.

Vấn vương xóm Muối

.

Nằm giữa hai con đường Trần Cao Vân và Nguyễn Tất Thành (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) có một xóm nhỏ ven biển bao đời không có ai làm muối, vậy mà tên là xóm Muối. Lẽ nào là vị mặn của cái nghèo, của những giọt mồ hôi cần mẫn và cái đậm đà của tình người trong xóm đã thành nên cái tên ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mỗi hộ một nghề, phần lớn là chế biến chả cá, số còn lại buôn bán và làm thợ xây. Khi cái lạnh của mùa đông giảm dần, chỉ còn heo may của những ngày giáp Tết thì cũng là lúc xóm Muối nhộn nhịp hẳn lên, xóm như đang thay cho mình chiếc áo mới - chiếc áo xuân.

Theo chị Lài - sống ở đây trên 50 năm, thì truyền thống này có từ khi nào chị không nhớ rõ, chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy như vậy. Đó là khoảng 24 tháng chạp hằng năm, cả xóm đã lao xao việc chuẩn bị chung tay nấu bánh tét, bánh chưng. Mọi người như đang cùng nhau chuẩn bị cho một mâm cỗ lớn. Những chiếc nồi nhôm to được cất kỹ trong năm, giờ đây mang ra cọ rửa sạch sẽ như một nghi thức tôn nghiêm của nghề nấu bánh. Kẻ khiêng người vác. Nào củi, nào lá chuối, nào nếp thơm… Tiếng gọi nhau í ới, câu nói câu đùa, tiếng cười rộn ràng thôn xóm.

Chiều xuống, những bếp lò rực sáng. Bánh đã gói sẽ được luộc chín bằng bếp củi. Mùi khói, mùi nhựa cây tan chảy trong lửa ngay ngáy cho ta cảm giác ấm áp và nồng thơm. Ai ngang qua dù có vội mấy cũng bất chợt dừng lại và mỉm cười với người nấu bánh. Nụ cười như một lời chúc: “Nồi bánh thơm ngon nhé!”.

Khuya, bên cạnh những bếp lửa là những ấm trà thơm phức, phần thưởng trìu mến cho những người thức đêm. Ai rảnh rỗi thì ghé qua, uống một ngụm trà với dăm ba câu chào hỏi. Cứ thế mà lần lượt hết người này đến người kia. Cả xóm tự nhiên xích lại gần nhau, cởi mở và dễ dàng chia sẻ , dễ dàng trao nhau nụ cười cho dù còn đó những lo toan, vất vả của cuộc mưu sinh. Họ ngồi quây quần bên bếp lửa, kể những câu chuyện trong năm cũ và chúc nhau một năm mới tốt đẹp hơn.

Miên man nhớ về những ngày tháng đã qua, chị Lài khẽ thở dài: Trước đây có nhiều hộ nấu bánh lắm, o Lục, mệ Hiền, ông Huyền, ông Toàn, bà Thu, bà Khỏe… và ngay năm ngoái đây thôi cũng còn được 3 hộ với 7 lò rực lửa.

Tiếng thở dài của chị Lài có cái lẽ của nó, bởi xóm Muối cũng như nhiều địa bàn dân cư khác, cứ luân phiên người bán nhà ra đi, kẻ mới lại đến. Người mới đến thì xây thì sửa, cứ xoay xoay chuyển chuyển, từng chút đất trống cứ dần biến mất. Thêm nữa, những chiếc bánh được nấu bằng bếp điện, bằng nồi áp suất đã dần thay kiểu nấu bánh truyền thống, khi những người già cứ lần lượt ra đi. Năm nay không biết còn hộ nào đỏ lửa? Chị Lài chợt vấn vương…

Du Thường

;
.
.
.
.
.