.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Còn đi khi đồng đội chưa về đủ

Giữ trọn lời thề “không phụ lòng đồng đội đã khuất”, dù đã xấp xỉ tuổi 70,  nhưng ông Nguyễn Đình Tham vẫn có một điều ước rất giản dị là mong còn sức khỏe để tiếp tục lên đường tìm kiếm đồng đội đã khuất.

Với “Nghĩa tình đồng đội”, từ năm 1990 đến nay, ông Nguyễn Đình Tham (sinh năm 1945) cùng với ông Trần Kim Hùng trực tiếp cất bốc, quy tập được 300 hài cốt liệt sĩ của Tiểu đoàn 489 Đặc công Đà Nẵng và một số hài cốt đơn vị bạn. Số hài cốt biết đầy đủ thông tin được ông liên lạc với gia đình, người thân của liệt sĩ và làm đầy đủ Còn đi khi đồng đội ... thủ tục hồ sơ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bàn giao hài cốt đưa về nguyên quán. Số còn lại chưa rõ danh tính, ông liên hệ chính quyền địa phương gần nhất đưa các anh vào nghĩa trang yên nghỉ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tham cho biết: “Với truyền thống quê hương, gia đình, tôi sớm giác ngộ và đi làm cách mạng năm 16 tuổi. Suốt những năm đọ sức với đội quân xâm lược, tôi chiến đấu trên vành đai diệt Mỹ Hòa Vang. Mỗi trận đánh là một chiến công và cũng bao kỷ niệm mừng vui, nỗi buồn của đời lính giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc trên chiến trường. Trở về từ cuộc chiến có quá nhiều bom đạn, hy sinh mất mát, trên cơ thể nhiều vết thương để lại (mất sức lao động 70%, thương tật 41%) nhưng tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội còn nằm lại rải rác khắp các chiến trường. Bao người mẹ, người cha, người vợ, những đứa con, đồng đội ngày đêm trông ngóng. Với lời thề năm xưa bên chiến hào đánh Mỹ đói rét, sống chết có nhau, nỗi đau và tình yêu thương đồng đội tạo cho tôi một sức mạnh quyết tâm thực hiện hoài bão được góp một phần công sức nhỏ bé vào công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Tham cùng với ông Trần Kim Hùng bắt đầu thực hiện tâm niệm của mình, kiên trì tổ chức hàng trăm chuyến đi trở lại chiến trường xưa. Tuy tuổi già sức yếu nhưng ông không ngại vượt đèo lội suối, ngủ rừng, dựa vào những trang nhật ký chiến đấu theo sơ đồ trí nhớ từng trận đánh để xác minh chính xác nơi nằm lại của đồng đội. Kinh phí cho mỗi chuyến đi được trích từ lương hưu, tiền trợ cấp thương tật, tiền bồi dưỡng Bí thư chi bộ hằng tháng. Chuyến đi đáng nhớ nhất của ông là vào tháng 12-2000 khi ông lên đỉnh núi Ôrây ở huyện Hiên cất bốc hài cốt liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Như Hưng (1 trong 7 Dũng sĩ Điện Ngọc) mang về trao tận tay mẹ của liệt sĩ đã 90 tuổi cư trú ở thôn 5 xã Điện Nam, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo huyện Điện Bàn. Vào tháng 12-2009, sau khi cất bốc 3 bộ hài cốt liệt sĩ, ông cũng đã mang ra tận các tỉnh phía Bắc để giao tận tay cho vợ và các con của liệt sĩ.

Nhờ những trang nhật ký chiến đấu, cán bộ, du kích và dân bám trụ địa phương, trong 2 năm qua (2011-2012) ông Tham đã tìm thấy và tổ chức cất bốc được 8 hài cốt liệt sĩ tại vùng núi Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và tại Hòa Vang, Cẩm Lệ (Đà Nẵng)… rồi sau đó lập thủ tục bàn giao tận tay người thân chuyển về nguyên quán. Ngoài cất bốc 8 hài cốt liệt sĩ trên, ông đã lập tờ trình xin phép cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và huyện Điện Bàn cho ông khắc bia gắn lên 7 ngôi mộ vô danh thành hữu danh vào ngày 2-6-2011 để được “trả lại tên cho anh” sau 40 năm. “Nhìn những giọt nước mắt mừng vui của vợ con, gia đình người thân khi tôi trao những hài cốt tận tay mới thấm thía ý nghĩa nhân văn, việc đóng góp thầm lặng”, ông Tham tâm sự. Ông Tham còn khẳng định: “Nếu còn sức khỏe, tôi vẫn còn đi khi đồng đội chưa về đủ”.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.