Tôi đã từng lì lợm đứng bên đời
Mím chặt nỗi đau run vành môi bé bỏng
Từng sợ con người nên ngủ cùng chó nhỏ
và lũ gà con trong bóng tối thiên đường...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đó là những hồi ức tôi viết về tuổi thơ đầy ám ảnh của mình. Khi phải tự thân vật lộn với căn bệnh tự kỷ suốt nhiều năm trời. Khi đó tôi rất sợ con người, ánh sáng, tiếng ồn và những gì xa lạ. Tôi gần như không kết bạn với ai, kể cả khi đến trường cũng chỉ ngồi thu lu một góc. Những ngón tay đan chặt vào nhau, hai ngón chân cái di đi di lại đến mòn vẹt dép. Giấc mơ chết chóc cùng những lời bói toán của mẹ cứ ám ảnh tôi. Bố mẹ thì quá bận mưu sinh, chưa ăn bữa này đã phải lo bữa khác nên chẳng có thời gian quan tâm đến con cái nghĩ gì. Bạn của tôi là những con vật nhỏ trong nhà: một đàn gà mới nở, chú chó nhỏ mụ mẫm, con mèo vàng cụt đuôi và cả đàn cun cút ngậm lặng câm vùi sâu trong đống cát. Tôi thường chui vào một xó xỉnh tối tăm nào đó ôm ấp, vuốt ve, chuyện trò chán chê thì ru chúng ngủ. Những con vật nhỏ cho tôi cảm giác bình yên, tin cậy. Có nhiều khi tôi tưởng như chúng có thể hiểu được những giọt nước mắt của mình và tôi cũng mơ hồ hiểu được ngôn ngữ của từng con vật nhỏ trong nhà. Tôi lớn lên đi qua nỗi ám ảnh đầu đời. Những con vật dần xa tôi bằng cách này hay cách khác. Như con gà tôi vẫn thường đút túi quần bỗng nhiên mất tích. Đàn gà nhỏ xinh xắn vàng ươm rồi cũng phải lớn lên, đã theo đôi quang gánh của mẹ ra chợ phiên để đổi lấy vài cân gạo, manh áo mới cho mấy anh em tôi đi học.
Cây khế góc vườn mới bị sét đánh chết, thân rễ bị chặt đi làm củi bỏ lại một khoảng trống hoắc huơ. Tôi tiếc nuối những mùa quả ngọt và thương nhớ bóng râm trong ký ức. Cây như nhân chứng cho tình bạn của tôi với những con vật nhỏ. Khi những trưa hè tôi ngồi dưới gốc cây bắt rận cho chó mèo nghe lũ ve sầu hát ca rỉ rả. Khi một buổi chiều nào đó tôi ngồi tựa vào cây mà khóc vì chú mèo cái bị người ta bắt mất trước mùa sinh đẻ. Khi hết lần này đến lần khác tôi phải tự tay đào huyệt chôn những người bạn nhỏ của mình dưới tán khế buồn. Đó là chú chó già lớn lên với tôi từ thời thơ ấu, tên nó là Vàng. Hằng ngày Vàng đưa đón tôi đi học, bảo vệ tôi trước những trò nghịch dại của bạn bè. Những ngày tôi ốm Vàng quanh quẩn chân giường không đi đâu nửa bước. Mỗi khi tôi ho rụt cổ là thấy tiếng Vàng rên ư ử, thấy hơi nóng từ mũi nó phả ra dưới chân mình. Vàng cứ thế lớn lên cùng tôi cho đến khi trở thành cụ tuất, răng rụng hết, không ăn uống được gì ngoài cháo bí đỏ và ít nước cơm. Hôm Vàng mất trời mưa tầm tã, nó ngừng thở trên đường lết đến trường để đón tôi. Ôm Vàng lạnh ngắt trên tay tôi đã hiểu thế nào là mất mát. Dưới gốc cây khế già tôi còn tiễn đưa nhiều con vật nữa. Những đám tang không kèn trống, không giọt nước mắt nào. Chỉ có tình yêu thương còn đọng lại ở chút hơi ấm cuối cùng tôi truyền cho chúng qua vòng ôm bé bỏng. Chúng nằm ở đó chắt chiu cho những mùa quả ngày càng thêm ngọt, cho tán cây ngày càng râm mát, cho lòng tôi dần nguôi ngoai để đi qua những mất mát đầu đời.
Hôm qua mẹ gọi điện xuống bảo ở nhà mới bán con bò già. Mấy đêm nay mẹ bần thần không tài nào ngủ được vì thương nó quá. Đó là chú bò đã gắn bó với gia đình tôi gần hai chục năm trời. Nó giúp bố mẹ tôi cày ruộng, kéo xe đi qua hết mùa lúa đến mùa ngô, đỗ, lạc. Nó cùng gia đình tôi đi qua những năm đói khổ, những biến cố cuộc đời. Nên mẹ vẫn coi nó như một thành viên trong gia đình. Nếu không phải càng ngày càng hiếm cỏ thì chắc chẳng đời nào mẹ chịu bán nó đi. Cỏ ngọt trồng không lên, cỏ đồi trọc lốc. Mẹ cũng không còn đủ sức đi xa nhà cả chục cây số xin chuối từ trên đồi cao rồi thuê ô-tô chở về nhà làm thức ăn cho bò nữa. Lưng mẹ mỗi ngày mỗi đau hơn, xương cốt mỏi nhừ. Mẹ nghĩ về tuổi già của mình lại càng thương con bò già kéo ách cho chủ đến cuối đời lại bị bán đi.
Nghe cuộc điện thoại của mẹ xong tôi chỉ muốn về nhà. Ngồi trên bậc thềm vuốt ve con mèo nhỏ. Để chú chó cộc mừng quýnh quáng tìm gấu quần dụi mõm. Nghe đàn gà con lích chích chạy theo chân đòi gạo. Những cơn nhớ quê nhà thường ập đến không báo trước. Có đôi khi chỉ là một giấc trưa bỗng nghe thấy con chó Vàng “gâu” lên một tiếng. Hoặc có khi ngồi giữa phố đông đúc chợt nghe thấy tiếng chú bò già “ò” gọi con mình. Lòng bỗng nhiên trũng xuống. Yêu thương và day dứt. Nhớ những người bạn nhỏ như là nhớ một phần đời của mình đã trôi qua đâu đó…
Vũ Thị Huyền Trang