.

Khẽ và thầm

.

Tôi, người phụ nữ vừa tròn tuổi bốn mươi. Vóc dáng đã có hơi đẫy đà, dẫu mỗi ngày vẫn dành đúng một tiếng đồng hồ đi bộ loanh quanh ở một cái công viên sát biển. Dẫu, một tuần vẫn đến phòng tập ba lần vào các đêm hai, tư, sáu. Uống chè xanh, suốt ngày, trừ những lúc bụng trống rỗng vì nghe nói, chè xanh chống lão hóa và tiêu mỡ các vòng rất hiệu quả. Mỗi bữa, chỉ ăn đúng một bát cơm vì sợ người dư tinh bột dễ sinh béo phì. Và, không quên uống rất nhiều nước trái cây và ăn kèm rau quả cho da khỏi sạm xấu. Tôi đã có hai con. Có nhà cửa hẳn hoi, công việc hẳn hoi. Chưa đủ. Chẳng biết rủi hay may khi có chồng hẳn hoi. Thêm nữa. Chẳng biết may hay rủi khi, thi thoảng, có những ý nghĩ hơi hơi bị thiếu những hẳn hoi. Cũng chỉ mới đây thôi! Khi gặp cái người này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một người có mắt nhìn rất lạ. Một đôi mắt cứ như mách bảo với tôi rằng: Cuộc đời thật sáng tươi và chẳng can cớ gì, lại phải muộn phiền cho nhọc tâm và khổ trí. Tôi tập hy vọng. Những hy vọng lúc đầu rất nhỏ nhoi, mỏng mảnh rồi lớn lao dần, vững chãi dần. Những hy vọng được nhen nhúm từ một đôi mắt, được giữ lại cũng từ một đôi mắt và như thế nào đây nhỉ? Khiến tôi biết thỏa hiệp và thích ứng. Chịu gồng mình co kéo, vo viên “những sự cố bất như ý” lại còn có mỗi tí tẹo để nhét vội vào trái tim tôi nhoài mệt, tâm hồn tôi xác xơ. Chồng tôi một lần lục tìm được tờ giấy ghi vội mấy dòng trên, đã ném phẹt vào ngay giữa mặt tôi, không quên trề môi: “Sướng quá thì thế. Chỉ được cái cường điệu. Rách việc!”.

Phượng bảo:

- Em ghét tiếng thở dài của chị. 

- Chị thích bài: “Buồn ơi! Chào mi”.

- Em thích nhạc Trịnh. 

- Chị ưa đọc lời trong những ca khúc Trịnh. Cứ như thơ ấy. Và sâu sắc. Và triết lý. Và…

- Sao nữa hả chị?

Tôi không trả lời vì còn bận trông sang bên kia đường. Nơi có một cô bé tuổi độ trên, dưới hai mươi với một khuôn mặt rất “cổ điển” lùng thùng trong bộ đồ rất hiện đại. Rất hip hop. Cái mới mẻ làm tăng thêm những duyên dáng cũ xưa khiến cô nhỏ được tôi lưu tâm. Khi nghe điều ấy, Phượng “à” lên thích thú. Phượng bảo tôi rất hay như thế. Rất thích so sánh. Rất ưa đối chỏi. Rất mê khập khễnh. Và mở mắt to: Để chi vậy chị? Tôi nén tiếng thở dài. Cũng còn may mà có Phượng. Còn may mà có một đôi mắt.

Tôi không nghĩ Phượng nhiều tuổi đến thế. Ái chà! Ba mươi sáu. Chồng tôi bảo một người ngây thơ đến dường ấy thì sáu ba vẫn như thể mười sáu, hai sáu chứ cứ gì ba sáu. Tôi ngẩn người ra giây lát. Không. Phượng không thế! Không ngây thơ. Nhưng quả thật Phượng có một đôi mắt rất đỗi non tơ. Quay phắt người lại nhìn chồng, tôi gằn giọng: Anh nói gì? Phượng mà ngây thơ. Ở cơ quan em nó là sạn chai nhất đấy. Con trai tôi sửa lại: Sao mẹ nói cậu Phượng là nó. Cậu Phượng là hoa mà. Hoa mùa hè. Mẹ chẳng bảo thế là gì. Mẹ nhớ chưa? Tôi gật gù: Ừ! Nhớ. Lần đầu chúng tôi biết Phượng, người trưởng phòng mới được chuyển đến để thay sếp cũ vừa nghỉ hưu. Cái tên của anh chàng này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Và không hiểu sao ngay hôm sau, tất cả đều mặc áo đỏ. Đỏ tươi, đỏ bầm, đỏ nâu, đỏ tím… Chưa đủ con bé Hằng đỏng đảnh còn diện ngay một cái quần đỏ rực. Trời ơi! Chỉ có tôi là không và được Phượng giữ ở lại. Và nhìn…

