.

Kịch

.

Bữa đó nắng còn đổ mật trên sân, ngó cây ổi trước nhà đứng trân biết ngay là trời không thèm thổi cho chút gió. Chị ngồi đưa võng cho thằng cu ngủ trưa, ban đầu còn hát ầu ơ ngọt lịm, nhưng có khi mật ngọt của mình cũng lắm lúc làm mình say; mắt chị lim dim, cơn buồn ngủ đẩy đưa chị mơ màng về một hòn đảo vàng mọc lên trên mặt biển Đông, rộng là lồng lộng gió.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc đó vía chị nói rằng, thể nào tàu chồng cũng đi ngang hòn đảo đó; chồng sẽ lượm mấy cục vàng đem về cho thằng cu chơi; chị thì được một cục đem ra chợ cho thợ bạc làm cái dây chuyền có mặt con dơi treo ngược, tượng trưng cho cái chữ Tàu, “phúc đảo”. Con dơi đong đưa ở cổ, lắp lánh, cộng với cái áo mới mua còn treo trong tủ, chờ chồng về sẽ mặc Tết để khoe. Vía của chị nói thầm trong mơ rằng: “Ôi chà, mình mà, phải vậy mới được chớ”.

Giấc mơ màng sắp đến đoạn đeo dây chuyền vàng thì bỗng dưng bị đánh rơi, chị đang mơ trên hòn đảo vàng thì đột ngột rớt xuống cảnh đang ngồi bên vách nhà, có tiếng ai đó gọi: “Chị Hải ơi…!”. Sau câu gọi tên chồng, chị định thần, người đó nói vọng vào nhà, gấp gáp nhắn rằng: “Anh Hải bị đắm tàu chết không tìm được xác”. Lúc đó chị thấy như mình bị rơi thêm một lần nữa, lần này là rơi từ nhà mình, rơi xuống sâu dưới đáy biển. Nhưng chị không để mình bị nhấn chìm mất, chị cố bơi, chị không biết bơi nhưng không hiểu sao chị lại bơi được như con rái cá. Chị bơi hết chỗ này đến chỗ kia, dò đụng cuống rốn của biển nhưng vẫn không sao tìm được anh. Rồi chị kêu lên, “Anh ơi…” thì ngã ngang, xỉu.

Lúc tỉnh dậy, chị thấy má chồng ngồi kề bên đỡ, má chồng nước mắt chảy ròng. Nói, “trời ơi, thằng Hải con tui…”. Phút đau đớn đó được đệm thêm mỗi lúc một đậm hơn bằng quan cảnh hàng xóm tụ lại quanh nhà, sụt sùi tiếc thương, “thằng Hải hiền khô vậy mà trời xui chi ác nhơn để nó chết không thấy xác, bỏ lại mẹ già và vợ với đứa con thơ, tội quá trời quá đất”. Có người nói trong nghẹn ngào. Người ta là người dưng còn thấy đau, làm cho người thân thêm phần trào ra biết bao cảm xúc. Nhưng má chồng chị nói rằng: “Nỗi đau nào rồi thì cũng phải đặt nó qua một bên, để còn lo cho mình, cho thằng cu nữa”. Chắc là má góa bụa từ hồi còn trẻ, cảnh chồng chết vì đạn bom, nhà xiêu vách lá, con thơ không biết mặt cha suốt ngày ê a hỏi mẹ “ba đi nào mới về”… Biết bao nhiêu thứ đau lòng đã đổ lên đời mẹ chồng, mẹ vẫn vượt qua, nên có nỗi lòng này mẹ cũng đã thấu đến tim gan của nó để mà rút ra mấy câu an ủi con dâu. Nghĩ vậy mà chị ngậm lấy nỗi đau, cố mà dằn mà xé mà nuốt trôi đi nó…

Chị bớt rụng rời sau hai tuần khóc sướt mướt trước cái lư hương của anh. Chỗ đó không có tấm hình, vì anh chỉ có duy nhất tấm hình trong giấy chứng minh thư, khi đi anh cũng mang đi theo mất rồi. Má chồng chị nói, thôi vậy cho đừng quá đau, chứ nhìn hình, con còn đau thêm gấp bội. Chị lại thêm một lần khóc nghẹn, rồi thằng cu lớn lên, nó biết đâu là mặt mũi người cha của nó, trời!

