“Tháng giêng, tháng hai và đầu tháng ba đều là mùa xuân ánh sáng”. Mikhail Prisvin (1873 – 1954) – nhà văn Nga nổi tiếng với những tác phẩm viết về thiên nhiên đã bắt đầu tập tiểu luận triết học đầy chất thơ mang tên Giọt rừng (1) của mình như thế. Sau khi miệt mài làm việc trong thành phố và tích cóp từng đồng rúp một như một gã bủn xỉn, Prisvin cuối cùng cũng đến được “cái nơi mà tôi không thể kiếm được tiền” (2), và bắt đầu quan sát, ghi chép lại những khảo nghiệm về thiên nhiên của mình.
Đúng như cái tên mà nhà văn Nga Konstantin Paustovsky hay gọi văn của Prisvin, Giọt rừng giống như một “hợp thảo” - đồng cỏ đầy những loài hoa không tên và đủ màu trộn lẫn vào nhau. Nó đầy ắp những mẩu chuyện nhỏ về thiên nhiên được Prisvin quan sát bằng đôi mắt sắc sảo. Và đó cũng là một tập ghi chép với những ý nghĩ về cuộc đời, về con người, về hiện tượng.
Đọc văn Prisvin, có cảm giác rất rõ rằng ông không phải là một nhà thơ có đôi mắt của nhà khoa học. Chính xác hơn, ông là nhà khoa học có đôi mắt của nhà thơ. Nghĩa là, về bản chất, Prisvin vẫn là nhà khoa học. Những câu chữ của ông giản dị, ngắn gọn và sát sườn đời sống thật.
Thiên nhiên trong những trang viết của Prisvin là một thiên nhiên không tô vẽ và không duy ý chí. Đó là những mảnh ghép giản dị và chân thực, nhưng đầy phong phú và bất ngờ, của những giọt băng, cây cỏ dại, sóc, tổ kiến, ánh sáng của mùa xuân, những đêm mưa và những chồi non mới nhú... Đó là những dòng ghi chép chỉ có thể đến từ một đôi mắt quan sát sắc sảo và một trái tim biết hòa nhịp vào dòng chảy không ngừng nghỉ của đất trời.
Thiên nhiên hiện ra như một con người, với những vẻ đa diện và dễ biến đổi. Giống như ta thảy một khối xúc xắc, và một mặt của một người hiện ra trong ánh sáng. Ta thấy được nó, nhưng không bao giờ có thể đoán được khối xúc xắc này có bao nhiêu mặt thật sự, có bao nhiêu mặt nằm lại trong bóng tối. Thiên nhiên trong Giọt rừng cũng vậy.
Mỗi lần thảy xúc xắc, một mặt khác nhau của nó lại hiện ra, nguyên sơ, phong phú và tràn đầy niềm cảm hứng tươi mới, hoặc xơ xác, buồn rũ rượi, tận diệt. Hoặc lộng lẫy, hoặc mơ màng, hoặc tinh quái, hoặc dịu dàng... Và cái hay của quyển sách này chính là đã khắc họa được hàng trăm (và có thể là hàng ngàn hàng triệu) những khoảnh khắc hiện ra trong ánh sáng của thiên nhiên, để chúng ta có thể chiêm ngưỡng bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản, gãy gọn, và sự mô tả tỉ mỉ, sắc sảo, nhưng đầy chất thơ.
Khoảnh khắc băng tan trên những mái nhà, ánh mặt trời chiếu vào, Prisvin viết cả thế gian tràn đầy giọt giọt ánh sáng. Khoảnh khắc một loài hoa rừng vừa nở, Prisvin viết ông tưởng đó là một cánh bướm nào đó đậu trên cây. Khoảnh khắc những phiến băng treo trên đầu ngọn cây va vào nhau, ông gọi đó là tiếng phong cầm của mùa đông...
