Nghe tiếng con dâu dựng chân chống xe cạch ngoài sân rồi lầm lũi đi thẳng vô nhà, bà dợm giọng:
-Về sớm rứa con?
- Buôn bán chi tầm ni nữa?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thằng Nghĩa nghe câu trả lời của mẹ, định bật cười vì cái kiểu ăn nói “thời thượng” của mẹ, bỗng lẳng cái nhìn ra xa khi bắt gặp ánh mắt liếc xéo sắc lẻm cùng cái mặt sưng sỉa của mẹ...
Hương cởi dép quẳng vô góc nhà:
- Chắc nhà ni ít bữa nhịn ăn quá, người làm thì không ra, người ăn thì lo chuyện bao đồng...
Quẳng câu nói vào thinh không, Hương vẫn không dằn được cơn ấm ức trong lòng. Thả mình xuống giường, Hương vẫn nhớ như in cái cảm giác bực bội khi vừa cuốn vội tấm bạt phủ lên quầy vải, vừa nghe mấy bạn hàng bên cạnh với sang:
- Mẹ chồng con Hương chơi sang hè, tiền ở mô mà ủng hộ cho phường bảy triệu rưỡi luôn!
- Chuyện chi rứa mấy bà?
- Báo đăng đài đọc đây nè, bà Trần Thị Bình, tặng cho phường bảy triệu rưỡi để ủng hộ chương trình
“Tuyến đầu chống dịch” đây nè! Chơi lớn hỉ?
Hương chồm mặt vô cái màn hình điện thoại thông minh của cô bạn, thấy khuôn mặt mẹ chồng đang món mém cười, trao cho cán bộ phường cái phong bì, cái tin ngắn ngủn nhưng được đưa lên hàng vơ-đét, ca ngợi một bà mẹ dành dụm hết tiền chế độ liệt sĩ của chồng để ủng hộ phường chống dịch...
Một cái gì đó bỗng chạy nghẹn ức giữa cuống họng Hương, khuôn mặt nóng phừng phừng... Hơn tháng rồi, sau Tết, tưởng mở hàng bán lại được, ai dè gặp dịch nên ế sưng ế sỉa. Đến sáng nay, nghe công bố đại dịch rồi cách ly toàn xã hội, ban quản lý chợ tới vận động, hối thúc chị em tiểu thương hàng vải, hàng nhựa... đóng quầy, chỉ cho bán mấy thứ hàng thiết yếu... “Buôn bán gì tầm này nữa!”, mấy chị em cười như mếu, rã rượi kéo bạt, phủ quầy. Nửa tháng cách ly, chưa biết khi mô quay trở lại bán buôn kiếm đồng tiền bát gạo... Ruột thì nóng sôi lên, mà mẹ chồng thì ở nhà lẳng lặng mang tiền tiết kiệm đi cho... Tức không chịu được!
Nghe tiếng bước chân nặng nhẹ cùng vài câu dằn xóc của con dâu rơi lại, bà rã rượi thả đôi chân xuống nền nhà, cái lưng vốn ốm tong teo, giờ còng thêm khúc nữa. Ừ, tại mình, tại mình cả, chưa nói chuyện với con với dâu, đã vội mang tiền tiết kiệm ra quyên. Bà sợ, cái nỗi sợ mơ hồ lỡ con với dâu không chịu thì bà biết làm sao... Bởi mấy ngày nay, trong ruột bà cũng nóng vô chừng. Ti-vi, loa phường cứ văng vẳng vô tai vô mắt bà những câu “chống dịch như chống giặc”, “những khó khăn vất vả của tuyến đầu chống dịch”, rồi “cả nước chung tay ngăn đại dịch”...
Bà mơ hồ về một cơn đại dịch đang tràn đến trong nhà, trong phố... Cháu nghỉ học ở nhà cả tháng. Trong bữa cơm gia đình cũng chỉ nghe chuyện dịch doẹt; chỗ ni người mắc, chỗ kia người chết tăng từng ngày... Cùng với đó là hình ảnh những bác sĩ, y tá... trùm áo khăn kín mít từ đầu tới chân, tất tả đi chống dịch... Mình ngồi đây mà yên sao nổi. Cái tính bà nó vậy, có chuyện là xăng xái cả lên, không chịu ngồi yên một chỗ. Đôi lần bà ợm ờ hỏi ý con, ý dâu trong bữa cơm, nhưng nhìn nỗi lo hiện trên mặt chúng, bà lại thôi. Rồi sáng nay bà quyết... Mình già cả, có lú lẫn “quyết” bậy không hè, mà con dâu mặt nặng mày nhẹ vậy?