Tôi ghét cái nóng mùa hè nên không việc gì lại phải yêu một loại hoa đặc trưng cho mùa này. Tôi cũng ưa màu đỏ nhưng phải là màu đỏ nơi lá trạng nguyên cơ! Bởi, những kỷ niệm đã có với loại hoa này từ thủa còn con gái và những kỷ niệm, hồi đấy, vẫn đầy vun nơi tâm tưởng tôi. Cứ rờn rợn sắc đỏ một loại hoa, mỗi khi nhớ lại. Nhưng bẵng đi rất lâu không được gặp. Có chăng chỉ đôi ba lần. Ấy là khi cả nhà. Một gia đình hẳn hoi với nào chồng nào con, xun xoe, cùng nhau đi nghỉ mát trên Đà Lạt. Thường là vào mùa hè khi tụi nhỏ không phải đến trường mà dưới này lại quá nóng nực, bức bối. Một phòng lớn ở khách sạn chung cho bốn người. Hai cái giường thước sáu. Thằng lớn nằm với bố. Đứa con gái nhỏ rúc mẹ. Một phòng chung. Những bữa ăn chung, những lần đi chơi chung và những niềm vui chung. Rất hẳn hoi. Ngoại trừ tôi và những ý nghĩ lay bay cùng những cây trạng nguyên đỏ rực, mọc đầy hết cả vuông sân sau khách sạn. Nơi tôi thường ra đó đi bộ lòng vòng mỗi sớm mai, khi sương đã tan. Trạng nguyên ở cao nguyên rực lá quanh năm. Chắc do khí hậu tốt chứ dưới này phải đến tận cuối đông, đầu xuân cơ! Cũng may vài năm trở lại đây trạng nguyên được bán đầy phố, khi đến chạp. Tết năm nào tôi cũng bê về một chậu trạng nguyên, mặc cho chồng khó chịu. Cái thứ hoa bình dân, bèo bọt chỉ khiến cho phòng khách rất sang trọng của anh ấy hóa… tầm thường. Tôi vặc lại: Chỉ sợ người tầm thường chứ cái phòng khách, cái nhà, cái xe tầm thường được đã khướt. Chồng tôi xông vào: “Cô bảo ai… khướt, hả?”. Nghe tôi kể lại, Phượng yên lặng mà mắt Phượng lại không thế. Bỗng dưng tôi thấy sắc hoa đỏ rực mùa hè này sao dịu dàng? Những cơn nắng mùa hè này sao êm đềm đến dường ấy?
Phượng đã ly dị vợ được mấy năm. Cô ấy tên Mai, một loài hoa của mùa xuân. Phượng trầm ngâm: Mùa xuân thì thế nào chị nhỉ? Có nắng có mưa, có râm mát, có hiền hòa, có đẹp xinh có lung linh huyền ảo. Và Mai, thế nào chị nhỉ? Sắc tươi chói lòa. Dễ bừng nở dễ héo tàn dễ rơi rụng. Và thế đấy cuộc tình của em, hôn nhân của em. Những tưởng phượng mùa hè mới chói gắt nông nỗi. Những tưởng mai mùa xuân mỏng manh mà đằm sâu, yếu ớt nhưng vững chãi. Ai ngờ… Mai khi được sở hữu sao lạ lẫm quá với một mai mình đã chiêm ngưỡng đắm mê. Nên thôi thì… Phượng đem con từ Hà Nội vào. Đã sạch sành sanh, sau cuộc chia ly nên không tiền để mua đất kiếm nhà. Bố con mướn một căn phòng nhỏ ở tạm. Thế lại thích! Chẳng có thì chẳng mất. Chẳng được chẳng phải giữ. Hóa hay! Chồng tôi cười sặc cả cơm: Ở đâu ra một sếp ngu ngơ đến thế nhỉ? Thằng con tôi sừng sộ: Sao bố bảo cậu Phượng thế! Sao là nó… Con không thích đâu và cấm bố đấy!

