.

Về với mùa đông

.

Cứ hễ trời trở đông tôi lại nhớ nhà bằng thứ nỗi nhớ như phải bùa ngải. Nhớ cồn cào da diết, nhớ không gì cưỡng nổi lòng, thế nên dầu bận, dầu xa cách mấy tôi vẫn phải tìm cách về cho kỳ được, chí ít cũng một lần cho một mùa đông. Về, tôi thích theo mẹ lên rẫy vào một chiều biêng biếc gió lạnh. Nhìn nương rộng, khói lam loang phủ đầy những chiếc bóng lom khom tất bật ngày cuối vụ, nhìn đông ngạo mạn trên những khóm lau phơ phếch trổ tuổi ,chạnh lòng thương bao thứ nơi này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngồi trên đá giữa rẫy xuôi mắt về bản, dưới kia những nóc mái cũ mèm đang ngun ngún thở khói. Nhắm mắt lại tôi hình dung ra ánh lửa bập bùng trong góc bếp, chạnh lòng thương bếp lửa thao thiết cháy qua bao kiếp người, qua miệt mài những lần đông. Dù không thể xua gió ra khỏi bốn phía vách rã rệu thưa thểnh, nhưng bếp lửa vẫn làm ấm được những bàn tay, những đôi môi tím tái sau ngày dài bươn bả ngoài trời lạnh. Ở đó, có những thế hệ già như bà, như mẹ đã đi qua gần hết cuộc đời cùng bếp lửa, có những đứa trẻ đang uống từng hơi  ấm áp ấy vào tâm hồn để lớn lên. Ở đó có tôi, ký ức mềm như hoa lau bung bông trên thung bạt ngàn gió. Yêu bếp lửa mùa đông như tri kỷ, lửa dỗ dành tôi qua những cơn buốt giá nghèo nàn không đủ áo quần làm ấm da thịt, lửa kể tôi nghe chuyện bàn tay mẹ cứng cóng trong bùn mùa cấy, lửa rọi đầy gương mặt cha tái nhợt những lần lặn lội suối dài kiếm tìm bữa cua bữa cá cho con, lửa làm no lòng bọn trẻ đói bên những chõ cơm độn vơi lưng ngày giáp hạt. Để giờ tôi muốn nhắn mùa đông, hãy biết ơn bếp lửa, bởi nhờ đó mà những đứa xa mường như tôi biết yêu tha thiết cả mùa lạnh tái tê kia.

Tôi thương hoa lau, loài hoa gom một kiếp đời qua suốt ba mùa mưa nắng để trổ hết mình vào tháng ngày khắc nghiệt nhất. Chẳng phải để cho thơm hương ngọt gió, chẳng phải để rực rỡ khoe màu, mà chỉ để bầu bạn cùng nương núi đi qua hết mùa đông hút heo giá lạnh. Hoa lau đẹp, thật đấy! Những cánh lông bàng bạc, mềm tơi phơ phất dịu dàng chừng như làm gió cũng bớt đi tê tái. Tôi hay thầm ví loài hoa ấy như những người phụ nữ nơi này, chẳng kiều diễm kiêu sa, nhưng đẹp đến mê lòng sơn cước. Bao đời rồi chẳng biết, loài hoa ấy sinh ra như để làm nên hạnh phúc cho những người đàn bà trên núi. Những thế hệ của bà, của mẹ, của chị, của bao đời trước, để được theo người thương lên thang nhà lạ làm dâu, thì từ lúc bắt đầu thành thiếu nữ phải biết gom hái thật nhiều hoa lau qua những mùa đông về nhồi đệm nằm, nệm ngồi, gối êm, những thứ đó là của cải mà theo chồng. Ngoại tôi sinh tới năm người con gái, nên ngoại không thể lo hết đồ đạc cho mỗi người đi làm dâu. Từ khi mười hai mười ba mẹ đã phải học cách tự lo sắm cho mình. Ngoài việc trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, mỗi mùa hoa lau nở mẹ lại theo các chị các bá trong bản lên đồi hái hoa lau chín về dành dụm năm năm, tháng tháng mới đủ làm đệm làm gối. Ngoài đệm gối cho mình ở nhà chồng, mỗi người đi làm dâu còn phải lo thêm vài ba bộ để tặng bố mẹ, ông bà bên chồng và phần quà cho ông mối bà mai để cảm ơn đã kết tóc xe duyên.

Đến thời tôi, không còn ai cần mẫn hái gom hoa lau về nhồi đệm gối nữa, bởi thế mà bây giờ hoa lau đến mùa trổ tuổi cứ phơi đến bạc rã rồi tan tơi trong gió trời mà trút kiếp mình trên đồi. Tôi cũng chẳng biết đến những mùa hái gom hoa lau, những đêm ngồi cần cụi nhồi đệm bên bếp lửa, nhưng tôi vẫn thích được ngủ cùng mẹ, gối chung chiếc gối hoa lau trên chiếc đệm hoa lau cũ mèm.

Tôi háo hức về để rồi lại bịn rịn những chuyến chia ly giữa mùa đông như thế, bởi còn thương lắm nơi đó những nếp sàn rệu gió, những tấm thân run rẩy thiếu ấm ngày lạnh. Còn bếp lửa còn hoa lau để gửi niềm tin cho ấm lòng ngày xa quê.

TÚ ANH

;
.
.
.
.
.