Bà đứng lên, run run đôi chân lẹt xẹt tới bên bàn thờ, nhướng người rút ba cây hương rồi châm lửa. Mùi khói hương thoảng nhẹ, bay vòng vèo nhòa nhạt khiến cho bà tỉnh lại. Bao giờ cũng vậy, khi gặp những rắc rối trong lòng không gỡ được, bà lại thắp nhang để tìm trên mặt chồng một chút an ủi. “Tui làm rứa có chi sai không ông ơi?”. Ánh mắt hiền từ mà tinh anh nhìn xuống, như sẻ chia...
Bà nhớ đôi mắt ấy, nụ cười ấy với nốt ruồi bé bé nơi gò má gần cánh mũi, mà mỗi khi ông cười là nốt ruồi ấy cũng rung rung cười theo. Nhưng giờ, lòng dạ rối bời, bà lại nhớ buổi chiều tháng ba năm ấy. Khi cuộc chiến dần đi vào hồi kết, đơn vị chuẩn bị hành quân xuống đồng bằng, bà nằng nặc đi theo, dù lúc đó đang mang thai đứa con trai đầu 7 tháng... Ông nhìn bà, vừa như động viên bà ở lại để vừa giữ gìn sức khỏe, vừa giữ đứa con đầu. Nhưng ông cũng muốn người vợ từng trải qua các chiến trường, lăn lộn những ngày đói khổ cùng nhau ở chiến khu được cùng băng xuống đồng bằng, chứng kiến những phút giây lịch sử. Cái níu tay nhõng nhẽo của bà đã dứt ông ra khỏi sự lưỡng lự...
Ừ đi! Cả đơn vị hăm hở hành quân xuống núi, bao dốc núi cheo leo, bao suối sâu vực thẳm không cản được bước chân “thần tốc” trong khí thế hừng hực của ngày giải phóng quê hương cận kề. Trong đêm tối giữa vùng giáp ranh đồng bằng, không ngờ cả đơn vị đụng độ với một toán quân địch trên đường rút quân, điên cuồng chống trả. Ngay từ loạt đạn đầu, ông “ới” lên một tiếng rồi đổ xuống bên cạnh bà. Bà quơ vội tay ông, dòng máu nóng cứ trào ra, cô y tá ở tuyến sau băng vội tới. Nhưng không kịp nữa rồi, ông níu chặt tay bà, hụt hơi buông lời “Em ráng... giữ con”! Bà hụt hẫng, rơi tụt xuống tụt xuống...
Nửa người dưới như chuội đi trong dòng máu nóng giữa hai đùi, rồi một cơn co thắt giật lên. Bà siết chặt mái tóc ông. Một tay níu cô y tá... Trong tiếng đạn réo sôi sàn sạt, giữa ánh chớp liên hồi sáng tối, cô tháo chiếc võng dù trải ra, kéo bà nằm xuống sát mặt ruộng... Vừa cắt rốn cho thằng con, vừa quay qua nắm tay bà mẹ, cô vừa nhả đạn về phía trước... Bỗng bà nghe “hặc” lên một tiếng, máu cô y tá quyện với máu chồng, máu của đứa con đỏ hỏn... tắm lên người bà. Bà ngất lịm trong tiếng súng râm ran của đồng đội từ phía sau vừa kịp tới...
Hai giọt nước mắt rỉ ra trên đôi mắt nhăn nheo, bà nghẹn giọng: “Tui có làm chi sai không ông ơi?”.
Hòa bước vô nhà, nhìn mâm cơm vắng ngắt, đưa mắt hỏi thằng Nghĩa: “Mẹ đâu?” Nghĩa im lặng, còn bà thì ngó lơ. Chặp sau, khi thằng Nghĩa buông chén đứng lên, bà thì thầm như sợ sệt: “Vợ con nằm trên lầu chưa dậy, chắc nó mệt!”. “Buôn bán chi được mô mà mệt?”. “Ờ thì chắc buôn bán không được nên buồn!”. “Buồn chi, dịch thì dịch chung, nghỉ để ngăn dịch dăm bữa, nửa tháng qua cơn thì bán lại. Người còn của còn chớ mất mát chi mô mà sợ, nhà mình đâu đã đến nỗi chi?”, Hòa buông giọng.
Bà nghe mà nhẹ cả người, không tủi thân cho thằng con vừa bước qua cái tuổi bốn lăm. Bà ngước lên nhìn con âu yếm, rồi nhỏ nhẹ: “Chừ mẹ hỏi con đừng la, mẹ đem tiền tiết kiệm cho phường rồi!”. “Ôi trời, chắc chuyện rứa mà buồn chớ chi?”, anh cười hiền. Nụ cười mà ông và bà vẫn mơ, vẫn nói về nhau trong những ngày đói cơm lạt muối trên chiến khu. Đêm, bụng réo sôi sùng sục, ông nằm áp nhẹ tai xuống bụng bà, thầm thì: “Ráng nghe con, vài tháng nữa xuống đồng bằng rồi, con tha hồ uống sữa hỉ!”.
Bà mệt mỏi bơ phờ, vẫn nhoẻn nụ cười thật nhẹ rồi nhắm mắt mơ đứa con mình tung tăng bay nhảy trên cánh đồng mùa gặt, rơm rạ óng vàng; mơ thấy hai cha con thả những cánh diều bay vút tận trời xanh, tiếng con cười trong trẻo... Ông với bà nằm nhẩm tính, trời cho hai đứa con, thì chắc chắn phải đặt tên Hòa với Bình. “Biết là trai hay gái mà đặt tên trước?”, bà vẫn chưa dứt ra khỏi cơn mơ màng. “Hai cái tên nớ thì gái trai chi cũng hợp hết!”, ông cười. Trong đêm tối, dưới ánh trăng mờ, bà cũng hình dung ra nốt ruồi trên cánh mũi cũng rung rung theo nụ cười...
Như bây giờ, nụ cười của thằng Hòa tiếp thêm cho bà sức mạnh. Bà nói: “Hồi sáng, ngồi xem ti-vi, thấy cảnh những cô chú bác sĩ, y tá phải đương đầu chống dịch; người trùm kín mít từ đầu tới chân, tối ngày lăn lộn với người cách ly, chữa bệnh cho người nhiễm với biết bao nguy hiểm, má nhớ cô y tá ngày xưa quá. Ngày đó, không có cô ấy, cả nhà mình đã nằm lại vĩnh viễn trên lằn ranh với đồng bằng rồi, chớ đâu mẹ với con được nhà cao cửa rộng, chăn ấm nệm êm như chừ con ơi!”. Bà nắm tay con run run, mắt lại ngân ngấn nước. Những giọt nước mắt quyện với nụ cười trong suốt 45 năm bà chăm con, nhìn con lẫy, lật rồi đi chập chững, rồi cưới vợ sinh con... Có đứa con dâu... Bà lại nhớ hai ông bà từng mong có đứa con gái đặt tên Bình…
Nhìn mẹ gục xuống cánh tay mình, Hòa bỗng nghe một luồng điện giật nhẹ qua người. Từ khi anh biết nhớ, đó là chuỗi những ngày tháng đói khổ. Từ chiến trường trở về, mẹ con được phân một căn hộ tập thể. Những ngày hè nóng ran, những đêm đông lạnh buốt mưa đổ lọt qua mái tôn, mẹ đẩy anh về phía bên ráo rồi ngồi suốt đêm, hai cánh tay giữ chặt tấm ni-lông để mưa khỏi tạt xuống chỗ con nằm... Ngày anh cưới Hương, chẳng có của hồi môn, nhưng nhờ sự tháo vát, tằn tiện chi tiêu, vợ chồng anh cũng ngửa mặt lên với thiên hạ. Anh chỉ tiếc một điều, lâu nay anh chưa bao giờ kể với Hương những những chuyện ngày xưa của cha mẹ mình, bởi Hương mới sinh ra sau chiến tranh, giữa lòng thành phố. Anh mơ hồ sợ Hương không hiểu nổi. Ngay cả chính anh, sinh ra giữa đạn bom, lớn lên trong đói khổ, mẹ con cùng nhau dưa mắm đỡ đần, mà còn chưa cảm được nỗi lòng của mẹ, huống gì con dâu... Chưa thức qua nửa đêm, thì sao hiểu nổi lòng đêm sâu? Nhưng hôm nay, anh không thể dây dưa được nữa...
Mới mờ sáng, bà ngồi trước hiên, ngóng ra con phố vắng vẻ quạnh hiu. Hương lẳng lặng dắt xe ngang qua, khẽ chào. Bà hỏi nhỏ: “Buôn bán chi bữa ni mà đi sớm rứa con?”. Hương quay lại, khẽ khàng: “Dạ con đi chợ sớm với chị em trong Hội Phụ nữ phường để kịp nấu mấy suất cơm trưa cho bà con gặp khó khăn, rồi đi tặng khẩu trang cho các anh chị bên đội phòng chống dịch nơi tuyến đầu nữa má!”.
Nhìn bước chân thoăn thoắt của con dâu, bà thấy ấm lòng biết nhường nào.
Tháng 4-2020
NGUYỄN THÀNH