Có một từ khiến anh phẫn nộ đớn đau: Mắm. Và mắm giúp tôi thêm thấu hiểu anh. Và mắm khiến chúng tôi thêm gắn kết. Không chỉ bởi những nụ hôn đằm một mùi hương mắm. Không chỉ bởi những vòng ôm vướng víu hoài một thứ hương rất khó để tẩy xóa.
Anh thế đó và tôi thế đó. Anh lạ bởi vậy. Còn tôi? Một người sinh ra trên phố. Phố là tuổi thơ. Phố giữ hộ thời con gái đẹp tươi và tràn trề thơ mộng. Phố nhốt giữ cả những chân thành và sự phù phiếm. Những phố không có chàng trai của tôi. Người luôn cất giấu và lưu giữ trong trái tim mình một mùi hương, không chút thoáng dịu nhẹ nhàng mà mặn mòi mà đậm đặc. Và tôi khao khát được chung bước cả đời để thấu suốt sẻ chia...
NGUYỄN MỸ NỮ