Những lúc đau lòng tột độ, chị không mấy mảy may đến thái độ đau đớn rất ý thức của mẹ chồng, mặc dù chồng là đứa con trai duy nhất của mẹ. Điều chị cứ nuôi mãi trong đầu là ký ức về anh, thứ đó suốt những ngày ấm êm hạnh phúc ngất cần bên nhau hình như chưa có lần nào chị truy vấn về cái đêm tối đen như mực, gió thì thổi như muốn giựt dọc cả con đò, dòng sông mênh mông, sóng mang hình lưỡi búa… Cảnh đó nhớ lại mới thấy rằng ghê, chứ lúc chị nhảy cầu thì có thấy chi đâu mà ghê với sợ.
Chị lại thấy mình trong cái đêm ấy, trước khi gieo mình xuống cầu, rõ ràng chị có nhớ đến một khúc quanh, khúc đó là cảnh núi lở sau trận bão, cả nhà táng chung một ngôi mộ trên nền nhà. Tuổi hai mươi ba chị vẫn nghĩ mình là cô tiểu thư nên không biết nỗi mất cha, mất mẹ, mất nhà nó to hơn cả cái hố núi sụp đêm qua, đè tất cả hy vọng, ấm êm cuộc đời của chị. Chị vất vưởng từ hết nhà này đến nhà kia. Một bữa thấy mình giống con ma lê lết trần gian làm bụi bặm thêm nhân thế. Vậy là chị ra cầu, truy điệu chính mình bằng một khúc ca: “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu… Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ. Thôi hết rồi, thôi hết rồi, thôi hết rồi”. Hết thiệt rồi. Vậy là buông chân nhảy thôi.

Nhưng lúc đó chị đâu ngờ rằng, anh chàng có tên mang mùi biển, đi thả lưới trên sông nghe được giọng chị; cũng có phần ái mộ chất giọng vừa quen quen vừa ngọt ngào như kem, nên tìm xem chị đứng nơi đâu, và phát hiện ngay chị đứng trên lan can cầu. Vậy nên trong lúc chị nhảy, anh mới kịp thời thấy và vớt chị vào bờ, cứu sống.

Nhưng thật ra, chị cũng đã căng bụng uống no nê một khúc nước sông quê. Lúc tỉnh dậy rồi chị vẫn còn ngỡ mình đã đến “Quỷ môn quan”, hỏi anh một câu tỉnh bơ nhưng trớt quớt: “Quỷ gì mà đẹp trai dữ trời”. Sau đó là hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Chị ngỡ ngàng vì biết mình có chết đâu, vẫn còn nhăn răng để mà sống; anh ngỡ ngàng vì cô nàng mình thương thầm, trộm nhớ, giấu yêu đương hồi ở chợ Phiên giờ ra nông nổi. Anh dang rộng vòng tay đưa chị về nhà tá túc vài bữa, rồi tính. Chị không biết đi về đâu, nên phải theo anh. Nửa tháng ở nhà anh, nhìn cảnh anh hết lời an ủi, động viên, hết lòng chăm sóc chị chu đáo từ chén cơm đến tấm áo, chị phần nào bớt thấy tủi thân.

Thấy cảnh người cơ nhỡ không nhà, con trai mình lại có lòng thương nên mẹ của anh cũng mở lòng hỏi chị: “Có muốn làm dâu nhà này không con?”. Trong lúc đó chị biết nói sao bây giờ, ngoài chữ “dạ” và cái cúi đầu (giống như gật). Cái cúi đầu (giống như gật) với người mẹ và anh, đó là sự e thẹn, vui mừng, chấp nhận. Nhưng với chị, đó là cái cúi đầu (thật sự cũng là cái cúi đầu) để nhìn xuống đất mà thấy những suy nghĩ bò lúc nhúc, nỗi ngờ vực chính mình, nỗi hoang mang ngày tháng tới như đang đâm chồi, hứa hẹn mọc thành cây…