Mỗi khi cãi nhau với chồng, tôi hay chở con đến chỗ trọ của Phượng. Tôi ưa cái khoảng hiên. Rậm cây nên nắng thiếu. Thiếu nắng nên đâu thể hanh hao chói chang. Cứ âm âm - trầm trầm suốt ngày. Phượng bảo chị thiếu một tí đấy. Một chút trầm mặc, một chút hiền lành. Một chút yên, một chút lắng. Tôi hỏi lại: “Trong nhạc Trịnh hả?” và Phượng ậm ừ: “Có thể ở đó và có thể không?”. Tôi đưa mắt lên cao. Cao hơn và cao nữa. Cao quá khoảng cây rậm nơi sân trước, ngôi nhà của Phượng. Vậy mà, vẫn không thấy nổi chút trời xanh để có thể hỏi: Ở đâu cơ chứ! Những lắng những yên? Những êm đềm những dịu nhẹ? Có chăng? Chỉ là những yên lắng không lành hiền. Những trầm tư nhiều phản kháng. Bất chợt, tôi nghe được từ trong chính tâm hồn mình những cuồng nộ, những gào thét và rất lâu sau đó, trở lại phẳng lặng đến không ngờ. Đó là khi Phượng cất tiếng. Đỏ rực cánh hoa mùa hạ của tôi, hát: “Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn lửa lên thắp một niềm riêng… Đôi khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi…”. Phượng hát không bằng cái cách của những đóa hoa đang hồi sung mãn, bung cánh khoe sắc màu. Mà bằng cái cách của những cánh mỏng manh rụng rời lả tả. Nhưng không hề hắt hiu: “…Đừng nghe tôi nói lời tăm tối. Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười…”. Tôi sửa lại: Vì đôi mắt.

Chiều qua, tôi kéo dài thời gian đi bộ hơn tiếng đồng hồ. Là một hôm không có lịch tập buổi tối ở câu lạc bộ thẩm mỹ. Thường, hôm nào có tôi ra công viên lúc mờ sớm. Nhìn biển cả đỗi rồi mới bước đều, thở sâu. Biển của chút lắng đấy ư! Của chút tĩnh. Của âm trầm… Có phải?  Phượng bảo rất lắm khi ra biển một mình và cảm nhận biển như thế và là thế. Tôi không nghĩ vậy. Biển không như thế và Phượng không là thế. Đó, chẳng qua chỉ là một cách nói. Người ta hay bảo đó, là những lời tử tế. Còn tôi muốn gọi đó những lời nói hẳn hoi. Những lời nói một cách sống, Phượng có sẵn hay là vừa phải chọn? Sau tất cả. Những xót xáy, đắng đót, lụy phiền… Chiều đã chếch sang đêm. Và, tôi nhìn ngắm biển và những ý nghĩ tôi cuộn quay về Phượng. Hẳn, những ý nghĩ không hẳn hoi. Hốt nhiên, lòng tôi quặn đau như đang có ai bứt xé. Tôi trở về. Bỏ lại một biển đêm trăng non. Mênh mang và bàng bạc.  

Khuya đó. Tôi kiểm tra thư điện tử và đọc được: “Chị có biết vì sao mà em thích nhạc Trịnh? Bởi em rất dễ tìm thấy mình ở trong đó. Dẫu có hồi này, khi khác. Dẫu có ở chỗ này, chỗ kia. Dẫu tâm trạng có chuyển, cảm xúc có thay. Dẫu là mình của khi có đôi, lúc cô độc… Từ khi biết chị, chẳng hiểu sao em rất đồng cảm với từ “cuốn” trong những ca khúc của ông. Để em hát cho chị nghe nhé! “Để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông…”. “Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ”, “Nụ cười đã cuốn ta đi”, “Một dòng sông nước cuốn một cuộc tình không may”. Chị biết không? Giá mà em có thể. Cuốn được những ẩn trắc muộn phiền ở trong chị. Cuốn được những cuồng ngông chị những nông nỗi chị. Cuốn, theo cái cách của em ấy mà. Cuốn, rất khẽ thầm.

NGUYỄN MỸ NỮ


(*) Những chữ in nghiêng là lời trong các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

;
.
.
.
.
.