Sáng tác

Sâu lắng vần thơ học trò

07:57, 18/11/2018 (GMT+7)

Trong dòng chảy ngược xuôi của cuộc sống với bao bộn bề lo toan, khi hồi tưởng, suy niệm về quá khứ, về tuổi học trò tinh khôi trong trắng, nhà thơ Nguyễn An Bình, thi sĩ của đất Phương Nam đắm đuối với mảng thơ về tuổi học trò và cho ra đời nhiều thi phẩm được đông đảo độc giả yêu thơ đón nhận. Khung trời hoa mộng với sân trường, bảng đen, phấn trắng, hoa phượng, sợi tóc, cơn mưa, tà áo, tiếng ve, nắng vàng, mây trắng… ẩn hiện chập chờn qua từng dòng thơ êm ả, dịu ngọt chảy tràn trong tim người đọc, qua từng khung ảnh thời gian.

Bìa sách Hạ đỏ lên trời.
Bìa sách Hạ đỏ lên trời.

Thơ ông nhẹ nhàng, lãng mạn và tràn tiếng nhạc, tựa như những mầm cây đang thổn thức, cựa quậy bên trong tâm hồn, mặc kệ sương gió thời gian phủ kín mái đầu thi sĩ. Lật mở tập thơ, có thể bắt gặp hành trình thi ca của ông dài như đường phượng bay, thổi qua từng trang ký ức: Rồi cũng chia tay đường phượng bay/ Làm sao đếm hết lá trên vai/ Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt/ Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay? (…) Sợi tóc nào vương mùa hạ cũ/ Có người về nhớ chuyện trăm năm/ Một mai trang sách vàng nhung nhớ/ Mới thấy đêm khuya lạnh chỗ nằm (Xa rồi đường phượng bay).

Phải có một trái tim nhạy cảm và dành trọn cho mái trường xưa cũ mới có những vần thơ tiếc nuối, u hoài như thế: Ngôi trường cũ tôi không về kịp nữa/ Nhớ mái vòm rêu phủ bóng thời gian/ Bầy sẻ nâu thôi không còn ríu rít/ Trường trăm năm trơ gạch ngói hoang tàn…/ Tàn lim xanh đâu còn nghe chim hót/ Rải hoa vàng cho sắc nhớ thêm tươi/ Trái phượng già cuối mùa chưa kịp rụng/ Em có về thương nhớ tiếng ve rơi…/ Từng viên gạch vẫn đỏ tươi màu đất/ Dẫu trăm năm luôn giữ mãi tình hồng/ Bao vôi vữa đâu chôn vùi ký ức/ Trong dòng đời chìm nổi bến đục trong (Trường cũ).

Ngoài thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, ngũ ngôn có lẽ là thể thơ được ông yêu thích, tính cô đọng, hàm súc và mềm mại chảy vào bài thơ rất tự nhiên, mộc mạc: Phượng hồng còn thắp lửa/ Đỏ một trời tương tư/ Tiếng ve rền khung cửa/ Gõ từng nhịp thiên thu (Về đâu những mùa hạ xưa); Em có nghe cỏ hát/ Bốn mùa nở đầy hoa/ Tim treo lời mật ngọt/ Đỏ tươi màu phù sa (Có một thời yêu nhau).
Khi đọc từng con chữ được viết ra từ tâm huyết của nhà thơ, cảm xúc tự đâu ùa về, giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên mi ngỡ như vừa mới hôm qua, dòng mực tím vẹn nguyên trên tà áo: Thuở ấy thơ còn thơm mùi sữa/ Xé giấy học trò viết vu vơ/ Bao lần quên mất lời thầy giảng/ Ngoài sân say tiếng chim líu lo… (Thuở ban đầu ấy).

Trở về mái trường xưa, hoa phượng giăng kín ký ức, chảy trong huyết quản, thắp sáng tâm khảm: Chờ em ướt lạnh chỗ nằm/ Tóc rơi lời hẹn xa xăm không đành/ Bao mùa mắt lá còn xanh/ Trôi theo nỗi nhớ lên nhành phượng xưa (Phượng yêu). Bàng bạc trong thơ Nguyễn An Bình là dòng thời gian đong đầy nhịp thở, bóng hình người xưa khao khát yêu thương, nỗi nhớ đông đặc khuấy động từng trang ký ức, khúc hát xa xăm vang vọng trôi qua cõi người.

Tất cả chỉ còn rung lên từng hồi giữa thinh không nhiệm màu, muốn quên đi tất cả nhưng càng quên lại càng nhớ, càng xóa nhòa lại càng hiện rõ, thực khiến người ta phải động lòng. Lòng cố níu ước gì mưa không dứt/ Sao mưa cứ đùa rắc nhẹ xuống từng cơn/ Tay muốn giữ nhưng dòng đời vẫn chảy/ Con nước vô tình thả vạt tóc buông (Mưa tháng sáu), khép lại tập thơ trong dòng chảy miên man, vô tận...

Nhà thơ Nguyễn An Bình, Tên thật: Lương Mành, sinh ngày 21-6-1954 tại An Bình, Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, là giáo viên đã nghỉ hưu. Có nhiều thơ xuất bản từ trước năm 1975, sau một thời gian vắng bóng, nhà thơ Nguyễn An Bình trở lại độc giả với tập thơ Còn một chút mưa bay và từ đó đến nay ông miệt mài sáng tác, toàn tâm toàn ý với thi ca, với con chữ: Còn một chút mưa bay (NXB Hội Nhà văn 2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (NXB Hội  Nhà văn 2016), Hạ đỏ lên trời (NXB Hội nhà văn 2018).

Hoa Mộc Lan
 


 

.