Chị không tập trung lo cho bữa cơm chiều như mọi ngày. Cứ bồn chồn. Làn gió se lạnh vờn đuổi đám cây lơ thơ sau nhà. Gió còn rứt luôn những chiếc lá chưa kịp ngả vàng. Lá xanh, lá úa lảo đảo chơi vơi rồi rơi xuống đất. Tim chị bỗng đập dồn. Chị nghĩ tới cái khoảnh khắc run rẩy như cố bám vào cành của những chiếc lá. Lại nghĩ đến những giới hạn, nghĩ đến những cuộc hành trình. Đến và đi. Mất và còn. Và chị nghĩ đến bà ngọai.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị vẫn nghĩ đến ngoại. Không về thăm được thì chị gọi điện thoại và vẫn được nghe giọng nói quen thuộc, vẫn biết được ngoại thường uống loại thuốc gì, biết bà ăn uống ra sao và đôi khi cũng nghe được buồn vui của ngoại. Nhưng, trong chị đang có điều gì đó, cứ thôi thúc, là phải được gặp bà, đừng do dự, đừng trì hoãn như có lần chị chậm trễ và mãi ray rứt.
Đó là hồi đầu năm, cũng vào lúc trời chạng vạng như vầy, chị nhận được điện thoại của một người bạn. Anh bảo anh nhập viện mấy hôm rồi, ngày mai sẽ lên bàn mổ, anh linh cảm… Chị át tiếng anh, bảo anh đừng nghĩ tào lao, rằng anh khỏe như một vận động viên, lại có nụ cười hiền, có cái tâm bồ tát, anh sẽ thọ hơn ông Bành. Chị nghe anh cười, nhắc lại là anh muốn gặp chị… Chị chuẩn bị vào thăm anh thì trời đổ mưa. Cơn mưa trái mùa, bất chợt mà dai dẳng. Chị lưỡng lự nhìn mưa, hình dung ra sự bức bối ngột ngạt khi mặc áo mưa mà phải chụp cái nón bảo hiểm lên đầu, rồi đường xá ùn tắc, nước ngập ngụa… Chị ngại ra đường trong gió mưa, đành gọi điện thoại, hẹn anh hôm sau. Hôm sau, chị vào thì anh đã chìm vào hôn mê và vĩnh viễn ra đi.
Đeo cái túi vào vai, con gái chị cản: “Mẹ vào bà cố giờ này làm sao về kịp?”. Chị bước ra cửa, nói: “Về không kịp thì mẹ ở lại, ngủ với bà cố của con một đêm”.
Ý định ở lại, ngủ với bà ngoại một đêm khiến chị thấy rưng rưng. Đã lâu thật lâu, chị quên đi, hay đúng hơn là đã lờ đi cái nhu cầu được nằm ngủ bên ngoại, được hít thở mùi vôi mùi trầu oi oi, được sờ nắn bàn tay gầy guộc nham nhám đồi mồi, và được thủ thỉ với bà như ngày nào.
Ngày nào… cách đây đã có đến mấy chục năm. Hồi đó, chị và các anh chị em con các dì, mỗi khi được về thăm ngoại, đứa nào cũng nài nỉ cha mẹ để cho mình được ở lại chơi với ông bà. Ông bà và đám cháu thường quây quần bên bếp lửa bập bùng. Bếp lửa vừa xua muỗi lại vừa làm cái lò nướng. Từ bếp lửa, than hồng được ngoại cời ra. Lúc nào mùa nào ông bà cũng có sẵn nhiều thứ để đặt lên mớ than hồng: tôm, cua, cá… nhiều hơn cả là bắp và các loại khoai (khoai lang, khoai mì, khoai từ…). Mùi cá chín, tôm chín, cua chín, khoai chín, bắp chín… bốc lên, lan tỏa, thơm lừng. Được ăn nóng, ăn ngọn rồi lại được nằm trên bộ ván ngựa kê giữa nhà, được nhõng nhẽo, được bà gãi lưng, vuốt tóc và bao giờ cũng được nghe ngoại hát ru. Giọng ngoại nghe thật buồn. Chị nhớ hoài những câu: “Chồng chài vợ lưới con câu. Sông Ngô bể Sở biết đâu là bờ”, hay: “Con cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”, rồi: “Mẹ già như trái chín cây. Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi”… Nhiều lần chị vừa nghe vừa thút thít khóc và rút sát vào ngoại. Lời ru buồn, giọng ru buồn khiến mặt mũi người được ru ướt nhèm nhưng trong lòng lại thấy ấm áp, thấy được che chở, được đủ đầy chớ không bơ vơ thân cò, không lênh đênh trôi dạt.
Vui nhất là được về ngoại vào những ngày sực nức mùi rơm rạ, mùi lúa chín, mùi cốm dẹp, mùi bánh phồng, mùi bánh bông lan nướng… Hương vị ấy như vẫn còn phảng phất, thì chiếc xe máy chị điều khiển rẽ sang con đường chạy dọc bờ sông. Con đường ngấp nghé nước. Nước dâng từ mặt sông. Mặt đường chìm dần dưới nước. Chị dừng xe, xắn cao ống quần, rồi chạy tiếp. Xe chạy thêm một đoạn, chết máy. Chị nhảy xuống xe. Dắt bộ. Nhiều người cũng như chị. Lầm lũi, lúc dắt, lúc đẩy. Nước nhiều lúc dềnh lên thành những con sóng mỗi khi có ô-tô, xe khách hay xe tải chạy qua. Nước cũng ghì chiếc xe chị lại. Tay mỏi, chân ngấm lạnh, trời tối dần, chỗ sửa xe… không biết có hay không, đột nhiên, chị thấy cay cay nơi sóng mũi. Chị muốn gọi “ngoại ơi!” nhưng không thốt ra lời.
Chị giữ lại tiếng gọi ngoại trong lòng rồi gồng người, đẩy xe, đi tiếp.
Chị tin, bằng linh cảm, ngoại sẽ nghe được tiếng gọi của chị. Chắc bà đang lọ mọ đi ra đi vào, trông ngóng. Bà sẽ lui cui nhóm lên bếp lửa. Rồi chị sẽ được hong đôi chân tái lạnh bên ngọn lửa của ngoại.
Rồi chị lại được ủ ấm. Và mãi được ủ ấm bằng tình yêu thương của ngoại.
Ngoại ơi!
BÍCH NGÂN