Sự ngờ vực, hoang mang chính mình vẫn không thôi nguôi ngoai, nó lớn lên theo thời gian và cứ lẽo đẽo đi theo chị; mặc cho nhiều lần chị cố chặt chân nó đi bằng cách không nghĩ, không suy, không nhớ tới. Nhưng cứ mỗi khi anh vắng nhà (dù chỉ nửa buổi thôi), chị lại thấy chính mình đang tự vấn lòng mình “có thật sự mình yêu anh ấy hay không?”. Điều đó làm chị hoang mang hơn khi nồi cơm chị nấu bữa chín bữa sống; mẹ chồng kêu đi luộc khoai, chị lại luộc đến cho cạn nước, khét đáy nồi… Chị thấy mình vẫn vụng về như cô tiểu thư ngày nào còn ba mẹ. Tay chân sơn xanh sơn đỏ, áo quần đỏ đỏ xanh xanh cài thêm hoa trên cành và mấy con bướm bay trong ánh mặt trời chớp chớp. Anh không chê trách, chỉ nói rất nhẹ nhàng, “cái gì người ta thương thì người ta đều làm được, sửa được. Từ từ rồi em cũng làm được mà thôi”. Nhưng soi vào mình, chị thấy mình có hơn được xưa đâu, vẫn đụng đâu hư đó, vẫn ung dung cái nết tiểu thư. Lúc đó câu hỏi “có thật sự mình yêu anh ấy hay không?” lồm cồm dậy, chạy lung tung khắp trong lòng như trẻ con quấy phá.

Chị cứ ngỡ sau khi sinh thằng cu, câu hỏi ấy sẽ chịu nằm yên. Nhưng nó đâu dễ yên cho chị mừng vậy được. Nó lại về, trong lần chị thấy anh nhậu say té ở trước nhà; chị bỗng thấy mình dửng dưng đến lạ, mấy móng tay mới sơn xanh đỏ, chị vừa nhìn chồng vừa thổi, chờ cho khô. Mấy câu hỏi đâu đâu dồn dập vồ vào anh. Anh ngó chị, đôi mắt giàn giụa những câu hỏi đâm bông, mọc đầy trong lòng, nhức nhói… Lúc anh lồm cồm đứng dậy che cái tay trầy trụa bước vào nhà, chị kịp nhận ra và thấy ai đó, chớ không phải mình, nhưng ở trong lòng mình vang lên câu hỏi: “Có thật sự mình yêu anh ấy hay không?”.
Sau đó mấy hôm, anh từ giã mẹ già, vợ trẻ đẹp, con thơ: “Anh đi tàu biển”. Nói đi thì đi vậy thôi chứ không nói đi đến khi nào về, đi tàu nào, đi với ai. Chị bồng thằng cu đứng nhìn chồng, mặt không cảm xúc. Cảm giác đó đẩy anh đi nhanh hơn. Và đến lúc anh đi khuất ở bụi tre gai chị mới cảm giác được mình vừa khóc. Câu hỏi: “Có thật sự mình yêu anh ấy hay không?”, lóc cóc chạy theo bóng anh lúc đã mất dạng ở phía đường làng.

Không lâu lắm kể từ bữa anh đi thì có người đưa tin về, anh chết mất xác trên biển rộng, gió đông, mùa biển động. Mẹ chồng cho người đắp đất thành mộ gió trước nhà, có trồng mấy khóm hoa mười giờ không lâu đã leo đầy trên mộ. Mẹ chồng chị lập bàn thờ đứa con xấu số, nhưng không để di ảnh của anh. Mỗi lần ngó bàn thờ và ngôi mộ là lòng chị lại tan hoang. Lúc này chị thấy cảm giác mất mát của ba năm qua tràn về; dồn dập, cắn nát tan nụ cười vừa mới đơm chút nụ.

Mẹ chồng từ tốn khuyên chị hằng ngày, lúc đó thằng cu đang mùa tập đi làm chị tự thấy phải may vá lại miệng vết thương, tự nắm níu con thơ, mẹ già mà đứng dậy. Chị gửi con cho mẹ, ra đồng cuốc mấy luống rau, chăm mấy sào ruộng dở dang mà chồng để lại. Mấy bữa đầu về nhà, bàn tay rơm rớm máu, nhưng chị giấu, không kể với mẹ. Đâu còn chồng để đèo bồng nhõng nhẻo tỉ tê, đâu còn là tiểu thư để mà ăn xong nằm, rồi đòi quần áo đẹp. Không làm, chỉ có nước tự tử mà thôi. Thằng cu tập đi, bập bẹ gọi “mẹ” làm chị giết chết suy nghĩ tự tử ngay trước mắt mình, không chút nào quyến luyến.

