Bọn chúng tôi, lũ trẻ trâu nhà quê, sinh ra và lớn lên bên bờ hạ lưu sông Thu Bồn. Ăn thì đã có sản vật trong vườn, trên đồng, trên bãi bồi. Cứ sắn khoai cõng những hạt gạo. Rau cỏ quanh vườn, cá tôm, hến, ốc dưới sông, cứ rứa mà xúc, mà đánh bắt, đắp đổi qua ngày để lớn lên.
Riêng cái chơi thì tự do, thích gì chơi nấy. Học một buổi, còn lại chăn trâu, cắt cỏ, bỏ súc vật trên gò, trên bãi để nó tự đi ăn, chia nhau làm hai phe chơi các trò chơi dân gian, gọi hồn, trốn tìm, tắm sông. Chán chê, có lúc đi hái trộm bắp, dưa, ổi, mận…
Muốn đá banh thì tìm lá chuối khô, giấy vụn quấn lại thành trái banh, rủ nhau quần thảo ngoài bãi, trên bến. Muốn chơi diều thì tìm tre vót nang, tìm giấy dán, tìm dây nhợ nối lại….
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhưng nhớ nhất vẫn là trò lấy đất sét ngoài bờ sông, nắn đủ các loại hình thù ngộ nghĩnh: chén bát, chim chóc, trâu bò, bùng binh…
Cứ thế, chân tay, người ngợm lấm lem bùn đất. Ngày nay, cuộc sống càng hiện đại nhưng vẫn còn một nơi lưu giữ được một làng nghề xa xưa. Để khi tìm về tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm được ngắm nhìn lại, để hiểu thêm về các sản phẩm từ đất sét làm ra gốm của những con người bình dị, gắn bó máu thịt với làng quê này, từ đời này qua đời khác. Họ đã thành những nghệ nhân điêu luyện, tác tạo nhiều sản phẩm gắn bó cuộc sống đời thường người nông dân tay lấm, chân bùn.
Chúng tôi nhớ lại những tràng cười lanh lảnh, đầy thích thú ngày xưa, không kìm nén nổi xúc động khi mình làm xong một sản phẩm, cũng có lúc hỏng, khi trở thành hình thù quái dị… Đất sét là hồn quê. Xa quê lâu rồi mà lòng vẫn nhớ cái thời ăn ngủ cùng đất sét của làng, nhớ cái nghề gốm truyền thống tổ tiên, ông cha để lại.
Hội An, một đô thị nhỏ bé trong tầm nhìn, ngửa bàn tay ra vẽ: chỉ mấy con đường ngang dọc “thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn”, thêm các ngóc, ngách, hẻm, kiệt… Thế là xong, là thuộc làu, có đi xa lâu năm cũng nhớ như in trong đầu, kỳ lạ thật!
Phố cổ trầm mặc, nhìn xuống dòng sông Hoài, tự soi bóng mình dưới đáy sông, lung linh sắc màu ẩn dụ. Nơi du khách tìm đến bằng tâm hồn hoài cổ, ngơ ngác với những góc phố tường rêu, những mái ngói âm dương nâu sầm, đã nhuộm màu thời gian, nổi cộm lên nhiều lớp rêu, cỏ mọc um tùm, hư ảo…
Bao quanh cổ thị, được điểm tô vẻ đẹp tĩnh lặng, dân dã, thanh bình với cảnh vật và dòng Thu Bồn uốn lượn làm nao lòng người, những làng nghề hàng trăm năm tuổi như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, bắp Cẩm Nam, hoa trái Cẩm Hà...
Đường vào làng, bình yên bốn mùa đến ngỡ ngàng với các vườn rau, vườn cau, hàng bắp thẳng hàng, vườn hoa cây cảnh đủ sắc màu đón mùa xuân mới… lẫn trong các mái ngói cũ kỹ mà ẩn nấp bên trong là những con người đang âm thầm, miệt mài đôi tay, dồn cả tâm trí và tâm hồn của mình để thổi vào đất sét làm nên những sản phẩm - tác phẩm gốm với nét độc đáo riêng về một vùng miền mà địa lý, văn hóa và con người như đã được tạo hóa lập trình sẵn.
Có lẽ, trên từng con đường, từng góc phố đều gợi lên hình bóng quá khứ phồn thịnh mà đô thị cổ Hội An và làng gốm Thanh Hà, xứ Quảng Nam tồn tại ngót năm trăm năm. Ở đó, nặng nợ những tấm lòng quê kiểng và sự hoài cổ về những làng nghề đã tạo nên dấu ấn và sự tự hào cho con người xứ Quảng.
HUỲNH VIẾT TƯ