.

Có những chiều yên như thế...

.

Như một cái hẹn không hề báo trước, cơn mưa bất chợt đến trong một chiều tháng tám. Mưa và lạnh. Nhưng lại rất đỗi yên. Khá lâu rồi mới lại ngồi nhẩn nhơ cùng với con chữ, trong một chiều yên như thế. Là yên của đất trời. Là yên của khu vườn chợt vắng đi tiếng lao xao vòm lá. Hay yên từ chính trong sự sâu lắng của tâm hồn? Giữa bộn bề của cuộc sống, của những lo toan, của tiếng con trẻ líu ríu, chiều yên đưa ta về với bao kỷ niệm, thoáng cái, đã mang tên ngày xưa xa lơ xa lắc.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ đâu cái thuở lên 10 tuổi, cứ mỗi chiều thế này lại túm tụm réo nhau cả đám ra cánh đồng Môn Hạ chơi. Đứa thì bày biện đồ hàng, là những bông bèo tròn tròn, được xẻ một đường thẳng bằng cái que tăm rồi độn vào đó bao nhiêu thứ lá, cỏ dại và gọi tên là món bánh mì. Rồi đứa thì bày một nắm hạt bưởi, hạt é ngâm vào nước, chế biến đầy sáng tạo một hồi thành món chè xoa xoa. Có đứa lại hái bông dủ dẻ, bông xuyến chi, bông bìm bịp… kết thành những bó hoa đủ màu sắc, đi qua đi lại rao “ai mua bông không, tui bán bông cho”. Mỗi lần nghe tiếng rao lanh lảnh đó, cả đám lại cười nắc nẻ. Vậy mà hết buổi chiều. Có bữa mải chơi đến khi tối mịt, má xách roi ra đồng tìm mới ù té chạy về nhà.

Rồi tới cái hồi lên 15, 16 tuổi, cũng vẫn tụ năm tụ bảy ra cánh đồng chơi, trong những trưa chiều như thế. Niềm vui tuổi thơ cứ như là bất tận, như mải miết đến độ đang say sưa chơi đùa lại nhìn mặt trời, cứ sợ mặt trời trôi vèo về phía núi, nép dần sau núi nghĩa là phải rã đám, phải về nhà. Rồi có một chiều, thằng Bo gần nhà tự nhiên hái một nắm lá dâu, lá mè dúi vào tay bảo “về nấu nước gội cho mượt tóc đi”. Tay ôm nắm lá mè, lá dâu đi lơ ngơ thế nào vấp cục đá té, nắm lá rớt xuống con đường làng, lụi hụi đứng lên lại lơ ngơ đi về. Bỏ quên nắm lá. Hay sợ rằng mang lá về nhà nấu nước gội đầu cho tóc mượt, nghĩa là sẽ “phải lòng” với thằng Bo…

Rồi cái tuổi 18, xa nhà, xa cánh đồng tuổi thơ, tìm đến phố thị để tiếp nối con đường học hành. Những chiều yên luôn gắn với tiếng còi tàu, với những cung đường xa, với những làng mạc, những cánh đồng, những đồi núi qua ô cửa tàu. Con tàu chênh chao, con tàu xình xịch. Mà như yên vị trong lòng đứa con gái mới lớn, xa nơi chốn thân thương, nuôi dưỡng ước mơ bằng cách tìm đến miền đất lạ với một khao khát được khám phá, được học hỏi, được vươn lên. Rồi ra trường, tự nhiên lật đật về lại với chốn cũ, không thể nấn ná lại nơi phố thị đó thêm một lần nữa. Bởi xô bồ? Hay bởi không đủ mạnh mẽ để đoạn tuyệt cái chốn chôn nhau cắt rốn để bám trụ với nơi ít nhiều đã từng chọn là để đặt chân đến thực hiện ước mơ? Chừng như, mình cũng đã rất nhiều lần đặt câu hỏi vậy, để rồi chỉ có tiếng thở dài lọt thỏm trong thênh thang, thay cho một câu trả lời.

Thoắt vèo một cái, bây chừ đã qua bao nhiêu buổi chiều yên như vậy. Không nhớ nữa. Không đếm xuể nữa. Nhưng cũng rất tự nhiên muốn cảm ơn thật nhiều buổi chiều yên như chiều nay, để mình được lấn bấn với chính mình, tha thẩn với chính mình, tìm lại chính mình giữa bao nhiêu khoảnh khắc rất khác nhau của khái niệm thời gian.

Như thể, khá lâu rồi mình bị cuốn vào bao nhiêu nhộn nhạo, bao nhiêu xô bồ, bao nhiêu biến đổi. Như thể, khá lâu rồi mình cứ loay hoay đi tìm một điều gì không rõ của khái niệm vô định. Và như thể, cũng khá lâu rồi, mình không yên với chính mình, để thấy rằng, có những chiều rất yên như vậy, cho mình tìm về lại biết bao nhiêu những buổi chiều yên xưa, cho mình mỉm cười với những ngọt ngào trong trẻo. Cho mình kể với con trẻ nghe, rằng tên của ngày xưa gắn với những chiều yên trên cánh đồng đầy gió, đầy hương, đầy thi vị. Gắn cả với tiếng còi tàu, với những lạ lẫm của bước chân qua. Chắc rằng con trẻ sẽ tròn xoe mắt, bởi lũ nhóc bây chừ khác mình nhiều quá. Nhưng cũng chắc rằng, những chiều yên như thế, đã thực sự cho mình tìm lại được bình yên.

Nghi Thảo

 

;
.
.
.
.
.