Đã quên rồi, tự khi nào chị cố học hỏi mẹ để tự biết nấu cơm, lau nhà, giặt giũ thành thục. Cũng đã quên rồi, tự khi nào chị không mua nữa những quần áo mới, phấn kem thơm. Và rất lâu, chị đã không còn thấy mình vướn bận câu hỏi “có thật sự mình yêu anh ấy hay không?”. Lâu lâu câu hỏi ấy cũng ghé ngang, như cà rỡn chơi coi có thiệt sự dứt nó ra được hay chưa. Nhưng mỗi khi câu hỏi ấy về ngang, chị túm cổ nó quăng đi ngay, rồi tự lấp lại lòng mình bằng câu “có nghĩa lý gì câu hỏi ấy”.

Gió về thổi vun vút ngọn tre, bên mái nhà đêm đêm gió rú những tiếng lòng ray rứt, lúc đó trời sắp vào đông, chị ra đồng từ sáng sớm. Mẹ chồng nhìn chị đi, ôm đứa cháu vào lòng, bà khóc ròng. Chị hỏi: “Mẹ, mẹ có sao không mẹ? Sao mẹ khóc?”. Mẹ chồng không trả lời, bà lặng im bước vào nhà, bàn thờ chồng quạnh hiu nhang khói. Không biết có phải vì gió đông lạnh về hay thổi qua đây…

Bữa hai mươi ba tháng Chạp, một lần nữa mẹ chồng làm chị hoảng hồn, khi chị thấy mẹ ngồi ôm cháu nội mà rưng rưng nước mắt. Mẹ nói, con ơi, con cực chi mà cực dữ vậy con. Chị cười, so với ngày trước mẹ và anh Hải cực thì có là bao đâu mẹ. Rồi mẹ lại giục hay là mẹ gả con cho thằng Khải xóm trên nha, nó thương con lắm, mà nó lại giàu, lại tốt nữa, có thể lo cho con và cháu nội của mẹ được an nhàn. Nhưng chị cười, thôi mẹ, chồng con hết đời vì con, đời con sống nuôi mẹ và nuôi con của ảnh là đủ an nhàn lòng con rồi. Mẹ lại khóc, không hiểu vì sao mẹ khóc.

Đêm ba mươi Tết, chị bày mâm cúng giao thừa, mẹ nói cứ chờ cái đã. Nán tới nán lui qua đến khỏi giao thừa rồi mà mẹ vẫn nói, nán chờ. Chị nghe lời mẹ, ngồi chờ. Lúc đồng hồ điểm một giờ thì anh Hải từ cổng nhà lù xù xuất hiện. Chị ôm mẹ chồng: “Mẹ ơi, ma ma…”. Anh bước vào gần đến nhà, chị bước lại gần anh, nắm tay anh coi đây là tay thiệt hay tay giả. Rồi cảm động nghẹn ngào, “anh đi đâu mà người ta nói anh chết mất xác. Biển rộng mênh mông em biết xác anh ở đâu mà tìm”… Theo mọi dự tính của kịch bản, anh cười với mẹ rồi sẽ hỏi chị câu hỏi đầu tiên của năm: “Thật sự tận sâu trong đáy lòng, em có yêu anh không?”. Nhưng lúc này anh ngó trên bàn, một cây hoa mai, thứ mà xứ này trồng được ra bông không phải dễ. Mấy cái bánh tro, một nải chuối vườn nhà… những thứ mà anh luôn yêu thích. Ngó quanh rồi anh lại nhìn chị. Anh biết, câu hỏi cuối cùng trong kịch bản đã dư thừa cho đoạn kết.

Anh thay vào đó một câu khác, ngoài kịch nhưng trong lòng: “Tết này mẹ đã tám mươi, thằng cu thêm một tuổi rồi, mấy tháng đi tàu anh có được mớ tiền công. Từ nay anh ở nhà, trồng thêm mớ cây ăn quả trên mảnh vườn mà em đã nhổ cỏ, vun phân…”.

Lúc này anh thấy vợ cười và nhẹ gật đầu, cái gật đầu rất đúng chất.

Lê quang trạng

;
.
.
.
.
.