Đó là tập hợp của 122 khoảnh khắc diệu kỳ. Là câu chuyện về cô bé Petia trong khung cảnh mùa xuân đẹp đẽ, theo thói quen vẫn luôn lo sợ rằng có người lấy mất cần câu cá mình để lại bên mặt hồ, và đến khi nhìn thấy thấp thoáng đằng xa có bóng của nhiều người đứng ở vị trí đặt cần câu cá, cô bé giận dữ chạy lại, để rồi ngỡ ngàng nhận ra đấy là bóng lá của những cây bạch dương. Là câu chuyện về chú chó Lada và cánh chim bay trên mặt hồ.
Là câu chuyện về bông hoa cúc dại. Một cánh hoa cúc dại cho “yêu” và một cánh hoa cúc dại cho “không yêu” và đến cuối cùng, hãy cứ hái bao nhiêu là bông hoa cúc dại để tặng cho nàng, nếu muốn, mặc kết quả ra sao. Là câu chuyện về hai cây dã anh, một cây cố gắng mọc thật cao để tránh những bàn tay bẻ cành hoa của nó. Và hoa của nó được kết trên đỉnh cây. Một cây dã anh khác, không làm nổi điều đó, trở nên xơ xác.Và còn rất nhiều rất nhiều những mảnh ghép khác.
Prisvin chỉ ra hiện tượng, nhưng không cố gắng lồng ghép bất kỳ một tư tưởng hay đánh giá nào. Văn Prisvin có cái “trống không” dành cho người đọc. Khoảnh khắc chỉ là khoảnh khắc. Và nó luôn hiện ra đơn sơ, trọn vẹn, cùng với sự biến hóa không ngơi nghỉ, cùng với sự tiềm tàng của việc sẽ biến mất đi. Đây là một cuốn sách có thể đọc vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ trang nào và vào bất cứ mùa nào.
Prisvin là một minh chứng cho việc sáng tạo phải luôn gắn liền với sự tìm tòi tri thức khoa học không ngơi nghỉ, với một thái độ nghiêm túc. Với Prisvin, sự sáng tạo luôn phải bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc cái mà mình muốn diễn đạt, không phải chỉ ở phương diện tình cảm cảm xúc mà còn phải ở cả phương diện tri thức.
Mikhail Prisvin thật sự là một nguồn cảm hứng lớn. “… Hãy gom giữ những tia hạnh phúc của chính mình! Hãy dũng cảm, hãy bắt đầu cuộc tranh đấu, hãy giúp sức mặt trời! Hãy lắng nghe, kìa chim tu hú cũng sẵn lòng giúp bạn. Hãy nhìn xem, chim diều mướp đang bơi trên mặt sóng: đó không phải là con chim bình thường, trong buổi sáng mai này nó là đầu tiên và duy nhất; và kia những con quạ lông lấp loáng sương sớm đã bay ra đường mòn - ngày mai chúng sẽ không lấp loáng như vậy nữa, vì đó không còn là ngày hôm nay, và những con quạ sẽ bay đến một nơi nào đó khác. Buổi sáng mai này là duy nhất, không một người nào trên khắp địa cầu còn thấy được nó: chỉ có anh và người bạn chưa quen biết của anh là được thấy mà thôi”. (Trích từ chương “Gởi người bạn chưa quen biết” - Giọt rừng - M.Prisvin).
Từ ngòi bút của Prisvin, những giọt thiên nhiên trong trẻo rơi xuống trang giấy, hóa thành trăm ngàn khoảnh khắc vĩnh cửu. Mùa xuân, tôi theo chân Prisvin, gom hàng ngàn giọt rừng như nhặt những quả việt quất vào chiếc giỏ mây, để rồi mai đây chúng sẽ hóa thành một Kho báu Mặt Trời (3) lấp lánh.
Triêu Nhan
(1) Tập tản văn Giọt rừng của Mikhail Prisvin được dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ sang tiếng Việt và được Sách Đông Tây liên kết với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành lần đầu năm 2011, tái bản tháng 4 năm 2016.
(2) Một đoạn trong tản văn Mùa xuân ánh sáng – trang 12.
(3) Kho báu mặt trời và những câu chuyện về thiên nhiên – Tên tập truyện ngắn của Mikhail Prisvin được dịch giả Phương Hoài chuyển ngữ sang tiếng Việt và được xuất bản năm 2011 bởi Nhã Nam và NXB Mỹ thuật.