Bà Mai Thị Bê, người Cơtu, ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, chỉ vào vườn bơ mới trồng, hồ hởi khoe rằng, vườn bơ này do CCB và thanh niên trong xã đến trồng giúp bà. Họ còn giúp bà nắm bắt kỹ thuật chăm sóc cây bơ. Đây là loại cây cao sản, giống mua từ Tây Nguyên, sau 3 năm sẽ có quả bán và thu hoạch kéo dài trong nhiều năm.
Trồng vườn bơ mẫu giúp 3 hộ dân tộc nghèo ở Phú Túc. |
Còn ông Đinh Văn Ninh (cũng ở Phú Túc) vừa được Hội Nông dân xã Hòa Phú vận động hội viên ủng hộ giống và công lao động đến trồng giúp vườn tre Điền Trúc - một loại tre lấy măng vừa dễ trồng, vừa đạt năng suất cao và có sản phẩm bán sau khoảng vài ba năm...
Theo chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Phú hỗ trợ cây giống, phân bón, các cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật, nhằm giúp các hộ dân tộc nghèo ở thôn Phú Túc có nguồn thu nhập ổn định bằng mô hình trồng vườn cây ăn quả. Trước hết, chính quyền cùng các đoàn thể tập trung hỗ trợ bà con trồng bơ, tre Điền Trúc và một số cây ăn quả khác với phương châm “giúp hộ nào, chắc hộ đó”. Theo đó, các đoàn thể địa phương đã giúp hộ nghèo ở Phú Túc trồng hàng nghìn cây dứa, chuối, đu đủ…, trong đó có nhiều hộ trồng đạt kết quả khả quan.
Đầu xuân Quý Tỵ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên huyện Hòa Vang phối hợp tổ chức lễ phát động ra quân “Tết trồng cây nhớ ơn Bác” nhằm trồng cây xanh hai bên đường lên Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang và trong khuôn viên nhà Gươl, thôn Phú Túc. Trong chương trình này, CCB và tuổi trẻ Hòa Vang đã trồng kín cây bơ trong khu vườn mẫu. “Nghiên cứu của các ngành chức năng cho thấy, chất đất ở đây rất phù hợp cho cây bơ phát triển và hy vọng giống cây cao sản này sẽ giúp bà con thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội CCB huyện Hòa Vang cho biết.
Bà Lê Thị Trâm chăm chú xách nước tưới bơ, lòng hân hoan với ý nghĩ sẽ có cuộc sống khấm khá hơn từ vườn bơ này. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi 2 con, dù đã được chính quyền, đoàn thể hỗ trợ nhiều, nhưng cuộc sống gia đình bà vẫn triền miên khó khăn, bởi không có nguồn thu nhập ổn định. Ngày ngày, bà lên núi chặt cây lấy củi, vất vả lắm mới đưa được một vác củi ra khỏi rừng mà chỉ bán được vỏn vẹn 10.000 đồng. “Mình cố gắng chăm sóc vườn bơ theo đúng kỹ thuật đã được cán bộ hướng dẫn và tin rằng nó sẽ giúp mình thay đổi cuộc sống mà không phải lên rừng lấy củi đầy khó nhọc”, bà Trâm chia sẻ.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM