Cho đến nay, Người trong đêm hè là tác phẩm văn học Phần Lan duy nhất đoạt giải Nobel. Bằng giọng văn đẹp như thơ, F.E.Sillanpää đã vẽ nên một bức tranh thơ mộng về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: những đêm trắng của mùa hè phương Bắc.
Vào những đêm này, những người dân ở điền trang Teliranta hầu như không ngủ. Họ hồi hộp và chờ đợi. Họ trắng đêm thu vào tầm mắt bức tranh thiên nhiên quen thuộc nhưng lúc nào cũng đẹp đến ngỡ ngàng: “Mùa hè phương Bắc gần như không có đêm, chỉ có ánh sáng mờ ảo, nhập nhoạng ngập ngừng, chầm chậm trôi qua. Nhưng trong chạng vạng vẫn ngời lên tia sáng không có ngôn từ nào tả nổi. Đó chính là lời thì thầm của sáng hè đang đến gần. Khi giai điệu hoàng hôn lắng lại thành nốt mềm xanh tím màu hoa violet mê say dịu dàng...”.
Sillanpää từng gọi tên đứa con tinh thần của mình là “một chuỗi thơ mang tính tự sự”. Ông đã khéo léo đan kết 48 đoản văn để dựng nên một tác phẩm chặt chẽ về cấu trúc, mê hoặc về nội dung. Chỉ một năm sau khi ra đời, Người trong đêm hè đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển năm 1935 và hai năm tiếp theo được dịch và xuất bản ở Estonia (1936), Đan Mạch (1937), Na Uy (1937) và Latvia (1937), Anh (1966). Cho đến nay, tiểu thuyết này đã được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau.
Với những người đọc vội vã, cuốn tiểu thuyết có độ dày 200 trang này tương đối khó tiếp cận. Những trang viết đầy rẫy chi tiết, liên tục đặc tả về cảnh trí thiên nhiên. Ngôn ngữ thì sang trọng, dày đặc mỹ từ và có chút phong vị “hàn lâm”. Để phác họa nên bức tranh có chủ đề là “đêm trắng phương Bắc”, F.E.Sillanpää đã ào ạt đổ lên giấy hết thảy những hộp màu mà mình có. Chính điều này đã thử thách độc giả, khiến họ trở nên rối trí và mất phương hướng cảm thụ. Chỉ những ai thực sự yêu quý thiên nhiên mới có thể tiếp tục du ngoạn, khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của vùng ôn đới phía Bắc bán cầu. Bạn đọc phải thật thong thả để men theo từng khu rừng, bãi cỏ, từng tiếng chim hót, từng rãnh nước, nhành cây. Và rồi, cứ thêm một dấu chân tiến về phía trước, thì chiếc chìa khóa giữ chặt cánh cửa che giấu cuộc sống con người bên trong khu điền trang xinh đẹp mới dần dần được nới lỏng ra.
Từng cái tên, từng con người được phơi bày với nội tâm đa chiều, sâu kín. Đó là cặp đôi Helka và Arvid. Chỉ sau một lời hẹn tình cờ, Arvid đã đến tìm gặp Helka, để rồi tình yêu của đôi uyên ương dần trở nên nồng nàn trong trang trại. Họ như những bông hoa rực rỡ sắc hương và tràn đầy mật ngọt hạnh phúc. Lão Manu cũng là một nhân vật đặc biệt. Là người đã có tuổi nhưng bằng tinh thần say mê lao động và kiệm lời vốn có, lão cần cù đốt củi thông lấy nhựa cho trang trại, đôi mắt lão lúc nào cũng vui vẻ mở to, quan sát những biến động xung quanh mình. Hay như Salonen, chàng thợ gỗ trẻ tuổi khao khát cuộc sống lãng mạn đẹp như thơ, nhưng cuối cùng cũng bị sự cô đơn làm cho vỡ mộng,… Chính anh là người đã phá vỡ sự yên tĩnh của đêm bằng một nhát dao chí mạng vào tim người khác. Tuyến nhân vật phong phú và sinh động trong Người trong đêm hè đã mang đến cho người đọc một thông điệp đơn giản nhưng rất giá trị: “Trên thế gian này ai cũng có lúc nghĩ họ đau khổ nhất trần gian - khi không nghĩ đến người khác, mà chỉ chăm chăm nghĩ về mình”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Người trong đêm hè là tác phẩm văn xuôi mang tính trữ tình đậm nét nhất, giàu tính nhạc nhất của nhà văn F.E.Sillanpää. Thiên nhiên chính là nhân vật trung tâm xuyên suốt tiểu thuyết. Mặt hồ xanh tĩnh lặng phủ lên sự bận rộn của những người phụ nữ nơi điền trang một vẻ đẹp dịu dàng; mùi phấn hoa cùng những cánh bướm mỏng nhẹ rập rờn làm cho đôi trẻ yêu nhau càng thêm quyến luyến; biền cỏ ba lá ngọt ngào cùng dải đất yên bình ven hồ khiến nỗi đau của người vợ mất chồng bớt bi thương,… Con người và thiên nhiên như hòa thành một, bổ trợ, biến tấu thành bức tranh đêm hè phương Bắc vô cùng sống động và huyền ảo.
Ẩn trong tấm áo ngôn từ đẹp như thơ là một nội dung sâu sắc và chân thực về cuộc sống con người, Người trong đêm hè xứng đáng được Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng cao quý nhất của văn học thế giới về cho đất nước Phần Lan.
DIỆU THÔNG
(*) Đọc Người trong đêm hè, F.E.Sillanpää, Bùi Việt Hoa dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành.